Công Giáo Khắp Nơi

Tiến sĩ Philip Mango cho rằng sự quyết định giữa lòng căm thù và tha thứ là điểm tối quan trọng trong bất cứ hôn nhân nào. Ông là chuyên gia tâm lý trị liệu với 32 năm kinh nghiệm trong việc giúp các đôi vợ chồng biết cách tha thứ cho nhau và biết cách giải quyết sự bất đồng trước khi họ trở nên oán giận hoặc ghét bỏ nhau.

Ông Mango cũng là chủ tịch của Viện Tâm Lý Học St. Michael, là một tổ chức của các chuyên gia quốc tế về bệnh tâm thần mà trong tổ chức này, họ đóng góp những khám phá về tâm bệnh học theo quan điểm của Giáo Hội về con người, tình yêu và tình dục - nhất là các quan điểm của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sau đây là cuộc phỏng vấn của tuần báo Catholic Faith & Family (CFF) và Tiến sĩ Mango.

CFF: Ông nói hôn nhân là ơn gọi phổ thông nhất và khó khăn nhất. Ðâu là những thử thách cho một hôn nhân tốt đẹp?

Mango: Các nguyên do ngày nay rất phức tạp, vì có nhiều động lực trong thế giới hiện đại--như sự gia tăng của chủ thuyết luân lý tương đối và ngày càng có nhiều gia đình "bệnh hoạn," vân vân. Ngoài ra, rất nhiều nơi sự chuẩn bị hôn nhân không đầy đủ.

Vợ chồng Công Giáo cần hiểu biết hôn nhân về phương diện tâm linh cũng như vấn đề thần học về thể xác; họ cũng cần khéo léo trong sự giao tiếp và biết cách giải quyết các xung đột. Nhưng không may, một người bình thường thì không dễ có được sự hiểu biết này.

Ðối với tôi, mối đe dọa hàng đầu cho hôn nhân là sự hờn tủi và cay đắng làm phát sinh tức giận.

Tại sao sự tức giận lại xảy ra trong một tương giao lẽ ra phải có đặc tính yêu thương và thân thiện?

Lý do chính là vì chúng ta dễ bị tổn thương trong hôn nhân. Chúng ta khao khát để yêu, được yêu và được hạnh phúc. Khao khát càng lớn thì chúng ta càng dễ bị thất vọng và đau khổ.

Ðó là một trong những lý do tại sao sự xung đột là điều không thể tránh được trong hôn nhân. Thật vậy, sự xung đột là điều bình thường, tự nhiên--và ngay cả cần thiết trong hôn nhân.

Xung đột tự nó không có tính cách hủy hoại. Nó chỉ có nghĩa là có những khác biệt cần phải giải quyết. Vấn đề là làm thế nào để đối phó với các xung đột. Nếu không giải quyết, xung đột sẽ đưa đến cay đắng, tủi hờn, giận dữ và căm thù.

CFF: Sự căm thù có ảnh hưởng nhiều đến hôn nhân không?

Mango: Có, nhưng thật quan trọng để phân biệt giữa căm thù và ghét bỏ.

Ghét bỏ chỉ là một loại cảm xúc mạnh, một loại ác cảm tâm sinh học đối với sự xúc phạm hoặc điều được cho là xúc phạm. Ðó là một cảm xúc mạnh, và tự nó không có gì sái quấy hay không lành mạnh về phương diện tâm lý.

Căm thù, ngược lại là một hành động chủ ý. Nó từ chối nghĩ tốt và làm điều tốt. Căm thù có nghĩa bạn sẽ không cầu nguyện cho vợ hoặc chồng của mình, sẽ không nghĩ tốt về họ, không muốn quên đi ước muốn trả thù.

Hôn nhân bị suy yếu dần khi vợ chồng không đối phó với các cảm xúc như ghét bỏ, giận dữ và oán hờn trong một phương cách xây dựng. Các cảm xúc này sẽ dẫn đến việc không muốn cho đi, hoặc không muốn giữ lại những gì tốt đẹp.

Ðây là lúc sự tha thứ phải xuất hiện - thực sự tha thứ chỉ xuất phát từ ý muốn. Trong khi sự căm thù khép kín mọi cánh cửa đối với người khác, sự tha thứ là một hành động nội tâm có tính cách cởi mở, thiện tâm, và đầy nhân ái. Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng tha thứ.

Ðồng thời, sự tha thứ không có nghĩa chịu đựng những thái độ như nghiện ngập, cờ bạc, thường xuyên không chung thủy, đánh đập và dùng lời lẽ thô tục với nhau. Các vợ chồng thường hay lầm lẫn về điều này.

Chúng ta phải tha thứ, nhưng trong một số trường hợp sự tha thứ đòi hỏi phải có giới hạn nào đó - tỉ như chú trọng đến sự hướng dẫn của các chuyên gia, hoặc ngay cả sống xa nhau một thời gian. Sự kiên quyết này khác với sự căm thù hoặc thù nghịch.

Dù vấn đề lớn hay nhỏ thế nào, các vợ chồng phải nhớ rằng sự tha thứ chắc chắc là tâm điểm của hôn nhân - và cũng nên biết rằng có lẽ đó là điều khó khăn nhất trong các hành vi của con người!

Thực sự tha thứ cho người khác và sẵn sàng nhận lãnh sự tha thứ đó là hình thức cao cả nhất của lòng thương xót. Vì lý do này, tha thứ là căn bản của vấn đề ơn Chúa. Một người có khả năng thì điều đó giúp họ mau tiến triển, nhưng không ai có thể tha thứ mà không có ơn Chúa.

CCF: Trước khi vợ chồng tha thứ cho nhau, họ cần phải nhận biết đâu là điểm phải tha thứ. Ông có đề nghị gì về những điểm này?

Mango: Sau đây là một vài lãnh vực đặc biệt làm nền tảng cho những cảm xúc mà nó có thể dẫn đến sự khước từ tình yêu.

Ghen tị. Ðiều này xảy ra khi vợ hoặc chồng thấy người kia có những đức tính tốt mà họ không có. Vì buồn sầu và tức giận về sự thiếu thốn này, người vợ hay chồng ghen tị sẽ đi đến phẫn uất và phấn đấu một cách ích kỷ cho bản thân họ.

Các ông thường hay ghen tị về niềm vui và bình an của các bà - ngay cả trong vô thức, đó là trực giác của họ. Nhưng bất cứ vợ hay chồng đều có thể cảm thấy ghen tị, và bất cứ cảm tưởng nào cũng có thể là chất xúc tác: "Anh ấy sung sướng hơn tôi... nhàn hạ hơn tôi... bằng cấp hơn tôi... thành công hơn... đạo đức hơn."

Kiêu căng. Ngạo mạn, tự nâng mình lên, quá chú ý đến mình, tự cho mình là đúng, v.v. đó là cảm nhận ngấm ngầm cho rằng mình có phẩm hạnh hơn người phối ngẫu.

Kiêu căng thường xảy ra cho những người đạo đức hay giúp đỡ người nghèo, thường làm việc tông đồ hay thường xuyên lễ lạy, nhưng không nhận ra ơn gọi hàng ngày của Thiên Chúa là hãy tha thứ cho nhau. Thông thường, những người này nhắm đến việc thay đổi người phối ngẫu và họ cảm thấy phẫn uất khi bị thất bại.

Sự khác biệt về phái tính. Khoa học xác nhận có sự khác biệt tâm sinh lý một cách triệt để mà vợ chồng phải lưu ý để sự giao tiếp được tốt đẹp.

Thí dụ, nếu ông chồng không hiểu rằng vợ mình cần cảm thấy có sự liên hệ chặt chẽ thì rất có thể ông cho rằng những phản ứng bình thường của vợ là những gì vô lý, khắt khe, muốn kiểm soát và đòi hỏi. Tương tự như thế, khi người vợ không hiểu rằng người đàn ông hay sợ thất bại thì bà không biết cách hỗ trợ chồng mình với sự tôn trọng và quả quyết mà ông đang cần.

Quên đi những khác biệt đó có thể dẫn đến sự oán hờn và cay đắng.

CFF: Còn những tương giao trong quá khứ thì sao? Có thể nào một người đang lập gia đình mà họ không thể tha thứ cho một người thật quan trọng trong quá khứ, điều đó có cản trở sự tin tưởng và yêu thương trọn vẹn người phối ngẫu hiện tại của họ hay không?

Mango: Hầu như thế. Bất cứ sự tổn thương nào trong quá khứ chưa được giải quyết đều có thể là nguồn mạch chính yếu cho sự oán hờn và thù nghịch trong hôn nhân - sự tổn thương đó có thể xuất phát từ gia đình gốc, từ một nhóm bạn, hay từ người tình cũ.

Như tôi thường thấy khi chữa trị về hôn nhân, nhiều người chất chứa trong lòng sự giận dữ ghê gớm đối với cha mẹ, anh chị em, thầy cô hoặc Giáo Hội. Nếu không thành thật đương đầu, sự giận dữ này có thể bị khơi dậy thật dễ dàng trong hôn nhân, và thường là một cách vô ý thức. Không có sự giúp đỡ của chuyên gia, nhiều người không nhận ra rằng họ đang tái diễn một điều gì đó có từ quan hệ trước và họ chuyển sang người phối ngẫu hiện tại những gì không thuộc về người này.

Như thế, một hôn nhân lành mạnh có thể đi sâu vào quá khứ để hàn gắn những đau thương cũ. Và chắc chắn rằng, các bí tích có thể giúp thực hiện được điều này.

Nhưng với những ai nghĩ rằng mình bị tổn thương trong quá khứ, tôi cũng khuyên là họ nên tìm kiếm sự chữa trị của chuyên gia. Ðừng cho rằng mọi sự sẽ được giải quyết vì bạn nghĩ rằng: "Ðâu có sao. Tôi đã tha thứ cho họ rồi." Tâm thần cần được lành lặn, và sự tha thứ thì không giống như chỉ trải qua một tiến trình điều trị.

CFF: Vợ chồng có thể làm gì để xây đắp bầu khí chấp nhận và tha thứ trong hôn nhân?

Mango: Nên dành thời giờ để học hỏi về những khác biệt tâm sinh lý giữa đàn ông và đàn bà.

Hầu như các ông không thực sự "hiểu" được các bà, và ngược lại các bà không "hiểu" được các ông. Ðây không phải là trường hợp có ý xấu. Nó chỉ có nghĩa chúng ta cần nỗ lực để hiểu biết thêm và trau dồi thêm cách giao tiếp tốt đẹp, như thế sẽ bớt đi tiềm năng thù nghịch.

Thí dụ, thật quan trọng để biết rằng đàn ông và đàn bà đều có nhu cầu như nhau, nhưng sắp xếp thứ tự thì khác nhau.

Ðứng đầu danh sách của người vợ là nhu cầu cần được hỗ trợ, lưu tâm, và thấu cảm của ông chồng. Bất kể bà được yêu thương, được bảo bọc cách mấy đi nữa, hàng ngày người vợ luôn luôn muốn được đoan chắc rằng chồng mình có mặt vì mình.

Nhưng hầu hết các ông chồng đều không nhìn thấy cường độ mãnh liệt này của các bà! Do đó, thay vì bày tỏ sự đoan chắc, các ông lại phản ứng với nhu cầu tình cảm của các bà bằng lời khuyên bảo và hướng dẫn, bằng sửa chữa cái này cái nọ.

Tôi nói với các ông rằng, "Ðây là một phản ứng bình thường của đàn ông. Nhưng trước khi quý vị tìm cách sửa chữa, hãy dẹp cái tôi của mình sang một bên để lắng nghe! Ðó không phải là vấn đề giận dỗi. Ðó là một hành vi của nhân cách. Hãy lắng nghe vợ mình một cách nghiêm trọng trong 10 phút! Và trao cho bà một nụ hôn trìu mến!"

Về phần các bà, thường không hiểu rằng các ông lo sợ thất bại là chừng nào. Vì lý do này, người chồng muốn được đảm bảo rằng không những ông ta được yêu thương một cách dịu dàng mà còn được cảm phục và tôn trọng nữa.

Thật vô cùng quan trọng khi ông chồng cảm thấy vợ mình cảm phục và nghe bà nói: "Em quý mến tính tình, khí phách và sự ân cần của anh." Dĩ nhiên, ông phải có điều gì đó để bà thực sự tôn trọng chứ!

Một điều khác các bà cần phải biết là quan-điểm-về-chính-mình của các ông thật mong manh. Khi lo sợ hoặc nghi ngờ, đàn ông chúng tôi thường khép kín và thu mình lại, hơn là vươn tới.

CFF: Ông có đề nghị gì khác?

Mango: Tôi cố gắng giới hạn chỉ nói thêm một điều nữa thôi. Hãy quyết tâm cố gắng giải quyết xung đột để sự cay đắng và oán hờn không xảy ra trong hôn nhân. Hiển nhiên điều này hữu hiệu nhất khi cả hai vợ chồng cùng đồng lòng với nhau.

Ðồng thời, tôi cũng thấy nhiều hôn nhân thăng tiến cách đáng kể khi chỉ có một người quyết tâm. Ðó là vì nó khích lệ người ấy nhắm đến việc thay đổi chính mình hơn là thay đổi người phối ngẫu. Toan tính thay đổi người khác thường đưa đến thất bại, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp như nghiện thuốc hoặc hành động hung bạo.

Giải quyết xung đột là một nghệ thuật, và cần thời gian để luyện tập. Một điều thật hữu ích là phải nhận ra những trở ngại.

Sự tự vệ là một. Nếu bạn nhận thấy mình có điều đó, bước thực tế là quyết tâm lắng nghe người phối ngẫu mà không vội vàng tự bào chữa.

Bạn có thể nói lên quyết tâm đó một cách lớn tiếng: "Anh muốn lắng nghe em mà không gián đoạn." Hoặc bạn có thể nói người phối ngẫu viết xuống điều họ oán giận để bạn có thể nghiêm trọng suy nghĩ về điều đó. Dù bạn không đồng ý với tất cả những gì trong ấy, sự sẵn sàng lắng nghe ấy có thể dịu bớt sự giận dữ và oán hờn.

Ðốp chát là một trở ngại khác để giải quyết xung đột. Không phải mọi sự đốp chát đều là vấn đề, nhưng đúng hơn các lời lẽ dùng để tấn công cá tính và động lực của người kia.

Tôi thường nói với các vợ chồng mà tôi khuyên bảo, "Quý vị có thể nói bất cứ gì mình muốn: 'Tôi giận lắm. Tôi không thích những gì anh làm'. Nhưng đừng bao giờ đề cập đến cá tính!"

Thật độc hại nếu bạn nói người phối ngẫu là ngu xuẩn hay lười biếng. Và thật liều lĩnh khi thốt ra những lời cáo buộc như, "Em làm điều ấy là vì ghen tương!" Chỉ có Thiên Chúa mới biết động lực trong tâm hồn người ta; và cương vị của chúng ta không phải là phán xét hay lên án.

Thái độ ù lì - từ chối bàn thảo đến các xung đột - là một vấn đề phổ thông khác, nhất là trong giới đàn ông.

Cũng nguy hiểm không kém là sự thoái thác, cho rằng không có xung đột gì cả.

Nếu bạn gặp khó khăn khi tự mình vượt qua các trở ngại nói trên thì hãy tự cổ động mình bằng cách nghĩ đến các hậu quả tiêu cực của sự không tha thứ, cũng như hậu quả tích cực mà sự tha thứ có thể đem lại.

Sáu Phương Cách Xây Dựng Hôn Nhân


1. Quyết tâm chung thủy và hàn gắn những đau thương trong quá khứ. Tìm sự trợ giúp của chuyên gia nếu cần.

2. Tìm hiểu quan điểm đích thực của Công Giáo về tình yêu và tình dục. Kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên. Ðề nghị đọc cuốn: Love & Responsibility của Karol Wojtyla, hiện là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

3. Tìm hiểu sự khác biệt giữa nam và nữ. Khám phá ra nghệ thuật giải quyết xung đột. Một cuốn sách hữu ích là: Relationship Rescue của tâm lý gia Phillip C. McGraw.

4. Ðừng cố gắng thay đổi người phối ngẫu. Hãy nhắm đến việc thay đổi chính mình.

5. Tìm kiếm sức mạnh tâm linh từ bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải. Dành thời giờ cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa.

6. Xin Thiên Chúa ban cho ơn biết tha thứ. Tìm hiểu cách tha thứ và sẵn sàng tập luyện cách tha thứ.

www.nguoitinhuu.com