Lời Chứng

Thật là điều sung sướng và ngạc nhiên cho tôi khi được chia sẻ về vấn đề tại sao tôi coi Giáo Hội Công Giáo La Mã là một gia đình của Thiên Chúa mà Người muốn tất cả con cái của Người cùng chia sẻ. Đức Fulton Sheen có nói, không có đến 100 người ở Hoa Kỳ ghét Giáo Hội Công Giáo, dù rằng có đến hàng triệu người ghét những gì mà họ lầm tưởng về Giáo Hội Công Giáo và các giáo huấn. Và thật may mắn, tôi thuộc về hạng người thứ hai. Vì trong nhiều năm tôi chống đối Giáo Hội Công Giáo, và tôi hoạt động đắc lực để đưa người Công Giáo ra khỏi Giáo Hội. Nhưng qua sự nghiên cứu và cầu nguyện, tôi thấy rằng Giáo Hội Công Giáo La Mã có nền tảng dựa trên Kinh Thánh.

Người Thiếu Niên Trở Về Với Chúa Giêsu

Đó là điều tôi muốn chia sẻ với quý vị hôm nay. Nó khởi đầu bằng một cảm nghiệm hoán cải của tôi khi ở trung học. Tôi không lớn lên trong một gia đình Kitô Giáo vững mạnh. Chúng tôi không đến nhà thờ thường xuyên, và do đó tôi không đạo đức lắm. Điều mà Thiên Chúa đã dùng trong cuộc đời tôi là một tổ chức có tên Young Life, một tổ chức nhằm đến với các thiếu niên không thuộc tôn giáo nào, và một người tên Jack đặc biệt làm quen với tôi và chia sẻ với tôi Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô. Điều đó đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời tôi.

Những năm đầu trung học, tôi thề hứa và nhận Đức Giêsu Kitô vào tâm hồn; tôi xin Người là Đấng cứu độ và là Chúa của tôi. Tôi trao cho Người những tội lỗi của tôi và tôi nhận lại ơn tha thứ và sự cứu độ. Đó là một sự khác biệt lớn lao cho tôi. Vì phải đánh đổi với biết bao bạn bè, nhưng Thiên Chúa đã bù đắp điều đó bằng cách cho tôi các người bạn thật, những người bạn trong Đức Kitô.

Jack là người dạy tôi biết yêu mến Thiên Chúa và cũng dạy tôi đọc Kinh Thánh và không chỉ đọc mà còn nghiên cứu, và không chỉ nghiên cứu mà còn đắm chìm trong đó-đọc đi đọc lại từ đầu cho đến cuối. Vào lúc xong trung học, tôi đã đọc trọn bộ Kinh Thánh đến hai ba lần. Và tôi trở nên say mê Kinh Thánh. Kết quả là tôi trở nên rất tin tưởng vào một vài điều kể sau.

Trước hết, ngoài việc đọc Kinh Thánh, Jack còn chia sẻ với tôi các văn bản của Martin Luther, của John Calvin, và tôi trở nên một Kitô Hữu Tin Lành đầy tin tưởng, không chỉ là một Kitô Hữu Duy Kinh Thánh, nhưng còn tin rằng cho đến khoảng năm 1500 Phúc Âm đã bị thất thoát giữa những mê tín dị đoan thời trung cổ và tất cả các công việc trần tục mà Giáo Hội Công Giáo chấp nhận. Và vì vậy, điều tin tưởng đầu tiên của tôi là giúp những người Công Giáo nhìn ra sự đơn giản của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô, để cho họ thấy rằng trong Kinh Thánh, chỉ cần chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế và là Chúa, và tất cả chỉ cần có vậy. Không có những phô trương như Đức Maria, các thánh, luyện ngục, các việc sùng kính, chỉ cần xin Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế.

Lúc bấy giờ, tôi có quen với một thiếu nữ người Công Giáo, và chúng tôi rất thân thiện. Nhưng tôi biết cuộc tình của chúng tôi sẽ chẳng đi đến đâu nếu cô ta vẫn giữ đạo Công Giáo. Do đó, tôi đưa cho cô một cuốn sách thật dầy của Loraine Boettner có tựa đề là Đạo Công Giáo La Mã. Cuốn này nổi tiếng là đả kích đạo Công Giáo. Nó gồm bốn trăm năm mươi trang đầy những xuyên tạc và dối gạt về Giáo Hội Công Giáo. Nhưng lúc bấy giờ tôi không biết, bởi vậy tôi thành thật chia sẻ với cô ta. Cô ấy đọc từ đầu đến cuối. Hè năm ấy, cô viết cho tôi và nói: "Cám ơn đã cho tôi cuốn sách này; tôi sẽ không bao giờ đi lễ nữa." Tôi kể ra điều này với ít nhiều xấu hổ và hối hận, tuy nhiên tôi muốn cho quý vị thấy sự thành thật của nhiều Kitô Hữu Duy Kinh Thánh khi chống đối Giáo Hội Công Giáo. Tôi mường tượng rằng nếu miếng bánh mà họ thờ phượng trên bàn thờ không phải là Thiên Chúa, thì họ là những người thờ ngẫu tượng, họ là người ngoại giáo, họ đáng thương và đáng chống đối. Nếu Đức giáo hoàng ở La Mã không phải là vị đại diện bất khả ngộ của Đức Kitô mà đã ràng buộc hàng trăm triệu người Công Giáo trong các tín điều và việc đạo đức, thì ông ta là một bạo chúa. Ông ta đơn giản thực sự là một nhà lãnh đạo tinh thần độc tài. Và vì tôi không nghĩ ngài là vị đại diện bất khả ngộ, nên tôi thấy thật có lý để giúp người Công Giáo cũng có cái nhìn như tôi mà từ bỏ Giáo Hội.

Trong dòng họ của tôi, người duy nhất theo Công Giáo là bà ngoại thân yêu của tôi. Bà rất im lặng, rất khiêm tốn, rất đạo đức, tôi phải thú nhận như vậy. Và bà còn là một người Công Giáo sốt sắng. Khi bà từ trần, cha mẹ tôi trao cho tôi các vật tùy thân của bà. Tôi lướt qua sách kinh và sách lễ của bà, và tôi tìm thấy cỗ tràng hạt. Tất cả những thứ ấy chỉ làm tôi buồn nôn. Tôi biết bà tin thật nơi Đức Giêsu, nhưng tôi tự hỏi tất cả những thứ này có nghĩa gì. Do đó tôi kéo đứt chuỗi tràng hạt và ném vào thùng rác. Tôi nghĩ chuỗi hạt này không khác gì bùa chú mà sau cùng bà đã được giải thoát. Đó là khía cạnh thứ hai của cái nhìn của tôi: là những người này có lẽ có ít nhiều đức tin nhưng bị vây phủ bởi những giả trá, và do đó họ cần yêu quý Kitô Hữu Duy Kinh Thánh để giúp họ giải thoát.

Sau đó, khi tốt nghiệp trung học, tôi quyết định không những theo đuổi làm mục sư mà còn nghiên cứu thần học nữa. Quyết định này là kết quả của bài luận văn vào cuối năm trung học. Tôi viết một bài tựa đề Sola Fide. Đó là chữ La tinh có nghĩa Chỉ Nhờ Đức Tin. Đó chính là câu mà Martin Luther đã dùng để khởi động phong trào Cải Cách Tin Lành. Ông nói rằng chúng ta được công chính hóa, chúng ta được chính trực với Thiên Chúa chỉ nhờ đức tin, chứ không bởi bất cứ công việc nào mà chúng ta thi hành. Với ông, đó là vấn đề mà giáo hội sẽ đứng vững hay suy sụp. Và vì lý do đó, Giáo Hội Công Giáo đã sụp và Giáo Hội Tin Lành vùng dậy. Tôi viết bài luận văn đó với sự xác quyết rằng, nếu bạn sai lầm ở điểm này, bạn sẽ sai lầm bất cứ gì khác. Nếu bạn nói rằng đức tin phải thêm cái này cái nọ, bạn đã làm vẩn đục chân lý đơn giản của Phúc Âm. Và do đó tôi bước vào đại học với sự tin tưởng mãnh liệt ấy.

Những Năm Đại Học

Bốn năm đại học của tôi bao gồm ba môn chính là Triết Học, Thần Học Trong Kinh Thánh và Kinh Tế Học. Nhưng tôi cũng dành thời giờ để sinh hoạt trong tổ chức Young Life. Tôi muốn đền ơn Thiên Chúa vì Người đã dùng tổ chức Young Life để đưa tôi đến với Đức Kitô. Do đó, trong bốn năm đại học tôi tận tụy đến với các thiếu niên không biết gì về Đức Kitô, và tôi thú nhận rằng trong số các em ấy có cả các em Công Giáo trong trường trung học tôi làm việc. Sau một vài lớp học hỏi Kinh Thánh tôi khám phá rằng không chỉ các em này không biết đến Đức Giêsu Kitô, mà trên thực tế tất cả các em học sinh Công Giáo tôi gặp đều không biết gì về những điều Giáo Hội Công Giáo dạy bảo. Nếu có một hai em biết, thì chúng cũng không biết lý do tại sao. Các em không có một chút lý luận gì để hỗ trợ cho đức tin của các em. Do đó thay đổi quan điểm của các em này theo nhãn quan Phúc Âm của Martin Luther, nhãn quan bài Công Giáo, thì dễ như bắt vịt trong lồng. Các em không chuẩn bị, không được học hỏi, không có khả năng tự vệ.

Tôi không nhớ rõ những gì đã xảy ra trong mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm năm qua, nhưng khi nhìn lại các em này và tự hỏi không biết các em có phải là những vật thí nghiệm trong một loại thử nghiệm giáo lý nào đó hay không, mà người ta nghĩ rằng có thể bỏ qua việc dạy bảo các học thuyết cần phải tin và các lý lẽ hỗ trợ cho các học thuyết ấy. Nhưng thật là như vậy. Tôi thấy nhiều em đã từ bỏ Giáo Hội và tôi chiêu dụ các em trong một ý nghĩa nào đó của một đức tin chân chính tốt lành, nhưng tôi cũng chiêu dụ các em chỉ vì chính tôi cũng bị sai lạc.

Vào năm thứ ba hoạt động trong tổ chức Young Life, tôi rủ một cô đẹp nhất trong tổ chức là Kimberly cùng hợp tác với tôi để chiêu dụ các thiếu niên không thuộc một giáo hội nào cả. Chúng tôi cùng nhau hoạt động trong hai năm và có cảm tình với nhau. Đôi khi chúng tôi cãi nhau như anh em trong nhà khi thảo luận một vài phương cách để chiêu dụ các thiếu niên. Nhưng chúng tôi ngày càng thực sự tôn trọng nhau, do đó vào năm cuối đại học tôi ngỏ ý muốn lấy cô làm vợ. Chúng tôi làm đám cưới ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Cả hai chúng tôi đều có cùng một quan điểm. Chúng tôi muốn cùng nhau thi hành thừa tác vụ, chúng tôi muốn chia sẻ tin mừng của Chúa Kitô, chúng tôi muốn khai phá Kinh Thánh và làm cho dân chúng mến mộ.

Những Năm Huấn Luyện Làm Mục Sư

Sau khi đám cưới khoảng một hai tuần, chúng tôi vào trường huấn luyện (Công Giáo gọi là chủng viện). Thật là một cảm nghiệm lớn lao khi cùng nhau học hỏi để lấy bằng cử nhân thần học. Tôi lấy cấp bằng ba năm tại chủng viện Gordon-Conwell ở Boston ; vợ tôi lấy bằng hai năm. Sau cùng cả hai chúng tôi đều có cử nhân và tôi đứng nhất lớp. Tôi nói ra điều đó không phải vì kiêu ngạo, nhưng cho thấy tôi theo đuổi việc học này với một kiểu cách trả thù nào đó. Những ai biết tôi ở chủng viện họ đều biết tôi rất nhiệt thành. Tôi dùng bất cứ thời giờ nào rảnh rỗi để đọc và học hỏi Kinh Thánh, hay các sách về Kinh Thánh nhằm trưng ra các ý nghĩa của Kinh Thánh. Nếu không đọc sách hay học hỏi, tôi lại đến các tiệm sách cũ để tìm kiếm tài liệu. Kimberly và tôi trải qua ba năm thật tuyệt vời. Nhưng một vài điều đã xảy ra mà tôi cần phải kể ra đây vì hồi tưởng lại tôi thấy đó là những kinh nghiệm đáng nhớ trong đời.

Điều thứ nhất là môn học mà Kimberly theo học năm thứ nhất, đó cũng là lớp mà tôi đã theo học năm trước có tên là Đạo Đức Học Kitô Giáo. Tiến sĩ Davis cho mọi người chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận về nhiều đề tài. Có nhóm về vấn đề phá thai, có nhóm về chiến tranh nguyên tử, có nhóm về án tử hình. Một tối kia, vợ tôi cho biết nhóm của cô nghiên cứu về vấn đề ngừa thai. Tôi nhớ lúc ấy tự nhủ thầm, "Tại sao lại ngừa thai?"

Năm trước khi tôi học lớp này, không có ai muốn ghi tên vào nhóm và tôi cho Kimberly biết như vậy. Cô ấy trả lời, "Thì có thêm ba người nữa ghi tên và hôm nay chúng em gặp mặt nhau lần đầu tiên. Có một tên được bầu làm trưởng nhóm, và hắn ta công bố kết quả các cuộc nghiên cứu ngay trước khi bắt đầu. Hắn nói, 'Tất cả chúng ta đều biết là Tin Lành, là Kitô Hữu Duy Phúc Âm, việc ngừa thai thì không có gì trở ngại, tôi muốn nói là một khi chúng ta không dùng dụng cụ ngừa thai mà có thể đưa đến phá thai như I.U.D., v.v.' Hắn còn nói thêm là chỉ những người tự nhận mình là Kitô Hữu mà chống ngừa thai nhân tạo là người Công Giáo, và hắn cho biết, 'Dĩ nhiên, họ lý luận rằng vì họ dưới quyền của một Giáo Hoàng độc thân và được hướng dẫn bởi các linh mục độc thân không muốn nuôi con nít nhưng muốn các cha mẹ Công Giáo đẻ thật nhiều để họ có thể tuyển chọn các linh mục và nữ tu. Chỉ có vậy!'"

Kiểu cách lý luận đó không thuyết phục nổi Kimberly. Cô ấy hỏi, "Bạn có chắc đó là những lý luận mà người Công Giáo đưa ra hay không?" Và tôi đoán là anh chàng đó không trả lời nổi, nên nói, "Nếu vậy thì cô muốn tự mình đi tìm hiểu sao?" Đừng nói kiểu đó với Kimberly. Cô ấy trả lời, "Được," và cô ta quyết tâm tự mình tra cứu. Một tuần lễ trôi qua và Terry, bạn tôi, chặn tôi ngay trong hành lang và nói, "Anh phải nói chuyện với bà xã; cô ta đào xới được một số chi tiết lý thú về ngừa thai." Chi tiết lý thú về ngừa thai? Ngừa thai thì có gì là lý thú? Và Terry nói, "Cô ấy là vợ anh; anh phải tìm ra sự thật." "Được rồi, để tôi sẽ hỏi cô ấy."

Bữa cơm tối hôm đó, tôi hỏi vợ, "Terry nói về chuyện gì đó em?" Và Kimberly trả lời, "Em tìm thấy rằng mãi cho đến năm 1930, bất cứ nhánh Tin Lành nào cũng chống với việc ngừa thai dựa trên căn bản Kinh Thánh." Sau đó tôi nói, "Thôi mà, có lẽ chỉ một vài thế kỷ còn sót lại vết tích của chế độ La Mã, nhưng anh không rõ." Và cô ta nói, "Em sẽ tìm ra cho bằng được."

Thêm một tuần nữa trôi qua, Terry chặn tôi lại và nói, "Các lý luận của vợ anh rất hợp lý." Tôi hỏi, "Lý luận chống với việc ngừa thai có trong Kinh Thánh?" Terry đáp, "Anh phải nói chuyện với cô ấy." "Được, tôi sẽ nói chuyện với cô ấy." Quý vị thấy rằng lúc nào tôi cũng nghĩ là mình giỏi hơn vợ.

Do đó tôi nêu lên vấn đề và cô ta đưa cho tôi một cuốn sách. Đó là cuốn "Birth Control & The Marriage Covenant" (Kiểm Soát Sinh Sản và Giao Ước Hôn Nhân) của John Kippley. Sách mới được tái xuất bản, đổi tên là "Sex & The Marriage Covenant." Bạn có thể mua cuốn này tại nhà xuất bản Couple to Couple League ở Cincinnati . Tôi bắt đầu đọc sách này với nhiều lý thú vì với khả năng nghiên cứu riêng tôi, đã đọc trọn bộ Kinh Thánh một vài lần, tôi tin rằng nếu bạn muốn biết Thiên Chúa, bạn phải hiểu về giao ước, vì giao ước là ý nghĩa chính trong tất cả Kinh Thánh. Do đó khi cầm sách lên, tôi thích thú khi thấy chữ 'giao ước' ở tựa đề, Kiểm Soát Sinh Sản và Giao Ước Hôn Nhân. Tôi mở sách ra và bắt đầu đọc, và tôi nói, "Khoan đã, Kimberly, ông này là người Công Giáo. Em muốn anh phải đọc sách của một người Công Giáo sao?" Và một tư tưởng chợt nảy ra ngay lúc đó, Người Công Giáo làm gì mà để chữ 'giao ước' ngay trong tựa đề? Họ đã chộp cái ý niệm đẹp đẽ của tôi từ lúc nào?

Và rồi tôi bắt đầu đọc. Sau hai ba chương tôi bắt đầu thấy tác giả có lý, do đó tôi vội ném sách lên bàn. Tôi thực sự không muốn thấy tác giả này hơn tôi. Nhưng tôi lại cầm lên và đọc tiếp. Các lý luận của ông thật có ý nghĩa. Từ Kinh Thánh, từ giao ước, ông cho thấy hành vi hôn nhân không chỉ là hành vi thể xác; nó là một hành vi tinh thần mà Thiên Chúa đã hoạch định để qua đó giao ước hôn nhân được làm mới lại. Và trong tất cả các giao ước, bạn có cơ hội để làm mới lại giao ước ấy, và hành vi canh tân giao ước là một hành vi hay một giây phút của ơn sủng. Khi bạn canh tân giao ước, Thiên Chúa ban cho ơn sủng, và ơn sủng là sự sống, ơn sủng là sức mạnh, ơn sủng là chính tình yêu của Thiên Chúa. Ông Kippley cho thấy làm thế nào trong giao ước hôn nhân, Thiên Chúa đã hoạch định để giao ước ấy cho thấy sức mạnh ban-sự-sống của tình yêu. Chính trong giao ước hôn nhân cả hai trở nên một, và Thiên Chúa đã hoạch định như vậy để khi cả hai trở nên một, và họ kết hợp mật thiết đến nỗi chín tháng sau bạn phải đặt tên cho nó. Và đứa bé được thụ thai, hiện thân của sự nên một mà Thiên Chúa đã kết hợp hai người qua hành vi hôn nhân. Đó là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã hoạch định giao ước hôn nhân. Thiên Chúa phán, "Chúng ta hãy dựng con người trong hình ảnh và giống chúng ta," và Thiên Chúa, là ba trong một, đã dựng nên con người, nam và nữ, và nói, "Hãy sinh sôi nẩy nở." Hai người trở nên một và khi hai trở nên một, cái nên một ấy là đứa trẻ thứ ba, và sau đó họ trở nên ba trong một. Bắt đầu tôi thấy được các ý nghĩa, và tác giả cũng đưa ra nhiều lý luận khác. Khi đọc xong cuốn sách, tôi bị thuyết phục.

Điều làm tôi khó chịu chút ít là chỉ có Giáo Hội Công Giáo La Mã là Giáo Hội duy nhất còn duy trì giáo huấn cổ xưa có nguồn gốc từ Kinh Thánh, bởi vì trong năm 1930, Anh Giáo tách rời khỏi truyền thống này và bắt đầu cho phép ngừa thai, và không lâu sau đó mọi nhánh chính khác trên mặt đất này thực tế đã chịu thua trước áp lực vũ bão của cuộc cách mạng tình dục. Vào thập niên 1960 và 70, chính giáo phái của tôi, The Presbyterian Church in The United States of America (Hội Thánh Niên Trưởng Tại Hoa Kỳ), không chỉ tán thành ngừa thai nhưng cả việc phá thai theo yêu cầu và toàn quốc giúp quỹ cho việc phá thai, và điều đó làm tôi kinh hoàng.

Trong năm thứ ba và năm sau cùng ở chủng viện, một vài điều xảy ra tiêu biểu cho sự khủng hoảng của tôi. Tôi đang nghiên cứu về giao ước và nghe có một thần học gia khác cũng nghiên cứu về giao ước, là Giáo Sư Shepherd ở Philadelphia dạy tại Chủng Viện Westminster. Tôi biết về ông Shepherd chỉ vì ông đang bị kết án là rối đạo. Người ta nói rằng sự rối đạo của ông bắt nguồn từ sự hiểu biết về giao ước. Do đó tôi kiếm một vài tài liệu của ông, một số bài viết, và đọc qua. Tôi khám phá thấy rằng Giáo Sư Shepherd cũng đi đến cùng một kết luận mà việc nghiên cứu đã dẫn tôi đến.

Trong thế giới Tin Lành, ý tưởng giao ước được hiểu một cách thực tế như đồng nghĩa với hay có thể hoán đổi với chữ khế ước. Khi bạn có giao ước với Thiên Chúa, cũng giống như có khế ước. Bạn trao cho Thiên Chúa tội lỗi của bạn; Người trao Đức Kitô cho bạn, và mọi sự chỉ là trao đổi đức tin để được cứu độ.

Nhưng càng nghiên cứu tôi càng thấy người Do Thái xưa, và trong Sách Thánh, một giao ước khác với một khế ước cũng như một hôn nhân khác với sự mãi dâm. Trong khế ước bạn trao đổi tài sản, trong khi với giao ước bạn trao đổi con người. Trong khế ước bạn nói, "Đây là của bạn và đó là của tôi," nhưng Sách Thánh cho thấy trong giao ước bạn nói, "Tôi là của bạn và bạn là của tôi." Ngay cả khi Thiên Chúa giao ước với chúng ta, Người nói, "Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và ngươi sẽ là dân của ta." Sau khi nghiên cứu tiếng cổ Do Thái, tôi thấy rằng chữ 'Am, có nghĩa người dân, đúng nghĩa là người bà con, gia đình. Ta sẽ là Thiên Chúa và cha của ngươi; ngươi sẽ là gia đình ta, con cái ta. Như thế giao ước tạo thành các mối giây thân thuộc hợp thành một gia đình với Thiên Chúa.

Tôi đọc các bài của Giáo Sư Shepherd, và ông cũng nói cùng một điều: giao ước của chúng ta với Thiên Chúa có nghĩa là phận làm con. Tôi nghĩ, "Nếu vậy thì đúng." Tôi tự hỏi sự rối đạo ở đây gồm có gì. Sau đó có người nói với tôi, "Ông Shepherd đang đặt ra vấn đề sola fide." Cái gì! Không thể nào được. Vì đây là Phúc Âm mà. Đó là chân lý đơn giản của Đức Kitô. Người đã chết vì tội lỗi; tôi tin ở Người. Người cứu độ tôi, rõ ràng và đơn giản; nó đã xong rồi. Sola fide? Ông ấy đặt vấn đề đó sao? Không thể nào được.

Tôi gọi điện thoại cho ông. Tôi nói, "Tôi vừa mới đọc xong những điều ông viết về giao ước; nó thật có ý nghĩa. Tôi cũng đi đến cùng một kết luận. Nhưng tại sao điều này lại dẫn ông đến việc đặt lại vấn đề học thuyết sola fide của Luther?" Trong cuộc nói chuyện, ông tiếp tục cho thấy rằng ý niệm về công chính hóa của Luther thì rất hạn hẹp. Nó có nhiều sự thật nhưng cũng thiếu sót nhiều sự thật.

Khi cúp điện thoại, tôi theo đuổi điều này thêm một chút và khám phá thấy rằng đối với Luther, và có thể nói với tất cả mọi Kitô Hữu Duy Phúc Âm và Tin Lành, Thiên Chúa là một quan tòa, và giao ước là khuôn viên tòa án mà tất cả chúng ta là tội phạm. Nhưng vì Đức Kitô đã chịu hình phạt của chúng ta, chúng ta có sự công chính của Người, và Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta, do đó chúng ta không bị trừng phạt; chúng ta được công chính hóa. Với Luther, nói cách khác, sự cứu độ là một trao đổi hợp pháp, nhưng với Phaolô trong thư Rôma, thư Galát, sự cứu độ là như vậy, nhưng còn hơn thế nữa. Nó không chỉ là một trao đổi hợp pháp vì giao ước không hướng về một tòa án La Mã mà hướng về một căn phòng gia đình Do Thái. Thiên Chúa không chỉ là một ông tòa; Thiên Chúa là một người cha, và phán quyết của Người thì nhân từ của một người cha. Đức Kitô không chỉ là người đại diện cho một nạn nhân vô tội đã gánh lấy tội lỗi, hình phạt của chúng ta; Người là trưởng tử trong các anh chị em. Người là anh cả trong gia đình, và Người thấy chúng ta tán loạn, như đứa con hoang đàng, như phiến loạn tách rời khỏi đời sống gia đình của Thiên Chúa. Và qua giao ước mới, Đức Kitô không chỉ trao đổi trong ý nghĩa pháp luật; Đức Kitô đã ban cho chúng ta tư cách làm con của chính Người để chúng ta thực sự trở nên con cái Thiên Chúa.

Khi tôi chia sẻ điều này với các bạn tôi, tất cả đều nói, "Phải, đó là Phaolô." Nhưng khi tôi tiếp tục đi vào các văn bản của Luther và Calvin, tôi không còn thấy điều đó. Họ huấn luyện tôi để nghiên cứu Sách Thánh, nhưng trong tiến trình, trong một ý nghĩa, tôi khám phá rằng có những kẽ hở hiển nhiên trong sự giảng dạy của họ. Do đó tôi đi đến kết luận rằng sola fide thì sai lầm. Thứ nhất, chỉ vì trong Kinh Thánh chẳng có chỗ nào nói đến điều đó cả. Thứ hai, vì Luther đã thêm vào chữ "chỉ" trong bản dịch sang tiếng Đức, trong thư Roma 3, dù rằng ông biết rất rõ là chữ "chỉ" không có trong bản văn tiếng Hy Lạp. Không thấy chỗ nào mà Thánh Thần đã linh ứng cho các tác giả Kinh Thánh để nói rằng chúng ta được cứu độ chỉ bởi đức tin. Thánh Phaolô dạy rằng chúng ta được cứu độ bởi đức tin, nhưng trong thư Galát ngài nói rằng chúng ta được cứu độ bởi đức tin hoạt động trong đức ái. Và đó không phải là phương cách sinh hoạt của một gia đình hay sao? Người cha không bao giờ nói với con cái rằng, "Này mấy đứa, vì các con ở trong gia đình này còn mấy đứa bạn con không ở trong nhà này, nên các con không phải làm việc, các con không phải vâng lời, các con không phải hy sinh vì các con đã được miễn. Các con sẽ được hưởng thừa kế bất kể các con hành động thế nào." Đó không phải là kiểu cách hành động.

Bởi đó tôi thay đổi ý nghĩ và trở nên rất băn khoăn. Một trong những giáo sư sáng giá của tôi là Tiến Sĩ John Gerstner, từng nói rằng "nếu chúng ta sai lầm về sola fide, tôi sẽ quỳ gối bên ngoài điện Vatican ở Rôma sáng ngày mai để sám hối." Lúc bấy giờ chúng tôi cười, thật là khoe khoang. Nhưng ông đã đưa ra điểm quan trọng; đây là điểm mà từ đó tất cả các học thuyết khác phát sinh. Và nếu chúng tôi sai lầm, chúng tôi phải tìm hiểu xem còn có những chỗ nào sai lầm nữa. Tôi băn khoăn, nhưng không quá lo lắng. Lúc bấy giờ tôi dự định sang Tô Cách Lan để theo học Đại Học Aberdeen về giao ước, vì ở Tô Cách Lan, thần học về giao ước được phát sinh và khai triển. Và tôi nóng lòng muốn sang học ở bên ấy. Do đó tôi không đặc biệt lưu tâm đến việc giải quyết vấn đề này, vì nói cho cùng, đó có thể là mục tiêu của luận án tiến sĩ của tôi.

Sau đó bỗng dưng chúng tôi được tin rằng sự thay đổi của chúng tôi về lý thuyết ngừa thai đã đưa đến sự thay đổi nơi Kimberly về cơ thể và sinh lý; cô ta có thai. Và nước Anh không tài trợ cho trẻ em Hoa Kỳ sinh ra ở nơi đây nên chúng tôi phải nhìn lại hoàn cảnh và nhận ra rằng chúng tôi chưa đủ khả năng để sang Tô Cách Lan. Chúng tôi phải chờ một năm, nhưng chúng tôi phải làm gì khi sắp sửa đến ngày mãn khóa? Chúng tôi không biết chắc; chúng tôi bắt đầu cầu nguyện.

Là Mục Sư của Hội Thánh ở Virginia

Tiếng điện thoại reo. Một hội thánh ở Virginia , một hội thánh nổi tiếng mà tôi đã nghe biết nhiều, gọi tôi và nói, "Ông có nghĩ đến việc xuống đây để làm mục sư ở đây không?" Điều này có nghĩa giảng một bài dài, hướng dẫn một lớp Kinh Thánh, trả lời các câu hỏi của những người "bô lão" (elders). Tôi nhận lời và xuống đó, giảng một bài, hướng dẫn học Kinh Thánh, gặp gỡ trong một cuộc họp. Họ nói, "Thật tuyệt vời; chúng tôi muốn ông ở đây. Chúng tôi sẽ trả ông hậu hĩnh để ông có thể theo học tối thiểu 20 giờ một tuần về Kinh Thánh và thần học. Tuy nhiên, chúng tôi muốn ông giảng tối thiểu 45 phút mỗi sáng Chúa Nhật để khai mở cho chúng tôi về Ngôi Lời." Bạn có thể tưởng tượng một linh mục Công Giáo mà giảng 45 phút thì được gì? Trong tuần tới cả nhà thờ đều vắng tanh. Ở đây, họ yêu cầu tôi giảng tối thiểu 45 phút. Tôi nói, "Nếu các ông bà muốn thì trói tay tôi lại." Và họ nói, "Chúng tôi muốn ông nhận chìm chúng tôi trong Lời Chúa," và vì thế tôi bắt đầu.

Điều đầu tiên tôi nói về giao ước. Điều thứ hai là chấn chỉnh những hiểu lầm về giao ước để cho họ thấy giao ước có nghĩa là gia đình. Điều thứ ba tôi cho họ thấy rằng gia đình của Thiên Chúa thì có nhiều ý nghĩa hơn cho chúng ta và những gì Đức Kitô đã thi hành hơn bất cứ điều gì trong Kinh Thánh. Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Con, và Thiên Chúa qua Thánh Thần đã biến chúng ta thành một gia đình với Người. Và một khi tôi bắt đầu giảng giải điều này, dạy điều nọ, nó lan tràn như cháy rừng. Nó lan qua giáo xứ; bạn có thể thấy nó ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình.

Thật phấn khởi. Điều thứ bốn tôi dạy họ về phụng vụ, giao ước và gia đình, và nói rằng trong Kinh Thánh giao ước được cử hành qua việc phụng tự là nơi gia đình Thiên Chúa tụ tập để ăn tiệc để cử mừng sự hy tế của Đức Kitô. Trong bài giảng cũng như trong lớp dạy tôi đề nghị có lẽ chúng ta phải có bữa tiệc gia đình, sự hiệp thông. Tôi dùng cả chữ "Thánh Lễ" (Eucharist). Họ chưa bao giờ nghe chữ này cả. Tôi nói, "Có lẽ hàng tuần chúng ta phải cử mừng vì được là giao ước của Thiên Chúa-gia đình qua sự hiệp thông." "Ông nói gì?" Tôi trả lời, "Thay vì dùng bài giảng làm tâm điểm, tại sao chúng ta không dùng bài giảng như phần mở đầu và chuẩn bị để đi vào việc ăn mừng chúng ta là gia đình của Chúa?" Họ thích ngay.

Nhưng một ông đứng lên hỏi, "Hàng tuần à? Ông biết là thân quá hóa nhờn; ông có chắc là chúng ta phải thi hành điều đó hàng tuần không?" Tôi trả lời, "Thử nghĩ coi. Có thể nào ông nói với vợ ông là anh chỉ yêu em bốn lần trong một năm? Cưng ơi, nói cho cùng, thân quá hóa nhờn. Ông biết là ông muốn được vợ ông hôn nhiều hơn bốn lần một năm chứ." Ông nhìn tôi và nói, "Tôi hiểu ông muốn nói gì."

Khi chúng tôi thay đổi phụng vụ, chúng tôi cảm thấy một sự thay đổi trong cảm nghiệm đời sống của giáo xứ cũng như trong gia đình. Và khi càng dạy họ về giao ước, tôi thật phấn khởi để thấy họ càng thèm khát muốn biết hơn nữa.

Trong khi đó, tôi cũng dạy một vài giờ tại một trường trung học Kitô Giáo địa phương cũng thuộc về hội thánh này. Có những học sinh thật sáng dạ chưa bao giờ thấy, và họ cũng nhiệt tình hưởng ứng ý tưởng về giao ước. Tôi khởi sự dạy một môn về lịch sử cứu độ, và lúc đầu, họ lo lắng vì môn này quá mơ hồ, tất cả những địa danh, tên tuổi còn chưa đọc đúng chứ nói gì đến ý nghĩa của những chữ ấy. Bởi đó tôi nói với các em, "Một khi các em nghĩ về giao ước như gia đình, điều đó thật đơn giản." Tôi dẫn các em qua hàng chuỗi giao ước trong Cựu Ước mà từ đó dẫn đến Đức Kitô. Trước hết, chúng ta có giao ước giữa Thiên Chúa và ADong; đó là một hôn nhân, một mối giây thân thiết. Giao ước thứ hai giữa Thiên Chúa với ông Nôe. Đó là một gia đình, một dòng họ với ông Nôe, bà vợ, ba người con trai và ba nàng dâu; tất cả tạo thành một gia đình với Thiên Chúa, một gia đình đức tin. Sau đó trong thời ông Abraham chúng ta thấy gia đình Thiên Chúa phát triển cho đến mức nó trở thành một gia đình bộ lạc. Kế đó giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với ông Môsê và Israel với 12 chi tộc đã trở thành một quốc gia, nhưng qua giao ước họ trở nên một gia tộc của Thiên Chúa. Cho đến sau cùng, khi Đức Kitô thiết lập giao ước mới. Thay vì gia đình Thiên Chúa chỉ gồm một dân tộc, đó là sự cao trọng đặc biệt của Tân Ước, tôi dạy các em, giờ đây chúng ta có một gia đình quốc tế, một gia đình trên toàn quốc - một gia đình phổ quát của chung (catholic family).

Một em giơ tay hỏi, "Nếu chúng ta thực sự phát triển điều này thì sẽ giống như cái gì?" Tôi vẽ hình kim tự tháp lên bảng và nói, "Hãy coi đó như một đại gia đình với hình ảnh người cha và mẹ ở những mức độ khác nhau, và tất cả chúng ta là anh chị em trong Đức Kitô." Tôi nghe có tiếng xì xầm ở cuối lớp, "Em thấy nó giống Giáo Hội Công Giáo." Tôi trả lời, "Không, không! Điều tôi nói với các em là giải pháp cho các vấn đề, là thuốc giải độc." Sau đó, trong bữa ăn trưa cô Rebecca đến với tôi và nói, "Chúng em làm cuộc biểu quyết ở cuối lớp; tất cả đều nhất trí nghĩ rằng thầy sẽ trở thành một người Công Giáo La Mã." Tôi mắc nghẹn, "Đừng nói vậy. Thầy không muốn mất việc, nhưng Rebecca này, điều tôi nói với các em thì không phải là đạo Công Giáo; nó là thuốc giải độc cho chất độc của đạo Công Giáo." Cô ta đứng đó, nhìn đăm đăm, "Tất cả đều đồng ý là thầy sẽ trở nên một người Công Giáo." Và cô quay lưng bỏ đi.

Tôi sững sờ. Chiều hôm ấy khi về đến nhà, tôi bước vào bếp, thấy Kimberly đứng gần tủ lạnh, tôi nói, "Em không thể tưởng được điều Rebecca nói với anh hôm nay!" "Cái gì nữa đây, một chuyện khác nữa của Rebecca hay sao?" Tôi trả lời, "Cô ấy đến với anh trong khi ăn trưa và tuyên bố rằng họ làm một cuộc biểu quyết ở cuối lớp và tất cả đồng ý rằng anh sẽ trở nên một người Công Giáo. Em có thể tưởng tượng được không, anh mà là người Công Giáo sao được?" Nhưng vợ tôi không cười. Cô ta đứng đó, nhìn chòng chọc vào tôi và hỏi, "Không phải vậy sao?" Như có ai cầm dao đâm sau lưng, tôi nói, "Em biết anh là một tín đồ của Calvin, một người Tin Lành, một người chống Công Giáo. Anh đã phân phát biết bao nhiêu sách của Boettner; anh đã làm nhiều người Công Giáo bỏ Giáo Hội. Anh đã quá quen với Martin Luther." Cô ta đứng đó và nói, "Thì vậy, nhưng đôi khi em tự hỏi không biết anh có phải là người Luther đi ngược hay không." Tôi không biết nói gì hơn.

Chậm rãi tôi trở về phòng đọc sách, đóng cửa rồi khóa lại, tôi thả mình xuống ghế và thực sự nghiền ngẫm. Tôi lo sợ. Một người Luther đi ngược. Đối với tôi, lúc đó có nghĩa đối nghịch với sự cứu độ. Tôi lo sợ. Có lẽ tôi đọc sách quá nhiều nhưng ít cầu nguyện, do đó tôi bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn. Tôi bắt đầu đọc thêm nhiều sách chống đối đạo Công Giáo, nhưng tất cả chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bởi đó tôi quay về với các tài liệu Công Giáo và tìm hiểu.

Giáo Sư Chủng Viện Hội Thánh Niên Trưởng

Trong khi đó một thảm kịch xảy ra. Tôi được một chủng viện tìm đến, một chủng viện của hội thánh Presbyter, và họ hỏi tôi có muốn dạy các chủng sinh với môn Phúc Âm Thánh Gioan không. Tôi trả lời, "Dĩ nhiên là có." Bởi đó từ Phúc Âm Thánh Gioan tôi bắt đầu chia sẻ tất cả về giao ước, về gia đình của Thiên Chúa, về ý nghĩa thực sự của việc tái sinh. Trong khi nghiên cứu tôi khám phá ra rằng tái sinh không có nghĩa là chấp nhận Đức Giêsu Kitô như Cứu Chúa của mình và xin Người chiếm ngự tâm hồn mình-dù đó là điều quan trọng và bất cứ tín hữu nào, Công Giáo hay không, phải xem Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa và có sự tương giao cá biệt với Người. Nhưng tôi khám phá thấy rằng điều Chúa Giêsu muốn nói trong Gioan đoạn 3 khi Người nói rằng anh em phải được sinh ra lần nữa. Người quay lại và nói rằng anh em phải được sinh ra trong nước và thần khí. Trong chương trước đó Người mới được thanh tẩy bằng nước và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Và ngay khi Người chấm dứt nói với ông Nicôđêmô về sự cần thiết để tái sinh trong nước và Thánh Thần, câu kế đến nói rằng Đức Giêsu và các môn đệ đi làm phép rửa cho dân chúng. Tôi dạy rằng tái sinh là một hành vi giao ước, một bí tích, một canh tân giao ước bao gồm phép rửa. Tôi chia sẻ điều này với các sinh viên; họ tin là như vậy.

Trong khi đang chuẩn bị bài giảng và diễn thuyết về Gioan chương 3, tôi đào sâu vào Gioan chương 6. Tôi không biết có bao nhiêu quý vị từng nghiên cứu về Phúc Âm Thánh Gioan. Nhưng đó là cuốn Phúc Âm phong phú nhất trong tất cả. Nhưng Gioan chương 6 là chương tôi thích nhất trong bốn cuốn Phúc Âm. Ở đó tôi khám phá những điều mà tôi đã từng đọc trước đây nhưng không bao giờ thấy. Hãy lắng nghe. "Đức Giêsu nói với họ, 'Thật Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn thịt của con người và uống máu Người anh em không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu Thầy sẽ có sự sống đời đời và Thầy sẽ cho người chỗi dậy vào ngày sau hết, vì thịt Thầy thật là của ăn và máu Thầy thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Thầy thì ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy.'" Tôi đã đọc câu đó; tôi đọc lại câu đó; tôi nhìn đến câu đó ở mười khía cạnh khác nhau. Tôi mua tất cả các cuốn sách viết về đoạn đó, các chú giải về Gioan. Tôi không thể biết làm thế nào để hiểu cho đúng.

Tôi được huấn luyện để giải thích điều đó trong một ý nghĩa tượng trưng; Đức Giêsu đang dùng một biểu tượng. Thịt và máu thực sự chỉ là một biểu tượng của thân thể và máu của Người. Nhưng càng nghiên cứu, tôi càng nhận thấy rằng sự giải thích đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Tại sao? Bởi vì ngay khi những người Do Thái nghe điều Đức Giêsu nói, họ bỏ đi. Cho đến lúc ấy, hàng ngàn người đang theo Ngài, và bỗng dưng đám đông ấy ghê tởm với điều Người nói, "Thịt Thầy thật là của ăn, máu Thầy thật là của uống," và tất cả họ bỏ đi. Hàng ngàn môn đệ bỏ Người. Nếu Đức Giêsu có ý định coi đó chỉ là biểu tượng, có lẽ Ngài sẽ nói, "Khoan đã, Thầy chỉ muốn nói điều ấy với ý nghĩa tượng trưng." Nhưng Người đã không làm điều đó; quả thật, Người làm gì?

Phúc Âm cho thấy Người quay về nhóm mười hai, và nói với họ, "Anh em cũng bỏ Thầy sao?" Người không nói, "Anh em có hiểu là Thầy chỉ muốn nói điều đó như một biểu tượng thôi sao?" Không! Người nói sự thật giải thoát chúng ta, Thầy từng giảng dạy sự thật. Anh em sẽ làm gì với điều đó?

Ông Phêrô đứng lên và nói: "Chúng con sẽ đến với ai? Chỉ có Thầy mới có lời hằng sống và chúng con tin như vậy." Điều ông Phêrô nói, "Chúng con sẽ đến với ai?" có nghĩa rằng, "Thầy Giêsu ơi, chúng con cũng không hiểu điều Thầy nói, nhưng Thầy có còn một rabbi nào khác để có thể giới thiệu không? Thầy biết, chúng con phải đến với ai bây giờ? Thật quá trễ cho chúng con; chúng con tin bất cứ gì Thầy nói ngay cả khi chúng con không thực sự hiểu hết, và nếu Thầy nói chúng con phải ăn thịt và uống máu của Thầy, thì thế nào Thầy cũng ban cho chúng con ơn sủng cần thiết để chấp nhận các lời Thầy theo giá trị bề mặt." Chúa Giêsu không muốn nói điều đó theo nghĩa biểu tượng.

Khi bắt đầu nghiên cứu điều này, tôi bắt đầu nhận thấy rằng đó là điều thuyết phục người Prebyter tin rằng tái sinh có nghĩa được thanh tẩy, nhưng làm thế nào tôi có thể thuyết phục họ rằng, chúng ta phải thực sự ăn thịt Người và uống máu Người được? Sau đó tôi để ý hơn về bữa tiệc ly và sự hiệp thông. Tôi thấy rằng Đức Giêsu không bao giờ dùng chữ "giao ước" trong khi cuộc đời rao giảng. Người cẩn thận để dành chữ ấy cho đến khi thiết lập Thánh Thể và Người nói, "Chén này là máu của giao ước mới." Nếu giao ước có nghĩa là gia đình thì điều gì biến chúng ta thành một gia đình? Chia sẻ thịt và máu. Do đó nếu Đức Kitô hình thành một giao ước mới, đó là một gia đình mới, thì Người sẽ cung cấp gì cho chúng ta? Thịt mới và máu mới. Tôi bắt đầu thấy lý do tại sao Giáo Hội tiên khởi hoặc trong vòng 700 năm đầu, không ai tranh luận về ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói. Tất cả các giáo phụ tiên khởi chấp nhận lời của Chúa Giêsu theo giá trị bề mặt và các ngài tin tưởng cũng như dạy rằng Đức Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Tôi thực sự lo sợ; tôi không biết phải quay về với ai.

Rồi một tối kia, bỗng dưng một tình tiết xảy ra ở chủng viện mà tôi không kịp chuẩn bị. Một sinh viên cựu Công Giáo tên là John giơ tay hỏi. Anh ta mới trình bầy xong chủ đề về Công Đồng Trentô. Nếu quý vị nhớ, Công Đồng Trentô (còn gọi là Triđentinô) là một phản ứng chính thức của Giáo Hội Công Giáo đối với Martin Luther và phong trào Cải Cách.

Trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, anh trình bầy Công Đồng Trentô theo một quan niệm thuận lợi. Anh đưa ra những lý luận thực sự dựa trên Kinh Thánh. Sau đó anh đảo ngược tình thế đối với tôi. Các sinh viên được hỏi anh ta một vài câu. Anh nói, "Thưa giáo sư Hahn, tôi có thể hỏi giáo sư một câu không? Giáo sư biết Luther thực sự đưa ra hai khẩu hiệu, không những câu sola fide (chỉ có đức tin), mà còn câu thứ hai ông ta dùng để nổi lên chống với Rôma là sola Scriptura, chỉ có Kinh Thánh. Câu hỏi của tôi là, "Chỗ nào trong Kinh Thánh dạy điều đó?"

Tôi nhìn anh bối rối. Tôi có thể cảm thấy mồ hôi đang nhỏ trên trán. Tôi thường kiêu hãnh khi hỏi các giáo sư những câu hỏi khó khăn nhất, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe câu này cả. Và tôi nghe mình nói những lời mà trước đây chưa bao giờ tôi nói như thế; tôi trả lời, "Này anh John, thật là một câu hỏi ngớ ngẩn." Anh ta không nản chí rút lui. Anh nhìn tôi và nói, "Hãy cho tôi một câu trả lời ngớ ngẩn." Tôi nói, "Được, để tôi xem." Tôi bắt đầu vung vít, "2 Timôtê 3:16 là mấu chốt: 'Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính, nhờ vậy, người của Thiên Chúa được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành...'" Anh nói, "Khoan đã, điều đó chỉ nói là Kinh Thánh được linh hứng và có lợi; nó không nói là CHỈ có Sách Thánh được linh hứng hay tốt hơn nữa, chỉ Sách Thánh thì có lợi cho những điều đó. Chúng ta cần những điều khác nữa như sự cầu nguyện," và rồi anh nói, "Còn 2 Thessalônica 2:15 thì sao?" Tôi hỏi, "Cái gì nữa đây?" Anh nói, "Trong đó, Phaolô nói với dân thành Thessalônica rằng họ phải kiên vững, họ phải bám lấy các truyền thống mà Phaolô đã dạy họ qua thư văn hay truyền khẩu." Tôi sững sờ, không chuẩn bị. Tôi đánh trống lảng, "Thôi, chúng ta đi sang các câu hỏi khác; tuần sau tôi sẽ trả lời câu ấy."

Tôi không nghĩ là các sinh viên biết tôi hoang mang như thế nào. Khi lái xe về nhà tối hôm ấy, tôi nhìn lên trời hỏi Chúa, tại sao chưa bao giờ con nghe câu hỏi đó? Tại sao chưa bao giờ con tìm thấy câu trả lời? Hôm sau, tôi bắt đầu gọi điện thoại cho các thần học gia trên khắp thế giới, họ là các giáo sư cũ của tôi. Tôi hỏi, "Chỗ nào trong Kinh Thánh dạy về sola Scriptura? Chỗ nào dạy rằng Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất của chúng ta?" Có một ông trả lời, "Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn." Tôi nói, "Vậy ông hãy cho tôi một câu trả lời ngớ ngẩn đi."Tôi tiếp tục theo đuổi. Một giáo sư mà tôi rất kính trọng, là thần học gia của Oxford , nói với tôi, "Anh Scott này, anh đừng mong tìm thấy minh chứng về sola Scriptura trong Kinh Thánh, vì đó không phải là điều Kinh Thánh bày tỏ. Đó là sự thừa nhận của chúng ta; đó là sự phỏng đoán của chúng ta khi tiếp cận với Kinh Thánh." Câu nói đó khiến tôi thấy kỳ cục; tôi hỏi, "Nhưng thưa giáo sư, điều đó có vẻ kỳ quặc vì chúng ta thường nói rằng chúng ta chỉ tin những gì Kinh Thánh dạy, nhưng chính Kinh Thánh lại không dạy rằng chúng ta chỉ phải tin những gì Kinh Thánh nói. Sự thừa nhận của chúng ta không được dạy trong Kinh Thánh. Điều đó giống như chúng ta đang cắt đứt cái cành mà chúng ta đang ngồi trên đó". Sau đó ông ấy nói, "Nhưng chúng ta còn chọn lựa nào khác?" Thật là một câu trả lời.

Một người bạn tôi, là thần học gia, gọi tôi và nói, "Scott, tôi nghe rằng anh đang lưu ý đến đức tin Công Giáo, điều đó có thật không?" "Ồ, không, tôi không thực sự lưu ý đến đức tin Công Giáo." Sau đó tôi quyết định đặt câu hỏi với anh ta. Tôi nói, "Anh Art ơi, đối với anh đâu là trụ cột và nền tảng chân lý?" Và anh nói, "Đối với tất cả chúng ta, Kinh Thánh là trụ cột và nền tảng chân lý." Tôi đáp, "Nếu vậy tại sao Kinh Thánh trong thư 1 Timôtê 3:15 lại dạy rằng trụ cột và nền tảng chân lý là giáo hội, gia đình đức tin?" Một sự im lặng và anh nói, "Tôi nghĩ là anh đang gài tôi với câu hỏi đó." Và tôi trả lời, "Tôi nghĩ là tôi đang bị kẹt với rất nhiều vấn đề." Anh nói, "Cho tôi biết giáo hội nào, hả Scott? Có quá nhiều hội thánh mà." Tôi nói, "Này Art, có bao nhiêu hội thánh thực sự thi hành công việc là trụ cột và nền tảng của chân lý? Tôi muốn nói, là một hội thánh dám nói rằng 'Chúng tôi là trụ cột và nền tảng của chân lý; hãy nhìn đến chúng tôi và các bạn sẽ được nghe Đức Kitô nói và giảng dạy'? Có bao nhiêu ứng viên cho công việc đó? Tôi biết chỉ có một. Tôi biết chỉ có Giáo Hội Công Giáo dạy rằng họ được thành lập bởi Đức Kitô; họ đã có khoảng 2,000 năm và đang rêu rao điều khủng khiếp tương tự như trong 1 Timôtê 3:15".

Cho đến lúc ấy, tôi không rõ phải làm gì. Tuy nhiên, một ngày kia tôi nhận được điện thoại từ ban giám đốc chủng viện nơi tôi dạy. Ông Steve rủ tôi đi ăn trưa. Tôi không rõ lý do. Tôi nghĩ, "Chắc tiếng đồn đã đến tai ông giám đốc rằng mình đang dạy những điều mà có lẽ của Công Giáo." Khi gặp ông, tôi lo sợ và thiếu tự tin. Ông cho biết ban giám đốc đã đồng ý quyết định, vì các lớp tôi dạy quá xuất sắc, vì nhiều người ghi tên theo học, nên họ hỏi tôi có muốn làm giám đốc chủng viện ở tuổi 26 hay không. Tôi không thể tin được. Ông nói, "Chúng tôi sẽ để anh dạy những môn anh thích. Anh có thể thuê thêm nhân viên nếu cần. Chúng tôi sẽ trả tiền cho anh theo đuổi chương trình tiến sĩ về thần học." Tôi nói, "Có chương trình tiến sĩ thần học nào gần đây không?" Ông nói, "Đại Học Công Giáo." Tôi nghĩ, ồ không được. Tôi không muốn học trường đó; hiện giờ tôi đang muốn trốn tránh cái viễn ảnh đó. Thực sự thì tôi không nói với ông như vậy. Ông kết luận, "Vậy anh thử cầu nguyện về điều đó xem sao?" Tôi nói, "Tôi sẽ cầu nguyện, nhưng tôi nghĩ tôi đã biết câu trả lời. Và thật kỳ cục, tôi nghĩ là tôi sẽ từ chối và không thể giải thích được lý do tại sao, bởi vì chính tôi cũng không rõ."

Khi về đến nhà, Kimberly đang đợi tôi. Cô nói, "Ông ấy muốn gì?" Tôi trả lời, "Ông ấy yêu cầu anh làm giám đốc." "Anh đừng có đùa." Tôi trả lời, "Không. Anh không đùa" "Anh trả lời sao?" Tôi nói, "Không." "Anh nói gì?" Tôi nói, "Anh không nhận." "Tại sao anh lại nói vậy?" Tôi nói, "Em ơi, ngay bây giờ anh còn chưa rõ những điều anh dạy. Ngay bây giờ anh không rõ Kinh Thánh dạy gì, và anh biết là một ngày nào đó anh sẽ đứng trước mặt Đức Giêsu Kitô để chịu phán xét, và điều đó không dễ để anh nói với Chúa rằng, 'Chúa ơi, con chỉ dạy những gì con được học hỏi.' Ngài sẽ cho anh thấy những gì là chân lý trong Kinh Thánh và anh phải trung thành với điều mà Chúa đã chỉ cho anh." Cô ta bước đến bên tôi, quàng tay ôm tôi và siết chặt. Rồi cô ấy nói, "Anh ơi, đó là điều em yêu anh, đó là lý do tại sao em lấy anh, nhưng, chúng ta phải cầu nguyện thêm." Cô ấy biết điều đó có nghĩa gì: Nó có nghĩa không chỉ từ chối lời đề nghị, nhưng còn có nghĩa từ bỏ công việc tốt đẹp làm mục sư  của một nhà thờ đang phát triển. Tôi thích cả hai công việc ấy.

Phụ Tá Quản Trị Cho Hiệu Trưởng

Chúng tôi không biết phải làm gì. Trong tháng Bảy chúng tôi không còn biết đến những gì xảy ra chung quanh. Sau khi cầu nguyện nhiều, chúng tôi quyết định phải trở về thành phố với mái trường xưa nơi chúng tôi lần đầu gặp gỡ. Khi về đó, tôi xin việc ở nhiều nơi, nhưng trường này thuê tôi làm phụ tá quản trị cho ông hiệu trưởng. Trong hai năm tôi làm việc ở đây, đó là thời gian lý tưởng vì tôi làm việc ban ngày và ban tối được tự do theo đuổi công việc nghiên cứu.

Trong vòng hai năm, tôi đọc qua hàng trăm cuốn sách, và lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu các thần học gia Công Giáo cũng như các học giả Kinh Thánh. Và tôi sửng sốt trước các quan điểm thật sâu sắc của họ, và hơn thế nữa, các quan điểm ấy phù hợp với những điều tự tôi khám phá. Tôi không thể tin được rằng các khám phá lạ thường, mới mẻ mà tôi vất vả có được thì họ lại cho là đương nhiên như vậy, và điều đó làm tôi áy náy.

Có những lúc tôi bước ra khỏi thư phòng và đọc cho Kimberly nghe rồi nói, "Em nghe đoạn này và đoán thử tác giả." Vì cô ta cũng là một thần học gia trong một ý nghĩa nào đó, và cô quá bận rộn với việc chăm sóc con cái nên không có nhiều thời giờ. Nhưng cô cũng ngồi xuống lắng nghe và tôi hỏi, "Em nghĩ đó là ai?" Cô trả lời, "Chà! Hay quá. Nghe như một trong những bài giảng của anh ở Virginia . Em muốn nghe lại hết sức." Tôi nói, "Đó là văn kiện Gaudium et Spes của công đồng Vatican II. Đó là Giáo Hội Công Giáo." Cô gay gắt, "Em không muốn nghe điều đó." Tôi nói, "Em thấy đó, đoạn văn nói về phụng vụ này thật tuyệt vời. Anh không rõ, nhưng anh nghĩ có lẽ Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên người Anh Giáo." Đó mới nửa đường về nhà. Cô ta nhìn tôi, nước mắt lưng tròng và nói, "Người Anh Giáo! Em là một người Presbyter, cha của em là mục sư Presbyter, chú của em là một mục sư Prebyter, chồng em từng là một mục sư Presbyter, anh trai của em muốn trở thành mục sư, và chính em cũng muốn trở thành mục sư. Em không muốn là một người Anh Giáo." Vào lúc đó, cô cảm thấy bị bỏ rơi, bị phản bội.

Tôi nhớ đến điều đó vì một vài tháng sau, sau khi đọc thêm nhiều, một tối kia tôi đến nói với vợ, "Kimberly, anh chưa chắc chắn, nhưng anh bắt đầu nghĩ rằng có lẽ Thiên Chúa kêu gọi anh để trở thành một người Công Giáo La Mã." Trông cô ta càng tuyệt vọng hơn. Cô nói, "Có thể nào chúng ta trở nên người Anh Giáo không? Giáo phái nào cũng được ngoại trừ Công Giáo." Quý vị Công Giáo từ nhỏ không thể nào hiểu được điều này. Quý vị không thể biết được sự sợ hãi như thế nào khi nghĩ đến phải bơi qua sông Tiber , khi phải thần phục Đức Giáo Hoàng. Cô ta ngày càng tuyệt vọng. Cô bắt đầu cầu xin để có ai đó cứu vớt chồng cô-có thể là giáo sư, thần học gia hay bạn hữu nào đó.

Hành Trình Đến Với Đạo Công Giáo

Sau cùng thì điều đó xảy đến. Một ngày kia tôi nhận được điện thoại từ Gerry, người bạn thân từ khi ở chủng viện. Một môn sinh Phi Beta Kappa về văn học Hy La và Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp. Anh là sinh viên duy nhất ở chủng viện cùng với tôi chủ trương rằng, theo sự tin tưởng xa xưa của Tin Lành, Đức Giáo Hoàng từng là người phản-Kitô. Chúng tôi từng sát cánh nhau chống đối mọi sự tương nhượng thấy được trong các nhánh Tin Lành anh em. Tôi đọc cho anh ấy nghe một đoạn từ cuốn sách của Cha Bouyer. Anh nói, "Chà, thật phong phú và sâu xa. Ai viết đó?" Tôi nói, "Louis Bouyer." "Bouyer? Tôi chưa bao giờ nghe cả, ông ấy là gì?" Tôi hỏi, "Anh muốn nói gì?" "Có phải là một người Methodist không?" Tôi nói, "Không." "Một người Baptist?" "Không." "Vậy là người Lutheran sao? Hắn là gì?" Tôi nói, "Ông ấy là một người Công...." "Xin lỗi, tôi nghe không rõ." Tôi nói, "Ông ấy là Công Giáo La..." "Khoan đã, hình như điện thoại nghe không rõ. Tôi nghe anh nói ông ấy là Công Giáo." Tôi nói, "Gerry này, tôi nói ông ấy là Công Giáo và thực sự là Công Giáo, và tôi từng đọc rất nhiều sách của người Công Giáo."

Bất thình lình như dòng thác Niagara tuôn trào, tôi nói một hơi, "Tôi từng đọc Danielou, và Ratzinger, và de Lubac, và Garrigou-Lagrange và Congar, và tất cả đều thật phong phú; anh cũng phải nghiên cứu họ." Gerry nói, "Từ từ. Này Scott, có lẽ linh hồn anh đang bị nguy hiểm." Tôi nói, "Gerry, tôi có thể gửi cho anh tên của những cuốn đó không?" Anh nói, "Dĩ nhiên, tôi sẽ đọc, sẽ làm bất cứ gì để cứu anh khỏi cái cạm bẫy này. Và tôi sẽ cho anh tên những cuốn khác." Anh kể ra khoảng mười cuốn sách chống đối Công Giáo. Tôi nói, "Gerry, tôi từng đọc các cuốn này rồi, tối thiểu một hai lần." Anh nói, "Vậy hãy gửi cho tôi tên các cuốn sách ấy," và tôi đã gửi cho anh.

Khoảng một tháng sau, chúng tôi sắp xếp để nói chuyện lâu trên điện thoại. Kimberly thì càng phấn khởi hơn; ít ra một hiệp sĩ Phi Beta Kappa trong áo giáp sáng loáng đã đến để giải cứu chồng cô khỏi nanh vuốt của đạo Công Giáo. Do đó cô ta hồi hộp chờ đợi khi cuộc nói chuyện chấm dứt, và tôi cho cô biết là Gerry thật khích động vì anh ta đang đọc tất cả những thứ đó và bắt đầu nghiêm trọng để ý đến lời của tôi. Cô nói, "Ô hay quá, em biết là anh ấy sẽ giúp mình mà."

Điều đó tiếp diễn trong ba bốn tháng. Chúng tôi nói chuyện điện thoại "long distance" hai ba tiếng, có khi đến bốn tiếng đồng hồ để thảo luận về thần học và Kinh Thánh cho đến ba bốn giờ sáng. Kimberly thật vui mừng và cám ơn Gerry vì anh ấy đã quá lo lắng cho tôi.

Một đêm kia, tôi bước vào phòng ngủ khoảng hai ba giờ sáng; cô ta vẫn thức. Đèn đã tắt, nhưng cô ấy ngồi trên giường và hỏi, "Sao thế nào?" Tôi nói, "Tốt lắm." "Nói cho em nghe đi." Tôi nói, "Gerry thì hầu như say sưa và khích động về những chân lý trong Kinh Thánh mà Giáo Hội Công Giáo đề ra." "CÁI GÌ!" Tôi không thể thấy rõ khuôn mặt của cô ấy, nhưng tôi cảm được nó xệ xuống khi cô chùn người xuống tấm nệm, úp mặt vào gối và nức nở. Tôi cũng không thể choàng tay lên người vợ tôi; cô ta thực sự bị tổn thương và bị bỏ rơi.

Một ít sau Gerry lại gọi tôi và nói, "Nghe đây, tôi hơi lo sợ. Các bạn tôi cũng vậy. Chúng ta đừng coi thường điều này. Tôi đã nói chuyện với Tiến Sĩ John Gerstner, đây là một người Presbyter có bằng cấp ở Harvard, một thần học gia chuyên bài bác Công Giáo. Ông ta sẽ gặp chúng mình nếu muốn." Chúng tôi sắp xếp để Gerry, Tiến Sĩ Gerstner và tôi gặp nhau trong sáu tiếng đồng hồ, cùng nhau đi qua Cựu Ước bằng tiếng cổ Do Thái, Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp, và các tài liệu và công đồng trong lịch sử Giáo Hội. Sau sáu giờ đồng hồ, Gerry và tôi hy vọng sẽ thoát khỏi vũng nước nhờ bậc kỳ tài này. Thay vào đó, điều mà chúng tôi khám phá ra là Giáo Hội Công Giáo hầu như không cần đến một sự tự vệ nào cả. Giống như một con sư tử; chỉ cần đưa ra khỏi chuồng là đủ. Chúng tôi đưa ra các giảng dạy của Giáo Hội và các văn bản trong Kinh Thánh, và chúng tôi cảm thấy là ông ấy không thể trả lời cho bất cứ câu hỏi nào. Sau cùng, chúng tôi hầu như kinh ngạc tự hỏi, "Điều này có nghĩa gì?" Không ai trong chúng tôi biết được. Các môn sinh bài bác Công Giáo tích cực nhất đang tự hỏi không biết Thiên Chúa có phải là một người Công Giáo hay không-chúng tôi thật kinh sợ.

Trong khi đó tôi gửi đơn xin việc đến Đại Học Marquette vì tôi nghe họ có một vài thần học gia nổi tiếng có nền tảng trên giao ước đang nghiên cứu về Giáo Hội và thực hiện được nhiều điều tốt đẹp. Ngay trước khi tôi được trả lời là họ chấp nhận và được học bổng, tôi đến thăm một vài linh mục trong vùng. Tôi lo sợ. Tôi thi hành điều đó vào ban đêm để không ai thấy. Tôi cảm thấy mình dơ bẩn và ô uế khi bước vào nhà xứ. Tôi ngồi xuống và sau cùng nêu lên vài câu hỏi, mỗi linh mục đều nói với tôi. "Hãy nói về điều gì đó ngoài vấn đề thần học." Không một linh mục nào muốn thảo luận về các thắc mắc của tôi. Một trong các linh mục thực sự nói rằng, "Ông nghĩ đến vấn đề trở lại đạo sao? Đừng, đừng làm vậy. Kể từ công đồng Vatican II chúng tôi không khuyến khích điều đó. Điều tốt nhất ông có thể thi hành cho Giáo Hội là hãy trở nên một mục sư tốt lành." Tôi nói, "Thưa Cha,..." "Đừng, hãy gọi tôi là Mike." Tôi trả lời, "OK, Mike. Tôi không xin ông bẻ tay tôi và buộc tôi vào đạo. Tôi nghĩ là Chúa gọi tôi." Ông ấy nói, "Nếu bạn muốn sự giúp đỡ của tôi thì bạn đã đến lầm người."

Sau khoảng bốn năm lần gặp gỡ như vậy, tôi thật hoang mang. Tôi chia sẻ điều này với vợ tôi. Cô ấy nói, "Anh phải đến một trường Công Giáo để theo học toàn thời gian, là nơi anh có thể nghe từ nguồn tin đáng tin cậy, là nơi anh biết chắc là Giáo Hội Công Giáo mà anh tin thì vẫn còn hiện hữu." Cô ta nói đúng. Do đó sau khi cầu nguyện nhiều và chuẩn bị, chúng tôi di chuyển sang Milwaukee là nơi tôi hoàn tất chương trình tiến sĩ trong hai năm.

Hai năm đó là những năm học hỏi dồi dào nhất chưa từng có và cũng là quãng thời gian phong phú nhất để cầu nguyện. Dù rằng tôi thấy mình ở giữa các chủng sinh mà ở đó tôi thực sự là một người Tin Lành duy nhất bảo vệ các giáo huấn của Giáo Hội chống với những tấn công của chính người Công Giáo. Thật kỳ lạ, Tỉ như, sự giảng dạy của Đức Gioan Phaolô thì thật phù hợp Kinh Thánh và đầy tính cách giao ước. Tôi giải thích điều này cho họ. Nhưng không nhiều thần học gia có thể lĩnh hội một cách đầy đủ. Tôi thực sự vui thích với quãng thời gian ấy. Nhưng đồng thời có vài điều đã xảy ra, thực sự có hai điều.

Thứ nhất, tôi bắt đầu lần chuỗi. Tôi thực sự lo sợ khi thi hành điều này. Tôi xin Chúa đừng bực mình khi tôi thử. Tôi bắt đầu đọc kinh, và khi đọc tôi cảm thấy trong tâm hồn điều mà tôi biết trong tâm trí: tôi là con cái của Thiên Chúa. Tôi không chỉ có Thiên Chúa là Cha và Đức Kitô là người anh; tôi còn có Mẹ của Người cho chính tôi.

Một người bạn nghe biết điều tôi đang suy nghĩ về Giáo Hội Công Giáo gọi điện thoại cho tôi và nói: "Anh có thờ Đức Maria như những người Công Giáo không?" Tôi nói, "Họ không thờ Đức Maria; họ vinh danh Đức Maria." "Vậy có gì khác biệt?" Tôi nói, "Để tôi giải thích. Khi Đức Kitô chấp nhận lời mời gọi của Chúa Cha để làm xuống thế người, Người chấp trách nhiệm vâng phục luật lệ, được tóm lược trong Mười Điều Răn. Có một điều răn nói rằng, 'Phải tôn kính cha mẹ.'" Tôi nói thêm, "Trong tiếng cổ Do Thái, chữ 'kaboda' (tôn kính), có nghĩa vinh danh, dành bất cứ vinh dự và sự tôn kính nào của mình cho cha mẹ. Đức Kitô đã chu toàn lề luật ấy một cách tuyệt hảo hơn bất cứ ai khác bằng cách dành vinh dự của Người cho Cha trên trời và dành vinh dự của một vị chúa để vinh danh Mẹ Người. Tất cả những gì chúng tôi thi hành khi lần chuỗi là bắt chước Đức Kitô là Người đã vinh danh Mẹ Người với chính sự vinh hiển của Người. Chúng tôi vinh danh Đức Maria với sự vinh hiển của Đức Kitô."

Điều thứ hai xảy ra khi tôi âm thầm lẻn vào nhà nguyện dưới tầng hầm ở Marquette, Gesu. Ở đó có Thánh Lễ ban trưa và chưa bao giờ tôi dự lễ. Tôi ngồi ở ghế sau cùng. Tôi không quỳ. Tôi không bái gối, tôi cũng không đứng. Tôi là một quan sát viên, tôi đến đó để theo dõi. Nhưng tôi thật ngạc nhiên khi thấy 40, 50, 60, 80 hay 100 người đến tham dự Thánh Lễ buổi trưa, họ là những người bình thường đến nhà nguyện, bái gối, qùy cầu nguyện. Sau đó có tiếng chuông và tất cả đứng dậy. Thánh Lễ bắt đầu. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy.

Phụng Vụ Lời Chúa thật dồi dào, không chỉ có các bài đọc. Tôi nghĩ trong Thánh Lễ ngày thường họ đọc Kinh Thánh dài hơn ngày Chúa Nhật. Nhưng lời kinh của họ thấm đẫm ngôn ngữ Kinh Thánh và các trích dẫn từ Isaia và Egiêkien. Tôi ngồi đó tự nhủ, "Đó là Giêkaria; đó là Êgiêkien. Chà! Như thể KinhThánh đi vào đời sống và nhảy múa ngay trên cung thánh và nói, 'Đây là chỗ của tôi.'"

Sau đó phần Phụng Vụ Thánh Thể bắt đầu. Tôi nhìn xem và lắng nghe khi linh mục đọc lời thánh hiến và nâng bánh thánh lên cao. Vào lúc đó, tôi phải thú nhận là giọt hồ nghi sau cùng không còn nữa. Tôi nhìn đến Mình Thánh và nói, "Lạy Chúa và Thiên Chúa của con." Khi dân chúng tiến lên rước lễ, tôi thực sự đầm đìa nước mắt, "Chúa ơi, con muốn có Chúa. Con muốn hiệp thông trọn vẹn với Chúa. Chúa đã đến tâm hồn con. Chúa là Cứu Chúa và là Chúa của con, nhưng giờ đây con nghĩ Chúa muốn đến với lưỡi con và bao tử của con, đi vào thân thể con cũng như linh hồn con cho đến khi sự hiệp thông chấm dứt."

Sau Thánh Lễ, dân chúng ở lại đôi phút để cảm tạ sau đó họ ra về. Và hiển nhiên, tôi bước ra ngoài tự hỏi, tôi đã làm điều gì vậy? Nhưng ngày hôm sau, tôi trở lại, và ngày sau nữa, sau nữa. Tôi không thể nói với một linh hồn nào. Tôi không thể nói với vợ tôi. Nhưng trong một hoặc hai tuần lễ tôi bị thu hút. Tôi hoàn toàn trong cuộc tình với Đức Kitô và sự Hiện Diện Thực Sự của Người trong Thánh Thể. Điều đó trở thành nguồn gốc và cao điểm cũng như tuyệt đỉnh của mỗi ngày, và tôi vẫn không thể nói điều đó với bất cứ ai.

Rồi một ngày kia Gerry gọi tôi. Chính anh đã đọc hàng trăm cuốn sách. Anh gọi tôi để thông báo, "Vợ tôi và tôi quyết định sẽ trở thành người Công Giáo vào Phục Sinh này (1986)" Tôi lớn tiếng, "Ê Gerry. Lẽ ra anh phải ngăn chặn tôi trở lại đạo Công Giáo; bây giờ anh lại đi trước tôi sao? Chơi vậy thì không đẹp." Anh nói, "Nghe đây Scott, tôi không biết anh còn có những thắc mắc nào hay chống đối nào, nhưng tất cả các câu hỏi của chúng ta đều được trả lời." Tôi trả lời, "Tôi cũng vậy." Anh nói, "Thấy chưa, tôi đâu có tò mò."

Sau khi gác máy điện thoại, tự nhiên tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng sự trì trệ việc vâng phục đối với tôi cũng giống như bất tuân phục. Thiên Chúa đã nói rõ trong Kinh Thánh về Đức Maria, về Đức Giáo Hoàng, ngay cả về Luyện Ngục từ thư 1 Corintô 3:15 và tiếp đó, về các thánh như người trong gia đình của Thiên Chúa, như anh chị em trong Đức Kitô. Tôi giải thích cho các bạn tôi nghe về ý nghĩa chính của Gia Đình Thiên Chúa mà đó là điều có ý nghĩa nhất trong đức tin Công Giáo. Đức Maria là mẹ của chúng ta, Đức Giáo Hoàng là người cha tinh thần, các thánh như anh chị, Thánh Lễ là một bữa tiệc gia đình, các ngày lễ giống như ngày kỷ niệm sinh nhật hay thành hôn. Chúng ta là gia đình của Chúa. Tôi không phải là một đứa mồ côi; tôi có mái nhà. Tôi chưa về đến nhà. Tôi bắt đầu xin Chúa, "Chúa muốn con làm gì? Gerry thì đang chuẩn bị gia nhập. Chúa muốn con làm gì?" Và Thiên Chúa lại xoay sang hỏi tôi, "Con muốn làm gì?" Tôi nói, "Con muốn về nhà. Con muốn rước Chúa trong Thánh Thể." Và tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi, "Thầy đâu có cản con." Do đó tôi suy nghĩ, tốt hơn mình nên nói chuyện này với vợ.

Bởi đó tôi đi xuống nhà và nói, "Kimberly, em không thể đoán được điều mà vợ chồng Gerry đang sửa soạn thi hành". "Điều gì?" Lúc bấy giờ cô không còn hy vọng gì nữa. "Họ sẽ trở nên người Công Giáo vào Phục Sinh này (1986)." Cô nhìn tôi và thở dài-cô ấy biết tôi rất rõ và vẫn yêu tôi-cô nói, "Rồi sao? Điều đó có gì khác biệt đâu? Anh đã từng hứa là anh không gia nhập Công Giáo cho đến năm 1990 là sớm nhất." Tôi trả lời, "Phải, em đã nhắc anh điều đó; đúng vậy, anh đã hứa như vậy. Nhưng anh có thể được miễn cho điều đó nếu em cảm..." "Không, không, đừng..." "Em sẽ cầu nguyện cho anh điều đó chứ?" "Anh đừng dùng vấn đề cầu nguyện để tránh lời hứa." Tôi nói, "Nhưng Kimberly này, em không muốn nghe điều ấy, em không muốn đọc về điều ấy, em không muốn thảo luận về điều ấy. Nhưng đối với anh, việc trì trệ vâng phục một điều mà Thiên Chúa đã cho biết quá rõ thì cũng giống như bất tuân phục." Tôi biết Kimberly yêu tôi nhiều nên không bao giờ để tôi hay áp lực tôi phải không vâng lời Thiên Chúa. Cô ấy nói, "Em sẽ cầu nguyện về điều đó, nhưng em bảo cho anh biết, em cảm thấy bị phản bội. Em cảm thấy bị bỏ rơi. Chưa bao giờ trong đời em cảm thấy cô đơn như vậy. Tất cả các ước mơ của em đều tiêu tan vì vấn đề này." Nhưng cô ấy đã cầu nguyện và Thiên Chúa chúc lành cho cô. Kimberly trở lại và nói, "Đây là điều đau lòng nhất trong đời, trong hôn nhân của chúng ta, nhưng em nghĩ đó là điều Thiên Chúa muốn em thi hành."

Vào lễ đêm Phục Sinh 1986, cô thực sự theo tôi đến tham dự Thánh Lễ là nơi tôi được lãnh nhận các bí tích tháp nhập: rửa tội với điều kiện, xưng tội lần đầu, thêm sức và rước lễ. Khi trở về chỗ ngồi, hình như vợ tôi khóc, tôi choàng tay qua người cô và chúng tôi bắt đầu cầu nguyện. Chúa nói với tôi, "Thầy đâu có bắt con trở thành một người Công Giáo mà quên đi tình yêu của con dành cho Kimberly, vì Thầy yêu cô ấy nhiều hơn con. Thầy yêu cầu con trở nên người Công Giáo vì tình yêu của con. Vì con không có sức mạnh để yêu thương cô ấy nhiều như Thầy muốn con yêu vợ con, Thầy sẽ ban cho con những gì còn thiếu sót trong Thánh Thể." Tôi nghĩ, "Chúa ơi, xin Chúa làm ơn giải thích điều đó cho vợ con đi." Và tôi cảm thấy một sự bình an từ từ đến khi Chúa nói, "Đến lúc ấy, Thầy sẽ nói; con lui đi chỗ khác. Con không phải là Thần Khí; con không thể thay đổi tâm hồn vợ con." Trong những ngày tháng kế đó, cô ta vẫn không thay đổi. Thật khó khăn.

Sau cùng tôi nhận dạy học trong vài năm ở một trường thuộc Joliet. Ngay trước khi dọn nhà, một điều mà Thiên Chúa đã để xảy ra. Chúng tôi có đứa con thứ ba, Hannah. Khi Hannah được thụ thai, tôi thật lo sợ. Có nhiều lý do để lo sợ nhưng chưa bao giờ tôi lo như thế vào sáng Chúa Nhật nọ, khi Kimberly mang thai khoảng bốn tháng. Chúng tôi đứng trong nhà thờ thuộc hội thánh của cô và hát câu cuối cùng, và cô quay sang tôi. Mặt cô trắng nhợt và nói, "Em không khoẻ, em đang bị ra máu." Cô ngồi xuống rồi nằm dài trên băng ghế trong khi mọi người bắt đầu rời cung thánh. Tôi hoảng hốt. Tôi không biết phải làm gì; cô trắng nhợt như một thây ma. Tôi chạy đến điện thoại công cộng gọi cho bác sĩ sản khoa. Tôi hỏi, "Ông ấy ở đâu?" "Chúng tôi không biết bác sĩ đi đâu. Vào cuối tuần, ông ấy thường đi xa." "Có cách nào bà báo cho ông ấy được không?" "Chúng tôi sẽ báo cho bác sĩ và nếu ông ấy còn ở đây ông ấy sẽ gọi cho ông." Tôi thực sự hoảng hốt. Tôi bắt đầu cầu xin Thánh Gerard, cầu xin bất cứ ai. Tôi cũng xin Đức Giêsu Kitô giúp chúng tôi. Mười hay mười lăm giây đồng hồ sau, có tiếng điện thoại reo. Tôi nhắc máy, "Ông Scott đó hả?" "Phải." "Đây là bác sĩ." Tôi hỏi, "Ông đang ở đâu vậy?" Ông ấy hỏi lại, "Ông đang ở đâu?" Tôi nói, "Tôi đang ở ngoại ô thành phố trong một thị xã đặc biệt." "Ở đâu?" "Ở trong nhà thờ này." "Chỗ nào trong nhà thờ nào?" "Tôi ở ngay bên ngoài cung thánh gần máy điện thoại công cộng." Ông trả lời, "Thật không thể tin được. Tôi vừa mới đến thăm nhà thờ đó sáng nay. Tôi đang ở dưới tầng hầm. Tôi sẽ lên đó ngay." Ông bước lên cầu thang chỉ sau bốn năm giây đồng hồ. Ông hỏi, "Bà ấy đâu?" Tôi nói, "Kia, nằm ở đằng kia." Ông chạy lại và bắt đầu nghe ngóng. Chúng tôi đưa Kimberly ra xe và chạy vội đến nhà thương Thánh Giuse. Kimberly được thoát chết cũng như tính mạng của em bé, và nhờ đó Hannad được chào đời.

Tôi cảm thấy rằng Chúa quá gần gũi với chúng tôi và với hôn nhân của chúng tôi mà dường như đang đổ vỡ. Tôi cầu nguyện, "Chúng con phải làm gì với đứa nhỏ này?" Ngay sau khi sinh Hannah, Kimberly đến với tôi và nói, "Em không biết rõ lý do, nhưng Thiên Chúa khiến em nghĩ rằng Hannah sẽ là một đứa con của sự hòa giải. Em không rõ điều đó có nghĩa gì." Chúng tôi ôm nhau và cầu nguyện cho điều đó.

Sau khi Hannah chào đời, Kimberly đến với tôi. Cô nói, "Em không rõ lý do, nhưng em nghĩ  Thiên Chúa muốn em để Hannah rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo." Tôi nói, "Cái gì!" Cô ấy nói, "Em không rõ nhưng thật là như vậy." Chúng tôi cùng tham dự nghi thức rửa tội. Đức Ông Bruskewitz, vị linh mục đã đưa tôi vào Công Giáo, thật là một người của Chúa. Giờ đây ngài là Đức Giám Mục ở Lincoln và ngài cử hành nghi thức quá tốt đẹp, tràn ngập truyền thống và Kinh Thánh, đến nỗi vào giữa nghi thức khi ngài đọc, "Allêluia, allêluia," theo như kinh phụng vụ, Kimberly hầu như nhẩy nhổm lên và nói, "Allêluia! Ồ tôi xin lỗi." Ngài trả lời, "Không sao, tôi cũng mong người Công Giáo làm như vậy; điều đó hay chứ."

Một kết quả của việc cử hành nghi thức rửa tội là Kimberly sao chụp lại nghi thức và gửi cho gia đình, bạn hữu của cô. Nhưng cô ấy vẫn chưa sẵn sàng bước vào những tranh luận. Cô bắt đầu đọc và cầu nguyện. Càng ngày tôi càng cố gắng không can thiệp vào hành trình tâm linh của cô ta

Chuyến Thăm Vatican Ở Rôma

Tôi muốn đề cập đến một điều. Cha tôi trừ trần vào tháng Mười Hai vừa qua (1990), ông là người dạy tôi âu yếm gọi Thiên Chúa là "Cha." Vào tháng Giêng, ông bố vợ mời tôi cùng với ông và nhóm của ông đến Vatican để được gặp riêng Đức Gioan Phaolô II,  nhóm này đang hoạt động chống với làn sóng đồi trụy khiêu dâm đang xâm nhập vào Đông Âu. Bố vợ tôi, một mục sư Presbyter, mời tôi gặp Đức Giáo Hoàng? Tôi nhận lời. Do đó tháng Giêng vừa qua, tôi không chỉ gặp Đức Giáo Hoàng trong một nhóm nhỏ, mà tôi còn được mời để tham dự Thánh Lễ của ngài trong nguyện đường riêng. Tôi chỉ cách ngài có vài bước và cảm được sự cầu nguyện của ngài. Bạn có thể nghe được lời cầu nguyện của ngài với đầu gục xuống trong đôi bàn tay, mang vác gánh nặng của Giáo Hội với tất cả tâm hồn.

Khi ngài công bố mầu nhiệm đức tin, tôi tự nhủ một quyết tâm, thực sự là hai: hàng ngày đi sâu vào Thánh Lễ hơn nữa và cầu cho Đức Giáo Hoàng trong công việc của ngài. Nhưng quyết tâm thứ hai là chia sẻ với anh chị em trong Đức Kitô về Đức Thánh Cha, và về phương cách mà Đức Kitô đã ban ơn cho chúng ta với một gia đình tuyệt vời, với Đức Trinh Nữ Maria sẽ trở nên Mẹ tinh thần chúng ta, với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người cha tinh thần dẫn dắt tất cả chúng ta đến sự thờ phượng Cha trên trời, với các thánh là anh chị chúng ta, để nhận biết chúng ta là gia đình của Thiên Chúa, nhưng trên hết mọi sự, qua Thánh Thể nhận biết chúng ta đang quy tụ chung quanh bàn tiệc như người nhà của Thiên Chúa, con cái của Người. Thật là một đặc ân chúng ta đang có; thật là một ơn phước mà Người đã trao ban!

(Bản dịch Pt Trần Văn Nhật).
trích www.nguoitinhuu.com