Chia Sẻ

Bài suy niệm dưới đây không chỉ dành cho các anh em đang thi hành sứ vụ linh mục mà còn mong ước gửi tới tất cả những anh em đang trên hành trình dấn bước vào ơn gọi này. Cách riêng, người viết muốn thân ái gửi đến các anh em thuộc hội Dòng Thừa Sai Đức Tin, là những người đang sống đời tận hiến trong ơn gọi giáo sĩ (HP, dẫn nhập). Chúng ta được mời gọi hiến thân cách quảng đại để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội trong sứ mạng hết sức đặc biệt (HP, Số 8), đó là cùng đồng hành với tất cả các anh em linh mục cũng như anh chị em tu sĩ để hỗ trợ họ trong những công tác mục vụ và để chia sẻ những kinh nghiệm về đức tin cũng như những nỗi thao thức trong sứ vụ cao cả, là làm sáng danh Thiên Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Mong ước ngày càng có nhiều hơn những đóng góp, suy tư và tâm tình, được khơi nguồn từ ngọn lửa nhiệt tình tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã và đang thắp lên trong lòng chúng ta, được tiếp tục bùng cháy lên.

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn đã qua đời. Là những linh mục, những mục tử của Chúa Giêsu, chúng ta luôn ý thức thiên chức cao cả của đời linh mục, đó là làm sáng danh Chúa và để cứu rỗi các linh hồn. Có thể nói, số phận của các linh hồn, dù còn tại thế hay đang trong chốn luyện hình, đều có mối tương quan hết sức mật thiết với đời sống và sứ mạng của linh mục. Hơn ai hết, linh mục được trở nên khí cụ hữu hiệu, cánh tay nối dài của chính Đức Kitô, (Pastores Dabo Vobis, số 15) để chăm sóc và cứu vớt các linh hồn, dù còn sống hay đã qua đời.

1. Linh mục trong phận người mong manh

Có lẽ sứ điệp quan trọng mà các linh hồn gởi đến cho chúng ta trong tháng 11 này, đó là sự mong manh của cuộc sống con người qua cái chết. Những khúc ca được cất lên trong thánh lễ cầu hồn gợi nhớ cho chúng ta rằng, “đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng”.

Đời sống ấy sẽ kết thúc như là một trạm dừng chân trước một cây cầu định mệnh mà ai ai cũng phải bước qua. Suy nghĩ về sự phù du của đời người, thi nhân Nguyễn Gia Thiều đã diễn tả qua những cung điệu ai oán “…Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Cung Oán Ngâm Khúc, đoạn 26).

Đối với những người có đức tin, quan niệm về đời sống con người không chỉ dừng lại ở sự bi quan, nuối tiếc ở cuộc sống này, nhưng với tất cả ý thức của niềm hy vọng hướng đến một kết quả chung cuộc do chính mình đã tự chuẩn bị lấy cho mình: “mọi sự biến tan giờ hạ huyệt, chỉ còn công phúc đã lập xưa”.

Với nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô, các linh mục sẽ dâng nhiều thánh lễ hơn, sẽ chuẩn bị nhiều bài giảng hùng hồn, đầy sức thuyết phục hơn, để khuyến khích các tín hữu sống tinh thần tỉnh thức, hoán cải, tích cực lãnh nhận các bí tích và tham dự những nghi thức phụng vụ thánh và làm những việc lành để cầu nguyện cho các linh hồn.

Chắc hẳn, không ai trong đời, có nhiều cơ hội hơn  linh mục để suy nghĩ về sự sống và cái chết. Vì không biết bao lần ngài là người chủ toạ và chứng kiến các linh hồn đến rồi đi, khi cử hành các bí tích cho người sống lẫn kẻ chết. Ngài đón chào những sự sống mới đến trần gian khi ban bí tích thanh tẩy cho trẻ thơ chào đời, ngài trao Mình Thánh Chúa như của ăn đàng và ban những bí tích sau hết cho người hấp hối, và ngài tiễn đưa những linh hồn đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế để trở về nhà Cha.

Với nhiều nỗi lo toan và bận tâm vì các linh hồn như vậy, một lúc nào đó “trông người mà nghĩ đến ta”,  linh mục cũng có thể phần nào nghĩ đến chính thân phận của mình.

Đối với những linh mục cao niên, khi biết mình dần bước đến “thất thập cổ lai hy” cũng là lúc ngài ý thức rằng mình đã gần đến giây phút phải bàn giao sổ sách lại cho người khác để chuẩn bị lên đường về nhà Cha; vì “tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90). Nếu như  linh mục còn trẻ, đang tràn trề sức sống ở tuổi xuân phơi phới với đầy những hoài bão và ước mơ, thì có lẽ không mấy dễ dàng để có thể cảm nhận hay chấp nhận về giờ ra đi và hậu vận chung cuộc đời mình ngay vào lúc này. “Chị chết” hình như không có luật trừ cho bất cứ ai hay ở bất cứ độ tuổi nào. “Sinh - bệnh - lão - tử” vốn là sự thường. Tuy nhiên, đôi lúc ta vẫn thấy xảy ra cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh”.

Dù suy nghĩ nhiều hay ít đến sự chết, có chuẩn bị tốt hay chưa sẵn sàng để trình diện Chúa, thì cũng như tất cả mọi người, đời linh mục cũng vẫn phải từng bước đi vào quy luật tất yếu trong thân phận cát bụi của mình, để trải qua một hành trình biến đổi, ví như hình ảnh của chú cá chép vàng đang cố gắng hết sức mình, vượt qua chín tầng Vũ Môn để biến thành rồng!

Lẽ tự nhiên, là người, ai cũng muốn mình được trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng, nhưng lời kinh nguyện hằng ngày vẫn như tiếng Chúa thì thầm bên tai nhắc nhở  linh mục thức tỉnh về thân phận bụi đất của mình. “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì. Hẳn Người nhớ ta chỉ là cát bụi. Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi. Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong. Chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 102,13-16).

2. Linh mục: hạt bụi thần thánh

Trong ngày được lãnh nhận thánh chức, ta thường được nghe các tân linh mục cùng với cả cộng đoàn dân Chúa say sưa cất lên bài ca tạ ơn: “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người”. Và lời ca tạ ơn ấy dẫn  linh mục từng bước đi vào chiều kích sâu thẳm nhất khi ý thức mình chỉ là hạt bụi: “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng”.

Thánh Grê-gô-ri-ô thành Na-di-a-nô khi còn là một linh mục trẻ, ngây ngất trước ơn thánh cao cả, ngài đã phải thốt lên:

Tôi biết chúng ta là thừa tác viên của ai, chúng ta ở địa vị nào, chúng ta hướng về ai. Tôi biết Thiên Chúa cao cả và con người yếu đuối, và biết cả sức lực của con người. Vậy linh mục là ai? Là người bảo vệ chân lý, được đứng chung với các thiên thần, cùng ca hát với tổng lãnh thiên thần, mang lễ vật lên bàn thờ thiên quốc, chia sẻ chức tư tế với Đức Kitô, canh tân vạn vật, phục hồi hình ảnh Thiên Chúa trong vũ trụ, tái tạo thế giới cho trời mới đất mới; nói cho cùng, ngài được thần hoá và thần hoá kẻ khác.[1]

Vâng! linh mục ý thức mình vẫn là hạt bụi, nhưng hạt bụi ấy tuy mang thân phận phải chết, nhưng nay đã được lên ngôi thần thánh trong tình yêu hết sức kì diệu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, linh mục không những chẳng còn phải sợ thân phận bụi đất hèn yếu đè bẹp trong cái chết nhưng đã được thần hoá. Không những họ được chia sẻ tước vị làm con Thiên Chúa trong sự sống mới mà còn được chia sẻ trọn vẹn cuộc sống và sứ mạng của Thầy Giêsu, không còn bị coi là phận tôi tớ mà lại được trở thành ban hữu thân thiết của Con Thiên Chúa làm người. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biế” (Ga 15,15).

Theo nhịp sống của Đức Kitô

Đức Kitô là Đấng Hằng Sống, Người đã chiến thắng sự chết và nắm giữ chìa khoá của cả tử thần và âm phủ (x. Kh 1,18). Người không phải là Chúa của kẻ chết mà là Chúa của kẻ sống (x. Lc 20,38 ). Thế nên, dù con người đang sống nơi thân xác hay đã ngủ yên trong lòng đất thì vẫn sống động trước mắt Thiên Chúa. Vì lẽ vì mỗi sinh linh ấy vẫn luôn mang lấy sự sống bất diệt của Người.

Vì lòng thương xót mà Thiên Chúa đã kêu gọi con người cách nhưng không để cộng tác vào chương trình cứu độ của người, linh mục tin tưởng hân hoan bước theo Đức Kitô Phục Sinh, Thầy Chí Thánh của mình, mở rộng vòng tay yêu thương của Đức Kitô đến anh chị em mình. Bước đi theo dấu chân vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục học biết hy sinh vì đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng của Đấng đã đến thế gian là để làm cho các linh hồn “được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10).

Khi cử hành các bí tích cũng là lúc mà  linh mục được soi mình vào cuộc đời của Đức Kitô để họa lại đời sống của Người, để “cử hành bí tích cuộc đời mình”. Linh mục hiểu rõ hơn ai hết, cuộc đời mình cũng đang cưu mang chính mầu nhiệm sự sống của Đức Kitô được ẩn tàng ngay trong mầu nhiệm sự chết. Linh mục sống trong Đức Kitô và cử hành các mầu nhiệm ấy mỗi ngày trong đời sống của mình, trong việc liên tục chết đi cho tội lỗi, cho những mối bận tâm của trần thế, để có thể trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa cho anh chị em mình.

3. Linh mục: dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót chúa

Thương xót chính là yếu tính của việc nhập thể cứu chuộc và thiên chức linh mục của Chúa Kitô. Tự bản chất, thiên chức linh mục của Chúa Kitô là một công trình của lòng thương xót, dựa trên giao ước Thiên Chúa đã thực hiện với nhân loại.[2]

Quả thực, khi linh mục cử hành các bí tích, ngài như luôn được sống cùng lúc hai vai trò trong cùng một thực tại mầu nhiệm, ý thức mình vừa là dụng cụ, là thừa tác viên của Đức Kitô, Đấng đầy quyền năng và tình yêu thương tha thứ.  linh mục nhận biết rằng mình chỉ là một thọ tạo mỏng dòn và yếu đuối đang được thừa hưởng hồng ân cứu độ.

Vì thế, linh mục không chỉ là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa mà còn là nhân chứng, là dấu chỉ sống động của một tội nhân luôn được Chúa yêu thương. Có thể nói, trước khi linh mục cử hành các bí tích thì chính ngài đã là kẻ đầu tiên đón nhận được ân sủng của lòng thương xót ấy.

Thánh Phaolô quả đã hết sức thấm thía về điều này khi ngài nói:

Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời (1Tm 1,15-16).

Trong lời kinh, khi cầu xin Chúa thương đến các linh hồn, thì linh mục cũng ý thức rằng mình cũng nằm trong số những “linh hồn cần nhờ đến lòng Chúa thương xót hơn”.

Vì lẽ đó mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, đã nhắc nhở các linh mục một cách đặc biệt khi cử hành bí tích hoà giải:

Linh mục là thừa tác viên bí tích thống hối nhưng đồng thời cũng phải là những thụ nhân, từ đó họ trở nên những người làm chứng cho lòng từ bi nhân ái của Thiên Chúa cho các tội nhân…Cũng như đời sống của anh chị em giáo dân và tu sĩ, đời sống thiêng liêng và mục vụ của  linh mục chỉ có thể giữ được phẩm chất và lòng nhiệt thành nếu như cá nhân linh mục biết thực hành bí tích thống hối một cách chuyên cần và nghiêm chỉnh.[3]

* Loan truyền lòng thương xót Chúa

Trong vai trò lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa, tháng các linh hồn là thời gian thuận tiện để  linh mục giúp các tín hữu biết sống niềm xác tín của mình cách sâu xa hơn nữa khi tuyên xưng đức tin vào sự sống lại, vào tín điều các thánh cùng thông công, để tích cực đón nhận ân sủng của lòng thương xót Chúa mà chuyển cầu cho cho các linh hồn. Nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô mà mỗi thành phần trong Hội thánh được liên đới và chiasẻ những lợi ích thiêng liêng trong mối giây hiệp thông giữa các thánh trong hội thánh khải hoàn, lữ hành và thanh luyện.

Khi nhớ đến các linh hồn, giúp cho  linh mục suy nghĩ và ý thức hơn nữa về giây phút quyết định dứt khoát của sự sống con người trên dương gian này, để chính ngài cũng biết giúp cho các tín hữu biết tận dụng từng phút giây trong hiện tại để có thể đón nhận được ân sủng của lòng thương xót Chúa.

Chính linh mục là người hiểu hơn ai hết, mỗi giây phút nơi trần thế là thời giờ quý giá nhất của của ân sủng cứu độ. Nói cách khác, mỗi giây phút của của cuộc đời này là “giá máu cứu chuộc của Đức Kitô” không ngừng tuôn trào để yêu thương và cứu vớt con người. Vì thế, khi dâng những lời kinh nguyện và thánh lễ cầu cho các linh hồn trong chốn luyện hình thì cùng lúc linh mục và cả cộng đoàn dân Chúa cũng hướng đến vô số những linh hồn ở trần gian, đang lạc xa Chúa, lạc nẻo đức tin, những linh hồn ơ thờ nguội lạnh và chai đá đặc biệt là các tội nhân khốn khổ.

Cuộc sống của các linh hồn nơi chốn luyện hình như là một câu trả lời cho mỗi người chúng ta. Một khi bước qua ngưỡng cửa trút bỏ sự sống của thân xác mang sinh khí để mặc lấy sự sống mới của Thần Khí (1Cr 15,44), là chúng ta đi vào một sự phân định rạch ròi cuộc sống của mỗi cá nhân. Ngày giờ của con người trần thế kết thúc dứt khoát một lần cho tất cả. Cơ hội để đón nhận ân sủng cứu độ nơi lòng thương xót của Thiên Chúa Nhân Lành ở trần gian đã chấm dứt, và con người phải đối diện với Thiên Chúa trong giờ phán xét riêng, với vị thẩm phán chí công, trong giờ của sự công thẳng của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã luôn nhắc nhở các tín hữu rằng: “Anh chị em hãy biết run sợ để lo cho mình được ơn cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người” (Pl 2,12b-13).

Là những người quản lý và phân phát các ân huệ của Thiên Chúa, sứ vụ của các các linh mục có thể ví như những người cứu hộ giữa biển trần gian với những phương tiện hiện đại do chính Chúa Giêsu trang bị để cứu vớt các linh hồn đang bị đe doạ hay đang bị tội lỗi nhấn chìm giữa những bão tố của bóng tối thế tục.

Phận vụ của các linh mục là luôn hiến trọn thân mình, trở nên những phương tiện hữu hiệu của Chúa, mang lại lợi ích cho các linh hồn qua các nhiệm tích của ơn cứu độ, như những chiếc phao cứu sinh thiêng liêng để cứu vớt họ. Hạnh phúc thay cho các linh hồn nào khi họ gặp được những người cứu hộ lành nghề và giàu lòng trắc ẩn. Trái lại sẽ là điều bất hạnh cho những linh hồn nào không được người cứu hộ quan tâm. Chúa Giêsu cũng đã nói với thánh Faustina, trong cuốn Nhật ký, số 940 rằng: “Ôi! có lẽ đã có nhiều linh hồn thánh thiện hơn nếu như đã có nhiều cha giải tội kinh nghiệm và thánh thiện hơn”.

* Tất cả vì các linh hồn

Thánh Gioan M. Vianney đã nói: “Một linh hồn còn quý trọng hơn cả và thế gian này”. Và “Chúa Giêsu thương linh hồn ta hư đi đời đời nên đã chịu chết mà cứu chuộc chúng ta[4]. Mang lấy trái tim của Chúa Giêsu, mỗi linh mục cũng được mời gọi yêu quý chăm lo cho các linh hồn như vậy.

Khi cử hành ngày lễ kính các thánh mục tử, chúng ta có dịp suy gẫm về những mẫu gương các vị thánh đã sống cách tròn đầy thánh chức linh mục khi hiến thân vì lợi ích các linh hồn. “Đây linh mục những con người thánh hiến. Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên. Đem tình thương người mục tử nhân hiền. Dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc” (Thánh Thi Kinh Sáng, lễ các Thánh Mục Tử).

Có thể nói càng say mến Chúa Kitô bao nhiêu thì  linh mục càng trở nên giống Chúa Kitô trong việc say mê tìm kiếm các linh hồn về cho Chúa bấy nhiêu. “Nhờ các ngài mà biết bao nhiêu linh hồn đã được ơn cứu rỗi, đã được giúp đỡ trong việc hoán cải, trong việc chiến đấu chống lại tội lỗi và các chước cám dỗ[5].

Trong Giáo hội, đã và đang có rất nhiều mẫu gương của đời linh mục thánh thiện, nhiệt thành phục vụ các linh hồn, trong đó phải kể đến cha thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các cha sở. Cha sở họ Ars ấy nổi tiếng về lòng nhiệt thành say mê chăm lo cho các linh hồn, đặc biệt trong việc cử hành Bí tích Giải tội. Từ mờ sáng cho đến tối mịt, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xứ Ars để được nghe giảng, xưng tội và được tham dự Thánh lễ. Có thể nói, không hối nhân nào đến với ngài mà phải về tay không. Người ta nói rằng, hình như linh hồn của các tội nhân đã choáng hết tâm tư tình cảm cùng với mọi hy sinh hãm mình của Cha Thánh.

Còn thánh Philíppe Nêri lại có trái tim đầy tràn tình yêu khi nói đến các linh hồn. Ngài nói “Nếu như tôi đã bước một chân vào cửa Thiên Đàng mà có kẻ xin xưng tội thì tôi sẽ hoãn phúc Thiên Đàng lại để giải tội cho hối nhân trước đã”. 

Thánh Don Boscô cũng đã thốt lên rằng: “xin cho tôi các linh hồn. Bao nhiêu thứ khác mất còn kể chi”.

Kết luận

Chính vì bước theo mẫu gương của Đức Kitô mà linh mục sẵn sàng hiến thân để trở nên dấu chỉ ơn cứu độ, của tình yêu và lòng thương xót Chúa cho các linh hồn. Vì thế mà đời linh mục cũng chấp nhận phải trả giá vì tình yêu như Đức Kitô. Đó là đón lấy thập giá đời mình trong sứ mạng yêu thương phục vụ để cứu vớt những người tội lỗi theo gương Thầy Chí Thánh.

Thánh nữ Faustina, qua thị kiến, đã được Chúa cho nhìn thấy: Trong số các linh hồn chịu đóng đinh, đông đảo nhất là các vị trong hàng giáo sĩ.

Trong cuốn “Thiên chức linh mục” của đức Giám mục Quilard, có đoạn:

Người đời hăng say kiếm tiền thế nào, thì các linh mục cũng hăng say, cũng chỉ sống để thu phục các linh hồn như vậy, người cứu nạn hãnh diện gắn trên ngực mình, huy chương cứu nạn; nhưng niềm vui của người cứu các linh hồn còn cao trọng hơn biết bao, vinh hiển của ngài còn đáng được thèm khát biết bao.

Mong ước, qua vài mảnh vụn suy tư trong tháng các linh hồn này, có thể gợi lên trong chúng ta một chút cảm nghiệm về cuộc đời qua chính thân phận hữu hạn của con người chúng ta ở trần gian. Và qua thân phận ấy mà chúng ta được mời gọi trở nên những nhân chứng của Chúa Giêsu, (x.Cv 3,15) để giới thiệu cho thế giới hôm nay, “một thế giới đang sống trong sự trống rỗng nội tâm thảm hại là sự vắng bóng Thiên Chúa”, về niềm hy vọng một thực tại hạnh phúc vĩnh cửu trong nước Cha, nguồn hạnh phúc viên mãn mà mọi người luôn khao khát tìm kiếm.

Cuộc tìm kiếm ấy đang diễn ra trong lúc này, ngay khi chúng ta đang sống giữa biển trần gian. Cuộc tìm kiếm hạnh phúc đích thực trong Thiên Chúa chỉ có thể đạt đích khi chúng ta biết đón nhận và tỏ bày tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em chúng ta trong ơn gọi đặc biệt của mình.

Và rồi, lời kinh của thánh nữ Faustina cũng có thể là lời dâng thiết tha của mỗi  linh mục, vọng lại nhịp đập trái tim tình yêu của Chúa Giêsu cho anh chị em mình, trong từng khoảnh khắc của cuộc đời hiến tế: “Lạy Cha hằng có đời đời. Con Xin dâng lên Cha, Mình, Máu, Linh hồn cùng Thiên Tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, để đền tội chúng con và tội mọi người”

Vấn tâm

1. Đức Giám mục Bùi Tuần (Thao Thức 3, trang 486), trong bài suy niệm tháng các linh hồn, đã gợi lên ý tưởng về cái chết rằng: Chết là một phần hết sức quan trọng của cuộc sống. Chết kèm theo một sự kết thúc một dòng đời và để lại một dấu ấn cho sự chọn lựa của chúng ta: dấu ấn xinh đẹp của những chọn lựa tốt lành đưa đến phần thưởng. Và dấu ấn kinh khủng của những chọn lựa xấu xa, tội lỗi để tự lãnh lấy hậu quả của hình phạt. Linh mục cảm nghiệm thế nào về sự chết của đời mình ? Ngài đã ý thức chuẩn bị cho cái chết của mình và giúp cho người tín hữu biết chọn lựa để biết sống và biết chết ra sao?

2. Đức Maria đã nói với thánh nữ Faustina rằng: “Con hãy nói với các linh hồn về lòng nhân lành của Thiên Chúa trong khi vẫn còn thời gian ban phát lòng thương xót. Nếu lúc này con im tiếng, con sẽ phải trả lẽ với vô số linh hồn trong ngày kinh hoàng ấy…” (Nhật Ký, số 635). Lời Mẹ Maria nhắc nhở thánh Faustina cũng có thể phù hợp với đời sống và sứ vụ của các linh mục trong việc cứu rỗi các linh hồn. Vậy linh mục đã ý thức về trách nhiệm và có những nỗ lực nào trong việc thi hành sứ vụ cao cả này?

3. Lời của Chúa Giêsu nói với các linh mục qua chị thánh Faustina “Con hãy nói với các linh mục của Cha rằng các tội nhân cứng lòng cũng sẽ hối cải khi nghe rao giảng về lòng thương xót của Cha… Linh mục nào rao giảng về lòng thương xót của Cha sẽ được ân thưởng một thần lực kỳ diệu; cha sẽ xức dầu những lời của các ngài và đánh động tâm hồn những ai nghe lời các ngài rao giảng” (Nhật Ký, số1521) Qua việc cử hành các nhiệm tích, đặc biệt trong bí tích giải tội và việc cử hành thánh lễ, linh mục có nhiều cơ hội tiếp cận với các tín hữu. Vậy, lời kêu mời gọi của Chúa Giêsu có thực sự trở nên cần thiết và quan trọng trong việc thi hành sứ vụ linh mục không? Chúng ta đã cảm nghiệm về lòng thương xót Chúa trong đời mình như thế nào và rao giảng cho tín hữu về lòng thương xót ấy ra sao?

Hướng về vĩnh cửu

Một lúc nào đó, cũng như mọi người, linh mục cũng bước vào hồi cuối cùng của cuộc đời dương thế sau khi có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi đã thi đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7). Mỗi người mục tử của Chúa Giêsu chắc hẳn đều mong ước khi kết thúc hành cuộc lữ hành trần gian cũng có thể được lãnh lấy triều thiên vinh hiển. Mỗi ngày,  linh mục đều ý thức dâng cuộc đời mình lên Chúa với lời kinh xin ơn thánh hoá: “Và khi xác chúng con đến ngày tàn tạ, được Chúa làm phần thưởng đời đời trong nguồn vinh sáng các thánh…”.

Hướng về vĩnh cửu là hướng đến niềm hy vọng sống động về thực tại hạnh phúc viên mãn trong Đức Kitô. Niềm hy vọng ấy đã được diễn tả cách tuyệt vời nơi cuộc đời của Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, vị mục tử trung thành của Đức Kitô, người đã trở nên mẫu gương sáng ngời, trước tiên cho anh em linh mục giữa lòng Giáo hội trong thiên niên kỷ mới này. Cuộc đời của ngài đã trở nên chứng tá sống động của niềm tin và hy vọng, của tình yêu và lòng bao dung ngời sáng giữa muôn vàn thử thách.

Nơi ngài luôn toả sáng một đời sống tế hiến cho Chúa Kitô Linh mục Thượng Phẩm đời đời. Giữa những cơn khốn cùng mong manh của phận người trong cảnh tù đày, trong bóng tối sự chết đang đe doạ với khổ đau cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cuộc sống của Đức Hồng y Phanxicô mỗi ngày vẫn hân hoan cất lên bài ca sự sống nơi Đức Kitô. Sức sống Phục Sinh ấy vẫn bừng lên ngay trong đêm đen. Ngài nói “Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương” (Năm Chiếc bánh và Hai Con Cá).

Đức Hồng y như đã thấy mình được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Linh mục cách trọn vẹn hơn giữa anh em “hằng ngày, cùng với Chúa Giêsu, con dâng hiến mình con, sẵn sàng từng giây phút để “bị nộp” vì anh em con, để đổ máu ra cho nhiều người được tha tội” (Đường Hy Vọng, 377).

Có lẽ hình ảnh đẹp nhất, chứa đựng ý nghĩa sâu xa nhất mà Đức Hồng y để lại cho Giáo hội, cách riêng cho anh em linh mục, là khi đôi tay và cả thân xác của ngài trở thành bàn thờ, thành của lễ sống động đời mình dâng lên Thiên Chúa ngay trong nhà tù. Như Đức Kitô, ngài vừa là tư tế và là lễ vật hy sinh cho Chúa. Đôi tay ngài trở thành chén thánh đón lấy những giọt máu và nước hồng ân của sự sống vĩnh cửu và đón lấy chính Thân Mình Chúa Kitô.

Cuộc đời của  linh mục như thế có thể diễn tả rất đúng với tâm tình của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa. Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng mình vì tôi” (Gl 2,20).

Đức Hồng y Phanxicô đã đi bước trước chúng ta. Ngài đã thực sự hoàn tất cuộc lữ hành trên đường hy vọng và xứng đáng để lãnh nhận lấy phần phúc mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho ngài.

Xin mượn lời cầu của linh mục Gioan, J. Pasquini trong Kinh sáng mỗi ngày, để trở nên như một hành động luôn quy hướng tất cả cuộc đời và sứ mạng của đời  linh mục về thực tại vĩnh cửu:

Lạy Chúa , xin cho Máu Châu Báu của Chúa, thanh tẩy, khai sáng và thánh hoá con để con có thể thanh tẩy, khai sáng và thánh hoá người khác trong Thánh Danh quyền năng Chúa. Xin giúp con trở nên đôi tay, đôi chân, đôi mắt, tiếng nói, tâm hồn và lòng thương xót của Chúa trong một thế giới đang đói khát Chúa.

Xin cho con được trở nên một người mục tử tốt lành, một người cha thiêng liêng, một người cha cầu nguyện với lòng nhiệt thành thánh thiện, lòng nhiệt thành đã được diễn tả trong ngày con chịu chức, một lòng nhiệt thành đã và đang làm cho con ao ước được hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin ban cho con ân sủng của một tình yêu sâu xa, một lòng tin khiêm hạ, một niềm trông cậy vững vàng, và một tình yêu bừng cháy để làm cho con hy sinh cuộc sống mình, cách tự do, tự nguyện, vì đoàn chiên, vì những người con thiêng liêng của con.

Ôi lạy Chúa Giêsu Kitô, xin làm cho con trở nên người thừa tác viên xứng đáng của các mầu nhiệm thánh Chúa. Xin giúp thánh hiến tâm hồn con cho Trái Tim Cực Thánh Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Lạy Mẹ Diễm Phúc của các linh mục, xin Mẹ hãy nhìn đến con như Mẹ nhìn đến Con Mẹ. Xin Mẹ giúp con trở nên một Kitô khác trong thế giới đang đói khát Chúa Kitô. Và đến giờ chết xin Mẹ hãy ẵm lấy con và đưa con về nhà Con Mẹ. Amen.

(Lược dịch trong tạp Chí “Những Mục Tử của Đức Kitô”, Shepherds of Christ, 2007. Issue no.2)

Ts. Giuse Nguyễn Thanh Ngư, MF. 


(*) Bài suy niệm tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường, tháng 11 năm 2007.

[1] Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo, số 1589.

[2] Geogre W. Kosiscki, Chúa nói với các Linh mục của Người, (2000), tr. 18-19.

[3] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, số 26.

[4] M. Cardo, Cuộc đời Thánh Gioan Vianney, (Hà Nội, 1926), tr. 187.

[5] Gioan Phaolô II, Tông huấn Sám hối và Hoà giải, số 30.