Người Chủ Chăn
Đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn văn Thuận trong “Đường Hy Vọng” đã viết: “Nếu khiết tịnh là chết cho nhục dục, thì vâng phục là chết cho ý riêng”. Quả đúng như vậy. Vâng phục là chết cho ý riêng. Cảm nghiệm này cũng rất đúng với tinh thần của bài Tin mừng hôm nay. Trước lời đề nghị của Chúa Giêsu: “Hãy chèo ra chổ nước sâu thả lưới bắt cá”, thánh Phêrô đại diện cho các Tông đồ đã nói lên lời thưa xin vâng, lời chấp nhận chết cho ý riêng mình không phải một lần mà có lẽ trong thâm tâm ngài đã phải lặp lại đến ba lần.

- Lần thứ nhất: “Vâng lời thầy, con đi đánh cá giữa ban ngày”.

Kinh nghiệm nhà nghề cho thánh Phêrô thấy mùa này nước trong như mắt mèo thấy cả vỏ sò dưới đáy biển, nên đánh bắt cá tốt nhất là vào ban đêm, mà ban đêm còn không bắt được con nào. Bây giờ Chúa lại bảo đi đánh cá giữa ban ngày. Một lời đề nghị đối với Phêrô đúng là dở hơi, chẳng biết gì về ngư trường, con nước. Nhưng vì “vâng lời thầy”, thánh nhân đã từ bỏ ý riêng, đi đánh cá giữa ban ngày.

- Lần thứ hai: “Vâng lời thầy, con chèo ra chổ nước sâu thả lưới”.

Ngần ngại vì vừa trải qua một đêm vất vả, thân thể mệt nhừ bởi phải vật lộn với sóng gió ba đào. Ái ngại vì bụng thì đói, mắt thì nặng trĩu bởi suốt đêm mất ngủ, đang cần một giấc ngủ để phục hồi sinh lực. E ngại vì vừa bị thất bại ê chề, bị lỗ phí tổn, nên còn ý chí đâu mà phấn với đấu, còn sức lực đâu mà chống với chèo. Giờ Chúa bảo ra khơi, ra chổ nước sâu, nghĩa là phải vất vả mấy tiếng đồng hồ nữa. Nhưng “vì lời Thầy”, Phêrô đã gạt ý riêng sang một bên, chấp nhận mệt nhọc để một lần nữa ra khơi.

- Lần thứ ba: “Vâng lời thầy, con thả lưới bên phải mạn thuyền”.

Chi tiết này được nói đến trong Tin mừng thánh Maccô. Khi nghe Chúa bảo hãy thả lưới bên phải thuyền, hẳn là Phêrô đã nói thầm rằng thông thường con vẫn thả lưới bên trái mạn thuyền vì thuyền của con bố trí cọc chèo, mái chèo bên phải cơ mà. Thả lưới bên phải là vướng cọc chèo mái chèo, rất dể rách lưới. Vốn liếng có nhiêu đây, rách hết lưới thì lấy đâu mà sắm. Ấy thế mà Chúa cứ bảo thả lưới bên phải mạn thuyền, tức là làm ngược lại với cách thức thả lưới mà ngài vẫn làm. Chắc là khó chịu lắm, nhưng vì “vâng lời thầy”, ngài sẵn sàng làm ngược lại. Và hiệu quả từ lời lời xin vâng ấy là gì ?

Về phương diện vật chất: được hai thuyền đầy cá đến nỗi gần chìm, phải làm hiệu gọi thuyền của các bạn đồng nghiệp đến giúp. Mà toàn là cá lớn, cá xuất khẩu. Bán chắc được mấy chục triệu ! 

Về phương diện thiêng liêng: Đây mới là điều quan trọng hơn. Chính nhờ vâng lời Chúa mà thánh Phêrô đã nhận ra được Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng cao cả, và thân phận con người là yếu hèn bất xứng, nên ngài đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tộ lỗi”.

Và còn hơn thế nữa, chính nhờ vâng lời Chúa, mà ngài được trao phó sứ mệnh trở thành kẻ lưới người thay vì lưới cá, trở thành vị tài công, người thuyền trưởng trên đại ngư thuyền của Giáo hội.

Vâng phục là một nhân đức vô cùng quan trọng trong đời sống Giáo hội. Nhờ có vâng phục mà Giáo hội có được sự hiệp nhất. Bao lâu làm theo ý Chúa và ý của Giáo hội thì công cuộc loan báo Tin mừng mới thu được nhiều hoa trái tốt đẹp. Ngược lại, nếu thiếu vâng phục Giáo hội sẽ có chia rẽ, có ly giáo, lạc giáo… và nếu mỗi người chỉ làm theo ý riêng mình, thì công cuộc truyền giáo Giáo hội sẽ mất sức sống và sẽ trở nên khô cằn. Lịch sử Giáo hội minh chứng điều đó.

Chúng ta xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội thánh, nhất là các vị mục tử luôn biết sẵn sàng dẹp bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa, sẵn sàng hy sinh cái tôi hẹp hòi để làm theo ý Giáo hội, nhờ đó mà đem lại sự hiệp nhất bình an trong Giáo hội. Và nhất là xin cho mỗi người trong chúng ta khi được Chúa dạy bảo, thì biết thưa lên “lời xin vâng” như thánh Phêrô, nhờ đó mà ý Chúa luôn được thể hiện, được lớn lên và sinh hoa kết trái dồi dào nơi cuộc đời của chúng ta.

 
 
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

VietCatholic News (04 Feb 2010)