Tài Liệu Khác

Phụ Nữ Trong Kinh Thánh

 Trong Kinh thánh có rất nhiều phụ nữ được biết tên, năng động và họ đều mang khuôn mặt người Nữ. Trước khi nói đến họ cần xác định lại rõ ràng: Kinh thánh được viết trong một nền văn hoá và trong một bối cảnh hoàn toàn xa lạ với xã hội chúng ta ngày hôm nay.  Kinh Thánh thoát ra từ nơi theo mẫu chế độ phụ quyền. Cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh cũng được biên soạn cách đây ít nhất là 2000 năm; vì thế đòi hỏi người đọc phải biết bối cảnh, tư tưởng … thời bấy giờ.

Giống như nhiều xã hội xưa cũ, và ngay cả ngày hôm nay còn tại nhiều nơi, người phụ nữ luôn bị coi như thứ yếu. Họ sống dưới sự bảo trợ của người cha, và khi lập gia đình phải phục tùng chồng. Ngoài trường hợp ngoại lệ, người phụ nữ không được thừa kế. Họ không được bảo vệ khi trở thành góa phụ, vì thế luật lệ muốn bảo vệ họ và có nhiều nơi đạo luật ra đời để giúp cho các bà góa. Người phụ nữ chỉ thật sự có giá trị khi bà sanh nở con nối dòng dõi cho nhà chồng. Bởi vậy là điều bất hạnh nếu như người chồng qua đời mà chưa có con nối dõi.    

Trong trường hợp này, luật Lêvi đòi hỏi người anh hay em phải cưới người goá phụ để có con nối dõi tông đường (Xh 25,6-16). Điều này đã xảy ra trong câu chuyện bà Ruth. Luật có thật sự được chấp hành hay không, nhưng điều đó cho thấy phụ nữ góa chồng thường rơi vào tình trạng khó nghèo, vào nơi tính tham tàn của người đàn ông. Những điều này chỉ định có một cấp bậc giữa người đàn ông và người đàn bà. Các phụ nữ có quyền vào trong hội đường, vì trong Tin Mừng có nói đến một người đàn bà lưng còng được Đức Giêsu chữa lành, nhưng không chắc là họ có một chỗ trong mọi hội đường như mọi người (Lc 13,11 tt).

Thật ra địa vị người phụ nữ thay đổi tùy theo tuổi tác. Người ta vui mừng khi họ sinh ra người con trai, trái ngược hẳn nếu như đứa bé đó là con gái. Một bà mẹ phải tẩy sạch ngày thứ 40 sau khi một đứa con trai, và 80 ngày sau khi sanh một đứa bé gái (Lv 12). Khi xã hội được định cư hóa, trường học chỉ dành cho con trai. Người cha quyết định lễ cưới hỏi cho con gái, và ít khi nào họ được hỏi ý kiến. Người phụ nữ thường lập gia đình vào khoảng tuổi 13, tức là tới lứa tuổi cập kê. Trong một xã hội nông nghiệp, các phụ nữ thường làm việc đồng áng với các đàn ông con trai, và các cô thường là người đi lấy nước tại các giếng nước.      

Và tại bờ giếng thường đưa đến việc nối kết mối tương quan và chia sẻ những tin tức mới mẻ như sự xuất hiện của một người khách lạ. Và cũng ngay bên bờ giếng thường nối kết những cuộc dạm hỏi cũng như đám cưới. Trong Cựu ước, ngay tại bên bờ giếng ông Abraham đã được gặp bà Rêbêca (St 24); Giacóp gặp bà Rachel (St 29); Môsê gặp các cô con gái ông Jethro (Xh 2,16 tt). Và thời Đức Giêsu, một người đàn ông tốt không bao giờ trò chuyêïn công khai với một người đàn bà (Ga 4,17).

Đức Giêsu khác biệt rõ rệt với môi trường sinh sống của Người. Có mấy phụ nữ đồng hành với Người cùng các môn đệ (Lc 8). Các đoạn văn tả các bà được ghi lại trong Tin Mừng Máccô và Luca đều tích cực. Những đoạn này thường được dùng trong hoàn cảnh trái ngược trước sự không hiểu được, đối với ngay cả các môn đệ: chuyện bà goá đóng góp đồng tiền nhỏ; chuyện người đàn bà xứ Syrô-Phênixi có lòng tin mạnh mẽ; người đàn bà bệnh hoạn tìm kiếm đụng đến tua vạt áo Đức Giêsu trong giữa đám đông. Trên nguyên tắc người đàn bà này «không trong sạch» và không được đi ra ngoài xã hội như thế. Ngay nơi chốn công cộng, người đàn bà không được phô trương. Họ ít khi đi ra ngoài đường phố trừ đi việc trong những làng mạc mà thôi. Họ không dùng bữa cùng các ông nhưng phải chạy hầu bàn. Trong nhiều xã hội ngày nay vẫn còn tình trạng này. Phong trào giải phóng phụ nữ chỉ là mới xảy ra sau này thôi.

1.    LÚC KHỞI ĐẦU VỚI SÁCH SÁNG THẾ 1-2.

PhuNuTrongKinhThanhNhững chương đầu tiên trong sách Sáng Thế 1-3 không có nghĩa đây là những chương sách xưa cũ nhất của nhân loại, thế nhưng cả ba chương sách đó hẳn mang nền móng thâm sâu về mối tương quan giữa hai phái tính nam nữ. Qua bao thế hệ, những chương sách này đã khêu gợi lên nhiều tưởng tượng về lúc khởi đầu của nhân loại. Đây đúng hơn là kết quả suy tư các tác giả Do thái trong thời kỳ Lưu đày.      

Ngôn ngữ những trang sách trên thuộc loại huyền thoại. Trong hai chương Sáng Thế 1-2 gợi lên hình ảnh nhân loại được khớp vào nhau bởi khác biệt về phái tính. Trong Sáng Thế 1, nơi ngày thứ sáu, ngày cuối cùng của công cuộc sáng tạo, chúng ta thấy người đàn bà đầu tiên trong Kinh Thánh được ghi trong 1,27: «Thiên Chúa sáng tạo con người (Ha Adam) theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ». Adam là một thực tại trùng đôi, ở bề ngoài là nam và nữ, và bên trong con người gồm một phần nam và một phần nữ. Điều đó kêu gọi mỗi người nhìn nhận hai thành phần này. Bản văn còn cho thấy người nam và người nữ bổ sung cho nhau và cùng bình đẳng.      

Trình thuật Sáng thế 2,5-25 lại giải thích nguồn gốc con người. Adam đến từ Adamah (đất sét, bụi đất). Điều này nói lên con người, Adam (nam và nữ) là một tạo vật xác thịt. Hai thành phần được phân chia ra để bên nhau, quay lưng vào nhau, cùng đối diện nhưng giữ sự hiệp nhất cơ bản: «Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà (Isha), vì đã được rút từ đàn ông (Ish) ra». Từ Ish và Isha đến cùng một gốc trong tiếng Híp ri.Trong nhiều nền văn minh thường nói đến người đàn bà bỏ gia đình cha mẹ để theo chồng.      

Trong văn bản Kinh Thánh Sáng thế 2,24 lại nói: «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt», tức là bản văn nhấn mạnh cả hai cùng hợp nên cặp vợ chồng hướng về tương lai. Trong đoạn này cần tránh giải thích theo nghĩa đen cho người đàn ông trội hơn trên người đàn bà. Khởi thủy chỉ có con người: nam và nữ được Thiên Chúa sáng tạo. Hài hòa của cặp nam nữ cũng như mọi tương quan loài người đều đặt trên sự tôn trọng sự khác biệt như trong tính khác biệt. Người khác là khác.

2. TRONG LỊCH SỬ… TỪ NHỮNG BÀ VỢ CỦA CÁC TỔ PHỤ ĐẾN THỜI VƯƠNG QUỐC.

Trong nền văn hoá Sêmít, người phụ nữ thường được trân quý trong thai nghén. Bà ta sinh con và có nhiều con là điều được chúc phúc. Vào thời đại tình trạng chết non rất cao, người phụ nữ mang thai là thiết yếu. Sự son sẻ bị coi như nguyền rủa, và người tự chọn sống đồng trinh là chống lại sự sống. Những công việc của người vợ và người mẹ không cho phép người phụ nữ tham gia vào cuộc sống công cộng, nhưng ảnh hưởng của họ trên chồng, trên con, trên bộ tộc cũng quan trọng. Trong Kinh Thánh có nhiều ví dụ nhiều phụ nữ giữ vai trò đặc biệt trên dân tộc như tuyên bố những lời sấm, trung thành với đức tin, tinh thần khởi xướng, khinh miệt nguy hiểm…       

Trong những thời gian nguy kịch, nhiều phụ nữ đã can thiệp vào sự giải thoát Ítraen.Người đầu tiên thường được nhắc tới là bà Sarai (hoàng hậu của tôi) vợ ông Abram, được đổi tên thành Sara (hoàng hậu) và Abram thành Abraham (người cha của quần chúng) trong Sáng thế 17,5.15. Ngoài ra còn bà Agar sinh ra người con tên Ismael. Bà Rêbêca vợ tổ phụ Isaác, đã giúp cho người con thứ là Giacóp đoạt quyền trưởng nam của ông Esau nhận lãnh phúc lành (St 25,34). Thêm vào đó có câu chuyện của hai bà vợ ông Giacóp: ông này lấy bà Lêa trước sau đó mới được cưới bà Rachel. Bà này mới đầu son sẻ và sau đó mới sinh ra ông Giuse.

Trong Sáng thế 38,1-30 có câu chuyện bà Thamar. Người con thứ tư của ông Giacóp tên là Giuđa lập gia đình với một thiếu nữ người xứ Canaan tên là Shoua. Họ có tất cả 3 người con mang tên Er, Onân và Shéla. Người con cả Er lập gia đình với một thiếu nữ tên Thamar. Er qua đời và không để lại con nối dòng. Theo luật Lêvi, người em kế vị là Onân phải lấy chị dâu mình về làm vợ; thế nhưng vì Onân không muốn có con với chị dâu và cuối cùng cũng chết. Giuđa bèn cho cô con dâu về lại gia đình trong khi chờ đợi người con thứ ba lớn lên, nhưng trong lòng ông lại nhủ rằng: “không nên để cho thằng này cũng chết như hai anh nó” (St 38,11).        

Khi vợ ông Giuđa là bà Shoua qua đời, ông liền đi lên miền Timma tìm thợ xén lông chiên. Người ta liền báo tin đó cho Thamar hay. Nàng biết rằng giờ đây Shéla đã lớn khôn nhưng ông bố vợ không muốn cho nàng lấy làm chồng, tức là Giuđa không còn tuân giữ luật Lêvi. Thamar liền giả dạng và ngồi làm gái giang hồ tại ngõ Einaim trên con đường vào Timma. Giuđa không nhận ra Thamar và cho đó là một cô gái điếm và ông muốn ăn ở với nàng. Sau khi hai bên đã thỏa thuận tiền là một con dê mà ông sẽ trả sau này. Thamar bằng lòng nhưng còn đòi thêm cái ấn, sợi dây và cây gậy làm tin. Giuđa chấp nhận, ông ăn ở với nàng và sau đó Thamar mang thai.

Sau này, Giuđa gửi con dê đến để lấy lại những vật làm tin; thế nhưng người ta không còn tìm thấy “cô gái giang hồ” đó nữa. Ngược lại, người ta báo tin cho Giuđa hay cô con dâu của ông đã mang thai. Giuđa liền nói: “lôi nó ra mà thiêu sống” (St 38,24). Khi bị lôi ra, Thamar liền đưa ra những vật làm tin cho biết chính chủ những vật đó đã cho nàng có thai. Trước những vật đó, Giuđa nhìn nhận và nói: “Nó tín nghĩa hơn tôi! Đúng vậy, vì lẽ ra tôi phải cho nó lấy Shéla con trai tôi!” (St 38,26). Sau này, Thamar sinh đôi và đặt tên là Pharès và Zara. Pharès lập gia đình và có con là Étrôm nối dõi giòng giống Giuđa... Từ đó thoát ra dòng tộc Đavít.

Trong sách Xuất hành có bà Sipora, vợ ông Môse và những bà mụ người Ai cập. Họ giúp đỡ các đàn bà Do thái sinh nở với lệnh vua Pharaô phải giết hết mọi con trai đầu lòng. Thế nhưng, vua Pharaô nhận xét các con trai Hípri vẫn đông đủ, và nhà vua đã chất vấn các bà mụ. Họ trả lời các bà mẹ Do thái sinh nở nhanh chóng, khi họ đến nơi mọi chuyện đã rồi. Các người đàn bà Ai cập này đã bảo vệ sự sống chống lại lệnh nhà vua. Cuộc sống quan trọng hơn mệnh lệnh đến từ nhà vua. Họ đã tụ lại hầu tìm một giải pháp cho một quyết định bất công, chống lại quyền hành chính trị cho dù các đàn bà Do thái không thuộc dân tộc họ.

Trong sách Xuất hành không thể quên bà Miryam. Đây là bà chị ông Môsê và ông Aarôn, bà làm ngôn sứ. Bà cầm trống và kéo theo một số phụ nữ múa, ca hát sau khi qua Biển Đỏ (Xh 15,20-21). Miryam đứng lên chống đối ông Môsê (Ds 12,1) qua chuyện bà vợ ông. Gia đình họ đã gặp nhau trong Lều Hội Ngộ (Ds 15,4-5) và vì chỉ trích ông Môsê nên cuối cùng bà bị phạt mang bệnh phung hủi (Ds 15,9-14). Cuối cùng bà được chữa lành nhờ lời ông Môsê cầu bầu, nhưng cũng bị đuổi ra khỏi trại trong vòng 7 ngày. Khi bà trở về trại lúc đó đoàn người mới tiếp tục lên đường được.

Các nhà chú giải Kinh Thánh Do thái nhấn mạnh điều mọi người chờ đợi Myriam. Bà giữ vai trò quan trọng vì thời ông Môsê còn nhỏ chính bà đã lo lắng cho ông. Ngôn sứ Mikha coi bà như người hướng dẫn dân Do thái như hai người em của bà (Mk 6,4).Trong sách Giôsuê 2,1.4.6 có khuôn mặt bà Rahab. Dân Do thái lưu lạc trong sa mạc gần 40 năm, và họ không biết có đến được đất Giavê hứa ban. Vấn đề thật không dễ vì theo các mật thám do ông Môsê gửi đi đưa tin về cho biết miền đất họ mong đến được bảo vệ rất kỹ càng (Ds 13,28), là nơi cư ngụ của những người cao lớn: “chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu so với họ” (Ds 13,33).

Ông Giôsuê muốn bảo đảm sự an toàn khi vượt qua sông Giođan để chiếm thành Giêrikhô, nên gửi hai người mật thám đến đó trước (Gs 2,1). Họ vào nhà một người đàn bà sống nghề đi khách tên là Rahab. Tin hai viên mật thám vào đất Giêrikhô đến tai nhà vua, ông liền cho người đến tìm bắt họ tại nhà cô gái giang hồ. Rahab liền giấu họ trên sân thượng ở đót những cây gai, và cho người của vua hay những khách đó đã trốn ra khỏi thành trước khi cửa thành đóng, và Rahab còn nói: “các ông mau đuổi theo họ, thế nào các ông cũng sẽ bắt kịp” (Gs 2,5). 

Sau khi họ ra đi, Rahab lên sân thượng và nói với hai viên mật thám lòng tin của cô vào Thiên Chúa Ítraen. Cô kể họ nghe những kỳ công Thiên Chúa làm cho dân của Ngài: “chúng tôi nghe đồn mà tâm thần tan rã, không ai còn nhuệ khí nào nữa trước mặt các ông, vì Giavê Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa cả trời cao lẫn đất thấp” (Gs 2,11). Cô cũng xin họ giúp đỡ gia đình cô một mai kia khi quân Ítraen tiến vào Giêrikhô và bắt họ thề hứa. Họ chấp nhận, và sau này khi tiến vào chiếm Giêrikhô, Giôsuê để Rahab và gia đình sống an bình giữa dân Do thái. 

Trong giai đoạn quan trọng của lịch sử dân Do thái, Rahab trở thành dụng cụ của Thiên Chúa và giữ một vai trò quan yếu. Nhờ nàng người Do thái đã chiếm được đất hứa. Rahab chung sống với Salmon và sinh ra Booz, việc này không chỗ nào trong Thánh Kinh có ghi lại. Nhất là điều cho rằng Booz là con của Rahab lại càng khó chính xác, vì Booz chỉ có mặt trong lịch sử dân Do thái hai thế kỷ sau khi Giôsuê vào chiếm đất hứa. Theo truyền thống văn chương Rabbi, chính ông Giôsuê cưới Rahab làm vợ, vì thế bà là tổ phụ các thầy cả và các ngôn sứ như Giêrêmia và Êdêkien... 

Theo một văn bản Midrash, Rahab trở về với lòng tin Ítraen khoảng 50 tuổi. Theo truyền thống, sau này Booz lấy bà Ruth và hạ sinh được Oved, ông này lập gia đình và sinh ra ông Gêsê là cha vua Đavít.Theo lịch sử các Thẩm Phán vào khoảng thế kỷ thứ 9 trước công nguyên còn có bà Đêbora (4,4-5) làm thẩm phán. Trong ngôn từ Hípri «phán đoán» chỉ định chức năng quyền hành để quyết đoán những tranh chấp trong các bộ tộc. Đây là chức năng khá hy hữu đối với một người phụ nữ thời bấy giờ. Chính bà Đêbora truyền đạt mệnh lệnh cho ông Baraq giết vị vua đang áp bức dân tộc Ítraen. Bà tiên phong ra trận mạc, quyết định tấn công, báo trước bạo chúa sẽ chết bởi bàn tay một phụ nữ.

3. NHỮNG PHỤ NỮ THỜI VƯƠNG QUỐC (-1000 ĐẾN THẾ KỶ 1 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN).

Sách Samuen trình bày bà Mikhal, con gái vua Saun (1 Sm 18,20) phải lòng với Đavít và được cha cô gả cho vị tướng trẻ này. Vua Saun làm như thế để cầm chân Đavít và tìm cách triệt hạ ông… nhưng Đavít được Mikhal cứu sống (1 Sm 19,12 tt). Khi bà thấy vua Đavít nhảy múa trước Hòm bia giao ước (2 Sm 6), bà Mikhal mỉa mai: «Vua Ítraen hôm nay thật là danh giá, khi để hở hang trước mắt các nữ tỳ của tôi tớ mình, như một đứa vô danh tiểu tốt để hở hang». Vua Đavít đã không còn ăn ở với bà nữa: «Và bà Mikhal, con gái vua Saun, không có con cho đến ngày chết».

Chuyện bà Bethsabê cũng được nhiều người biết tới. Bethsabê làvợ ông Urie, người Hittite, một tướng lãnh của vua Đavít. Nhà vua trên sân thượng thấy bà tắm khỏa thân, lấy bà về ăn ở. Sau này mang thai, bà cho người đi báo cho nhà Vua biết. Đavít hoảng sợ liền cho ông Urie đang đánh trận ngoài biên thùy về lại nhà, ông này nghĩ binh sĩ đang đánh giặc không lòng nào trở về với vợ. Đavít liền hạ lệnh đưa ông ra chỗ nguy hiểm nhất trong trận chiến và ông đền mạng (2 Sm 11). Việc làm của Đavít bị ngôn sứ Nathan lên án mạnh mẽ cùng lúc loan báo đứa con trong bụng mẹ sẽ phải chết.

Sau này, Bethsabê lại có người con thứ hai với Đavít đặt tên Salomon (= người yêu mến của Giavê) (2 Sm 12). Khi Đavít về già và phải nhường ngôi cho trưởng nam là Adonias, nhưng Bethsabê với sự hỗ trợ của ngôn sứ Nathan đòi Đavít phải nhường ngôi cho Salomon vì một khế ước không được biết tới, trong đó Đavít hứa nhường ngôi cho Salomon. Thủ đoạn thành công và Adonias bị loại nhường Salomon lên ngôi (1 V 1). Bà Bethsabê bằng lòng cho Adonias lấy bà vợ cuối cùng của Đavít là Avishag, nhưng Salomon xử khác đi và cuối cùng Adonias bị giết (1 V 2,13-25). Truyền thống rabbi Do thái ngưỡng mộ Betdsabê đã thành công đi vào dòng tộc của Đấng Mêsia.

Trong sách 2 Vua (11,3 tt) có người phụ nữ nổi tiếng tên Atalia lên cầm quyền muốn xóa bỏ dòng tộc nhà vua, nhưng vua Josias thoát được tại vì ông được đem ẩn trốn trong Đền thờ từ lúc lên 6 tuổi. Cuối cùng Atalia bị giết và vị vua trẻ tuổi Josias lên ngôi. Cũng trong cùng thời này, có một nữ ngôn sứ tên Hunđa (2 V 22,14) có một vai trò quan trọng trong cuộc cải cách Josias rất quan trọng thời bấy giờ. Thời đó, người ta tìm được trong Đền thờ cuốn sách Luật tưởng như đã bị mất. Người dân mang cảm tưởng sẽ bị trừng phạt vì họ không theo những điều ghi trong Lề luật.    

Họ đến gặp nữ ngôn sứ Hunđa để xem phải làm gì. Bà Hunđa ngồi dưới cây cọ và dân chúng đến hỏi thăm. Bà phải có sự đáng tin mới được các thượng tế và những quan chức trong triều đình đến lấy ý kiến. Vua Josias đã nghe theo bà. Bà nói nhân danh Thiên Chúa và nhà vua áp dụng Lề luật, kêu gọi dân chúng phải gìn giữ Giao ước.Trong sách Esther có câu chuyện người phụ nữ Do thái tên Hadassa trở thành hoàng hậu xứ Perse đổi tên thành Esther (Ishtar). Bà Esther quyến rũ vua Assuerus với sắc đẹp giúp cứu vãn dân Do thái đang bị diệt vong.      

Cuốn sách mang nhiều tình tiết văn chương tiểu thuyết hơn là lịch sử, và dường sách được biên soạn để nói về lễ Xá tội (Pourim) của người Do thái (Et 9,20-32). Câu chuyện bà Giuđitha cũng thường được nhiều người biết hơn. Giuđitha là một góa phụ, đẹp, khôn ngoan, đạo đức. Bà nhìn nhận Thiên Chúa như Đức Chúa duy nhất. Bà đã cứu đất nước Do thái khỏi ách vua Nabuchodonosor.      

Bà đã bỏ tiền, sắc đẹp, lòng can đảm phục vụ cho đất nước đang bị giặc Assyrie xâm chiếm. Khi dân thành Bethulia bị bao vây, bà đứng lên ủng hộ họ can đảm, sau đó với mưu kế bà đã đi đến được trại tướng Holopherne và giết được ông này. Sau đó đoàn quân tướng Holopherne hoảng sợ bỏ chạy và bà được các trưởng lão nhà Ítraen chúc phúc : «Bà làm cho Giêrusalem hãnh diện, cho Ítraen vinh hiển, cho giống nòi chúng ta được vinh dự lớn lao» (Gđt 15,9).

Và chắc hẳn không thể nào quên những người đàn bà tên Anna trong Kinh Thánh:

1. Anna người đàn bà son sẻ chịu khổ nhục trước người vợ thứ của chồng mình tên Peninnna. Sau khi đi hành hương tại Silô và khấn nguyện xin được một đứa con. Giavê Thiên Chúa nghe lời bà cầu khẩn và cho bà hạ sinh được một con trai tên Samuen. Anna xướng lên bài thánh thi tạ ơn (1 Sm 1-2) là nguồn gốc bài Magnificat trong Tân ước.

2. Anna vợ ông Tôbít, mẹ ông Tôbia. Bà lo lắng cho cuộc hành trình của người con trai, ngóng chờ tin con và đã đón mừng khi cậu Tôbia hoàn thành sứ mệnh trở về.

3. Ngôn sứ Anna, con gái ông Phanuel, trở thành góa phụ sau 7 năm đám cưới. Bà đón nhận Đức Giêsu trong Đền thánh lúc đó bà đã 84 tuổi.

4. NHỮNG PHỤ NỮ TRONG TIN MỪNG.     

Khi đọc Tin Mừng Mátthêu, điều nhận xét đầu tiên nơi chương 1, tác giả ghi lại gia phả Đức Giêsu, và trong đó có tất cả bốn người đàn bà: Thamar, Rahab, Ruth và Bethsabê vợ ông Urie. Mátthêu cho vào gia phả Đức Giêsu những người ngoại lai chủ ý Đức Giêsu có liên hệ họ hàng với dân ngoại và qua đó Người trở nên Đấng cứu độ hoàn vũ. Cho dù Thánh Kinh trình bày những bà này như những người tội lỗi, ngược lại dòng văn chương sau này, người Do thái không còn coi Thamar hay Rahab là dân ngoại nữa, nhưng coi họ như những tân tòng trở về Do thái giáo.

Trong Tin Mừng còn có những phụ nữ được chữa lành, và trong đó có một người dám đụng tới tua vạt áo Đức Giêsu tìm sự chữa lành (Mt 9,18; Mc 5,31, Lc 8,40). Có một người đàn bà xứ Canaan đến xin Đức Giêsu chữa cho người con gái của bà. Lúc đầu Đức Giêsu từ chối vì bà ta không phải là người Do thái, nhưng bà nài nỉ chỉ xin những miếng bánh vụn (Mt 15,21; Mc 7,24) và được chấp thuận. Một người đàn bà khác đến đổ dầu thơm lên chân Đức Giêsu vài ngày trước khi Người bị bắt và chịu Thương Khó (cuộc xức dầu tại Bethania Mt 26,6; Mc 14,3).

Trong Tin Mừng Luca còn thấy những phụ nữ trong họ Đức Giêsu: Mẹ Người trong trình thuật Truyền Tin, bà Elisabeth trong trình thuật Thăm Viếng. Đức Maria còn được gặp lại trong trình thuật ngày sinh hạ Đức Giêsu, lúc đi tìm trẻ Giêsu trong Đền Thánh, tại tiệc cưới Cana và đứng dưới chân Thập giá, …      

Tất cả các trình thuật trình bày Ngài đúng là hình ảnh một bà mẹ. Một người phụ nữ tiếp đón, luôn luôn sẵn sàng và cởi mở. Đức Maria đồng hành với người con từ khi sanh ra cho đến khi chịu chết trên Thập giá. Đi tìm con trong Đền thánh nhưng cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lòng tin Maria đặt câu hỏi và không biết cuộc đời của đứa con này sẽ ra sao. Đức Giêsu ra đi trên mọi nẻo đường với những người không có chi danh vọng. Những con người học hành yếu kém. Đó là mối lo âu của Đức Maria, có thể chính Ngài cũng mơ ước một cuộc sống khác cho Đức Giêsu, nhưng cuối cùng Đức Maria hiểu con mình hành động đúng.

Trong Tin Mừng Luca có một điểm quan trọng: tác giả duy nhất ghi nhận các bà hiện diện với các môn đệ. Họ là những người được chữa khỏi bệnh tật và quỷ ám: bà Maria thành Mácđala được trừ khỏi 7 quỷ, bà Gioanna vợ ông Chouza làm việc trong triều đình vua Hêrôđê, bà Suzanna và nhiều các bà khác giúp của cải cho nhóm (Lc 8,1-3). Một trường hợp đặc biệt trong thế giới Paléttin thời bấy giờ. Các bà này cũng có mặt khi Đức Giêsu chịu chết theo Luca 23,49: «Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy».        

Sau đó họ trở về nhà sửa soạn hương thơm mộc dược và nghỉ theo ngày Sabát. Ngày thứ nhất trong tuần, họ lại đi ra mộ, rồi trở về báo cho các môn đệ: «Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy» (Lc 24,10).Ngoài ra còn có bà Martha và Maria, chị em của ông Ladarô… có bà góa bỏ đồng tiền vào trong hòm tiền… một phụ nữ tội lỗi đổ dầu thơm trên Đức Giêsu… những phụ nữ khóc trên đường lên núi Calvariô… người đàn bà ngoại tình được tha thứ, và hành trình đức tin của người phụ nữ Samaritanô.        

Đây là dấu chỉ người Samaritanô tiếp đón những kitô hữu chạy lánh nạn khi bị đuổi khỏi thành Giêrusalem bởi người Do thái. Câu chuyện xảy ra bên bờ giếng Giacóp gợi lại chuyện bà Rêbêca. Đức Giêsu chấp nhận người đàn bà có 5 đời chồng, và từ ngữ này được ghi lại 5 lần đưa chú ý cho người đọc. Thánh Gioan cho người đàn bà này biểu tượng người Samaritanô ly giáo, khi thành Samarie bị sụp đổ (2 V 17) nhiều người từ 5 tỉnh thành xứ Babylone đến nhập cư. Họ mang theo thần Baal, thần của xứ họ và pha trộn phụng tự này vào phụng tự Ítraen. Năm người chồng là 5 thần Baal xứ Babylone.

5. NHỮNG PHỤ NỮ TRONG TÂN ƯỚC (NGOÀI TIN MỪNG).

Tác giả sách Công vụ tông đồ 1,13-14 ghi lại sau biến cố Đức Giêsu về trời như sau: «về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ… Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giê-su». Và các phụ nữ cũng có mặt trong ngày lễ Hiện xuống.

Trong các thư thánh Phaolô, người thường bị coi như ghét phụ nữ. Phaolô là người Do thái trở lại theo Chúa Kitô, ông là người của thời đại và bối cảnh thời bấy giờ. Điều đáng ngạc nhiên, Phaolô nhận thấy với Kitô giáo Lề luật Do thái không còn giá trị và giờ đây là một cơ chế mới: «Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô» (Gl 3,26-28).        

Cùng lúc đó, Phaolô cũng viết như sau: «Người làm vợ hãy tùng phục chồng…», nhưng vài câu sau đó, Phaolô lại nhắc: «chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình» (Ep 5,18-33).Người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng trong các cộng đoàn tiên khởi: «Xin gửi lời thăm chị Maria, người đã vất vả nhiều vì anh em» (Rm 16,6) … «Xin gửi lời thăm hai chị Tryphen và Tryphôxa, những người đang vất vả vì Chúa. Xin gửi lời thăm chị Pécxiđê yêu quý, người đã vất vả nhiều vì Chúa» (Rm 16,12). Các tín hữu sơ khai thường tụ họp nhau tại các nhà riêng, vì thế họ được các phụ nữ tiếp đón. Theo Công vụ tông đồ 12,12, thánh Phaolô được tiếp đón tại nhà bà Maria, mẹ ông Gioan tên Máccô, và nơi đó tụ họp một số người đến cầu nguyện. Phaolô được bà Lyđia tiếp đón tại nhà ở thành Philipphê (Cv16,14). Các bà thường theo chồng mình (1Cr 9,5).      

Người phụ nữ ở trung tâm sứ vụ, huấn luyện các trẻ nhỏ vào đạo giáo mới: «Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôít, bà ngoại anh, nơi bà Êunikê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy» (2 Tm 1,5). Và còn có những chức vụ dành cho người phụ nữ: ngôn sứ như trong Cựu ước, các trợ tá (1 Tm 3,11), và một số lớn chịu tử đạo.Cuốn sách cuối cùng trong bộ Kinh Thánh là cuốn Khải huyền. Trong sách Khải huyền người Đàn bà và người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng. Chắc chắn có vấn đề vị ngôn sứ ly giáo là Jêzabel, người muốn tìm giết ngôn sứ trong 1 Vua (19,2). Bà này mang khuôn mặt đồi bại (Kh 2,20-23).      

Trong chương 12 xuất hiện khuôn mặt người phụ nữ chống trả con rồng. Người đàn bà ở đây biểu hiện người gom góp nơi bà mọi thử thách như cuộc sống của các phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong Kinh Thánh, như Sion (Giêrusalem) mẹ mọi dân tộc, như Ítraen là hiền thê Thiên Chúa, như Giáo hội đang bị bách hại. Người đàn bà này được coi như mẹ của người con mà rồng muốn phá hủy. Bà có chân đứng trong lịch sử mà Kitô giáo thường gọi là sự «cứu độ».

Trong đoạn cuối cuốn Khải huyền còn thấy hai mặt biểu tượng của người phụ nữ:

1. Họ biểu trưng cho Babylone và Con Điếm khét tiếng (17,1-8;18,1-24), «ngồi trên một con thú đỏ thẫm» ám chỉ quyền hành La mã giết các vị tử đạo và cố gắng quyến rũ các dân tộc khác.

2. Họ còn biểu trưng «thành thánh», «Giêrusalem mới» … «sẵn sàng như một tân nương trang điểm để đón tân lang»… là «hiền thê của con chiên» (21,1-21).

KẾT LUẬN.

Kinh Thánh nói rất nhiều về phụ nữ, những gì gom góp ở trên đây chỉ đưa ra một số hình ảnh về phụ nữ. Họ được trình bày như muôn mặt của viên kim cương duy nhất. Chúng ta còn có thể nhắc tới: bà vợ ông Loth, người hầu của Naaman, hoàng hậu Saba, bà góa Sarepta, bà mẹ của 7 người con chịu tử đạo, vợ ông Philatô, bà góa phụ thành Naim… Họ là đàn bà Do thái, một số là người ngoại bang. Phần lớn đều là vợ, là mẹ, vợ vua hay những nhân vật trọng yếu. Một số có chức năng công cộng, họ làm những ngành nghề khác biệt nhau như chăn chiên, buôn bán, bà mụ, hoàng hậu, ngôn sứ…      

Những phụ nữ khiêm tốn nhưng dân tộc họ nhìn nhận họ đóng một vai trò trong lịch sử. Một vài người trong nhóm họ làm ngôn sứ, và người khác là trợ tá trong các Cộng đoàn do Phaolô thành lập. Rất nhiều người trong nhóm họ để lại những hành vi đáng chú ý cho dù sống trong một bối cảnh xã hội cho họ rất ít chỗ đứng.

Để kết thúc thiết tưởng cần nhắc lại tên họ. Những tên mang hình ảnh biểu tượng trong Kinh Thánh và từ đó mạc khải cho ta biết họ thật sự là ai, nhưng vẫn giữ được nét huyền nhiệm. Những phụ nữ trong Kinh Thánh, người Phụ Nữ trong Kinh Thánh là: Bà mẹ những kẻ sống (mang cuộc sống); Hoàng hậu tiêu biểu cho cái đẹp, sự mơ tưởng. Con cừu chăm nom con chiên; Cây cọ biểu tượng vẻ uy nghi, bóng mát; Lễ diễn đạt sự vui mừng; Chim biểu tượng bài hát, bay xa;           

Bà: sự tôn kính; Người bạn: kẻ tâm tình; Con ong: mật, nhụy hoa; Như Thiên Chúa: điều người phụ nữ muốn; Thiên Chúa được chúc tụng: đam mê; Ngôi sao: điểm chiếu sáng trong đêm tối, hy vọng; Tháp canh: canh chừng người thân; Dụng cụ nhạc: bài hát, múa ca, cảm xúc…

Còn rất nhiều tên khác gợi ý nhưng không thể kê hết ra nơi đây. Ở trên có nhắc tới hai tên Tryphen và Tryphôxa trong thư Rôma 16,12. Tryphen có nghĩa chiếu sáng gấp 3 lần, và Tryphôxa có nghĩa cho 3 mùa gặt hái. Số ba mang biểu tượng cái gì đó «nhiều», «đa dạng». Trong Kinh Thánh, tất cả mọi người phụ nữ qua tính đăïc biệt của mỗi một người người gợi lên từ tên của họ mạc khải bí nhiệm đa dạng, không dò được, không hiểu được, sự quyến rũ của người Phụ Nữ như ngàn cánh hoa nơi bông hoa duy nhất trong sự Sáng tạo.

Lm, Thêôphilô