Vào buổi sáng ngày 4 tháng 5, trong thánh lễ lúc 7 giờ sáng tại Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô yêu cầu các thính giả của ngài “luôn ở hiền lành và khiêm nhường, để ta có thể đánh bại các lời hứa hão huyền và sự hận thù của thế gian”.
Bài giảng của Đức Phanxicô tập trung vào cuộc đấu tranh giữa tình yêu Chúa Kitô và lòng hận thù của “thủ lãnh “ thế gian, tức ma qủy. Đức Giáo Hoàng dạy rằng Chúa bảo ta đừng sợ khi thế gian ghét bỏ ta như nó đã ghét bỏ Người. Ngài nói; “Đường Kitô hữu đi là đường Chúa Giêsu đi. Nếu ta muốn theo chân Chúa Giêsu, thì không có con đường nào khác: thực vậy, không có con đường nào khác ngoài con đường của Người, con đường Người đã chỉ cho ta, và một trong các hậu quả của con đường này là lòng hận thù – đó là lòng hận thù của thế gian, và cũng là lòng hận thù của thủ lãnh thế gian.
Ngài cho hay: Chúa Giêsu “qua cái chết và sự phục sinh của Người” đã cứu chuộc ta “thoát khỏi quyền lực thế gian, thoát khỏi quyền lực ma qủy, thoát khỏi quyền lực của thủ lãnh thế gian”. Ngài thêm: “Nguồn gốc tạo nên lòng hận thù này là chúng ta được cứu rỗi. Chính thủ lãnh thế gian không muốn cho ta được cứu rỗi, vì nó là kẻ hận thù”. Ngài bảo rằng đó chính là lý do tạo nên hận thù và bách hại liên tục kể từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội cho tới tận thời nay.
Với một giọng đau đớn, Đức Phanxicô nói rằng “trên thế giới, hiện có nhiều cộng đồng Kitô Giáo đang bị bách hại. Thực thế, thời đại này có nhiều cộng đồng bị bách hại hơn buổi sơ khai, cả ngày nay và ngay lúc này, cả hôm nay và ngay giờ này”.
Tự hỏi tại sao có tình thế này, Đức Phanxicô trả lời: “Vì tinh thần thế gian là tinh thần hận thù”. Sau đó, ngài đưa ra một nhận định không làm vui lòng thế giới duy tương đối chút nào. Ngài bảo: không ai có thể “đối thoại” với ma quỷ được, dù đối thoại luôn cần thiết đối với con người nhân bản”.
Ngài nhấn mạnh: “Không thể có bất cứ cuộc đối thoại nào với thủ lãnh thế gian. Phải hiểu rõ điều đó! Ngày nay, đối thoại là điều cần thiết giữa con người chúng ta, nó cần cho hòa bình. Đối thoại là một thói quen, một thái độ phải có giữa chúng ta để cảm nhận và hiểu biết lẫn nhau… và cuộc đối thoại này phải được duy trì mãi mãi. Đối thoại phát sinh từ bác ái, từ tình yêu. Nhưng với tên thủ lãnh kia, ta không thể đối thoại được: ta chỉ có thể đối đáp bằng Lời Thiên Chúa, Đấng luôn bênh đỡ ta, vì thế gian luôn ghét bỏ ta, và như như nó đã làm thế với Chúa Giêsu, nó cũng sẽ làm vậy đối với chúng ta”.
Rồi Đức Phanxicô mô tả cách ma qủy cám dỗ con người, thậm chí còn đặt lời lẽ vào miệng tên cám dỗ, một tên chuyên môn lừa bịp con người nam nữ: “Hắn thường nói ‘chỉ làm một chuyện bậy nho nhỏ này thôi… chỉ là chuyện nhỏ ấy mà, đâu có quan trọng gì’ và thế là hắn bắt đầu dẫn ta bước vào con đường sai lạc. Đây là một lối dối trá ra điều đạo hạnh. ‘Làm đi, làm đi: đâu có vấn đề gì đâu’”. Đức Phanxicô nói thế, rồi thêm: “Nó bắt đầu từ từ, luôn luôn như thế, không đúng sao? Rồi hắn bảo: ‘ông bà là người tốt mà, chuyện này ăn nhằm gì’. Hắn tìm cách ve vuốt ta, nịnh hót ta, và thế là ta rơi vào cạm bẫy của nó”.
Đức Phanxicô sau đó cho hay Chúa dạy ta luôn làm chiên bên trong Giáo Hội, vì nếu ta quyết định rời đàn chiên, ta đâu còn “người chăn chiên để bảo vệ ta và do đó ta sẽ rơi vào nanh vuốt của sói dữ. Anh chị em sẽ hỏi: thưa cha, đâu là khí giới để bảo vệ chống lại các rù quyến này, các tán tỉnh, các lôi kéo mà thủ lãnh thế gian từng đưa ra này?”. Đức Giáo Hoàng nói rằng khí giới này cũng là khí giới của Chúa Giêsu, tức Lời Thiên Chúa, không phải đối thoại, mà là Lời Thiên Chúa, rồi lòng khiêm nhường và đức hiền lành. “Ta nên nghĩ tới Chúa Giêsu lúc chịu khổ nạn. Tiên tri của Người cho hay: ‘Giống như chiên đưa tới lò sát sinh’, Người không hề kêu la, không hề: đó là đức khiêm nhường. Khiêm nhường và hiền lành. Đó là các khí giới mà thủ lãnh và tinh thần thế gian không chịu đựng nổi, vì đề nghị của nó luôn là đề nghị hưởng quyền hành thế gian, hưởng phù vân, hưởng giầu sang bất chính”.
Đức Phanxicô thêm rằng: “Ngày nay, Chúa Giêsu nhắc ta nhớ sự hận thù của thế gian đối với ta, đối với những kẻ bước chân theo Người”. Thế gian ghét ta “vì Người đã cứu rỗi ta, đã cứu chuộc ta”. Ngài kết thúc bài giảng bằng lời khẩn cầu Đức Mẹ, xin ngài “giúp ta trở nên hiền lành và khiêm nhường theo kiểu Chúa Giêsu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô