Nguồn từ Trang web Người Tín Hữu
Phần 2 : Từ Khi Cha Gioan Nhận Xứ ARS
Những Cách Thế Cha Gioan Đã Dùng
Chương 4 :
Sửa Nết Xấu Con Chiên
Phúc âm Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn này: "Nước trời giống như chủ nhà kia gieo lúa tốt trong ruộng mình... Khi lúa lớn lên, đầy tớ thấy cỏ lùng mọc lên cùng với lúa thì muốn nhổ đi ngay nhưng chủ nhà bảo:
- Hãy chờ tới mùa gặt, đừng nhổ bây giờ, kẻo nhổ cỏ lại nhổ phải lúa chăng?
Vì thế, khi linh mục muốn sửa tính nết xấu của con chiên, phải lựa lúc thuận tiện, chờ dịp tốt mới làm, nếu vội vàng hay sốt sắng quá, nhiều khi chẳng được kết quả mà lại còn thiệt hại nữa.
Khi các linh mục sửa tính mê nết xấu của con chiên, các cha phải sống hiền lành nhân từ, hết dạ yêu thương họ. Các cha phải bắt chước người Samaritanô nhân hậu, lấy dầu là thứ êm dịu mà xức vào thương tích, đừng lấy giấm là thứ chua xót mà xức cho con chiên, nghĩa là đừng buồn giận gắt gỏng quở trách, đừng nóng tính, quạu cọ với ai, phải luôn hiền lành, nhân từ và nhường nhịn như cha Gioan. Khi cha Gioan Vianney già yếu, ngài nói với một linh mục kia:
- Từ khi tôi về xứ này cho tới nay gần bốn mươi năm. Tôi chưa hề giận dữ, quát mắng, quở trách một con chiên lần nào.
Từ khi cha Gioan về xứ Ars, nhiều người đã mềm lòng và bớt khô khan; nhất là từ lúc cha lập hội Đền Tạ và hội Mai Khôi, số người sốt sắng ngày càng tăng thêm mãi. Dù những người khô khan vẫn còn đa số, cha thấy đã đến lúc thuận tiện cho việc sửa tính hư nết xấu của con chiên nên cha quyết định thi hành.
Giáo dân xứ Ars có ba thói xấu là họ rất mê xem xiệc, xem ca nhạc. Ngày lễ trọng hay Chúa Nhật, đàn ông đàn bà, già trẻ lớn bé rủ nhau đi xem xiệc hay ca nhạc ở cuối nhà thờ. Thanh niên nam nữ cũng hay khiêu vũ, nói chuyện ở sân nhà thờ, làm chia trí những người đang đọc kinh, dự lễ trong nhà thờ. Những điều nghịch mắt khó coi làm gương mù rất nặng, nhất là đối với trẻ con và những thiếu niên mới lớn.
Thói xấu thứ hai là làng Ars có ba bốn quán rượu. Ngày Chúa Nhật, lễ trọng, đàn ông trong làng họp nhau ở mấy quán rượu đó nhậu nhẹt say sưa, cãi vã, đánh nhau cả ngày, nhiều khi cha Gioan đi thăm kẻ liệt về, gặp những người say nằm rũ rượi bên đường.
Thói xấu thứ ba là không giữ luật kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, nhất là trong vụ mùa thu hoạch. Dự lễ về là họ làm việc ngoài đồng hay trong nhà cho đến tối. Còn khi không phải mùa gặt hái, họ không đi làm ngoài đồng nhưng làm việc ở nhà luôn tay cả ngày.
Cha Gioan dùng sự cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và giảng dạy ở nơi công cộng, khuyên bảo riêng để dẹp những thói xấu ấy. Ông thôn trưởng cũng dùng chức quyền của mình mà giúp cha hết sức. Ông ra lệnh cấm những đoàn ca nhạc đến làng, đe dọa phạt tiền những người say rượu, bắt nhốt những người đánh nhau, cãi nhau. Vì dân làng vừa nể vừa sợ thôn trưởng nên đa số vâng lời, chỉ một số ít người không xem lời ông ấy ra gì.
Làng Ars có thông lệ đến ngày lễ bổn mạng, họ mở hội, tiệc tùng, ca nhạc, khiêu vũ suốt bảy tám ngày. Người ở những làng chung quanh cũng đến xem, đến chơi ở đấy. Năm đó, cha Gioan bàn với thôn trưởng bỏ thông lệ ấy đi vì chẳng ích lợi gì mà sinh nhiều tội lỗi, nhưng những người khô đạo và ham chơi không chịu. Bọn họ kéo nhau lên chính quyền cấp huyện và tỉnh xin phép cho được mở ngày hội như mọi năm. Chính quyền cấp huyện cho phép, họ đem giấy phép về trình cho ông trưởng thôn, ông ấy nói:
- Chính quyền cấp huyện là cấp trên cho phép mở hội thì tôi phải chịu nhưng các anh không lấy lệnh cấp trên mà dọa tôi được mãi đâu, có ngày tôi sẽ trị các anh, các anh không nể tôi, tôi sẽ không nể các anh, từ rầy về sau tôi không làm ngơ lầm lỗi của các anh như trước đâu.
Những người khô khan, ham chơi vẫn quyết mở hội như mọi năm nhưng nhiều người biết trưởng thôn đã cấm, hay nghe lời ông ấy ngăm đe thì sợ; một phần vì nghe lời cha xứ giảng giải, can gián nên họ ở nhà và bắt vợ con không được đi hội. Những người đàn ông và đàn bà đã vào hai hội Đền Tạ và Mai Khôi cũng đồng lòng ở nhà không đi hội. Ngày hội làng Ars năm ấy tẻ nhạt, chẳng được đông vui như mọi năm, đến năm sau thì bỏ hẳn.
Những đoàn ca nhạc, múa rối, làm xiệc đến diễn vào các dịp lễ, thấy người đi xem càng ngày càng thưa thớt nên không đến nữa. Còn những quán rượu thấy ế, không còn khách nên dẹp tiệm chuyển sang nghề khác làm ăn.
Sau khi đả phá được hai thói xấu trên, cha Gioan cố gắng phá thói làm việc ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc. Cha thường lấy những lý lẽ chắc chắn và sốt sắng cùng lời Chúa Giêsu mà giảng giải cho con chiên về vấn đề kiêng việc xác ngày Chúa Nhật:
- Anh chị em đừng quá lo lắng đến thức ăn hay áo mặc. Sự sống không quí hơn của ăn và thân xác không trọng hơn áo mặc hay sao? Thiên Chúa ban cho anh chị em thân xác, lẽ nào Người lại không ban của ăn nuôi sống nó và vải để che thân nó? Vì thế, anh em đừng lo lắng bối rối: Chúng tôi sẽ ăn gì, mặc gì? Vì Thiên Chúa đã biết anh chị em cần những điều ấy: nhưng anh chị em hãy tìm Nước Thiên Chúa trước và làm các việc lành phúc đức, rồi mọi sự khác Thiên Chúa sẽ ban thêm cho anh chị em. Anh chị em chớ lo ngày mai làm chi, việc ngày mai để ngày mai lo, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.
Anh chị em đừng chỉ lo tìm kiếm của ăn nuôi xác ở đời tạm này mà thôi, nhưng phải lo tìm của thiêng liêng nuôi linh hồn mình nữa. Con người không phải như con vật chỉ có xác mà con người còn có linh hồn giống hình ảnh của Thiên Chúa. Người ta sống không nguyên bởi bánh nuôi thân xác nhưng còn bởi của ăn thiêng liêng là ơn Chúa, lời Chúa, Thánh Thể và các việc tin, cậy, mến, sự cầu nguyện cùng các việc lành phúc đức.
Người nào làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc là ăn cướp của Thiên Chúa. Trong một tuần lễ có bảy ngày. Thiên Chúa giữ lại một ngày còn sáu ngày kia Người đã ban cho anh chị em. Anh chị em được phần hơn mà chẳng lấy làm đủ, lại ăn cướp phần của Thiên Chúa. Của cướp được là của phi nghĩa, là của độc chẳng làm ích, chỉ làm hại mà thôi. Vậy anh chị lấy ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc là ngày của Thiên Chúa mà làm việc xác là ăn cướp của Thiên Chúa, không sinh ích lợi gì mà còn phải thiệt hại nữa. Ước chi anh chị em nhớ lời các thánh đã truyền lại rằng: "Ai muốn ra ngặt nghèo túng bấn thì có hai cách này: Một là làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc; hai là ăn cướp ăn trộm, ăn gian của người ta".
Cha Gioan chịu khó giảng giải, khuyên bảo con chiên lâu năm, điều đó không vô ích, vì sau này con chiên vâng lời cha mà tuân giữ ngày lễ rất nghiêm nhặt. Dù lúa ngoài đồng có bị nước ngập hay lúa lên mộng, không ai dám làm việc xác trong những ngày lễ khi linh mục chưa cho phép. Có một năm giữa mùa gặt hái, khi mọi người đang tham dự Thánh lễ vào sáng Chúa Nhật, bỗng nhiên, gió thổi mạnh, mây kéo đến nghịt trời. Ai ai cũng đoán là cơn mưa sắp ập tới. Mọi người đều nóng lòng sốt ruột lắm vì nhà nào cũng đang phơi lúa, phơi rơm đầy sân. Cha Gioan lên tòa giảng khuyên bảo mọi người hãy yên lòng, vì trời sẽ không mưa mà còn nắng to nữa. Cha vừa dứt lời thì sấm sét vang rền và mưa lác đác, nhưng tất cả mọi người đều quỳ nguyên tại chỗ dự lễ, không có ai chạy về nhà dọn lúa dọn rơm. Đúng như lời cha Gioan đã tiên đoán, trời chỉ mưa lác đác vài hột rồi sau đó gió thổi mạnh làm tan mây, trời quang mây tạnh và nắng to.
Cha Gioan không coi việc dẹp được thói xấu làm việc xác ngày Chúa Nhật của con chiên làm đủ, cha còn khuyên bảo họ làm nhiều việc lành trong ngày ấy nữa. Thiên Chúa và Giáo Hội đã truyền cho người ta nghỉ phần xác để có thời giờ thong thả mà lo cho phần hồn, làm việc phúc đức nên cha đề ra nhiều việc lành cho con chiên làm trong ngày ấy. Sáng Chúa Nhật sau khi lễ về và cơm nước xong, người ta thay phiên nhau đến đọc kinh lần hạt trong nhà thờ. Quá trưa, cha Gioan dạy giáo lý, lần hạt, chầu Mình Thánh. Đến tối, khi nghe chuông báo hiệu, mọi người lại đến nhà thờ đọc kinh và nghe giảng nữa, nên ngày Chúa nhật không lúc nào trong nhà thờ không có người đọc kinh, lần hạt.
Một linh mục thuật lại:
- "Tôi hay đến làng Ars và thấy làng ấy thật tốt về đạo đức mà cũng đẹp về phần đời. Tôi không thấy ai cãi cọ chửi rủa nhau bao giờ. Khi nhà thờ đánh chuông nguyện kinh Truyền Tin, những người làm ngoài đồng và những người đang đi trên đường đều quỳ xuống đọc kinh. Các ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc có nhiều người chịu lễ và người ta thay phiên nhau vào nhà thờ đọc kinh, lần hạt, nghe giảng, chầu Mình Thánh từ sáng đến tối, nhà thờ lúc nào cũng đông đúc, tấp nập".
--- o0o ---