LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN
Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.
Kết Luận
Trong cái tốt hay trong cái xấu, có hai nhân vật đã ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử kitô giáo. Một trở thành người tình của Tin Mừng Chúa Giêsu đến độ mặc lấy bản sắc này luôn. Người thì không buồn đọc lướt qua. Một trở nên thánh, người kia thành giáo hoàng. Giáo hoàng là người ngang ngạnh với Phúc Âm. Vị thánh thì giờ đây người ta còn nhớ đến, còn hiện diện trong đời sống ngày nay; giáo hoàng thì rơi vào quên lãng. Trong lúc người con trai dịu hiền của bà Pica và ông Pierre Bernadone d’Assise có tên quen thuộc là Phan-xi-cô, cách sống và lời giảng dạy của thánh nhân vẫn còn sống động thì chẳng ai còn nhớ tới người thích gây gổ Lothaire, con trai của bá tước Segni, giáo hoàng có tên là Innocent III. Cả hai sống cùng thời với nhau, có cùng văn hóa chung. Cả hai đều đọc cùng Phúc Âm và cùng chọn con đường đi theo Chúa Giêsu. Nhưng lại dùng hai phương cách hoàn toàn khác nhau.
Nếu ngày hôm nay người ta còn cầu nguyện và hát kinh theo thánh Phan-xi-cô thì may thay, chẳng còn ai nhớ các bài viết của Lothaire. Khi còn là hồng y, Lothaire đã viết quyển sách Lời khinh miệt thế gian - Le mépris du monde -, một quyển sách bán chạy trong vòng sáu thế kỷ và đã hình thành – đúng hơn là biến dạng – đời sống thiêng liêng kitô. Phan-xi-cô chỉ viết vài hàng sắc bén nhưng vẫn còn giá trị mãi mãi. Bi quan yếm thế, cho rằng mình được thần thánh gợi hứng, Lothaire viết:
Con người được thụ sinh bằng máu hư thúi của lòng ghen tương vô độ và người ta có thể nói dòi bọ đã ở gần xác chết của nó. Sống, nó sinh sôi nẩy nở giun đất và chí rận, chết, nó sinh sôi nẩy nở giòi bọ và ruồi muỗi; sống, nó ị mửa, chết, nó ung thúi; sống, nó chỉ phì thân, chết, nó nuôi sống không biết bao nhiêu giun bọ... trong khi sống là chúng ta đang dần dần chết và cuối cùng là chết khi hết sống, bởi vì chết chẳng khác gì sống mà đang chết...
Theo Lothaire, khi ông La-da-rô sống lại, Chúa Giêsu khóc “không phải vì La-da-rô đã chết mà vì Chúa nhắc lại những khốn cùng của cuộc sống.”
Nếu đối với Lothaire tất cả đều khủng khiếp và đều là lý do để than khóc thì đối với Phan-xi-cô, mọi sự đều đẹp và là nguồn của ân phúc: “Hãy chúc tụng Thiên Chúa, tất cả các tạo vật.. Chúa là đấng thánh, Chúa là đấng duy nhất đã làm những chuyện kỳ diệu... Chúa là thiện mỹ...” Đứng trước các vấn đề của thời đại, cả hai có những giải pháp khác nhau. Giáo hoàng Innocent III là giáo hoàng cực mạnh thời Trung cổ, người đưa khái niệm vương quốc giáo hoàng lên đỉnh cao và Giáo Hội ở thời điểm phát triển mạnh nhất. Chính ông là người nằm mơ thấy Giáo Hội sắp sụp thì được người anh em Phan-xi-cô cứu: “Đi, sửa lại căn nhà của Ta, con thấy đó, nó sắp sập.” Giáo hoàng nghĩ là cứu Giáo Hội bằng cách tuyên bố thánh chiến lần thứ tư chống những người Sarrasins và họp công đồng (công đồng thứ tư Latran) để định nghĩa bảy mươi phương cách làm “thánh chiến” hay, nói cách khác, giết một cách hiệu quả nhất (chưa bao giờ người ta nhân danh Chúa mà vui vẻ giết người như thế). Còn thánh Phan-xi-cô thì tay không đến gặp nhà vua đạo Hồi và trở thành bạn của ông.
Innocent, người thích gây gổ và hung bạo, thành lập lần đầu tiên Tòa Thẩm Tra để đem lên giàn thiêu tất cả những ai trong Giáo Hội không đồng ý với ông. Sống trong đen tối, chết trong rùng rợn. Ông chết khi sắp sửa lên ngựa, tay cầm gương để chiến đấu với kẻ thù, xác bị mọi người bỏ rơi gần thối rửa, bị các kẻ trộm vứt bỏ trong nhà thờ Péruge. Khi gần chết, thánh Phan-xi-cô trút bỏ hết, nằm trần truồng dưới đất hát bài ca ngợi Chúa, các sư huynh yêu thương đứng chung quanh. Chỉ một Chúa, một Phúc Âm, hai câu trả lời khác nhau, một vị thánh./
HẾT