LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN
Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.
Chương 15 : Quỷ thần ma quái
Lc 4: 31-37
Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, vào ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
Lời Chúa Giêsu được các thánh sử lựa chọn cẩn thận từng chữ để truyền đạt lại, họ phân biệt rõ rệt giữa “ma quỷ” và “quỷ thần”, các chữ khác nhau với những ý nghĩa khác nhau, không bao giờ lẫn lộn. Tiếng Hê-brơ “ma quỷ-diable” có nghĩa là sa-tan - đối nghịch, kẻ thù -, chữ này được dùng một cách khác nhau trong Kinh Thánh hê-brơ để chỉ hành động của “Sứ thần của Thiên Chúa” (một thành ngữ để chỉ định chính Chúa, St 16: 7) cũng như của một vài người như vua Đa-vít, kẻ thù của dân Phi-li-tinh hay (1 Sm 29: 4) hay A-man, đối nghịch với dân Do Thái.
Chữ “sa-tan” xuất hiện trong Cựu Ước cả chục lần, lần đầu tiên nó được dùng như một danh từ riêng là ở trong sách Sử Biên 1 (1 Sb 21: 1). Tác giả của nó, theo sau là một nền thần học đã tiến triển hơn, quy cho “sa-tan” muốn kiểm kê dân số Ít-ra-en, một công việc mà đầu tiên hết họ gán cho Chúa: “Đức Chúa lại nổi giận với Ít-ra-en, và Người xúi giục vua Đa-vít gây hoạ cho họ. Người phán: “Hãy đi đếm dân Ít-ra-en và người Giu-đa.” (1 Sb 21: 1-6) Chữ “sa-tan” cũng còn là hình ảnh tượng trưng cho “người buộc tội” (Tv 109: 6), tước vị viên chức của Chúa, thành viên của triều đình trên trời: “ Vậy một ngày kia, các con cái Thiên Chúa đến trình diện Đúc Chúa; Sa-tan cũng đến trong đám họ.” (G 1: 6) Chỉ về sau này, trong một ngụy thư mà chữ “sa-tan” trở thành tên của thiên thần từ chối không chịu thờ phượng ông A-dong, người đàn ông đầu tiên được tạo dựng, bị đuổi, và vì lý do đó mà bị đuổi ra khỏi mặt đất với các thiên thần.
Quỷ thần đủ loại
Chữ “quỷ thần-démon” tiếng hy-lạp có nghĩa là “người xé xác chết” không có trong ngôn ngữ hê-brơ. Khi Thánh Kinh được dịch ra tiếng Hy Lạp, một xã hội có một nền văn hóa tiến triển thì người ta giữ một khoảng cách giữa những nhân vật trung gian giữa thần thánh và người, và đối với những nhân vật huyền thoại mà càng ngày người ta càng gặp nhiều hơn như các nhân ngư, nhân điểu, nhân mã, thần dê, thần đồng nội, thần tinh nghịch, tất cả đều được dịch theo nghĩa “quỷ thần” (Lv 17: 7) Cũng cùng một chữ này, người ta sắp hạng các nhân vật thần thánh xứ lạ, bút chiến hạ nhau là thần xấu, như thần Gát, thần tài và “thần giữ nhà”(Is 65: 11; Đnl 32: 17). Có thể các dịch giả đã nói hơi quá khi xếp quỷ vào hàng mèo hoang (Is 34: 14) và dê hoang (Is 13: 21). Quỷ thần quen thuộc nhất trong Cựu Ước là Át-mô-đai-ô (“ác quỷ giết người”). Kẻ thù truyền kiếp của các cặp vợ chồng, nó tàn sát bảy người chồng đầu tiên của bà Xa-ra, “giết chết trước khi ăn ở với cô theo tục lệ vợ chồng” (Tb 3: 8) Tô-bi-a, người chồng của bà, sợ theo số phận của bảy ông chồng trước, nhờ uống một loại thuốc kỳ lạ mà cứu được mạng. Biết bao tử của con quỷ Át-mô-đai-a rất yếu, không chịu đựng được mùi “gan và tim cá”, ông đã để gia vị trên than hồng và “mùi cá đẩy lui quỷ, khiến nó chạy trốn về miền Thượng Ai-Cập” (Tb 8: 3).
Lối viết giản dị của Thánh Kinh hê-brơ và Thánh Kinh hy lạp về ma và quỷ thần (không thấy một trường hợp bị quỷ ám và cũng không biết đến thành ngữ “quỷ ám”), ngược với sự sinh sôi nẩy nở tràn lan trong do thái giáo, thời kỳ trước khi có Chúa Giêsu, số lượng và thể loại quỷ gia tăng một cách lạ lùng, làm cho người ta tưởng tượng chúng được tháo cương: “Mỗi người chúng ta có ngàn con quỷ bên trái, mười ngàn con quỷ bên mặt.” Trong một thế giới mà có người còn tin trong hạt đậu có linh hồn người chết nên không dám ăn thì tất cả những gì huyền bí hoặc những gì mà người ta chưa biết lý do (giống như phơi nắng là vì “ôn thần ban trưa”, Tv 91: 6), đều bị cho là quỷ thần hoặc hành động quỷ quái. Mỗi ôn thần có chuyên nghề của nó.
Nếu thiên thần không có giới tính thì quỷ thần lại có giới tính rõ ràng: cũng giống như loài người, chúng “ăn, uống, sinh con đẻ cái và chết” và chúng cũng là đàn ông, đàn bà, đôi khi lại “lưỡng tính”
Ai làm cho ai thành quỷ?
Ngược với quỷ thần đầy dẫy trong do thái giáo, các thánh sử viết rất kín đáo về đề tài này. Quỷ ma xuất hiện rất ít trong phúc âm, không có một trường hợp nào bị sa-tan ám, chỉ có quỷ thần ám, chúng được xem là “thần ô uế”. Phúc âm thánh Gio-an không đề cập một trường hợp quỷ ám nào, các thánh sử khác cho thể loại quỷ ám là những chướng ngại bên trong (về thành kiến, về ý thức hệ, về quyền lợi) chế ngự làm cho con người ngang ngạnh không tiếp nhận Lời Chúa. Theo các thánh sử, các trở ngại này liên hệ đến truyền thống tôn giáo và giáo điều chính thức do các kinh sư và các người Pha-ri-sêu áp đặt.
Lần đầu tiên Chúa Giêsu đứng trước một người bị quỷ ám là trong bối cảnh chế ngự bởi thể chế tôn giáo: hội đường. Chúa Giêsu trốn hội đường Na-da-rét, nơi họ đang muốn giết Người (Lc 4: 16-30, và đang cố gắng trình bày lại sứ điệp của mình ở hộ đường Ca-phác-na-um (Lc 4: 31-37). Ở Na-da-rét, Lời Chúa làm cho ho muốn giết Chúa thì Ở Ca-phác-na-um ngược lại, dân chúng say sưa nghe, họ cảm nhận mình được giải phóng “họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền”. Giảng dạy có “uy quyền” là địa hạt độc quyền của kinh sư, những người duy nhất được chính thức giảng dạy Sách thánh. Qua lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Chúa đã làm cho danh tiếng của kinh sư bị cháy, không những họ đã làm cho dân chúng không biết đến Lời Chúa mà còn bị dân chúng cho đó “sáo ngữ” (Is 29: 13), “dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15: 1-9)
Có một người không chịu được khi thấy dân chúng say sưa nghe Chúa giảng, ông ta la to lên: “Ông Giêsu Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Ai là người cảm thấy mình bị đe dọa vì Lời Chúa?
Thánh sử đã cố ý cho thấy sự liên hệ giữa một người vô danh lên tiếng nhưng lại nói nhân danh số nhiều”chúng tôi”, như chính ông ta là đại diện của một nhóm người. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu không nhắm một người nào nhưng chính phản ứng tích cực của dân chúng đã làm cho uy tín của các kinh sư bị giảm, rõ ràng họ thấy lời giảng dạy của họ chẳng phải là lời giảng dạy từ trời. Giảng dạy như “một Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư.” (Mc 1: 22), Chúa Giêsu hủy diệt tận căn uy quyền của họ.
Người bị quỷ ám cảm thấy mình bị đe dọa bởi Lời Chúa Giêsu. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu vừa hủy diệt uy tín các kinh sư, vừa hủy niềm tin xây dựng trên sự vâng lời nhà cầm quyền của người bị quỷ ám mà trước đây anh ta xem là ý Chúa. Người bị quỷ ám bảo vệ lòng tin của mình vào cơ chế tôn giáo chính là để giữ lại đức tin của mình. Tiếng thét lên của người bị quỷ ám làm vang mạnh lên tiếng kêu của những người có quyền: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy.” (Ga 11: 47-48) Sứ điệp Chúa Giêsu đã lật mặt nạ các kinh sư và những người Pha-ri-sêu: đó là những người cầm quyền tôn giáo và thiêng liêng đã “ám” dân chúng, làm cho họ tin vào lời giảng dạy chẳng phải từ Chúa. Không những các kinh sư và các người Pha-ri-sêu không vào nước Chúa mà còn “khóa của Nước Trời không cho thiên hạ vào” (Mt 23: 13), họ còn kéo dân chúng theo họ và “làm cho dân chúng đáng xuống hỏa ngục gấp đôi họ” (Mt 23: 15).
Trong khi lời giảng dạy của các kinh sư là muốn áp đặt dân chúng, không cho họ có khả năng nhận xét và tự do thì sứ điệp của Chúa Giêsu làm cho con người được tự do và khám phá được các khả năng yêu thương mới. Chính vì lý do đó mà lời giảng dạy của Chúa Giêsu tác động nhiều hơn các lời nói dông dài của các kinh sư mà “không làm hại anh.” Anh ta nghĩ bỏ Lề Luật là nguyên do tất cả các sự xấu nhưng ngược lại, anh lại có kinh nghiệm dù tuân theo Lề Luật, sự xấu vẫn tồn tại. Hình thức phóng thích quỷ nơi người bị quỷ ám còn làm cho những người có mặt sửng sốt. Họ đồng loạt hỏi: “lời ấy là lời thế nào?”, công hiệu không những cho trường hợp trước mắt mà còn có khả năng đuổi tất cả các thần ô uế khác.
Chúa Giêsu đã thực hiện được điều này ở hội đường Ca-phác-na-um, còn ở hội đường Na-da-rét Người chỉ mới thông báo: “kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4: 18) Và dân chúng chứng nghiệm được sức mạnh Lời Chúa có khả năng giải phóng mọi con người, bị nô lệ vì tôn giáo, ngăn không cho họ thấy được hình ảnh thật của Chúa Cha.