SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph. HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
PHẦN 5
Các lời chỉ dẫn để canh tân và duy trì linh hồn trong đời đạo đức.
CHƯƠNG 01
MỖI NĂM PHẢI LẬP LẠI CÁC ĐIỀU QUYẾT ĐỊNH NHỜ NHỮNG VIỆC LÀM SAU ĐÂY
Điểm thứ nhất của các việc làm ấy là nhận định rõ ràng tầm quan trọng của chúng. Bản tính con người dễ sút giảm dần dần trong các tâm tình tốt, nguyên do là tại tính mỏng dòn và tại các khuynh hướng xấu của xác thịt ta làm nặng bước của hồn và kéo ghì hồn xuống, trừ phi hồn cố gắng vươn lên cao luôn luôn nhờ những nỗ lực liên tiếp, cũng như chim trời nếu không liên tiếp vỗ cánh để nâng bổng mình lên, sẽ rơi xuống đất. Chính vì thế, Philôtê thân mến, con cần phải lặp đi lặp lại đều đặn những điều dốc lòng làm tôi phục vụ Thiên Chúa, nếu không e rằng con sẽ rơi xuống tình trạng đầu tiên, hay tình trạng tệ hơn trước.
Vì đặc điểm của sự sa sút thêng liêng là làm ta rơi xuống thấp hơn tình trạng xưa kia ta đã vượt lên để sống đời đạo đức. Đồng hồ tốt mấy mặc lòng vẫn phải lên dây mỗi ngày. Ngoài ra, mỗi năm, phải tháo hết cả để lau chùi sét rỉ, thay thế các bộ phận mòn hư, sửa sang các phần sai lệch. Kẻ chăm nom đến linh hồn mình cũng vậy, phải nâng lòng lên Thiên Chúa sáng chiều, nhờ những việc đạo đức nói trên kia. Ngoài ra, nhiều lần còn phải xem xét lại tình trạng linh hồn nếu cần phải sửa lại, uốn nắn lại. Sau cùng ít ra mỗi năm một lần phải tháo ra và xem xét từng phần, nghĩa là từng tâm tình, từng xu hướng của lòng để mà sữa chữa cái hư, cái xấu. Thợ đồng hồ dùng dầu rất tinh sạch để nhỏ vào các bánh xe, ruột gà và mọi bộ phận chuyển động của đồng hồ, để các sự xoay chuyển được êm nhẹ hơn, và không bị sét rỉ ; người đạo đức cũng vậy, khi đã tháo rời từng phần của trái tim ra rồi, muốn cho nên mới thì phải cho dầu mỡ bằng Bí Tích Xá giải và Thánh Thể. Việc này sẽ bồi dưỡng các sức lực đã hao mòn qua thời gian, sẽ hâm nóng trái tim, làm xanh tươi các dốc lòng và làm nhân đức của linh hồn lại nở hoa.
Các bổn đạo ngày xưa vẫn cẩn thận thực hành việc đó ngày kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa như Phúc Âm đã kể lại. Theo lời thánh Grê-gô-riô, Giám Mục thành Na-diăng, các bổn đạo tuyên lại các lời hứa khi chịu phép Rửa Tội. Philôtê rất thân mến, ta cũng hãy làm như vậy, đem hết thành tâm và cẩn thận nghiêm chỉnh mà làm.
Sau khi lãnh ý kiến của cha linh hướng và chọn thời giờ thuận tiện, đồng thời con hãy tìm một nơi thanh vắng trước hết là ở trong linh hồn, nghĩa là bớt lo lắng bận bịu, và bên ngoài là tránh nơi ồn ào, đông người, cho khác mọi ngày thường, ở đó con sẽ suy ngắm một hay hai bài sau đây, theo cách tôi đã dẫn giải bảo trong phần thứ hai.
Điểm thứ nhất của các việc làm ấy là nhận định rõ ràng tầm quan trọng của chúng. Bản tính con người dễ sút giảm dần dần trong các tâm tình tốt, nguyên do là tại tính mỏng dòn và tại các khuynh hướng xấu của xác thịt ta làm nặng bước của hồn và kéo ghì hồn xuống, trừ phi hồn cố gắng vươn lên cao luôn luôn nhờ những nỗ lực liên tiếp, cũng như chim trời nếu không liên tiếp vỗ cánh để nâng bổng mình lên, sẽ rơi xuống đất. Chính vì thế, Philôtê thân mến, con cần phải lặp đi lặp lại đều đặn những điều dốc lòng làm tôi phục vụ Thiên Chúa, nếu không e rằng con sẽ rơi xuống tình trạng đầu tiên, hay tình trạng tệ hơn trước. Vì đặc điểm của sự sa sút thêng liêng là làm ta rơi xuống thấp hơn tình trạng xưa kia ta đã vượt lên để sống đời đạo đức. Đồng hồ tốt mấy mặc lòng vẫn phải lên dây mỗi ngày. Ngoài ra, mỗi năm, phải tháo hết cả để lau chùi sét rỉ, thay thế các bộ phận mòn hư, sửa sang các phần sai lệch. Kẻ chăm nom đến linh hồn mình cũng vậy, phải nâng lòng lên Thiên Chúa sáng chiều, nhờ những việc đạo đức nói trên kia. Ngoài ra, nhiều lần còn phải xem xét lại tình trạng linh hồn nếu cần phải sửa lại, uốn nắn lại. Sau cùng ít ra mỗi năm một lần phải tháo ra và xem xét từng phần, nghĩa là từng tâm tình, từng xu hướng của lòng để mà sữa chữa cái hư, cái xấu. Thợ đồng hồ dùng dầu rất tinh sạch để nhỏ vào các bánh xe, ruột gà và mọi bộ phận chuyển động của đồng hồ, để các sự xoay chuyển được êm nhẹ hơn, và không bị sét rỉ ; người đạo đức cũng vậy, khi đã tháo rời từng phần của trái tim ra rồi, muốn cho nên mới thì phải cho dầu mỡ bằng Bí Tích Xá giải và Thánh Thể. Việc này sẽ bồi dưỡng các sức lực đã hao mòn qua thời gian, sẽ hâm nóng trái tim, làm xanh tươi các dốc lòng và làm nhân đức của linh hồn lại nở hoa. Các bổn đạo ngày xưa vẫn cẩn thận thực hành việc đó ngày kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa như Phúc Âm đã kể lại. Theo lời thánh Grê-gô-riô, Giám Mục thành Na-diăng, các bổn đạo tuyên lại các lời hứa khi chịu phép Rửa Tội. Philôtê rất thân mến, ta cũng hãy làm như vậy, đem hết thành tâm và cẩn thận nghiêm chỉnh mà làm. Sau khi lãnh ý kiến của cha linh hướng và chọn thời giờ thuận tiện, đồng thời con hãy tìm một nơi thanh vắng trước hết là ở trong linh hồn, nghĩa là bớt lo lắng bận bịu, và bên ngoài là tránh nơi ồn ào, đông người, cho khác mọi ngày thường, ở đó con sẽ suy ngắm một hay hai bài sau đây, theo cách tôi đã dẫn giải bảo trong phần thứ hai.
CHƯƠNG 02
SUY VỀ HỒNG ÂN CHÚA BAN CHO TA, KHI KÊU GỌI TA PHỤNG SỰ NGÀI, CHIẾU THEO BẢN TUYÊN NGÔN TRÊN KIA
1) Con hãy suy về các điểm của lời tuyên ngôn của con : điểm nhất là đã lìa bỏ, ghớm ghét và từ bỏ cho đến mãn đời mọi tội trọng. Điểm hai, là đã tận hiến linh hồn, trái tim, thân xác và mọi sự thuộc về nó để yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Điểm ba, là nếu lỡ làm việc xấu, con sẽ nhờ ơn Chúa mà chỗi dậy tức khắc. Chẳng phải đó là những dốc lòng tốt đẹp, chính đáng, đại độ ư ? Vậy con hãy suy cho kỹ về giá trị thánh thiện hợp lý và đáng ước ao của lời tuyên ngôn ấy.
2) Con hãy suy đến người nhận lời tuyên ngôn con dâng lên, tức là Thiên Chúa. Một lời danh dự nói với người đời còn bó buộc ta chặt chẽ vậy, huống chi các lời hứa với Thiên Chúa ? Đavít nói : “Ôi lạy Chúa ! lòng con đã thưa điều ấy với chính Chúa”, không bao giờ con sẽ quên bỏ (Ca Vịnh 26, 8).
3) Con hãy suy : các Đấng nào đã chứng kiến lời tuyên ngôn cam kết của con ? Tất cả triều đình thiên quốc đã chứng kiến. Thánh nữ Đồng Trinh, tháng Giuse, thiên thần giữ mình, thánh Lu-y, tất cả đoàn thể các đấng hiển phúc ấy nhìn con và khen ngợi, tán thành các lời của con. Với cặp mắt đầy trìu mến, các ngài nhìn trái tim con đến phục dưới chân Chúa Cứu Thế, dâng mình phụng sự Ngài. Đó là cả một niềm hân hoan lớn lao cho đô thành Giêrusalem Thiên Quốc. Giờ đây, thiên đàng mừng lại kỷ niệm nếu con hết lòng tuyên hứa lại các điều quyết định ấy.
4) Hãy suy đến những phương thế con đã dùng để tuyên ngôn. Ôi trong thời ấy, Thiên Chúa tỏ ra hiền hậu và thân tình chừng nào ! Chẳng phải con bị hấp dẫn bởi vẻ khả ái của Chúa Thánh Thần đó ư ? Thiên Chúa kéo con thuyền bé bỏng của con đến bên ơn cứu rỗi bởi những dây gì nêu chẳng phải dây tình yêu ân ái ? Ngài đã chẳng cho con nếm các ngon ngọt của tình Ngài trong các Bí Tích, các sách đạo đức và nguyện ngắm để nuôi dưỡng con đấy ư ? Ôi Philôtê thân mến, có khi con ngủ, song Thiên Chúa thức và coi sóc con, và chỉ có toàn những ý tưởng bình an, ý nghĩ yêu đương đối với con.
5) Hãy suy Thiên Chúa thúc giục con dốc lòng như thế trong thời buổi nào ? Đó là thời tươi trẻ nhất đời con. Ôi sung sướng cho ta chưa, ta được học biết điều mà tự ta, ta chỉ được biết khi quá muộn ! Thánh Au-gu-ti-nô, lúc ba mươi tuổi mới được ơn biết và mến Chúa. Người đã nói : “Ồ, sự thiện mỹ ngày xưa sao tôi biết muộn quá thế ? Than ôi, tôi đã thấy Người, song tôi lại không lưu tâm đến ! “Phần con, con có thể nói : “Ôi sự ngọt ngào ngày xưa kia, tại sao tôi không sớm nếm được ? Buồn thay, lúc ấy con không xứng đáng được hưởng ! Cho nên, bây giờ khi nhận biết Thiên Chúa đã ban ơn đặc biệt thế nào khi lôi kéo con tới Ngài trong tuổi thanh xuân, con hãy nói cùng thánh vương Đavít : “Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng và đánh động lòng con từ thời niên thiếu. Con sẽ tuyên dương lòng thương xót Chúa đến muôn đời”. (Ca Vịnh 20, 17). Nếu con được ơn kia lúc tuổi già, thật đáng buồn Philôtê, nhưng đó cũng là ơn rất lớn lao, vì sau bao năm làm hư ơn nghĩa, Thiên Chúa đã kêu gọi con trước giờ chết, đã kịp thời ngăn chặn đà nguy hiểm, nếu không con sẽ bị khốn nạn trầm luân muôn kiếp.
6) Con hãy suy về những hậu quả của sự kêu gọi ấy. Tôi chắc con thấy nhiều điều thay đổi nơi con so với cách sống xưa. Chẳng phải con thất sung sướng vì biết nói chuyện cùng Chúa bởi nguyện ngắm ư ? Thấy vui thích muốn yêu mến Ngài ? Được bình an và thanh nhàn trong cõi lòng trước kia xáo động bởi bao tình dục ? Đã tránh được bao tội trọng và bao khúc mắc vò rối lương tâm ? và cuối cùng, đã được rước lễ nhiều, tức là được kết hợp với nguồn của muôn ơn huệ đời đời đấy ư ? Phải, các ơn ấy lớn lao thật ! Hỡi Philôtê, con phải cân các ơn ấy với cái cân vàng của đền thờ. Chính tay toàn năng Thiên Chúa đã thực hiện những việc ấy ! Đavít nói : “Tay Thiên Chúa đã biểu dương quyền phép, tay vạn năng đã nâng đỡ tôi chỗi dậy, tôi không muốn chết, song muốn sống mãi để môi miệng, để tâm trí và việc làm tôi sẽ kể lại những kỳ công của lòng nhân hậu Thiên Chúa”. (Ca vịnh 117, 16-17),
Sau những điều suy nghĩ có sức làm phát sinh nhiều tâm tình tốt trong ta, phải kết thúc bằng việc tạ ơn và một lời nguyện tha thiết xin từ nay sẽ lợi dụng những điều ấy. Đồng thời con hãy chấm dứt việc suy ngắm này trong niềm tin cậy nơi Thiên Chúa và lòng khiêm nhường. Con sẽ dành việc chọn các dốc lòng ra sau điểm thứ hai của việc đạo đức này.
CHƯƠNG 03
XÉT MÌNH VỀ TIẾN BỘ TRONG ĐỜI THÁNH ĐỨC
Điểm nhì của việc đạo đức này khá dài, nên lúc thực hành, con không cần làm một hơi cho hết, song chia làm nhiều chặng. Chặng nhất : bàn về cách con ăn ở đối với Chúa ; chặng hai : đối với chính mình ; chặng ba : đối với đồng loại ; chặng bốn : bàn về các tình dục. Cũng chẳng cần phải quỳ gối mà làm, trừ lúc đầu và lúc cuối, nên quỳ để dâng các tâm tình cảm mến.
Các điểm khác của bản xét mình, con có thể vừa đi bách bộ vừa làm cũng có thể làm khi nằm trên giường, miễn là phải tỉnh chứ đừng ngủ. Song muốn làm cho thành công, phải đọc kỹ trước. Con liệu thế nào để có thể thi hành điểm nhì của việc đạo đức này trong khoảng thời gian dài nhất là ba ngày hai đêm : mỗi ngày và mỗi đêm ấy con lấy một giờ, hai giờ, nghĩa là một lúc lâu, tùy sức con. Lý do là nếu làm việc này dây dưa cách quãng xa nhau, nó mất sức hiệu nghiệm, và chỉ gây những cảm tưởng yếu ớt.
Sau mỗi điểm xét mình, con sẽ thấy con lỗi trong điều gì, con đã thiếu sót gì, con đã sai trệch chỗ nào ngõ hầu biết rõ mà đi bàn hỏi, dốc lòng và củng cố tinh thần lại. Tuy những ngày con làm việc xét mình này và các việc sau, không đòi con phải cấm phòng nghiêm nhặt trong thinh lặng. Song tốt nhất là ban tối con phải bớt chuyện trò để lên giường sớm mà nghỉ ngơi tâm trí cũng như thân xác, là điều cần thiết để có đủ sức suy xét cách chu đáo. Ban ngày, con phải nâng lòng nhiều lần lên Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần và tất cả triều thần thánh trên trời. Con hãy làm tất cả việc đó với một lòng mến Chúa tha thiết và đầy ước muốn tiến bộ.
Để khởi sự xét mình, con hãy :
1. Đặt mình trước mặt Thiên Chúa.
2. Cầu khẩn Chúa Thánh Thần, ban ơn soi sáng để con được hiểu rõ về chính mình, như thánh Au-gu-ti-nô đã hết lòng khiêm nhường kêu xin : “Lạy Chúa ! xin cho con được biết Chúa và hiểu chính mình con !”, và như thánh Phan-xi-cô hỏi Chúa : “Chúa là ai và con là ai ?” Con hãy tuyên ngôn : con chỉ muốn biết sự tiến bộ của con không để tự mãn, song để vui thoả trong Chúa, không để vênh vang tự đắc, song để vinh quang Thiên Chúa và tạ ơn Ngài.
3. Nếu nhận xét mình đã ít cố gắng, hoặc đã lùi, con quyết tâm không vì thế mà chán nản, hay thối chí buông trôi ; trái lại, con muốn khích lệ, thối thúc mình can đảm hơn, hạ mình và nhờ ơn Chúa tu sửa các thiếu sót.
Làm xong việc khởi đầu trên đây, con hãy êm đềm, bình tĩnh suy xét cách ăn ở từ trước đến nay của con đối với Thiên Chúa, với đồng loại, và với chính mình.