SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph. HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
PHẦN 4
Các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường.
CHƯƠNG 15
ĐÔI GƯƠNG SÁNG VÀ ĐÔI ĐIỀU THÊM CHO VẤN ĐỀ TRÊN
Để sáng tỏ các điều đã bàn trên, tôi muốn thuận lại đây một mẫu chuyện do thánh Bê-na-đô kể. Thường thường, hầu hết các người khởi sự đi đàng nhân đức, mà chưa từng trải về các sự thăng trầm trong đời thiêng liêng, khi họ thấy thiếu cái cảm giác vui sướng trong việc đạo đức, thấy thiếu ánh sáng an ủi thúc giục họ tiến mau trên đường Chúa, họ đột nhiên thấy mất hứng chí và đâm hèn nhát, buồn chán trong lòng. Những đấng thông thạo giải lý rằng : bản tính có lý trí của con người không thể sống mà không có một vui khoái nào hoặc cao thượng hay thấp hèn. Chỉ có tâm hồn đã vượt lên trên chính mình, vì đã được tiếp xúc với các khoái lạc cao siêu, mới từ bỏ dễ dàng các sự hữu hình thấp kém.
Đối với các linh hồn còn chập chững, khi Chúa cất các niềm vui đi, họ thấy mình hết các yên ủi, đang lúc đó lại chưa biết kiên nhẫn chờ đợi mặt trời chiếu sáng lại, họ tưởng họ lửng lơ giữa trời, giữa đất, hình như đang quờ quạng trong một đêm tối đen vĩnh viễn vô hạn. Họ đã trở nên giống các trẻ sơ sinh mà mạ cai sữa, đâm ra lả lướt yếu nhược, rên rĩ và quấy rầy, tức bực mình.
Câu chuyện này sẽ minh chứng rõ. Ông Gióp-fơ-ra Pê-ron (Geoffroy de Péronne) là người mới vào tập đàng trọn lành. Bỗng dưng bị khô khan lạt lẽo, mất hết yên ủi, đầy những tối tăm trong lòng trong trí. Nhớ đến các bạn hữu ngoài đời, đến cha mẹ bà con, đến của cải mà ông vừa bỏ, ông đâm bị cám dỗ nặng nề đến nỗi một người bạn đã nhận thấy. Người bạn đã lân la đến dùng lời khéo léo hỏi han ông : “Gióp-fơ-ra, cái gì đó ? Tại sao anh tỏ ra trầm ngâm và rầu rĩ khác hẳn thói thường ?” Gióp-fơ-ra thở dài : “A, anh bạn ơi, suốt đời tôi sẽ không còn vui vẻ nữa”. Người bạn nghe thế, động lòng trắc ẩn, và đã lấy tình anh em đem bày tỏ cây chuyện này cho vị cha chung là thánh Bê-na-đô. Trước cơn quẫn bách ấy, thánh nhân đã vào nhà nguyện gần đó cầu nguyện cho Gióp-fơ-ra. Đang lúc ấy, ông này chán ngán buồn bã gối đầu trên một hòn đá rồi ngủ quên mất. Một lúc sau, cả hai đều chỗi dậy, vị thánh chỗi dậy khỏi chỗ nguyện ngắm vì đã chắc được ơn mình xin, và Gióp-fơ-ra khỏi giấc ngủ, nét mặt tươi cười, hân hoan, đến nỗi người bạn thân ngạc nhiên vì sự thay đổi bất chợt ấy, nên đã trách đùa bạn mình sao lúc nãy nói khác. Lúc ấy, ông đáp lại : “lúc nãy tôi có nói : không bao giờ sẽ vui nữa, bây giờ tôi xin anh tin rằng không bao giờ tôi còn buồn nữa”.
Đến đó kết liễu cơn cám dỗ của ông. Philôtê, xin con hãy chú ý điều này trong câu chuyện đó :
1) Thường Thiên Chúa ban cho nếm trước đôi sự ngọt ngào thiên đàng cho những kẻ mới vào sống đàng thánh đức ngõ hầu lôi kéo họ ra khỏi các lạc thú phàm trần và khích lệ họ hăng hái bước theo tình mến Chúa, cũng như người mẹ muốn cho con thèm bú, thì bôi mật trên núm vú.
2) Song cũng chính Thiên Chúa tốt lành ấy, đôi khi đã khôn ngoan an bài cách khác : cất hết sữa các yên ủi, cũng ví như cai sữa cho ta, như thế là có ý dạy ta ăn bánh cứng chắc của lòng đạo đức mạnh mẽ, biết làm quen với những thử thách do các chán nản và cám dỗ gây nên.
3) Đôi lần, có những dông tố kéo đến trong cơn khô khan lạt lẽo ấy, lúc đó phải chiến đấu bền gan với các bão bùng cám dỗ, vì chúng không bởi Chúa đến. Nhưng còn các khô khan, ta phải nhẫn nại chịu đựng, vì do Thiên Chúa đã xếp đặt như vậy để luyện tập ta.
4) Giữa các cực phiền bên trong ấy, đừng bao giờ ngã lòng, đừng nói như ông Gióp-fơ-ra : “Không bao giờ tôi sẽ vui vẻ nữa”, dù ở giữa bóng tối vây phủ, ta cứ chờ ánh sáng. Ngược lại, trong thời tươi đẹp nhất của đời thiêng liêng, cũng không nên nói : “Tôi sẽ không bao giờ buồn rầu”. Vì Đấng khôn ngoan đã nói : “Trong những ngày hạnh phúc, phải nhớ đến những bất hạnh. Phải hy vọng lúc ở giữa lao lung và phải sợ hãi khi được thịnh vượng”. Bất cứ ở dịp nào, cũng luôn phải ở khiêm nhường.
5) Một linh dược : ta hãy bày tỏ cái cơ cực của ta cho người bạn tâm hồn nào có thể an ủi ta.
Sau hết , để kết luận những điều căn dặn cần thiết này, tôi nhận xét thấy trong việc này cũng như trong mọi việc khác, Thiên Chúa nhân lành của ta và kẻ thù của ta hai bên đều có dự định cả, song trái nghịch nhau. Thiên Chúa thì muốn nhờ các cái cay cực đó mà làm tâm hồn ta trong sạch hơn, biết từ bỏ các ích kỷ của ta hơn trong viêc phục vụ Ngài, và làm ta hoàn toàn cởi bỏ chính mình. Còn ma quỷ nỗ lực điều động mọi mưu mô làm ta mất can đảm, làm ta chạy theo các lạc thú giác quan, và cuối cùng đưa ta đến chỗ chán ngán mình và các kẻ khác, ngõ hầu hạ giá và làm ta nhàm chán đời thánh đức. Nếu con giữ các điều chỉ bảo trên, con sẽ thêm hoàn thiện khi sống giữa các cơn não nề tâm hồn ấy.
Tôi còn muốn nói thêm câu này : đôi khi những chán ngán, khô khan, lạt lẽo là do thể xác bất an như vì thức khuya, công việc nhiều hay chay lòng, ta thấy bạc nhược, uể oải, nặng nề, khó chịu,.v.v… Tuy là những khó chịu thể xác, nó cũng ảnh hưởng đến tinh thần, vì hồn xác liên kết chặt chẽ. Vậy trong những trường hợp ấy, phải lấy hết tinh thần và ý chí làm nhiều việc nhân đức.
Mặc dầu hồn như mê ngủ và uể oải mệt mỏi, các việc tâm trí ta gắng làm lúc ấy vẫn làm đẹp lòng Chúa lắm. Lúc ấy, ta có thể nói nhu Hiền thê : “Tôi ngủ mà lòng tôi thức” (Nhã Ca 5, 2). Như tôi nói trên kia, dù làm các việc ấy không mấy hứng thú, công nghiệp và nhân đức lại càng nhiều hơn. Song phải lo sao cho thân thể khỏe mạnh lại, nhờ giải trí và giảm bớt các việc quá hao sức. Vì thế thánh Fan-xi-cô truyền các tu sĩ dòng người phải điều độ trong lao công để sự hăng hái của tinh thần khỏi bị giảm sút. Có một lần ngài bị một cơn sầu não tâm trí ám ảnh nặng nề đến nỗi ngài không thể giữ kín đáo được. Ngài muốn nói chuyện với anh em, cũng không yên, xa lánh đi lại càng thấy khốn đốn hơn. Trai giới và hành hạ thân xác càng làm cho thân thể thêm bạc nhược. Nguyện ngắm cũng chẳng làm cho khuây khỏa. Ngài sống hai năm trong tình trạng ấy, tưởng chừng Thiên Chúa hoàn toàn từ bỏ. Song sau cùng, khi đã khiêm nhường chịu đựng cảnh não nề ấy, Chúa Cứu Thế đã cho ngài đột nhiên được lại bình an hạnh phúc. Gương đó cho thấy các vị tôi tá lớn nhất của Chúa còn phải chịu các lao tâm khổ trí ấy, nên các kẻ đầy tớ nhỏ hèn đừng nên ngạc nhiên nếu gặp đôi chút thử thách như vậy !