SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện
PHẦN 3
Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.
CHƯƠNG 05
KHIÊM NHƯỜNG BÊN TRONG
Nhưng chắc Philôtê còn muốn tôi dẫn con vào sâu hơn trong đức khiêm nhường, vì làm như tôi đã bàn trên kia thì xem có vẻ khôn ngoan hơn là khiêm nhường. Vậy bây giờ tôi qua chặng khác. Có nhiều người không muốn, không dám nghĩ hay suy đến những ơn Thiên Chúa đã ban riêng cho họ, sợ nhiễm tính chuộng hư danh hay tính tự mãn. Họ lầm ! Vì như thánh Tiến sĩ Thiên Thần (Thánh Tô-ma A-qui-nô) nói : phương thế tốt để đạt tới lòng mến Chúa là suy đến các ơn huệ Ngài ban. Càng biết chúng hơn, ta càng chuộng hơn. Và thường các ơn huệ đặc biệt làm ta cảm kích hơn các ân huệ thông thường, nên càng phải suy về chúng cẩn thận hơn. Đã hẳn, không gì cho mình cảm thấy tủi hổ trước lòng thương xót của Chúa cho bằng nghĩ đến muôn vàn ơn huệ Thiên Chúa đã ban cho ta ; hoặc tủi hổ trước đức Công bình của Ngài cho bằng thấy mình đã phạm bao nhiêu điều ác. Ta hãy suy đến những gì Ngài đã làm cho ta và những gì ta đã làm chống lại với Ngài ; và như ta xét cặn kẽ về từng tội, ta cũng hãy suy về từng ơn huệ Chúa ban. Đừng sợ biết những ơn Ngài ban làm ta kiêu căng, miễn ta lưu tâm điểm này : cái gì tốt trong ta không phải do ta. Ôi ! lừa kia đâu có mất bẩm chất nặng nề hôi hám chỉ vì được mang trên mình những vật quý giá và thơm tho của vua ! Có gì tốt mà chẳng là của ta đã nhận được sao ? Nếu đã nhận được mới có, sao ta lên nước ? (1Cor 4, 7). Trái lại, lưu tâm suy đến các ơn đã nhận được giúp ta nên khiêm nhường vì biết thì sinh biết ơn. Nhưng nếu, nhìn các ơn Chúa đã ban, ta thấy ngứa ngáy muốn khoe mình, phương thuốc hay nhất là đem trí suy đến các bạc bẽo, các khuyết điểm, các khốn cực của ta. Nếu ta suy các cái ta đã làm, khi Chúa chưa ở với ta, ta sẽ thấy rõ cái ta làm được khi Ngài ở cùng ta không phải là do tài cán hay sức lực ta đâu. Đã đành ta hưởng, ta vui vì có các sự đó, song ta chúc vinh chỉ mình Thiên Chúa vì ngài là tác giả các việc ấy. Đức Trinh Nữ Maria đã nêu gương cho ta : Người tuyên xưng : Thiên Chúa đã làm nơi Người bao điều cao trọng nhưng là để Người hạ mình và tôn kính Thiên Chúa : như Người nói : “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… vì Ngài đã thực hiện trong tôi muôn điều trọng đại”. (Luca 1, 46).
Biết bao lần ta nói mình không là gì cả, là khốn nạn và nhơ nhớp của trần gian, nhưng ta lại buồn khi ngươi ta coi đó là thật và người ta rêu rao lên rằng ta hệt như ta nói : hoặc ngược lại, ta giả bộ chạy trốn cốt để người ta chạy theo tìm kiếm. Cử chỉ bên ngoài tỏ ra ta là người muốn rốt bét và ngồi cuối bàn, song dụng ý là để được mời lên đầu bàn cách oanh liệt. Đức khiêm nhường chân chính không giả bộ, không những chỉ nói những lời khiêm nhường, vì không những nó muốn che giấu các đức khác, mà còn và nhất là che giấu chính mình. Giả sử có thể nói dối, giả bộ hay làm gương xấu được thì nó sẽ làm bộ kiêu căng, tự đắc để che giấu kỹ hơn và để sống không ai biết đến mình.
Hỡi Philôtê, tôi thiển nghĩ hoặc đừng nói những lời khiêm nhường, hoặc nói thì nói với tâm tình thành thật trong ngoài đi đôi. Chỉ nên cúi mặt nhìn xuống khi lòng ta hạ xuống khiêm nhường. Đừng giả vờ làm kẻ rốt bét mà thực tình ta chẳng muốn. Tôi cho đó là một luật chung, không có luật trừ. Tuy nhiên phép lịch sự đòi ta phải nhường sự tốt đẹp hơn cho người, dầu ta biết họ sẽ từ chối. Cái đó không phải là tráo trở hay khiêm tốn giả. Vì chính cử chỉ kính nhường ấy đã làm cho người ta được danh dự phần nào rồi, nếu ta không thể đem cho họ tất cả danh dự, ta không làm gì xấu khi hiến cho họ một phần. Về đôi lời trọng vọng hay tôn kính, nếu xét cho cùng có vẻ không thật, nhưng dầu sao chúng cũng thật một phần nào, miễn là khi nói phải thật lòng muốn tôn kính người mình nói với. Dù những lời ấy có đi quá sự thật một chút, ta không mắc lỗi, vì thói quen đòi phải dùng thế. Tuy vậy, tôi mong sao các lời kia phải sát với tâm tình ta được chừng nào hay chừng ấy, để trong mọi sự và mọi nơi ta luôn giữ lòng đơn sơ và trong sáng. Người thực sự khiêm nhường thích người khác nói mình khốn nạn, không ra gì, không đáng giá gì chứ không phải chính mình nói ra. Ít nhất khi biết người ta nói như thế mình không phản đối, nhưng vui lòng nhận vì tin chắc người ta nói đúng, nên mình rất vui mừng thấy người khác nghĩ như mình. Có người nói : Thôi dành việc suy ngắm cho người hoàn thiện còn mình không xứng đáng. Người khác tuyên bố : Họ không dám rước lễ luôn luôn, vì họ không thấy mình trong sạch đủ. Kẻ lại nói : sợ làm ô nhục cho đàng nhân đức nếu họ đưa mình vào, vì tự thấy khốn nạn và mỏng dòn lắm. Kẻ khác : từ khước không đem tài năng phụng sự Chúa và đồng loại, vì họ nghĩ mình yếu đuối, họ sợ đâm kiêu ngạo nếu họ được là dụng cụ để làm việc tốt lành nào đó, và đem soi sáng cho kẻ khác, họ bị hao mòn đi. Tất cả những lời nói trên đều là xảo ngôn, là thứ khiêm nhường, không những giả hiệu, song còn tai hại. Vì nhờ những lời đó người ta muốn chê trách các điều thuộc về Chúa cách ngấm ngầm, tinh quái ; hoặc ít ra lấy cớ khiêm nhường để che đậy tính yêu thích ý kiến riêng tâm tình riêng và lười biếng của mình. I-sa-ya tiên tri nói với vua A-kháp : “Hãy xin Chúa một điềm lạ trên trời hay dưới đáy biển”. Nhưng vua trả lời : “Không, tôi không xin, tôi không muốn thử thách Chúa” (Isaia 7, 17). Ôi con người manh tâm ! Ông ta ra vẻ rất tôn trọng Thiên Chúa, lấy lý khiêm nhường để tự chước cho mình khỏi mong cầu ơn thánh. Chúa đã rủ lòng thương trách lỗi ấy của ông. Sao ông lại chẳng thấy : một khi Chúa muốn thi ân thì từ chối các ơn huệ Chúa muốn ban là kiêu ngạo, còn vâng lời và hết sức đáp lại các ước muốn của Ngài, là khiêm nhường ư ? Mà ước muốn của Chúa là ta hãy nên hoàn thiện, bởi kết hiệp với Ngài, bắt chước Ngài hết sức. Người kiêu hãnh, tự tín vào mình, có đủ lý mà không dám làm gì cả. Song người khiêm nhường càng can đảm khi thấy mình càng bất lực, và khi biết mình yếu hèn chừng nào, họ càng bạo dạn chừng ấy, vì đặt tất cả lòng trông cậy nơi Chúa, Đấng thích thi thố quyền phép vạn năng trong yếu hèn của ta và dủ lòng thương xót nỗi khốn cực của ta. Vậy, phải lấy lòng khiêm nhường và thánh thiện mà dám làm những gì các linh hướng ta xét hạp để giúp ta tiến bộ.
Nghĩ mình biết cái mình không biết, là ngu xuẩn rõ ràng ! Làm bộ thông thái về cái mình biết là mình không biết, là khoe khoang không thể chịu được ! Phần tôi, tôi cũng không muốn làm kẻ giỏi vì cái tôi biết hay ngược lại làm kẻ vờ ngu. Khi đức bác ái đòi, phải thông truyền cách thẳng thắn và từ tốn cho người đồng loại không những điều họ cần hiểu biết mà ngay cả điều có ích cho họ thỏa lòng. Vì đức khiêm nhường che giấu các nhân đức khác là cốt để bảo vệ, gìn giữ, nhưng khi đức bác ái đòi hỏi, lại không ngần ngại tỏ các nhân đức ra để làm chúng tăng tiến, lớn lên và hoàn hảo. Như thế, đức ấy giống như thứ cây nọ ở đảo Ty-lốt1, cứ ban đêm thì che kín lấy những cánh hoa đỏ đẹp, và chỉ mở ra lúc hé bình minh, cho nên thổ dân nói thứ hoa ấy ngủ ban đêm. Đức khiêm nhường cũng che kín mọi nhân đức và hoàn thiện của người ta, và chỉ cho lộ ra vì bác ái, là nhân đức không phải của con người đời song của trời, không phải thuộc luân thường song trực tiếp thuộc Thiên Chúa, là mặt trời các nhân đức, thống trị trên các nhân đức, cho nên khiêm nhường mà làm hại cho bác ái, đó là khiêm nhường giả trăm phần trăm.
Tôi không muốn làm kẻ dại, cũng không muốn làm người khôn, sự đơn sơ, ngay thẳng ngăn tôi làm dại. Và nếu khoe khoang là trái với khiêm nhường thì mánh lới giả bộ, kiểu cách trái với đơn sơ, ngay thẳng. Nếu có đôi vị tôi tớ trọng vọng của Chúa đã giả bộ làm kẻ dại để trở nên nhớm gờm trước thế gian, ta chỉ nên thán phục mà đừng bắt chước. Họ có lý để làm cái kì dị ấy. Đó là những chuyện đặc biệt và phi thường của riêng các ngài, cho nên đừng ai áp dụng cho mình. Kìa vua Đa-vít nhảy múa trước Hòm Bia bất chấp nghi lễ thủ tục thông thường không phải người muốn thành điên dại, song người đã làm những bộ điệu bên ngoài ấy cách đơn sơ không kiểu cách vì nó hợp với niềm hân hoan tràn trụa vô tả người cảm thấy trong lòng. Đã hẳn, Mi-kôn, vợ người, có trách người về cử chỉ điên dại ấy, người không buồn vì đã ra như bần tiện. Song người không thay đổi cách diễn tả chất phác chân thành niềm vui của mình, và đã tỏ ra vui nhận chút nhục nhã vì Chúa. Dựa theo đó, tôi tưởng nếu do những hành động của lòng đạo đức chân thành và đơn thật mà người ta coi con là kẻ hèn hạ, đáng ghét hay điên dại, đức khiêm nhường sẽ làm cho con vui mừng vì những sự tủi hổ có phúc đó, vì căn nguyên tủi hổ này không do con song do các kẻ làm cho con.
1 Các đảo trong vịnh Ba-tư.
--- o0o ---