Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro, từ 23 đến 28, tháng 7, trong đám đông có thể thấy nhiều tín hữu giơ hai tay lên trời, người lắc lư qua lại, trên mặt mang sắc diện say mê hay hân hoan.
Các hình ảnh này, cùng với các sự xuất hiện trên sân khấu của các nhân vật nổi danh như Linh Mục Marcelo Rossi, một cha xứ của một đại giáo xứ, có các đĩa thâu và phim ảnh thường xuyên được xếp hạng hàng đầu tại quê hương Ba Tây của ngài, là những nhân chứng cho ảnh hưởng mạnh mẽ của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng đối với Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh ngày nay.
Trong khi Giáo Hội tiếp tục mất đi nhiều thành viên trong vùng có dân số Công Giáo đông nhất thế giới, phong trào đoàn sủng nổi bật như một nguồn hy vọng, không những để chống lại sự cạnh tranh ghê gớm của Giáo Phái Ngũ Tuần Tin Lành, mà còn giúp tăng cường sức mạnh tinh thần nơi các tín hữu nói chung.
Mặc dầu chưa hiện diện được nửa thế kỷ, phong trào có ít ra là 120 triệu thành viên tại 230 quốc gia đã chịu “phép rửa bởi Chúa Thánh Thần,” theo một văn kiện được Dịch Vụ Canh Tân Đặc Sủng Quốc Tế ấn hành năm 2012. Phong trào khởi xướng tại Hoa Kỳ, đã phát triển nhanh chóng tại Á Châu và Phi Châu. Nhưng điạ điểm tập trung của phong trào hiện nay là tại Châu Mỹ La Tinh, nơi 16 phần trăm người Công Giáo tự xưng là thành viên.
Một trong những nhà tiên phong của phong trào là linh mục Dòng Tên Edward Dougherty, nhà sáng lập Đài Truyền Hình Công Giáo Ba Tây “Seculo 21” (Thế Kỷ 21).
Khi linh mục sanh trưởng tại Louisiana di chuyển sang Ba Tây năm 1966, ngài đã khám phá một quốc gia, như đa số tại Châu Mỹ La Tinh, nơi ơn gọi và việc tham dự Thánh Lễ suy giảm. Ngài cũng được biết rằng một phong trào Công Giáo mới đây đã cổ võ cho công bằng xã hội trong vùng trong một vài trường hợp đã đưa tới sự sao lãng các giá trị trần thế khác.
Cha Dougherty nói với Catholic News Service tại Rio. "Cần có đời sống thiêng liêng.”
Trong khi đó, các người Tin Lành theo Giáo Phái Ngũ Tuần lại hăng say rao truyền sứ điệp của họ rất thành công trong dân số người Công Giáo truyền thống.
Giáo phái này “nói về nhu cầu linh đạo của người dân,” cha Dougherty nói. "Thông thường, các nhà thờ, các đền thờ của họ cởi mở hơn các nhà thờ Công Giáo,” và các mục sư của họ dễ dàng và luôn sẵn sàng thăm viếng giáo dân tại nhà của họ hơn các linh mục Công Giáo.
Một vài Giáo Hội Ngũ Tuần, nhất là các Giáo Hội không thuộc giáo phái nào như Giáo Hội Hoàn Vũ của Vương Quốc Thiên Chúa tại Ba Tây, cũng rao giảng “phúc âm của sự giầu có” về tài vật nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Đó là một sứ điệp hiển nhiên là hấp dẫn tại một quốc gia như Ba Tây, nơi mặc dầu có sự tăng trưởng về kinh tế mới đây, sản lượng quốc gia trên đầu người chỉ có $12.100.
Phong trào Ngũ Tuần vẫn tiếp tục gia tăng, từ 6 phần trăm dân số Ba Tây năm 1991 lên 13 phần trăm năm 2010, theo một tài liệu mới đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew dựa trên các dữ kiện thống kê dân số Ba Tây. Trong cùng một thời kỳ, phần chia xẻ của Công Giáo giảm từ 83 phần trăm xuống 65 phần trăm. Một cuộc thăm dò của Pew về Phong Trào Ngũ Tuần cho hay 45 phần trăm là người Công Giáo đã bỏ đạo.
Mặc dầu Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo đã có những gốc rễ đại kết chắc chắn, và các thành viên thường cầu nguyện chung với nhóm Ngũ Tuần, phong trào cũng hoạt động như một công cụ cho việc gìn giữ hay chiêu hồi các người Công Giáo đang bị nhóm Tin Lành cám dỗ.
Cũng như phong trào Ngũ Tuần, Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo nhấn mạnh về vai trò của Chúa Thánh Thần, có các vụ chữa bệnh bằng đức tin và nói tiếng lạ, và được loan truyền bởi các nhà truyền giáo đi gõ cửa từng nhà. Nhưng vai trò quan trọng phong trào đem lại cho Mẹ Maria và Thánh Thể bảo đảm rằng việc tồn sùng đặc sủng Thánh Linh có một căn tính Công Giáo rõ rệt.
Cha Dougherty nói: Phong trào cũng khuyến khích các dịch vụ xã hội, ghi nhận là được linh ứng bởi biến cố căn bản của Giáo Hội, là Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ của Chúa Giêsu “ra đi trên đường phố” để rao giảng và giúp đỡ người nghèo khó ngay sau khi họ được tràn đầy Thánh Thần.
Căn tính Công Giáo mạnh mẽ rất thiết yếu cho việc phong trào được chấp nhận bởi các giới chức thẩm quyền trong Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh, vì rất nhiều vị lúc đầu đã dè dặt về hình thức thờ phượng khác lạ và vì giới lãnh đạo đa số là giáo dân.
Một trong những người nghi ngại là linh mục Jorge Mario Bergoglio, người Á Căn Đinh, nay là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha nói với các phóng viên trên chuyến bay rời Rio: Vào cuối thập niên 70 và khởi đầu của thập niên 80, tôi không có nhiều thì giờ cho phong trào canh tân đặc sủng. Có lần tôi đã nói như sau về họ: ‘những người này đã lầm lẫn giữa một nghi thức phụng vụ và những bài dậy khiêu vũ điệu Samba!'"
Ngài nói: "Bây giờ tôi hối tiếc. Bây giờ tôi cho rằng phong trào này, nói chung đã thực hiện được nhiều điều tốt lành cho Giáo Hội."
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi không nghĩ rằng phong trào canh tân đặc sủng chỉ ngăn cản mọi người không bỏ đạo để gia nhập các giáo phái Ngũ Tuần. Phong trào còn là một hình thức phụng sự cho chính Giáo Hội! Phong trào đổi mới chúng ta."
Đức Thánh Cha tiếp: "Phong trào này cần thiết, phong trào này là ân sủng của Chúa Thánh Thần”, khi ngài nói về các phong trào trong Giáo Hội nói chung." “Tất cả mọi người đều tìm kiếm một phong trào riêng cho mình, tùy theo đặc sủng của mỗi người, nơi Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ."
Bùi Hữu Thư 8/12/2013
Nguồn Vietcatholic.org