Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 3

Con noi gương Chúa Giêsu

Đó là ba ngày khủng khiếp, ba ngày Jorge chiến đấu với tử thần. Khi đó Jorge hai mươi mốt tuổi, trong một lúc sốt cao độ, Jorge ôm chặt lấy mẹ và tuyệt vọng hỏi: “Mẹ ơi, mẹ nói cho con biết bệnh trạng con đến đâu rồi.” Mẹ chỉ biết trả lời là chính bác sĩ cũng chưa rõ. Rồi cuối cùng, bác sĩ cũng tìm ra bệnh, Jorge bị sưng phổi nặng. Bác sĩ tìm ra được ba bướu u, khi sức khỏe ổn định, sau một thời gian, họ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt phần trên của phổi bên mặt.

Mỗi ngày Jorge phải chích dịch truyền để rửa màng phổi và các bết sẹo. Thời đó phải dùng các que dò nối vào một lon nhỏ để hút vết thương bằng tia nước. Đau đớn vô cùng.

Bergoglio ít thích các câu thoa dịu kiểu “không sao đâu”, “con sẽ vui khi về lại nhà.” Cho đến một ngày nữ tu Dolores, người lo cho Jorge rước lễ lần đầu, vào thăm, chị không nói những câu mẫu kiểu trên nhưng nói một câu đã làm cho Jorge yên lòng: “Em bắt chước Chúa Giêsu nghe.” Câu nói này là bài học tiêu biểu cho Jorge, vì anh phải đối diện với cái đau trong tinh thần kitô.

Giọng ngài khá nghiêm khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này, làm cho chúng tôi hiểu đã có một dấu vết để lại trong cuộc đời của ngài qua cuộc chạm trán với tử thần lúc còn rất trẻ này. Từ đó, Đức giáo hoàng bị yếu phổi, dù không có di chứng gì nặng, nhưng cũng là một giới hạn. Cha tin chắc rằng câu chuyện này đã góp phần đào tạo để cha có khả năng nhận định, biết cái gì quan trọng và không quan trọng trong cuộc sống và đức tin của cha được kiên định. Đau đớn có thể là một ân phúc nếu mình cáng đáng theo tinh thần kitô không? Bergoglio nhìn sự việc này theo cách: “Đau đớn tự bản thân nó không phải là một đức hạnh. Nhưng cách mình cáng đáng nó thì có thể là một đức hạnh. Thiên hướng của chúng ta là được trọn vẹn và hạnh phúc, trong chiều hướng này thì đau đớn là một giới hạn. Vì thế, ý nghĩa của đau đớn, tôi hiểu nó trong sự trọn vẹn, là qua sự đau đớn của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô.”

Khi thảo luận với chúng tôi về cách chúng ta đối diện với các hoàn cảnh khác nhau, cha nhớ lại mẫu đối thoại giữa một người theo thuyết bất khả tri và một tín hữu trong quyển tiểu thuyết của nhà văn Pháp Joseph Malègue. Người theo thuyết khả tri nói, theo ông, vấn đề là phải biết xem Chúa Kitô có phải là Thiên Chúa không; còn đối với người tín hữu, vấn đề là biết sự gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa không mạc khải qua Chúa Kitô, có nghĩa là nếu Thiên Chúa không xuống thế để cho con đường chúng ta có một ý nghĩa. “Vì điều này, điều then chốt là hiểu thập giá như hạt mầm của sự sống lại. Tất cả mọi cố gắng để vượt lên sự đau đớn đều chỉ mang lại kết quả phiến diện nếu nó không được xây dựng trên nền tảng của tính siêu nghiệm. Hiểu và sống sự đau đớn trong tinh thần trọn vẹn là một món quà. Sống trong tinh thần trọn vẹn lại còn tốt hơn.”

- Giáo Hội có quá nhấn mạnh đau đớn, xem đau đớn là con đường để tiếp cận với Chúa và chưa nhấn mạnh đủ về niềm vui sống lại không?

- Đúng là có một thời kỳ Giáo Hội nhấn mạnh đến vấn đề đau khổ. Một trong các phim tôi thích là phim Le Festin de Babette, phim dựng lên một trường hợp điển hình về hình thức cấm đoán lệch lạc. Các nhân vật là những người sống theo phái Calvin thuần túy, đến mức họ xem Chúa Cứu Thế như một chuyện tiêu cực của thế giới này. Nhưng khi buổi ăn thịnh soạn được dọn ra, tự do tươi mới xuất hiện thì tất cả mọi sự đều được biến đổi. Sự thật, trước đó, cộng đoàn này không biết thế nào là hạnh phúc. Họ sống trong tình trạng bị đau đớn chà đạp. Họ bị trói cột trong kiếp nhân sinh. Họ sợ tình yêu.

- Nhưng biểu hiệu lớn của đạo Công Giáo là Chúa Kitô bị đóng đinh và máu chảy trên thân thể…

- Tán dương chuyện đau khổ còn tùy thuộc vào từng thời đại và từng văn hóa. Giáo Hội biểu trình Chúa Kitô tùy theo mội trường văn hóa và tùy theo lúc. Nếu chúng ta quan sát các ảnh tượng đông phương như ở Nga chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy hiếm khi có hình ảnh Chúa Kitô bị đóng đinh, nhưng là hình ảnh Chúa sống lại. Ngược lại nếu chúng ta nhìn ảnh tượng thời barốc Tây Ban Nha, chúng ta sẽ thấy các ảnh tượng Chúa Kitô bị đánh đòn vì thời này đặt nặng giá trị trên sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Bức tranh La Crucifixion Blanche của hoạ sĩ Chagall, một tín hữu Do Thái, là một bức tranh không có nét dữ nhưng tràn đầy hy vọng. Đau đớn ở đây được thể hiện một cách thanh thản. Đối với tôi, đó là một trong những bức tranh đẹp nhất ông đã vẻ.

Đến đây, cha Bergoglio hạ giọng xuống, có lẽ để bầu khí thoải mái hơn.

“Nhân đây tôi có thể kể một câu chuyện được không?

- Thưa cha được chứ.

- Đó là câu chuyện của một thằng bé Do Thái bị hết trường này trường kia đuổi vì vô kỷ luật, cho đến một ngày, một người bạn của người cha khuyên ông nên cho con vào trường “các cha.” Ông thuyết phục người cha, nói rằng ở trường này, họ sẽ đưa thằng bé về đường ngay nẽo chính. Người cha đồng ý. Tháng đầu tiên trôi qua, đứa bé trụ lớp rất giỏi, nó không bị cảnh cáo lần nào. Các tháng sau cũng không có vấn đề. Người cha tò mò muốn biết vì sao con mình tiến bộ, ông đến hỏi cha hiệu trưởng. Cha hiệu trưởng trả lời: “Rất dễ. Ngày đầu tiên tôi kéo tai nó, đem nó tới bức tượng Chúa Kitô bị đóng đinh và nói: Ông này là người Do Thái giống con, nếu con không học đàng hoàng thì con cũng sẽ giống ông này.”

(Cười) Tuy vậy, chúng tôi không nghĩ ràng lập luận của chúng tôi bị thua và chúng tôi nhấn mạnh.

“Cha không thể chối cãi, trong suốt hai ngàn năm qua, Giáo Hội đã biểu dương việc tử đạo như con đường nên thánh.”

- Phải nói chính xác chuyện này: nói đến những người tử đạo là nói đến những người đã để lại chứng tá, cho đến cùng, cho đến chết. Nói “Đời tôi là một cuộc tử đạo” có nghĩa là “Đời tôi là một chứng tá.” Mà vào thời buổi của chúng ta, ý tưởng này làm cho người ta liên tưởng đến sự ác độc. Điều này có nghĩa, nhờ tiến trình của một vài chứng nhân, chữ này đồng nghĩa với hy sinh mạng sống mình vì đức tin. Nếu cho phép cha nói, thì ý nghĩa của chữ này bị thu hẹp. Giữ một đời sống đạo kitô là làm chứng tá trong vui vẻ như Chúa Giêsu đã làm. Thánh Têrêxa đã nói, một vị thánh buồn là một vị thánh buồn.

- Để lại một chứng tá của niềm vui, dù Giáo Hội mời gọi ăn năn sám hối và hy sinh như một hình thức chuộc tội?

- Đương nhiên. Người ta có thể ăn chay nhịn đói, nhịn đủ thứ dưới mọi hình thức, tiến bộ trên con đường thiêng liêng nhưng vẫn giữ được bình an và vui vẻ. Nhưng chú ý, cha không muốn rơi vào trong tình trạng lạc giáo pêlagiô (không cần ơn Chúa), tự đủ, tôi tự cho tôi thánh thiện vì tôi ăn năn sám hối, bởi vì tất cả đều trở thành ăn năn sám hối. Còn về việc đau đớn, vấn đề là, trong một vài trường hợp, nó không đi đúng đường. Dù sao, tôi cũng không thích phải đặt lại lý thuyết khi đứng trước những người đang trải qua những giai đoạn khó khăn. Tôi nghĩ đến đoạn Phúc Âm kể chuyện bà Samaritaine có năm đời chồng và bà không thể nào đương đầu được. Khi bà gặp Chúa Giêsu, bà bắt đầu nói lý thuyết với Chúa, Chúa làm cho bà quay lại, đồng hành với bà và đưa bà về với sự thật, ngăn không cho bà khép mình trong suy tư.

- Còn cha, cha có thái độ nào khi đứng trước một người sắp chết sau một cơn bệnh nặng hoành hành.

- Cha im lặng. Điều duy nhất lúc đó là im lặng và tùy theo mức độ tin tưởng, cha có thể cầm tay họ. Cầu nguyện cho họ vì cái đau thể xác và cái đau thiêng liêng đều ở bên trong, chúng đều ở một nơi mà không có gì thấm nhập vào được; cái đau nằm trong các bức tường cô đơn. Đó là những người cần biết có ai đó cùng đồng hành với họ, thương họ, tôn trọng sự thinh lặng của họ để Chúa đi vào trong khoảng không gian thuần túy cô đơn này. Cha nhớ có một phim, trong phim này, nhân vật nữ là một người đàn bà vô tội bị lên án tử hình, người ta đưa bà đến phòng hành quyết. Vì bà thích nhạc jazz nên người hành quyết đón bà với tiếng nhạc ồn ào vang trời. Người dnn trở nên hoảng loạn, bà hét lên xin tắt nhạc. Bà không muốn cái gì giả tạo, bà muốn yên tỉnh. Điều này cho thấy xã hội chúng ta muốn che giấu cái chết.

- Có nghĩa là?

- Cha nghĩ đến những chuyện khôi hài, những người theo thói hưởng lạc tô son trét phấn cho xác chết và dựng họ “ngồi” trong những buổi quàn. Chuyện này không phổ biến nhưng có vài nơi đã làm. Đó cũng là trường hợp các nghĩa trang cải biến thành viện bảo tàng, các tác phẩm nghệ thuật, những nơi rất đẹp, tất cả chỉ để che giấu thảm kịch ở đàng sau.

- Cha nghĩ gỉ về cái chết của cha?

- Từ rất lâu, cái chết là bạn đồng hành hằng ngày của cha.

- Tại sao?

- Cha đã hơn bảy mươi tuổi, chẳng còn bao nhiêu chỉ trong suốt chỉ. Cha không sống thêm bảy mươi tuổi nữa và cha đã bắt đầu tự nhủ mình phải bỏ hết. Nhưng cha bình thản, cha không buồn. Cha muốn sống đúng với tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Cha không bao giờ nghĩ đến việc làm di chúc. Nhưng cái chết đi theo trong suy nghĩ của cha mỗi ngày.”