Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN III 

NĂM THÁCH ĐỐ

Chương 11

Đối diện với Hiện đại và Toàn cầu hóa

Nếu chúng ta nghĩ toàn cầu hóa như trái banh bida, thì nó sẽ làm hạ xuống hết các nét phong phú của từng nền văn hóa một.1

Tân giáo hoàng chắc chắn là con người của thời đại. Không như người tiền nhiệm Bênêđictô XVI, một nhà trí thức tập trung vào sách vở và rất chuộng các nghi lễ giáo hoàng cổ, giáo hoàng Phanxicô hợp với hiện thực hàng ngày hơn. Thời còn là tổng giám mục Buenos Aires, không những ngài dùng phương tiện công cộng để di chuyển mà còn hay đi thăm viếng các giáo xứ của mình, lắng nghe người dân, không sử dụng cương vị của mình giống như các thành viên khác trong hàng giáo phẩm tôn giáo thường làm, và ngài chỉ giao du với các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng giống mình.

Các nét nhân cách thực tế của giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện rõ nét ngay từ khi ngài được bầu. Như đã nói ở các chương trước, khi dùng cụm từ “Giám mục và Đoàn dân” cũng như xin dân chúng cầu nguyện cho mình, giáo hoàng đã tự chứng tỏ mình là một người giống mọi người, dễ gần và cũng có yếu đuối riêng. Điều này khiến ngài rất khác với Gioan Phaolô II, người dù rất gần gũi với dân, nhưng vẫn luôn giữ thái độ gia trưởng và muốn giữ một hình ảnh mạnh mẽ và hoàn hảo, nhưng điều này lại khiến người bình thường thấy thật khó để theo gương ngài.

Sự gần gũi với dân của giáo hoàng Phanxicô đã thu hút mọi người ở Argentina và toàn Mỹ châu đồng cảm với ngài. Ngày 19 tháng 3 năm 2013, Giáo hoàng Phanxicô đã nói trực tiếp với đám đông người Argentina đang tụ họp ở quảng trường Plaza de Mayo, Buenos Aires: “Đừng quên là vị giám mục đang ở rất xa này yêu mến các bạn hết mực. Hãy cầu nguyện cho tôi.”2

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenMột giáo hoàng dễ tiếp cận như thế sẽ kết nối tốt với một xã hội hậu hiện đại vốn dựa nhiều vào cảm giác và cảm xúc hơn là tư tưởng và suy tư. Thật lạ khi một người với các phẩm chất văn hóa rõ ràng như thế lại có thể cũng là một người có sức lôi cuốn toàn cầu đến vậy. Giáo hoàng Phanxicô tin vào sự đa dạng hòa hợp của nhân loại và tin vào một sự toàn cầu hóa đưa các xã hội đến gần nhau nhưng không đồng hóa họ. Ngài cho rằng toàn cầu hóa kiểu đế quốc chủ nghĩa, đến cuối cùng, sẽ chỉ nô lệ hóa các nhóm người mà thôi.3 Ngài tin rằng, khi toàn cầu hóa, ý thức về chân tính không bao giờ được để mình bị chi phối, cho dù sự pha trộn và hòa lẫn vẫn có giá trị của chúng. Chúng ta không được quên rằng Giáo hoàng Phanxicô có nền tảng văn hóa Âu châu sâu sắc (cha mẹ ngài là người Ý), nhưng lại được nuôi dạy trong một môi trường đa dạng về văn hóa.4

Khả năng vận dụng các phương thức truyền thông hiện đại sẽ là một chìa khóa khác mở ra thành công hay thất bại trong triều giáo hoàng của ngài. Dù giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng có tài khoản Twitter, một tài khoản Facebook (không chính thức), và một kênh trên Youtube, nhưng có vẻ ngài chẳng bao giờ thật thoải mái với mạng xã hội. Claudio Maria Celli, trưởng Ban Truyền thông Xã hội của Giáo hoàng, cuối cùng cũng đã làm cho giáo hoàng Bênêđictô XVI hứng thú với truyền thông xã hội kể từ đầu năm 2013. Vị giáo hoàng tiền nhiệm này thích tài khoản Twitter, vốn có vẻ mang tính tổ chức, hơn là tài khoản Facebook, vốn có tính riêng tư hơn.5 Dù ít hoạt động và mang bản chất thiên về tổ chức, nhưng tài khoản Twitter của giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng có gần ba triệu người theo dõi. Trong những tuần ngắn ngủi sử dụng tại khoản Twitter, ngài đã đăng 39 bài, rất ít, khi đem so với con số bài trung bình của một người dùng bình thường.6

Jorge Mario Bergoglio có cả tài khoản Twitter lẫn Facebook, cho dù chúng đã được xếp vào một bên, trước cả khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Vào ngày Chúa nhật, 17 tháng 3 năm 2013, Bergoglio viết bài đầu tiên trên Twitter với tư cách giáo hoàng bằng tiếng Tây Ban Nha như sau: “Các bạn thân mến, tôi cám ơn các bạn hết lòng và tôi mong các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Giáo hoàng Phanxicô.”7 Qua bài đăng này, trang Twitter của giáo hoàng đã có đến 1.258.411 người theo dõi và ngài cũng đã đăng được 9 bài. Phong cách viết của các bài đăng này rất thực tế, nên có vẻ như chính giáo hoàng đã tự tay viết. Dù phong cách nghiêm nhặt của Vatican có lẽ sẽ cố để kiềm chế tính bộc phát của giáo hoàng, nhưng chắc chắn ngài sẽ vẫn tận dụng những phương thức này để đến với các tín hữu trên toàn thế giới.

Các chú thích:

1. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

2. 19-03-2013, El Comercio,

http://elcomercio.pe/ actualidad/1552117/noticia-papa-francisco-envio-mensaje -miles-argentinos-plaza-mayo.

3. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

4. Như trên

5. 24-01-2013,

http://www.20minutos.com.mx/noticia/1568/0/papa-benedicto/facebook-pagina/twitter.

6. Vatican News Service, “Number of Twitter followers of @Pontifex goes over the three milliĩn mark,” http://www.news.va/en/news /number-of-twitter-followers-of-pontifex-goes-over.

7. 17-03-2013, Pope Francis, @Pontifex, https://twitter.com/Pontifex, March 17, 2013.