PHẦN II
HỒNG Y CỦA CÁC TU SĨ DÒNG TÊN
Chương 8
Mật nghị hồng y năm 2013
Vì lẽ này, và nhận thức rõ về sự hệ trọng của hành động này, với sự tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám mục thành Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được trao phó cho tôi bởi các Hồng y vào ngày 19, tháng tư, năm 2005, và như thế, từ tám giờ tối, ngày 28 tháng hai, năm 2013, Tòa thánh Roma, Ngai tòa thánh Phêrô, sẽ trống tòa và Mật nghị hồng y để bầu tân Giáo hoàng sẽ được triệu tập bởi những người có thẩm quyền.1
Triều giáo hoàng Bênêđictô XVI bắt đầu từ ngày 19 tháng tư năm 2005. Ngài lấy danh hiệu theo vị giáo hoàng đã trị vì trong thời gian cực kỳ khó khăn, được bầu lên khi Thế chiến I diễn ra. Đó là giáo hoàng Bênêđictô XV, ngài đã chiến đấu để giữ sự trung lập của giáo hội Công giáo trong suốt thời gian xung đột.
Bênêđictô XVI đã phục vụ giáo hoàng trong nhiều năm. Ngài đến Roma năm 1982, khi Gioan Phaolô II đặt ngài làm hồng y và trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Khi làm trưởng Thánh bộ này, các quan điểm của ngài đã gây rắc rối cho ngài. Toàn thể cánh tả cấp tiến của giáo hội Công giáo thấy ngài là người quá sức bảo thủ, đứng ra bảo vệ những giá trị của các dòng truyền thống nhất. Các tu sĩ dòng Biển Đức và các nhóm bảo thủ khác được tự do đi lại trong hành lang Vatican, nhưng đây chỉ là cái nhỏ nhất trong những vấn đề của ngài kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng.
Suốt nhiệm kỳ của mình, Bênêđictô XVI đã tấn phong nhiều hồng y và thăng tiến việc Tân Phúc âm hóa, như đã nói ở chương trước. Là thần học gia và nhà trí thức, ngài tập trung vào việc viết sách và tông thư trong nỗ lực thể hiện Ngai tòa Phêrô nên tập trung chính yếu vào việc giảng dạy. Trong những tông thư của mình, ngài nói đến những chủ đề như Thiên Chúa là tình yêu, hy vọng, và đặc biệt là ngay từ lúc đầu, ngài đã nói về khủng hoảng kinh tế, và các khó khăn tài chính. Các tác phẩm quan trọng nhất của ngài là những nghiên cứu về cuộc đời Chúa Giêsu. Quyển đầu tiên có tên Giêsu thành Nazareth, tiếp theo là quyển Tuần Thánh. Quyển thứ ba và cuối cùng là Giêsu thành Nazareth: Những chuyện thời thơ ấu, xuất bản năm 2012. Dù có những phẩm chất tích cực của một tư tưởng gia và văn giả, vị tân giáo hoàng này vẫn kém thanh thế so với người tiền nhiệm, hơn nữa, vấn đề sức khỏe của ngài cản trở ngài thể hiện sinh khí cần thiết của một tân giáo hoàng.
Giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫn bị giáo hoàng Gioan Phaolô II phủ bóng dù ngài xem điều này là phúc lành hơn là yếu đuối. Về vị giáo hoàng tiền nhiệm, ngài nói, “Tôi dường như cảm thấy bàn tay mạnh mẽ của ngài đang nắm chặt tay tôi, thấy đôi mắt hé cười của ngài, và nghe được tiếng ngài lúc này như đang nói riêng với tôi “Đừng sợ!””2 Triều giáo hoàng của ngài dần dần gặp nhiều rắc rối, khi ngày càng có thêm các vụ ấu dâm ở nhiều nước bị đưa ra ánh sáng. Khi các vấn đề trở nên xấu đi và sức khỏe của ngài đi xuống, dường như ngài không còn đủ sức để tiếp tục.
Ở Hoa Kỳ, các vụ ấu dâm đã gây tai tiếng với công luận. Đến năm 2002, đã có hồ sơ ghi lại những vụ xâm phạm trẻ em, và giáo hội Công giáo đã phải trả hàng triệu đôla bồi thường, đến năm 2008, những chuyện này là chủ đề không ngớt cho báo chí và truyền hình. Các vụ ấu dâm không phải chỉ có trong Công giáo. Chúng cũng có trong các giáo hội Tin Lành và hội đường Do Thái, nhưng theo thống kê thì con số trong giáo hội Công giáo lớn hơn hẳn. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của giáo hoàng Bênêđictô XVI vào tháng tư năm 2008 dường như đã kích động tranh luận hơn bao giờ hết.
Trong chuyến công du đó, Bênêđictô XVI nói thẳng vấn đề trên và hứa rằng các linh mục phạm tội sẽ bị loại trừ khỏi Giáo hội. Nhưng ở Ireland năm 2009, lại có thêm những tố cáo khác về ấu dâm, và một lần nữa khơi lại cuộc tranh luận. Giáo hoàng triệu tập tất cả giám mục giáo phận ở Ireland đến Vatican năm 2010 để bàn về các vụ ấu dâm của đảo quốc này.
Một vấn đề nữa gây đau lòng và khiến ngài kiệt lực là vụ Vatileaks nổi tiếng, với một vài tài liệu mật của Vatican bị công bố. Vụ tai tiếng này bắt đầu vào cuối tháng giêng năm 2012, khi một chương trình truyền hình Ý thông báo là có một số tài liệu của Vatican liên quan đến Carlo Maria Vigano và một vụ điều tra về những giao dịch gian lận đã khiến Vatican mất đến hàng triệu euro. Trước sự kinh hoàng của Vatican, báo giới Ý bắt đầu công bố các tài liệu bị rò rỉ này.
Tháng 3 năm 2012, Vatican lập một ủy ban nội bộ để điều tra về các tài liệu này. Ủy ban khám phá ra rằng Paolo Gabriele, quản gia riêng của giáo hoàng từ năm 2006 và một người tin cẩn của ngài, đã rò rỉ các tài liệu đó. Báo cáo của ủy ban sẽ được gởi đến giáo hoàng Phanxicô khi ngài nhận chức giáo hoàng. Thì ra, vào ngày 17 tháng 12, năm 2012, giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã nhận được báo cáo này từ ban điều tra nội bộ. Và sau khi Gabriele thú tội, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tha thứ cho ông.
Ngày 11 tháng 2 năm 2013, trong một lễ đại triều thường lệ, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố bằng tiếng La Tinh một chuyện mà không ai ngờ đến, kể cả những người đã từng dự đoán chuyện này. Giáo hoàng thoái vị. Ngài cũng tuyên bố việc thoái vị của ngài chưa có hiệu lực cho đến tám giờ tối, ngày 28, tháng 2 năm 2013.
Các nhà báo Tây Ban Nha và tác giả Eric Frattini đã viết vài quyển sách về Giáo hội Công giáo và triều giáo hoàng này. Một vài giờ sau khi giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố thoái vị, Frattini bình luận:
Ngài không có vấn đề về sức khỏe. Gioan Phaolô II mới có nhiều vấn đề về sức khỏe. Bênêđictô XVI có đôi chút đau yếu, nhưng thật sự không có vấn đề sức khỏe. Nhưng ngài không muốn làm giáo hoàng. Trước khi đến dự Mật nghị hồng y, ngài đã ra lệnh cho các trợ lý chuẩn bị sẵn sàng để trở về Bavaria, vì ngài đã dự định sẽ rời bỏ bộ máy Vatican. Nhưng Chúa Thánh Thần đã gọi ngài làm giáo hoàng.
Về căn bản, ngài đã loại bỏ hoàn toàn những thứ tồi tệ, và như thế, dọn đường cho người kế vị. Ngài tập trung vào việc tẩy sạch mọi thứ. Ngài là một giáo hoàng cách mạng và tẩy rửa. Ngài thẳng thừng đối diện với các vụ ấu dâm thay vì che dấu, và ngài đã cố để làm sạch Ngân hàng Vatican... Đó là cách ngài dọn đường cho người kế vị.3
Theo Frattini, thì lòng dũng cảm của giáo hoàng Bênêđictô XVI thật đáng khen ngợi, nhưng dưới triều giáo hoàng của ngài, hình ảnh của giáo hội Công giáo đã đi xuống rất nhiều.
Lý do giáo hoàng Bênêđictô XVI giải thích cho việc thoái vị của mình là hoàn toàn do tuổi tác và sức khỏe:
Sau khi xem đi xét lại lương tâm mình trước mặt Chúa, tôi đã nhận thức sự thật rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, đã không còn phù hợp với mức độ hoạt động mục vụ của người kế vị thánh Phêrô nữa... Vì lẽ này, và nhận thức rõ về sự hệ trọng của hành động này, với sự tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố tôi từ bỏ sứ vụ Giám mục thành Roma, Người kế vị Thánh Phêrô...
Anh em thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tình yêu thương và việc làm của anh em đã nâng đỡ tôi trong việc mục vụ của mình, và tôi xin anh em thứ lỗi vì tất cả những khiếm khuyết của tôi.4
Do hiếm khi có giáo hoàng thoái vị, nên ai cũng sửng sốt trước tin này. Hàng ngàn câu hỏi nổ ra trên truyền thông toàn cầu. Có phải giáo hoàng Bênêđictô XVI đang cố tạo ra một đường hướng mới cho giáo hội Công giáo và thay đổi tình trạng tai tiếng hiện nay? Có phải ngài thấy những nỗ lực của mình nhằm tiếp nối công việc của giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến lúc dừng lại? Có phải ngài cho rằng sức lực có hạn không cho phép ngài thực hiện được những bước tiến to lớn của công cuộc Tân Phúc âm hóa?
Một giáo hoàng có thoái vị được không?
Dù cực kỳ hiếm, nhưng theo hiến pháp thì việc một giáo hoàng tự nguyện từ bỏ trách nhiệm của mình vẫn được chấp nhận, chiếu theo chương 7 bàn về việc bầu giáo hoàng và các lý do trống tòa. Giáo hoàng tiền nhiệm, Gioan Phaolô II đã không thoái vị dù ngài đau rất nặng. Bênêđictô XVI đã ngợi khen người tiền nhiệm đã dũng cảm trước những đau đớn, đã giữ vững trách nhiệm của mình cho đến hơi thở cuối cùng:
Thật vậy, ngài vẫn có thể dẫn dắt khi đang chịu đau khổ. Chắc chắn, đây là một việc phi thường. Nhưng sau một triều giáo hoàng kéo dài và hết sức năng động tích cực, thì thời gian đau đớn vì bệnh tật mang nhiều ý nghĩa hùng hồn về phong cách lãnh đạo.5
Rõ ràng, trong tuyên bố thoái vị của mình, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa sự suy nhược thể chất và tuổi già ra để giải thích, cho dù các nguyên do thực sự có lẽ gần giống những lời này của tạp chí Civilta Cattolica6: “Giáo hoàng từ bỏ trọng trách kế vị thánh Phêrô của mình, không phải vì ngài thấy sức tàn lực kiệt, nhưng là vì ngài nhận thấy những khó khăn hiện thời của Giáo triều cần đến một sinh lực năng động mới.”7
Cho dù việc giáo hoàng thoái vị, hay renuntiatio pontificalis, không phải là chưa từng có trong lịch sử, nhưng rất hiếm trường hợp như vậy, và cũng đã lâu lắm rồi. Trước hết, việc thoái vị phải là quyết định tự nguyện. Trong giáo luật không có điểm nào quy định giáo hoàng phải trình bày quyết định thoái vị của mình với bất cứ ai, nhưng từ thế kỷ XVIII, các chuyên viên giáo luật đã đồng ý rằng tốt nhất việc này nên được trình qua Hội đồng hồng y.
Giáo hoàng đầu tiên thoái vị là giáo hoàng Pontius vào thế kỷ III. Tiếp theo là giáo hoàng Marcellinus vào đầu thế kỷ IV, và rồi gần năm mươi năm sau đến lượt giáo hoàng Liberius. Sau đó, không có ai thoái vị cho đến thế kỷ XI, khi giáo hoàng Gioan XVIII thoái vị về hưu ở ẩn trong một tu viện. Vào thế kỷ XI, giáo hoàng Bênêđictô IX cũng đã thoái vị nhưng một năm sau trở lại ngai tòa. Thế kỷ XIII, có giáo hoàng Celestine V thoái vị, và cuối cùng là giáo hoàng Gregory XII năm 1415. Đã sáu trăm năm trôi qua chưa có thêm giáo hoàng nào thoái vị. Giáo hoàng Pius VII đã ký thư thoái vị trước sự uy hiếp của Napoleon, và giáo hoàng Pius XII cũng làm thế khi có khả năng sẽ bị quân Quốc xã bắt giữ. Tuy nhiên, cả hai lá thư này đều chưa được thi hành. Dù rõ là có nhiều điểm phải hoài nghi, nhưng sự thoái vị của giáo hoàng Bênêđictô XVI là hoàn toàn hợp luật và như thế loại bỏ được những bất định mà giáo hội Công giáo phải đối diện khi trống tòa.
Sự thoái vị và triệu tập Mật nghị hồng y
Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã chọn ngày 28 tháng hai năm 2013 là ngày cuối tại vị của mình. Ngay khi ngài đưa ra tuyên bố, thì bộ máy to lớn của Vatican đã bắt đầu làm việc để tổ chức Mật nghị hồng y thứ hai của thế kỷ XXI này.
Những ngày kế tiếp, Giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫn tiếp tục các hoạt động thường lệ của mình, nhưng mọi chuyện không thể như cũ được. Hàng ngàn người hành hương và nhà báo bắt đầu đổ về Roma để chứng kiến ngày đổi ngôi giáo hoàng. Đối với các tín hữu Công giáo, sự kiện như thế này có lẽ chỉ xảy ra một lần trong đời, nên mang tầm vóc vô cùng quan trọng.
Vào ngày 27 tháng hai, giáo hoàng Bênêđictô XVI gặp gỡ dân chúng lần cuối cùng. Rồi 4:55 chiều ngày hôm sau, ngài đến Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của giáo hoàng, nơi ngài dự định sẽ ngụ lại trong hai tháng. Từ đó, ngài tuyên bố bài diễn văn cuối cùng với tư cách giáo hoàng. Cựu giáo hoàng Bênêđictô XVI dự định, sau thời gian ở Castel Gandolfo, ngài sẽ đến sống ở tu viện Mater Ecclesiae, Vatican. Chiếc nhẫn Ngư phủ của ngài được mài xước đi để mất hiệu lực kí các văn bản của Vatican. Sau khi Bênêđictô XVI tuyên bố thoái vị, vấn đề danh xưng được đặt ra. Khi đã có tân giáo hoàng, thì nên gọi Bênêđictô XVI là gì - Giáo hoàng Danh dự (Pope Emeritus) hay Giám mục Danh dự Roma (Roman Pontificate Emeritus)?
Khai mạc Mật nghị hồng y
Hồng y hầu cận Tarcisio Bertone chủ tọa Mật nghị hồng y 2013, bắt đầu vào ngày 12 tháng 3. Các hồng y không muốn để quá lâu giữa thời điểm thoái vị và thời điểm bầu được giáo hoàng mới. Giáo hội Công giáo cần một cuộc bỏ phiếu nhanh chóng. Đang giữa chừng công cuộc Tân Phúc âm hóa, nên giáo hội cần một người lãnh đạo rõ ràng và đầy năng động để đứng ra dẫn dắt.
Bước đầu tiên để triệu tập Mật nghị hồng y của Hội đồng hồng y là phải triệu tập tất cả hồng y dưới 80 tuổi về Vatican. Thường thì Mật nghị hồng y được tổ chức khoảng mười lăm đến hai mươi ngày sau khi Tòa Thánh trống ngai. Nhưng trong trường hợp trống tòa của Bênêđictô XVI thì tiến trình có thể được đẩy nhanh hơn, vì không phải tổ chức nghi lễ an táng. Hơn nữa, đây là trường hợp thoái vị, nên các hồng y biết trước ngày nào sẽ bắt đầu trống tòa.
Để đẩy nhanh ngày khai mạc Mật nghị, và do số đông các hồng y đều đã về Roma để tiễn Bênêđictô XVI, nên đích thân giáo hoàng đã ra sắc lệnh motu proprio, sáng kiến riêng của giáo hoàng vào ngày 25 tháng hai, ra lệnh cho Hội đồng hồng y ấn định ngày giờ cho Mật nghị Hồng y. Lúc đầu, ngày được chọn là mồng 4 tháng ba. Sau một tuần cân nhắc, và trong thời gian chờ cho đủ số 115 hồng y đủ tư cách bỏ phiếu và tư cách được bầu, ngày khai mạc Mật nghị hồng y được dời vào ngày 14 tháng ba. Vẫn còn phân vân về ngày tháng, cuối cùng Mật nghị hồng y được ấn định sẽ khai mạc ngày 12 tháng ba. Kể từ lúc đó, các hồng y phải tách ly cho đến khi bầu được tân giáo hoàng.
115 hồng y này đến từ năm châu lục. Sáu mươi từ Âu châu, ba mươi ba từ Mỹ châu, mười một từ Phi châu, và mười một người còn lại đến từ Á châu và châu Đại Dương, còn hai hồng y vắng mặt.
Trong Mật nghị hồng y năm 2013, có hai mươi lăm người có khả năng làm giáo hoàng được đưa ra để thảo luận, trong đó vài người đến từ Bắc Mỹ, một số từ châu Mỹ La tinh và Ý, và một người từ Phi châu. Dù có hơi khác nhau tùy nguồn thông tin, nhưng các thông tin chủ yếu xoay quanh sáu người.
Tổng Giám mục Gerhard Mueller, phụ trách Thánh bộ Giáo lý Đức tin, đã cho một vài hãng tin biết, “Tôi biết nhiều giám mục và hồng y từ châu Mỹ La tinh có thể đảm nhận trọng trách của Giáo hội hoàn vũ.”8
Một vài người đã dự đoán rằng giáo hoàng sẽ không đến từ Âu châu. Mueller trước đó đã nói với tờ Rheinische Post, “Giáo hội hoàn vũ dạy rằng Kitô giáo không chỉ tập trung ở Âu châu mà thôi.”9
Về điều này, hồng y Thụy Sỹ Kurt Koch bình luận như sau, “Tôi có thể tưởng tượng bước tiến mới là có một giáo hoàng da đen, một giáo hoàng Phi châu, hay một giáo hoàng châu Mỹ La tinh. Tôi có thể mường tượng điều này.”10
Ngày 17 tháng mười hai năm 2012, trang web El Economista ở Mexico đăng tải danh sách ứng viên giáo hoàng như sau:
• Joao Braz de Aviz (Brazil, 65 tuổi). Ngài cỗ võ quan điểm ưu tiên cho người nghèo của thần học giải phóng châu Mỹ La tinh nhưng không đến mức cực đoan như một vài người sáng lập thần học giải phóng này. Tiểu sử không nổi bật có thể là bất lợi cho ngài.
• Timothy Dolan (Hoa Kỳ, 62 tuổi). Ngài đã là tiếng nói của Công giáo Hoa Kỳ sau khi được phong tổng giám mục New York năm 2009.
• Marc Ouellet (Canada, 68 tuổi). Ngài đang là đầu não điều hành các viên chức của Vatican với tư cách trưởng Bộ Giám mục.
• Gianfranco Ravasi (Ý, 70 tuổi). Ngài vẫn là trưởng Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa kể từ năm 2007, và đại diện cho Giáo hội Công giáo trong thế giới khoa học, nghệ thuật, và văn hóa, kể cả giữa những người vô thần.
• Leonardo Sandri (Argentina, 69 tuổi). Ngài là một người “hai bờ đại dương”, sinh tại Buenos Aires, cha mẹ là người Ý.
• Odilo Pedro Scherer (Brazil, 63 tuổi). Ngài là ứng viên nổi bật nhất của châu Mỹ La tinh. Tổng Giám mục San Paulo, giáo phận lớn nhất của quốc gia Công giáo lớn nhất. Trong phạm vi Brazil, ngài được cho là bảo thủ, nhưng sẽ là người ôn hòa đối với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
• Christoph Schoenborn (Austria, 67 tuổi). Từng là học trò của giáo hoàng Bênêđictô XVI nhưng có bẩm chất mục tử mà vị giáo hoàng này thiếu.
• Angelo Scola (Italy, 71 tuổi). Ngài là tổng giám mục Milan, được xem là bàn đạp của ngôi giáo hoàng, và đối với nhiều người Ý, ngài là ứng viên chính.
• Luis Tagle (Philippines, 55 tuổi). Với uy tín nổi bật của mình, ngài được so sánh với cố giáo hoàng Gioan Phaolô II.
• Peter Turkson (Ghana, 64 tuổi). Ngài là ứng viên chính của Phi châu. Ngài là trưởng Ban Công lý và Hòa bình của Giáo hoàng, là người phát ngôn cho lương tâm xã hội của Giáo hội Công đồng, và là người ủng hộ tái thiết hệ thống tài chính thế giới.11
Những danh sách bàn về các ứng viên trong các tờ báo khác, kể cả danh sách xuất bản ngày 10 tháng ba năm 2013 của tờ New York Times, đều không nhắc đến Jorge Mario Bergoglio. Tờ báo El Clarin của Argentina chỉ nhắc qua Bergoglio như người có thể làm ứng viên giáo hoàng. Chỉ có một cột báo ngày 12 tháng ba, nói về hồng y người Argentina này, với một tiểu sử ngắn gọn, xem ngài là một người có căn cơ để có thể có được phiếu bầu.
Tại sao không một ai chú ý đến Bergoglio, người đã nhận được số phiếu cao thứ hai ở Mật nghị hồng y năm 2005. Có lẽ, một lần nữa, sự hiện diện kín đáo của Bergoglio đã khiến ngài tránh bị giới truyền thông thế giới và của cả quê hương ngài chú ý.
Bỏ phiếu
Đúng như dự tính, ngày bỏ phiếu đầu tiên 12-03-2013 kết thúc mà không có kết quả. Dường như có nhiều ứng viên, trong đó có cả Angelo Scola và Odilo Scherer được rất ít phiếu bầu. Hồng y người Ý Scola đại diện cho cánh hữu bảo thủ, thân thiết hơn với cơ cấu của Vatican, còn Scherer, hồng y người Brazil, đại diện cho những người cải cách.
Từ những vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng viên được ủng hộ nhiều nhất, từ các hồng y Mỹ lẫn Âu châu lại là Bergoglio.12 Hồng y Timothy Dolan, tổng giám mục New York, dường như đã đề nghị các đồng sự Bắc Mỹ bầu cho Bergoglio. Vào giờ ăn tối ngày đầu tiên, mọi người bàn rất nhiều xem liệu Scola có phải là giáo hoàng tốt nhất hay không. Andre Vingt-Trois, tổng giám mục Paris, người có ảnh hưởng lớn đối với các lá phiếu từ Âu châu, đã trình bày rằng Bergoglio thì tốt hơn là Scola.13
Trong những buổi họp trù bị vài ngày trước đó, Bergoglio đã nói về lòng thương của giáo hội Công giáo và nhu cầu phải canh tân đời sống tâm linh. Dù tổng giám mục Buenos Aires không nổi tiếng về khoa hùng biện, nhưng những lời của ngài thấm sâu vào tâm hồn mỗi người. Ngài kết luận bằng cách trích dẫn nhu cầu phải “được thực thi trong ý hướng tập trung về thăng tiến và về vị thế của quyền lực.”14
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của sáng hôm đó, dường như có một vài phiếu từ Á và Phi châu đã chuyển qua Bergoglio. Ngày tiếp theo, thứ tư, ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài có được số phiếu cao nhất từ trước đến nay. Dường như các lá phiếu Mỹ châu cũng đã quy về ngài, của Âu châu cũng thế, nhưng nước Ý, quốc gia có nhiều hồng y nhất thế giới, vẫn còn chần chừ chưa quyết định.
Trong vòng bỏ phiếu thứ tư và cũng là vòng cuối cùng của Mật nghị hồng y này, vào buổi bỏ phiếu chiều, Bergolio nhận được số phiếu áp đảo, chín mươi phiếu, với sáu phiếu nhiều hơn con số Bênêđictô XVI đã nhận được năm 2005. Lúc 7:05 chiều, cột khói trắng chờ đợi đã bốc lên. Tân giáo hoàng là hồng y người Argentina, Jorge Mario Bergoglio, người, một vài phút trước đó, đã nhận danh hiệu Phanxicô để tôn vinh thánh Phanxicô thành Assisi, người bạn thân thiết của người nghèo và là đấng sáng lập dòng Phanxicô. Khi chọn danh hiệu này, Bergoglio đã thể hiện rõ ràng từ đầu con đường kiên định của ngài. Ngài phá bỏ sự khoa trương và trình diễn của Roma vốn lâu nay đã làm nguy hại đến hình ảnh một giáo hội của người nghèo, một giáo hội của toàn dân.
Giáo hoàng Phanxicô, gốc tu sỹ dòng Tên, cùng sự dấn thân tận tâm rõ ràng cho Kitô giáo, cách riêng là Công giáo, đã trở thành giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La tinh.
Tân giáo hoàng được công bố bởi hồng y đệ nhất phó tế Jean-Louis Pierre Tauran với công thức bằng tiếng La Tinh:
Annuntio vobis gaudium magnum;
habemus Papam:
Eminentissimum ac Reverendissimum Dominum,
Dominum Georgium Marium
Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem Bergoglio
qui sibi nomen imposuit Franciscum.15
Những lời đầu tiên của giáo hoàng Phanxicô giống như tia sét từ quảng trường Phêrô vươn xa đến thế giới:
Thân chào anh chị em!
Anh chị em biết trọng trách của Mật nghị hồng y là chọn ra giám mục thành Roma. Dường như các huynh đệ hồng y của tôi đã đi đến tận cùng trái đất để chọn người... nhưng giờ đây chúng ta đã có giáo hoàng... Tôi cảm ơn sự chào đón của anh em. Cộng đoàn giáo phận Roma giờ đã có giám mục của mình. Xin cám ơn!
Và trước hết, tôi muốn dâng một lời cầu nguyện cho Giám Mục Danh dự của chúng ta, Bênêđictô XVI. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho ngài, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, và xin Đức Mẹ gìn giữ ngài.
Lạy Cha...
Kính mừng...
Sáng danh...
Và giờ đây, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của Giám mục và Người dân. Cuộc hành trình này của Giáo hội La Mã sẽ tiến bước trong lòng nhân trên toàn thể Giáo hội. Một cuộc hành trình của tình huynh đệ, tình yêu, và tin tưởng giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể thế giới, xin cho tinh thần huynh đệ lớn mãi. Tôi đặt hy vọng vào anh em, những mong cuộc hành trình của giáo hội mà chúng ta khởi đầu ngày hôm nay, cùng với sự trợ lực của Hồng y Giám quản của tôi, sẽ được thành tựu trong công cuộc phúc âm hóa thành phố đẹp đẽ nhất này.
Bây giờ, tôi muốn ban phúc lành cho anh em, nhưng trước hết, tôi xin anh em một ân huệ: trước khi Giám mục chúc lành cho anh em, tôi xin anh em cầu nguyện với Thiên Chúa, xin ngài chúc lành cho tôi: một lời cầu nguyện của người dân xin ơn lành cho Giám mục của họ. Trong thinh lặng, chúng ta hãy mở lòng cầu nguyện, anh em hãy cầu nguyện cho tôi.
…
Giờ đây, tôi sẽ ban Phúc lành cho anh em và cho toàn thế giới, cho tất cả những người thiện tâm.
(Lời chúc lành)
Anh chị em thân mến, tôi phải rời đi bây giờ. Cảm ơn vì sự chào đón của anh chị em. Xin cầu nguyện cho tôi đến khi chúng ta gặp lại. Chúng ta sẽ sớm thấy lại nhau thôi. Ngài mai tôi mong được đến cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ trông nom cho toàn thành Roma. Chúc anh chị em một giấc ngủ ngon!16
Ba điểm đáng chú ý nhất của bài diễn văn này là:
1. “Đến tận cùng trái đất.” Với cụm từ này, giáo hoàng Phanxicô muốn mô tả tính phổ quá của giáo hội Công giáo với Roma và Âu châu là tâm điểm phát sinh của Giáo hội suốt hai ngàn năm qua.
2. “Giám mục và Người dân.” Người Kitô hữu phải trở lại nắm giữ vai trò từng bị đánh mất của họ, là vai trò làm chủ, vì chính họ là thành phần căn bản của giáo hội Công giáo. Nói theo cách nào đó, giáo hoàng Phanxicô đánh giá người dân ngang với Giáo triều Roma vậy.
3. Cầu nguyện cho người dân. Giáo hoàng Phanxicô tìm lời cầu nguyện cho đoàn dân Kitô hữu, biểu lộ một trong những nét lôi cuốn của ngài: cầu nguyện là nguồn canh tân cho giáo hội Công giáo.
Đứa con Argentina của một gia đình Ý nhập cư, chàng sinh viên ngành hóa, linh mục dòng Tên, giáo sư, giám mục phụ tá Buenos Aires, vị tổng giám mục thẳng thắng, giờ đây đang nắm tương lai Giáo hội Công giáo trong tay. Bước kế tiếp của ngài sẽ là gì? Ngài đặt dấu ấn của mình trên giáo hội Công giáo ra sao? Ngài sẽ làm gì trong sứ mạng chống nghèo đói và chống tính phô trương của Vatican? Đường hướng chính của ngài sẽ là gì?
Các chú thích:
1. Bênêđictô XVI, “Tuyên bố,” 10-02-2013,
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2013/february
/documents/hf_ben-xvi_spe_2013021 l_declaratio_en.html.
2. Bênêđictô XVI, 20-04-2005,
3. Roberto Marbán,
4. Bênêđictô XVI, “Tuyên bố.”
5. Andrea Riccardi, Tiểu sử Gioan Phaolô II, San Pablo, 2011).
6. Báo Civiltá Cattolica ở Roma.
7. 21-02-2013, http://www.alfayomega.es/Revista/2013/821 /05_voc.php.
8. Cavan Sieczkowski, “Who Will Be Next Pope After Pope Benedict XVTs Resignation?” The Huffington Post, February 11, 2013,http://www.huffingtonpost.eom/2013/02/l1/who-will-be-next-pope-benedict-resignation_n_2661803.html.
9. Như trên.
10. Philip Puliella, 17-02-2013,
http://www.reuters.com/article/2013/02/17/us-pope-resignation-koch-idUSBRE91 G09Z20130217.
11. El Economista, 11-02-2013,
http://eleconomista.com .mx/internacional/2013/02/11 /posibles-candidatos-sustituir -papa-benedicto-xvi.
12. Julio Alganaraz, 13-03-2013,
http://www.clarin.com/edicion-impresa/avalancha-votos-convirtio-Papa-Bergoglio _0_883711711.html.
13. Như trên
14. Như trên.
15.13-03-2013,
http://www.vatican.va/holy _father/francesco/elezione/index_en.htm.
16. 13-03-2013,
http://www.vatican.va/holy_father/francesco/elezione /index_en.htm.