Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN II

HỒNG Y CỦA CÁC TU SĨ DÒNG TÊN

Chương 6 

Hỗ trợ giáo hoàng Gioan Phaolô II trong mục vụ của ngài ở Mỹ châu

Với tinh thần dạy dỗ của tình phụ tử, với mục tiêu giảng dạy giáo lý chưa từng có, qua các công việc truyền giáo giữa đại chúng và các phương thức mục vụ khác, kiên nhẫn giúp tín hữu trưởng thành trong việc nhận ra mình thuộc về Giáo hội và khám phá Giáo hội là gia đình, là mái nhà của mình, là nơi đặc biệt dành riêng để gặp gỡ Thiên Chúa.

Đúng ra thì dân chúng vẫn còn đức tin đã có được qua phép rửa tội, nhưng gần như hoàn toàn suy yếu do không hiểu các chân lý tôn giáo, và do một tình trạng “ở bên lề” Giáo hội, vì thế họ là những người dễ bị tổn thương nhất trước sự gây hấn của chủ nghĩa thế tục và sự khuyến dụ của các giáo phái... Các giáo phái này, đặc biệt hoạt động trên những người đã được rửa tội nhưng không thấm nhuần Phúc âm cho đủ, họ tách rời ra khỏi các bí tích dù lòng vẫn còn các chất vấn tôn giáo, như thế sự hiện diện của các giáo phái là một thách thức mục vụ mà chúng ta phải phản ứng bằng một động lực truyền giáo được đổi mới.1

Giáo hoàng Gioan Phaolô II, một linh mục Ba Lan đã sống sót qua thời kỳ đàn áp khốc liệt của cộng sản, mục tiêu chính của ngài là bảo vệ Công giáo ở các nước cộng sản. Khi viếng thăm Nicaragua, ngài đã phạt linh mục Ernesto Cardenal vì đã giữ một vị trí trong chính quyền Sandinista có khuynh hướng cộng sản.

Sự đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ cho những giáo hội bị ngược đãi của giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khiến nhiều kẻ muốn ám sát ngài và ngài gần như đã phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Thái độ trên ảnh hưởng đến lập trường cứng rắn của ngài đối với thần học giải phóng vốn được dẫn dắt phần nào bởi dòng Tên ở châu Mỹ La tinh.

Phụ tá thân cận nhất của ngài về các vấn đề thần học và kiểm soát các thành viên bất tuân trong giáo hội Công giáo ở châu Mỹ La tinh chính là Joseph Ratzinger, người về sau là giáo hoàng Bênêđictô XVI, và trong thập niên 1980 là người đứng đầu Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Ratzinger đã ra lệnh cấm một vài thần học gia Công giáo không được phép giảng dạy, trong đó có Leonard Boff, một trong những người quan trọng đã đề xuất thần học giải phóng. Ngài cũng ngăn cản tác phẩm của Hans Kung, vì  chủ nghĩa tự do và sự mập mờ về giáo lý của các tác phẩm này. Một khi vấn đề thần học giải phóng dường như đã lùi vào dĩ vãng và dòng Tên bắt đầu tuân thủ đúng giới hạn mà giáo hoàng Gioan Phaolô II đặt ra, thì vị giáo hoàng này bắt đầu tập trung vào một mặt trận mở khác: Đạo Tin Lành ở châu Mỹ La tinh.

Châu Mỹ La Tinh, trái tim của Giáo hội Công giáo

Triều giáo hoàng Gioan Phaolô II tập trung đặc biệt ở Mỹ châu. Phần lớn trong số 128 quốc gia mà ngài đã viếng thăm trong suốt nhiệm kỳ giáo hoàng của mình đều ở Âu châu và Mỹ châu.  Ở đại lục Mỹ châu, chỉ có Guayana và một vài đảo nhỏ ở Caribbe là ngài chưa đặt chân đến mà thôi. Còn mọi vùng khác đều được ngài ghé đến một lần hoặc nhiều hơn.

Ngài đến Hoa Kỳ thường xuyên nhất để cổ võ cộng đoàn Công giáo ở đây. Ngài đến thăm Brazil bốn lần, đất nước có đông người Công giáo nhất ở châu Mỹ La tinh, và cũng là đất nước có nhiều người chuyển sang Tin Lành nhất.

Trong Hội nghị đặc biệt về Mỹ châu của Thượng hội đồng Giám mục năm 1997, giáo hội Công giáo đã nêu rõ,

Toàn Mỹ châu nhất trí chung về vấn đề nghiêm trọng gây ra do chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và các chương trình chiêu mộ của các phong trào tôn giáo và các giáo phái ở đây. Xét theo mức độ bành trướng ở vùng Trung Mỹ, Nam Mỹ, các vùng Caribbe ở châu Mỹ Bắc bán cầu, chúng ta phải dùng đến từ “xâm lược”, để nói lên sự thật rằng nhiều trong số các nhóm này được thành hình ở Hoa Kỳ, với một nguồn tài chính phong phú nhằm phục vụ cho các chiến dịch phát triển của mình.

Hơn nữa, một điều đáng chú ý là có một kế hoạch hợp tác của tất cả các giáo phái nhằm biến đổi căn tính tôn giáo hiện thời của châu Mỹ La tinh, theo như lời giới thiệu của bản văn này là, về căn bản không chỉ mang tính Kitô giáo mà đúng hơn là mang tính Công giáo. Nói chung, các phong trào tôn giáo và các giáo phái đã rao giảng một cách gây hấn chống lại Giáo hội Công giáo.

Hơn nữa, họ hướng mũi các chiến dịch chiêu mộ của mình đến những người sống bên rìa xã hội, những người nhập cư, tù nhân, những người bệnh ở bệnh viện, và nói chung là hướng đến tất cả những người sống ở ven những thành phố lớn, nơi sự hiện diện của giáo hội Công giáo đôi khi không quá mạnh mẽ. Một vài người tuyên truyền của các giáo phái đã diễn giải Kinh thánh theo cách chính thống cực đoan, đưa ra những câu trả lời vỗ về cho những người thấy mình đang bất định.

Họ tổ chức các nhóm học Kinh thánh, đứng ra giảng ở các quảng trường, và mời dân chúng tới những nơi thờ phượng của các giáo phái. Tóm lại, các giáo phái đánh vào cảm xúc và nhạy cảm hời hợt của người dân để phát triển các hoạt động tuyên truyền của mình. Trong nhiều nhóm được các phong trào này hợp tác lập nên, họ cầu nguyện xin ơn lành bệnh thể lý và phát tài vật để dẫn dụ người dân. Bị quyến dụ bởi những mưu chước này, trong những năm gần đây, nhiều người Công giáo đã bỏ đạo để vào các phong trào tôn giáo và các giáo phái.2

Giáo hội Công giáo không ngừng lo lắng về sự lan rộng của các nhóm Tin Lành. Vì thế, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn các giám mục và linh mục có uy tín ở châu Mỹ để giúp ngài thực hiện công cuộc Tân Phúc âm hóa, dù kế hoạch này mãi đến triều giáo hoàng Benedito XVI mới được thực hiện rộng rãi.

Tiểu sử thăng tiến của Bergoglio

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenMối liên hệ giữa Gioan Phaolô II và Jorge Mario Bergoglio bắt đầu khi giáo hoàng phong ngài làm giám mục phụ tá thứ hai của Buenos Aires. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Argentina hai lần, lần đầu là năm 1982, khi đất nước này đang trong cơn đau cuối cùng của đêm đen độc tài Videla. Thời đó, Bergoglio là hiệu trưởng trường Maximo của dòng Tên và có dịp gặp giáo hoàng vài lần trong thời gian ngài đến Argentina. Lần thứ hai là năm 1987. Lần tấn phong hồng y của Bergoglio ngày 21 tháng 2 năm 2001 có lẽ là lần gặp gỡ riêng đầu tiên giữa hai người, dù trước đó, cả hai đã gặp mặt nhau tại Hội nghị Đặc biệt về Mỹ châu của Thượng hội đồng Giám mục năm 1997 tại Vatican. Mà cũng có thể là họ chưa gặp nhau lần nào cho đến Hội nghị Đặc biệt tháng 11 năm 2004.

Sau khi được phong tổng giám mục rồi hồng y, Bergoglio là thành viên của một vài hội đồng trong Giáo triều, nên ngài buộc phải đến Roma thường xuyên hơn. Ngài có chức vụ trong Thánh bộ Giáo sĩ, bộ chuyên giám sát các linh mục không thuộc dòng tu. Ngài cũng là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, và thêm Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, để giám sát việc phụng vụ của Giáo hội Công giáo và các nghi thức bí tích.

Bergoglio cũng phục vụ trong Hội đồng thường kỳ của Văn phòng thường trực Thượng hội đồng Giám mục, đảm trách tổ chức các thượng hội đồng hay các buổi gặp gỡ của các giám mục. Ngài cũng hoạt động trong Thánh bộ Đời sống Tận Hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, để giám sát các vấn đề liên quan đến các dòng tu lẫn hội đoàn, ngoài ra ngài còn ở trong Hội đồng Giám mục Quốc gia châu Mỹ La tinh để phác thảo chính sách cho giáo hội Công giáo ở châu Mỹ La Tinh.

Lần phong Hồng y gần đây cho Bergoglio vào năm 2001 đã gây chú ý cho Giáo triều, khi tổng giám mục New York, người chủ trì Thượng hội đồng Giám mục toàn cầu, đã gấp rút trở về Hoa Kỳ sau khi hay tin vụ khủng bố tòa Tháp đôi ngày 11 tháng 9. Trong buổi gặp gỡ năm 2001 đó, trước mặt 252 đức cha đại diện từ 118 quốc gia, Bergoglio, dù cho đến khi đó vẫn còn vô danh, nhưng đã được chọn làm người báo cáo chính. Thành quả từ sự trình bày tài giỏi của mình, ngài được chọn làm thành viên của hậu hội đồng, đại diện cho đại lục Mỹ châu. Nhờ vậy nên Bergoglio đã ghi được dấu ấn đầu tiên ở tầm mức thế giới của mình.

Lần thứ hai Tổng Giám mục Buenos Aires gây chú ý là hai năm sau Mật nghị Hồng y 2005, trong lễ kỷ niệm Hội đồng chung các Giám mục Mỹ La Tinh và Caribbe (viết tắt là CELAM) lần thứ năm ở Aparecida, Brazil, lúc đó, ngài được chọn đứng đầu nhóm soạn thảo văn kiện cuối cùng với tên gọi “Văn kiện Aparecida.”3 Hội nghị bước ngoặt này cũng quan trọng rõ nét như những hội nghị CELAM trước đó tại Medellin, Colombia năm 1969, và tại Puebla, Mexico năm 1979.

Có thể thấy rõ Bergoglio đã rất thành công trong hội nghị này, qua tràng pháo tay sau khi ngài cử hành thánh lễ và kết thúc bài giảng. Không một thành viên nào trong hội nghị được chúc mừng như vị tổng giám mục Buenos Aires này.

Chàng trai Argentina rụt rè thuở nào đã vươn lên mạnh mẽ trong vài năm vừa qua, và giờ đây trở thành một trong những người nổi danh và được trọng vọng nhất trong hàng giáo phẩm của giáo hội Công giáo. Cái chất của một tu sĩ dòng Tên trẻ tuổi còn lại bao nhiêu trong con người Hồng y Bergoglio? Người Argentina gây nhiều tranh cãi này liệu có thể là một ứng viên nổi bật cho chức giáo hoàng được không? Hồng y Bergoglio bất đồng với giáo hoàng Gioan Phaolô II và giáo hoàng Bênêđictô XVI về các vấn đề giáo lý như thế nào? Liệu Giáo triều Vatican, tách biệt trong một thế giới của tính toán và của ảnh hưởng, có thể chọn một người gốc dòng Tên, một người cật lực phê phán sự xa hoa phô trương của Roma, hay không?

Vòng đấu thứ nhất đã bắt đầu. Nhưng tổng giám mục Buenos Aires là một đấu sĩ kiên cường khó mà bị đo ván được, ngài vẫn sẽ luôn chỗi dậy cho đến tận hơi sức cuối cùng.

Các chú thích:

1. Bài giảng của giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày 12 tháng 10 năm 1991,

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/homilies/1991 /index .htm.

2. Hội nghị đặc biệt về Mỹ châu của Thượng hội đồng Giám mục năm 1997,

http://www.vatican.va/roman_curia/synod/ documents/rc_synod_doc_01091997 _usa-instrlabor_en.html.

3. Hội đồng chung các Giám mục Mỹ La Tinh và Caribbe

http://www.celam.org /aparecida/Ingles.pdf.