Đức Thánh Cha đã dành cho ký giả Andrea Tornielli của báo La Stampa một cuộc phỏng vấn dài 1 giờ 30 phút về nhiều vấn đề thời sự và văn bản phỏng vấn được đăng trên báo này số ra ngày 15-12 vừa qua.
Ký giả Tornielli hỏi: Một số đoạn trong Tông Huấn ”Niềm Vui Phúc Âm” (Evangelii gaudium) của Đức Thánh Cha bị những người siêu bảo thủ tại Mỹ phê bình và họ tố cáo ngài là người ”hoàn toàn theo chủ thuyết mác xít”. Một vị Giáo Hoàng cảm thấy thế nào khi bị định nghĩa là người mác xít?. Đức Thánh Cha đáp:
”Ý thức hệ mác xít là điều sai lầm. Nhưng trong đời, tôi đã quen biết bao nhiêu người mác xít tốt lành trong tư cách là người, và vì thế tôi không cảm thấy bị xúc phạm”. Những lời gây ấn tượng mạnh nhất là những lời nói về nền kinh tế ”giết hại”... Trong Tông Huấn không có điều gì mà không ở trong Đạo lý xã hội của Hội Thánh. Tôi không nói theo quan điểm của một chuyên gia, tôi tìm cách trình bày như chụp hình những gì đang xảy ra. Trích dẫn đặc thù duy nhất là về những lý thuyết gọi là ”được hưởng lợi ké”, theo đó mỗi sự phát triển kinh tế do thị trường tự do tạo điều kiện thuận lợi để nó diễn ra, thì tự nó cũng tạo nên một sự công bình và làm cho nhiều người được tham gia xã hội và sự sung túc hơn trên thế giới. Đó là một lời hứa khi chiếc ly nước chưa đầy, nếu ly nước ấy đầy tràn thì người nghèo cũng được hưởng nước tràn ra từ chiếc ly ấy. Nhưng thực tế là khi chiếc ly tràn đầy nước, thì nó phình ra một cách huyền nhiệm và thế là chẳng bao giờ người nghèo được hưởng những gì từ ly nước ấy. Đó là điều tham chiếu duy nhất về lý thuyết ấy. Tôi xin lập lại là tôi không nói như một chuyên gia, nhưng theo đạo lý của Giáo Hội. Và điều này không có nghĩa là tôi là người mác xít”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho biết ngài đặt vấn đề đại kết các tín hữu Kitô lên hàng ưu tiên; và tái bày tỏ mong ước và sẵn sàng gặp Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios I, Giáo chủ chính thống Constantinople, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử tại Thánh Địa giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras của Constantinople. Ngoài ra, ĐTC bày tỏ hài lòng về tiến trình cải tổ Viện giáo vụ, quen gọi là ngân hàng Vatican.
Về vấn đề những người ly dị tái hôn, Đức Thánh Cha không bày tỏ lập trường, nhưng ngài cho biết vấn đề này sẽ được bàn đến trong công nghị Hồng Y đoàn vào tháng 2 tới đây, rồi sẽ được bàn đến trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt vào tháng 10 năm tới, 2014, cũng như trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ vào năm 2015 sau đó. ”Tại những khóa họp ấy, bao nhiêu điều sẽ được đào sâu và làm sáng tỏ”. Ngoài ra, Đức Thánh Cha chống lại quan niệm cho rằng việc Giáo Hội không cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, đó là một hình phạt.
Về vấn đề cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh cũng như Hội đồng 8 Hồng Y cố vấn, Đức Thánh Cha cho biết đó là một công việc lâu dài. Đức Hồng Y Bertello đã thu thập ý kiến của các cơ quan trung ương Tòa Thánh và chúng tôi đã nhận được những gợi ý đề nghị của các Giám Mục trên thế giới. Trong khóa họp mới đây, 8 Hồng Y cố vấn nói là chúng ta đã đi tới lúc đưa ra những đề nghị cụ thể và trong khóa họp vào tháng 2 tới đây, các Hồng Y sẽ trao cho tôi những đề nghị đầu tiên.
Trả lời câu hỏi: liệu Giáo Hội sẽ có các Hồng Y phụ nữ hay không, Đức Thánh Cha đáp: ”Đó là một câu nói đùa, tôi không biết từ đâu mà ra. Các phụ nữ trong Giáo Hội phải được đề cao giá trị, chứ không phải được ”giáo sĩ hóa”. Ai nghĩ đến các phụ nữ làm Hồng Y thì là người phần nào có não trạng ”giáo sĩ trị”. (SD 16-12-2013)
Lm. Trần Đức Anh OP