Muối Cho Đời: Chương 3 : Trước thềm thời-đại mới
3.4 Những Trọng Điểm của Sự Phát Triển Giáo Hội
Hỏi: Qua việc tách-rời Giáo-hội ra khỏi nhà-nước, thế-kỉ 19 đã coi đức tin là chuyện chủ-quan, vì vậy là chuyện riêng-tư của cá-nhân. Nhiều người cho rằng tiến-trình tục-hóa kéo dài sẽ đe-doạ tới sự sống-còn của đức tin và Giáo-hội. Cái thời nhà-nước áp-đặt luật-lệ trên Giáo-hội đã qua, phải chăng điều này kết cuộc là một cơ-may mới cho Giáo-hội và đức tin? Chính ngài từng nói rõ về điểm này: “Bản-chất tôn-giáo là phải tách-rời khỏi nhà-nước và nhà-nước không có quyền cưỡng-ép đức tin, đức tin đến từ xác-tín đạt được một cách tự-do “.
Chính nhờ Ki-tô giáo mà ý-tưởng tách rời nhà-nước và Giáo-hội nảy sinh. Trước đó hai thực-thể này hoà lẫn vào nhau. Mọi nền văn-hóa cổ đều quan-niệm nhà-nước mang bản-chất thần-thánh và là giám-hộ đích-thực và tối-cao của thế-giới thần-linh. Lịch-sử tiền Ki-tô giáo thời Cựu-ước cũng thế. Ở Do-thái thoạt đầu hai thực-thể đó nhập thành một. Mãi tới khi đức tin của Do-thái bộc-phát ra từ lòng dân để trở thành đức tin của muôn dân, lúc đó đức tin mới thoát khỏi sự đồng-hóa với chính trị và trở thành yếu-tố đứng trên những chia-cách và dị-biệt chính-trị. Đó chính là điểm xung-khắc giữa Ki-tô giáo và Đế-quốc Rôma. Nhà-nước Rôma thời đó nhân-nhượng các tôn-giáo ngoài quốc-giáo, nhưng chỉ với điều-kiện là các tôn-giáo này phải chấp-nhận tôn-thờ nhà-nước như là quyền-lực kết-hợp mọi thần-linh dưới sự che-chở của Rôma cũng như chấp-nhận quốc-giáo như vòng tay bao-che tối-thượng trên mọi tôn-giáo đó.
Ki-tô giáo không chấp-nhận điều đó. Nó lột mất tính-chất thần-thánh của nhà-nước và như vậy nó làm đảo-lộn không những cơ-cấu nền-tảng của Đế-quốc Rôma, mà cả trật-tự của toàn thế-giới thời đó. Như thế, sự tách-rời tôn-giáo và nhà-nước nói cho cùng là một di-sản có nguồn-gốc nguyên-thủy Ki-tô giáo và cũng là yếu-tố quyết-định của tự-do. Với sự tách-biệt đó nhà-nước không còn là quyền-lực thần-thánh nữa, song chỉ là một tổ-chức bị giới-hạn bởi đức tin; với đức tin này người ta không tôn-thờ nhà-nước, nhưng tôn-thờ một Thiên Chúa là đấng đối-đầu và xét-xử nhà-nước. Đó là điểm mới-mẻ. Dĩ-nhiên nó có thể mặc những hình-thái khác nhau tùy thể-chế của mỗi xã-hội. Trong ý nghĩa đó, sự phát-triển của mô-hình tách-biệt nhà-nước khỏi Giáo-hội từ thời Ánh-sáng trở đi được xem là tích-cực, nhưng đồng thời nó lại tiêu-cực ở chỗ Thời-mới đóng khung tôn-giáo vào lãnh-vực chủ-quan – như vậy lại ban cho nhà-nước quyền-bính tuyệt-đối, đó là điểm nổi bất trong tư-tưởng của Hegel.
Một đàng Ki-tô giáo, ít là vào buổi đầu, không hề muốn coi mình là quốc-giáo, mà chỉ muốn khác-biệt với nhà-nước. Ki-tô giáo sẵn-sàng cầu-nguyện cho hoàng-đế, nhưng không thờ-lậy hoàng-đế. Đàng khác Ki-tô giáo luôn công-khai nêu rõ lập-trường nó không chỉ là tình-cảm chủ-quan, – Faust[1] nói: “Tình-cảm là tất-cả”, nhưng là chân-lí loan-truyền cho đại-chúng, cống-hiến những tiêu-chuẩn sống, và trong chừng-mực nào đó ràng-buộc cả nhà-nước và các thế-lực trên thế-giới. Như vậy tôi nghĩ rằng, Thời-mới có cái tiêu-cực là chủ-quan-hóa tôn-giáo, song đồng thời nó cũng mang khía-cạnh tích-cực là tạo cơ-may cho Giáo-hội sinh-hoạt tự-do trong nhà-nước tự-do, nếu muốn dùng kiểu diễn-tả này. Đây là cơ-may để đức tin trở nên sống-động hơn, vì nó được sống sâu-xa hơn và dưa trên xác-tín tự-do hơn ; nhưng dĩ-nhiên nó phải cố-gắng chống lại cái chủ-quan-hóa và không ngừng cố-gắng đưa tiếng nói mình vào đại-chúng.
Hỏi: Pier Paolo Pasolini[2] cho rằng Giáo-hội có cơ-may sống-còn khi có cái nhìn dị-biệt và giữ thế đối-lập không khoan-nhượng với trần-thế. Ông viết trong thư gửi giáo-chủ Phao-lô VI vào muà hè 1977: “Trong khung-cảnh của một viễn-tượng cực-đoan, có lẽ ảo-tưởng hoặc hướng về tận-thế, Giáo-hội biết rõ mình phải làm gì để tránh cái chết không vinh-quang : đó là đi vào đối-lập. Trong một cuộc chiến-đấu như thế, với kinh-nghiệm truyền-thống lâu dài chống lại thế-quyền của các giáo-triều xưa, Giáo-hội có thể tập-hợp được tất-cả những thế-lực không chịu khuất-phục trước sự thống-trị mới của hưởng-thụ. Bằng cách trở về nguồn, đi vào đối-lập và phản-kháng, Giáo-hội có thể trở thành một biểu-tượng “.
Có nhiều cái đúng trong lời phát-biểu đó. Tính-cách không hợp thời của Giáo-hội một đàng nói lên thế yếu của mình, – Giáo-hội bi gạt ra lề – đàng khác có thể lại là thế mạnh của Giáo-hội. Có lẽ con người cảm được rằng, để chống lại hệ tư-tưởng tầm-thường đang ngự-trị trên thế-giới, cần phải có đối-lập và Giáo-hội có thể trở thành hiện-đại bằng cách không chạy theo lối sống hiện-đại, lên tiếng chống lại trào-lưu tư-tưởng chung. Giáo-hội mang sứ-mạng ngôn-sứ phản-kháng và nó phải có can-đảm đóng đúng vai-trò đó. Chính cái can-đảm nói lên sự thực là sức mạnh lớn của Giáo-hội, cho dù lúc đầu nó có vẻ tác hại, làm mất vẻ dễ mến của Giáo-hội, đẩy Giáo-hội tới chỗ cô-lập.
Tuy nhiên tôi không muốn bao-quát giới-hạn sứ-mạng Giáo-hội vào vai-trò đối-lập. Giáo-hội luôn tham-gia vào những việc xây-dựng tích-cực. Giáo-hội sẽ luôn tìm cách hành-động tích-cực, để mọi chuyện được thi-hành đúng-đắn. Nghĩa là, để bảo-vệ cái cốt-yếu của mình, Giáo-hội không được phép thu mình vào vai-trò đối-lập toàn-diện, nhưng phải biết cân-nhắc kĩ, ở đâu cần phản-kháng, ở đâu cần tiếp tay, ở đâu cần tiếp sức và chung vai sát cánh, ở đâu phải nói có và ở đâu nói không.
ĐẠI KẾT và HIỆP NHẤT
Hỏi: Ngài từng nói, đối với giáo-chủ Gio-an Phao-lô II sự hợp-nhất ki-tô-hữu là một viễn-ảnh lớn của thiên niên-kỷ sắp kết-thúc. Giáo-hội Công giáo Rôma đã đi bước mở màn, tổ-chức những cuộc đối-thoại liên tôn trên bình-diện thần-học. Trong thông-điệp “Để họ nên một” về vấn-đề đại-kết, công-bố vào tháng 5.1995, Giáo-chủ bầy-tỏ hy-vọng “Trước thềm thiên niên-kỷ mới…, một thời-điểm vô cùng đặc-biệt…, ước gì tất-cả ki-tô-hữu sẽ hợp-nhất thành một cộng-đoàn chung”. Bởi vì “phân-rẽ rõ-ràng là trái với ý đức Kitô, là một cái gai cho thế-giới…”. Việc hợp-nhất Ki-tô giáo này có thể đạt được không? Bởi vì trong thông-điệp vừa dẫn, Giáo-chủ cũng viết, phải tuyệt-đối “tránh mọi hình-thức giảm-thiểu hay đồng ý hời-hợt”.
Câu hỏi về mô-hình hợp-nhất là một câu hỏi lớn và hóc-búa. Trước hết phải hỏi: Cái gì có thể? Chúng ta được phép hy-vọng gì và không nên hy-vọng gì? Câu hỏi thứ hai: Cái gì thực-sự tốt? Tôi không dám hy-vọng về một sự hợp-nhất Ki-tô giáo tuyệt-đối trong dòng lịch-sử. Chúng ta thấy đó, trong khi ngày nay đang có những cố-gắng hợp-nhất, thì lại tiếp-diễn từng mảng đổ-vỡ. Không phải chỉ có những giáo-phái mới tiếp-nối xuất-hiện, trong đó có những giáo-phái hỗn-tạp pha-trộn nhiều yếu-tố đa thần phi Ki-tô giáo, nhưng nhất là những đổ-vỡ trầm-trọng hơn ngay trong những giáo-hội Cải-cách cũng như trong các giáo-hội Chính-thống. Trong các giáo-hội Cải cách hố phân-rẽ giữa cánh nặng tinh-thần Phúc-âm và những phong-trào tân-thời ngày càng lún sâu (cả trong giáo-hội Tin-lành Đức ta thấy hai hệ-phái đang lìa xa nhau như thế nào). Giáo-hội Chính-thống, vì tính-cách độc-lập của mỗi giáo-hội quốc-gia, vốn đã ít thống-nhất, cũng có những làn sóng phân-li, cũng bị tác động bởi cùng một loại men. Ngay trong giáo-hội Công giáo cũng có những rạn-nứt sâu-xa, đến độ người ta đôi khi có cảm-tưởng hai giáo-hội hiện-diện trong một Giáo-hội.
Phải nhìn cả hai mặt, một đàng các giáo-hội Ki-tô giáo đang cố-gắng xích lại gần nhau, đàng khác những đổ-vỡ nội-bộ vẫn đồng thời xẩy ra. Nên tránh những hy-vọng hão-huyền. Quan-trọng là luôn nhắm vào cái cốt-lõi. Mỗi người cố-gắng vượt ra khỏi chính mình và dùng đức tin mà nắm lấy những gì thực-sự chủ-yếu. Nếu không bị đổ-vỡ thêm và nếu ta hiểu ra, mặc dù còn phân-li, ta vẫn có thể hợp-nhất trong nhiều điểm là ta đã đạt được nhiều rồi. Tôi không tin chúng ta sẽ mau-chóng đạt tới một “liên-hiệp tôn-giáo” lớn. Nhưng còn một chuyện quan-trọng hơn, đó là ta chấp-nhận nhau trong sự kính-trọng và yêu-thương, chấp-nhận cùng là ki-tô-hữu với nhau; và trong những điểm cơ-bản, cố-gắng cùng nhau làm chứng cho Tin-mừng, góp phần làm đẹp bộ mặt thế-giới và trả lời cho những vấn-nạn lớn về Thiên Chúa, về nguồn-gốc xuất-phát và đích điểm của con người.
HỒI GIÁO
Hỏi: Sự hiểu biết lãng-mạn về Đông phương đưa đến việc đổ đồng hình-ảnh Đông phương và Hồi giáo, một hình-ảnh không luôn phù-hợp với thực-tế. Nhưng không thể không thấy Hồi giáo coi những giá-trị của mình khác hẳn từ nền tảng với những giá-trị trong xã-hội tây phương. Chỉ xét nguyên chỗ đứng cá-nhân hoặc sự bình đẳng nam nữ đã thấy đông tây đánh-giá khác hẳn nhau. Những cuộc ném bom khủng-bố của các nhóm hồi giáo quá-khích đang làm giảm uy-tín Hồi giáo ; cả ở Âu châu càng ngày càng sợ bọn giết người cuồng-tín đó. Ai cũng biết là cần phải có nhiều nỗ-lực tìm hiểu đả-thông giữa các nền văn-hoá. Nhưng trên nền-tảng nào?
Câu hỏi thật khó. Tôi nghĩ trước hết phải biết Hồi giáo không phải là một thực-thể thống-nhất. Nó cũng không có thẩm-cấp thống-nhất, vì thế đối-thoại với Hồi giáo luôn là đối-thoại với những nhóm nhất-định nào đó. Không ai có thể nói thay cho toàn-thể Hồi giáo. Có thể nói Hồi giáo không có qui-luật chính-thống chung. Ngoài hai phái chính Su-nít và Si-ít[3] thực sự phân-li, còn có nhiều phái khác nữa. Có một Hồi giáo “cao-quí” với đại-diện điển-hình là quốc-vương nước Ma-rốc, cũng có một Hồi giáo quá-khích, khủng-bố, nhưng ta không nên đồng-hóa nó với toàn-thể Hồi giáo, vì làm như vậy thật là bất công.
Điểm quan-trọng Ông cũng đã nói tới là Hồi giáo nói chung có mô-hình tổ-chức xã hội, chính trị và tôn-giáo khác hẳn ta. Khi người phương tây ngày nay bàn về khả-năng thiết-lập các phân-khoa thần-học Hồi giáo hoặc về ý-kiến coi Hồi giáo như một pháp-nhân công-quyền, người ta giả-thiết rằng, mọi tôn-giáo đều có cơ-cấu giống nhau, đều chấp-nhận một hệ-thống dân-chủ với những qui-chế luật-pháp và những môi-trường tự-do được qui-định bởi qui-chế này. Nhưng bản-chất Hồi giáo mâu-thuẫn với điểm này. Hồi giáo tuyệt-đối không chấp-nhận việc tách rời chính-trị với tôn-giáo, như Ki-tô giáo từ đầu vẫn chủ-trương. Koran là bộ luật tôn-giáo toàn-trị, qui-định toàn-thể đời sống chính-trị và xã-hội, cũng như áp-đặt qui-luật hồi giáo lên cuộc sống cá-nhân. Luật Sharia in dấu lên xã-hội từ đầu đến cuối. Như vậy Hồi giáo có thể sử-dụngmột số quyền tự-do theo như hiến-pháp của ta qui-định, nhưng cùng đích của Hồi giáo không thể là : vâng, bây giờ chúng tôi cũng là một pháp-nhân công-quyền, bây giờ chúng tôi cũng hiện-diện như những người Công giáo và Tin-lành. Đó chưa thực-sự là đích điểm của Hồi giáo, nó hãy còn xa-lạ với tôn-giáo này.
Hồi giáo có quan-niệm về toàn-thể luật-pháp khác hẳn, nó bao trùm tất-cả, luật-lệ của Hồi giáo khác hẳn ta. Nữ giới hoàn-toàn lệ-thuộc nam giới; hình-luật cũng như mọi liên-hệ trong cuộc sống đều được qui-đinh nghiêm-khắc và trái ngược với những quan-niệm trong xã-hội tân-tiến của ta. Phải thấy rõ rằng, đây không phải là một tôn-giáo có thể thu-nạp vào môi-trường tự-do của xã-hội đa nguyên. Ngày nay đôi khi chúng ta cứ nhìn Hồi giáo theo mô-hình Ki-tô giáo, chứ không theo bản-chất của đạo này. Vấn-đề đối-thoại với Hồi giáo như vậy dĩ-nhiên phức-tạp hơn nhiều so với đối-thoại với các giáo-hội Ki-tô giáo.
Hỏi: Cũng có thể hỏi ngược lại: Sự lớn mạnh toàn-cầu của Hồi giáo có ý-nghĩa gì đối với Ki-tô giáo?
Sự lớn mạnh này là một hiện-tượng nhiều mặt. Một mặt là khía-cạnh tài-chính. Sức mạnh tài-chính các nước Ả-rập đạt được cho phép họ dựng nguyện đường hồi giáo lớn khắp nơi, nuôi-dưỡng được những viện văn-hóa hồi giáo và những việc tương-tự khác. Nhưng đây mới chỉ là một yêu-tố. Yếu-tố thứ hai là căn-tính của Hồi giáo trở nên vững-mạnh hơn, họ đạt đươc một niềm tự-tin mới.
Trong bối-cảnh văn-hóa thế-kỷ 19 và tiền bán thế-kỷ 20, nghĩa là tới khoảng thập niên 60, những nước Ki-tô giáo tiến-bộ vượt bậc về kỹ-nghệ, văn-hóa, chính-trị và quân-sự, khiến Hồi giáo bị đẩy xuống hàng thứ yếu, và Ki-tô giáo, hay ít ra những nền văn-hóa dựa trên nền-tảng Ki-tô giáo, hiện-diện như thế-lực chiến-thắng trong lịch-sử thế-giới. Nhưng rồi bùng-nổ cuộc khủng-hoảng luân-lí rộng-lớn trong thế-giới tây phương, vốn được coi là thế-giới Ki-tô giáo. Đứng trước những mâu-thuẫn luân-lí sâu-xa và sự mất hướng trong thế-giới tây phương, đồng thời với sức mạnh kinh-tế của các nước Ả-rập, hồn Hồi giáo bừng tỉnh: Chúng tôi đây cũng là ai, căn-tính của chúng tôi tốt hơn, tôn-giáo chúng tôi đứng vững, còn các bạn chẳng còn gì nữa.
Đó là cảm-quan của thế-giới Hồi giáo hôm nay: Các nước tây phương không có những thông-điệp luân-lí để truyền đi nữa, họ chỉ còn có thể cống-hiến cho thế-giới những hiểu-biết chuyên-môn; Ki-tô giáo đã thoái-trào, nó không tồn-tại như một tôn-giáo nữa; ki-tô-hữu chẳng còn luân-lí và niềm tin nữa, họ chỉ còn rơi-rớt đâu đây dăm-ba ý-tưởng tân-tiến của thời Ánh-sáng; nhưng Hồi giáo chúng tôi vẫn đứng vững.
Như vậy người Hồi giáo ngày nay nghĩ rằng, tôn-giáo họ kết cuộc là tôn-giáo có sức sống mạnh hơn, có nhiều điều để nói cho thế-giới và là sức mạnh tôn-giáo nền-tảng của tương-lai. Trước kia luật Scharia và những gì liên-quan đã chìm trong bóng tối, nay niềm tự hào có dịp trổi-dậy. Từ đó bừng lên một đà sống mới với cường-độ mới mà Hồi giáo muốn sống. Sức mạnh lớn của họ là đây : Chúng tôi có một thông-điệp luân-lí, nó tồn-tại liên-tục từ thời các tiên-tri và chúng tôi sẽ chỉ cho thế-giới biết phải sống ra sao. Những tín-hữu Ki-tô nhất-định không làm nổi chuyện này. Hẳn ta phải đương-đầu với sức mạnh nội-tại mới này của Hồi giáo, một sức mạnh làm mê-hoặc cả môi-trường đại-học.
DO THÁI GIÁO
Hỏi: Ta hãy đi vào điểm có lẽ quan-trọng nhất trong bảng liệt-kê thứ-tự này. Suốt một thời-gian dài người ta cho rằng tranh-chấp giữa Do-thái giáo và Ki-tô giáo đã tiềm-ẩn sẵn trong chỗ sâu-xa nhất của tôn-giáo. Ngày nay vị trưởng Bộ đức tin Công giáo lại xác-nhận: “Ngôi sao chỉ về hướng Giê-ru-sa-lem. Nó lặn đi và tái xuất-hiện trong lời Chúa, trong Thánh-kinh Do-thái.” Thế nghĩa là gì? Phải chăng là một quan-hệ hoàn-toàn mới đối với Do-thái giáo?
Chúng ta chắc-chắn phải sống và suy-tư về mối liên-hệ với Do-thái giáo một cách hoàn-toàn mới, và chuyện đó đang xẩy ra. Sự khác-biệt giữa hai tôn-giáo sẽ không vì thế mà chấm dứt, nhưng có thể chúng ta còn cảm-nhận nó một cách nào đó thấm-thía hơn. Nhưng chúng ta phải sống sự khác-biệt này trên căn bản tương-kính và tương-thân. Chúng ta đang trên đường hướng tới đích này. Tôi muốn nói, qua Thánh-kinh Cựu-ước, vốn là một phần Thánh-kinh Ki-tô giáo, luôn-luôn có mối quan-hệ thân-tộc giữa Ki-tô giáo và Do-thái giáo. Nhưng chính cái sở-hữu chung này lại là đầu mối chia-rẽ, vì người Do-thái có cảm-tưởng rằng chúng ta lấy cắp Thánh-kinh và không sống theo Thánh-kinh. Họ mới là sở-hữu chủ thực-sự. Ngược lại, một đàng phía Ki-tô giáo có cảm-tưởng người Do-thái đọc sai Thánh-kinh Cựu-ước; người ta chỉ đọc nó đúng trong cái nhìn mở ra hướng về đức Kitô. Có thể nói người Do-thái tự đóng kín nên đi lạc hướng. Hiểu như thế thì việc sở-hữu Thánh-kinh Cựu-ước mở đường cho Ki-tô giáo chống Do-thái, đi đến chỗ phát-biểu: Quí vị có Thánh-kinh, nhưng quí vị dùng nó không đúng, quí vị phải xét lại.
Đàng khác, từ thế-kỷ thứ hai, trong Ki-tô giáo luôn có phong-trào muốn loại Thánh-kinh Cựu-ước hay ít ra giảm thiểu ý-nghĩa của nó. Tuy ý-hướng này chưa bao giờ trở thành giáo-huấn chính-thức của Giáo-hội, nhưng đó đây trong Ki-tô giáo có phần coi nhẹ giá trị Thánh-kinh Cựu-ước. Dĩ-nhiên nếu chỉ đọc riêng-rẽ vài khoản luật hoặc những câu chuyện tàn-ác, người ta có thể nẩy ra ý-nghĩ Thánh-kinh của ta không thể là những thứ sách như vậy được; và từ đó sinh ra thái-độ bài Do-thái nơi Ki-tô giáo. Vào Thời-mới, khi Ki-tô giáo bỏ lối chú-giải bóng-gió, lối mà các giáo-phụ đã dùng để “Ki-tô giáo hoá” Thánh-kinh Cựu-ước, thì một thái-độ lãnh-đạm mới đối với bộ sách lại nẩy sinh; chúng ta phải học lại cách đọc nó cho đúng.
Ta phải sống cách mới-mẻ cái tương-quan thân-thuộc qua lịch-sử chung Abraham, nó vừa là đầu mối chia-cách, vừa là nguồn quan-hệ tương-thân. Phải kính-trọng chấp-nhận người Do-thái không đọc Thánh-kinh Cựu-ước với cái nhìn hướng về đức Ki-tô như ta, nhưng hướng về một vị sẽ tới mà họ chưa biết là ai, như vậy niềm tin của ta và họ đều chung một hướng. Ngược lại ta hy-vọng người Do-thái hiểu cho rằng, mặc dầu ta nhìn Thánh-kinh Cựu-ước dưới ánh sáng khác, nhưng ta cũng cố-gắng cùng với họ sống niềm tin của Abraham và như thế có thể sống với tâm-tìnhhướng về nhau.
Hỏi: Tại sao Vatican chờ-đợi rất lâu trước khi công-nhận quốc-gia Do-thái?
Sự thành-lập quốc-gia Do-thái sau đệ nhị thế-chiến phù-hợp với một nghị-quyết của Liên-hiệp-quốc và với quyền của người Do-thái có một quốc-gia riêng, trên một phần đất riêng. Nhưng việc ấn-định biên-giới lại gây tranh-chấp về mặt quyền-lợi các dân-tộc. Như ta biết, một làn sóng dân Ả-rập phải rời khỏi quốc-gia mới thành-lập và có thể nói họ phải sống xen kẽ giữa nhiều quốc-gia trong hoàn-cảnh hết sức khó-khăn và khó xử. Trong những trường-hợp như thế Vatican thường chờ cho tới khi mọi khúc-mắc pháp-lí được sáng-tỏ. Trường-hợp Đông Đức cũng thế. Vatican chỉ thiết-lập ở đó các giáo-phận mới, sau khi thủ-tướng Brandt với chính-sách đông-âu của ông đã giải-quyết ổn-thoả những tranh-chấp giữa Ba-lan và Đức. Ai cũng biết Vatican chưa bao giờ đặt quan-hệ ngoại-giao với Đông Đức. Ở Do-thái còn có thêm vấn-đề Giê-ru-sa-lem: Có thể chấp-nhận một thành-phố linh-thiêng của ba tôn-giáo nay trở thành thủ-đô riêng của một quốc-gia vốn nghiêng về một tôn-giáo hay không là vấn-đề không sáng-tỏ. Ở đây Vatican cũng đã phải chờ tới khi mọi chuyện được giải quyết. Sau hết cũng cần phải có một qui-chế rõ-ràng về vị-trí pháp-lí cuả ki-tô-hữu và những cơ-sở Ki-tô giáo trên phần đất quốc-gia mới.
Hỏi: Ngày nay cả trong Giáo-hội cũng chấp-nhận đức Ki-tô là người Do-thái. Vậy thay vì nói “Thiên Chúa đã làm người”, ta có thể nói “Thiên Chúa đã làm người Do-thái” được không? Phải chăng cuối cùng rồi đạo Ki-tô cũng phải chấp-nhận Do-thái giáo trong sứ-mạng lịch-sử của nó?
Điểm quan-trọng trước hết là phải ý-thức rõ rằng, đức Ki-tô là người Do-thái. Tuy nhiên tôi muốn nói thêm điều này. Tôi cắp sách đến trường dưới thời Đức quốc-xã và hồi đó tôi thấy nơi những “ki-tô-hữu Đức” khuynh-hướng muốn biến đức Ki-tô thành “người Arier”[4]. Họ cho rằng đức Giê-su là người Galilêa, nên rõ ràng chẳng phải là người Do-thái. Để chống lại khuynh-hướng đó, trong giờ giáo-lí cũng như trong các bài giảng có những tiếng nói cương-quyết: Đấy là nguỵ-tạo, Đức Ki-tô là con Abraham, con Đa-vít, là ngưòi Do-thái; đó là lời hứa cuả Thiên-chuá và là điều chúng ta tin.
Đấy là điểm quan-trọng nối-kết những người Ki-tô và Do-thái với nhau. Vì thề câu nói “Thiên Chúa đã làmngười” rất quan-trọng và đúng. Tân-ước cho chúng ta hai gia-phả về đức Giêsu, một chi-tiết cần lưu-ý. Gia-phả theo Mát-thêu tìm về tới Abraham và cho biết Giê-su là con Abraham, con Đa-vít và, như vậy, lời hứa với dân Do-thái đã được thực-hiện. Gia-phả theo Lu-ca trở về tận Adam và diễn-tả Giê-su như một con người thuần-tuý.Đây là điểm hết sức hệ- trọng: Đức Giê-su là người và cuộc sống cũng như cái chết của Ngài có giá-trị cho mọi người. Chính di-sản đức tin Abraham biến di-sản lời hứa thành di-sản chung cho toàn-thể nhân-loại. Vì thế câu nói đơn-sơ, nhưng nền-tảng “Thiên Chúa đã làm người” trước sau rất quan-trọng. Sau hết phải thêm điểm thứ ba: Đức Giêsu, một người Do-thái trung-thành giữ luật, cũng đã vượt ra khỏi khuôn-khổ Do-thái giáo và muốn giải-thích lại toàn-bộ di-sản bằng cách lồng chúng vào một sự trung-tín mới, rộng-lớn hơn. Đây lại là điểm gây tranh-chấp. Nhưng cũng là đề-tài của nhiều cuộc đối-thoại bổ-ích. Đặc-biệt tôi muốn nhắc tới cuốn sách rất hay của Jakob Neusner, một giáo-sĩ do-thái người Mỹ, người đã mở một cuộc đối-thoại đứng-đắn với đề-tài bài giảng trên núi. Ông thẳng-thừng vạch ra những điểm đối-chọi, nhưng nói ra với tình yêu đại-độ và cuối cùng qui về điểm tương-đồng là cùng nhau hướng về Thiên Chúa hằng-sống. Vì thế, không nên che-đậy những điểm bất đồng. Làm như vậy là sai, bởi vì con đường vòng-vo né tránh chân-lí không bao giờ là con đường dẫn đến hòa-bình. Những xung-khắc vẫn còn đó. Điều ta phải học là tìm ra tình yêu và hòa-bình ngay chính trong những điểm xung-khắc.
Hỏi: Vụ diệt chủng Do-thái không xẩy ra trong thời của Giáo-hội, nhưng vào lúc Giáo-hội đã mất hết ảnh-hưởng trên lòng người. Tuy nhiên trước sau vẫn phải thảo-luận và đặt câu hỏi, tại sao thảm-họa này có thể xẩy ra trên vùng đất Ki-tô giáo. Người công giáo đã không ngăn-chặn cuộc tàn-sát người Do Thái; có thể không bao lâu nữa con số người công giáo ở Âu châu sẽ thụt xuống dưới con số người Do-thái trước đại-chiến.
Ông có lí nêu lên điểm này. Đây là một đề-tài và vết đen lớn. Điều quan-trọng cần ghi nhận là vụ diệt chủng Do-thái không do ki-tô-hữu gây nên nhân danh đức Kitô, nhưng do phe bài Ki-tô giáo và phải coi là màn chuẩn-bị cho cuộc tiêu-diệt Ki-tô giáo. Chính tôi đã sống thời này ở tuổi thiếu-niên. Người ta không ngừng nói đến việc Ki-tô giáo bị Do-thái hóa và Ki-tô giáo, nhất là Công giáo, Do-thái hóa dân-tộc Đức. Tại München, sau đêm thuỷ-tinh[5], toà tổng giám-mục bị ồ-ạt tấn-công vào ban ngày. Khẩu-hiệu lúc đó là: “Sau Do-thái đến lượt bạn của Do-thái”. Ngày nay, trong nhiều nguồn sử-liệu, chẳng hạn trên tờ “Stürmer”[6], người ta đọc được là Ki-tô giáo, đặc-biệt Công giáo, bị coi như phương-tiện người Do-thái dùng trong mưu-toan đoạt quyền-lực – họ dùng từ “Do-thái hóa dân-tộc Đức”-, vì thế muốn hoàn-toàn khống-chế người Do-thái, có ngày phải loại-bỏ hẳn thứ Ki-tô giáo đang có như hiện nay, để dựng nên cái gọi là Ki-tô giáo tích-cực của Hitler.
Không nên bỏ qua điểm quan-trọng này: Việc Hitler diệt Do-thái hàm-chứa tính-toán bài Ki-tô giáo. Tuy nhiên điểm này không mảy-may thay-đổi sự-kiện những kẻ chịu trách-nhiệm trong vụ này là những người đã lãnh phép rửa. Mặc dầu SS[7] là tổ-chức tội-phạmcủa những kẻ vô thần, và dù không mấy ai trong hàng-ngũ họ là tín-hữu Ki-tô còn giữ đạo, nhưng ít nhất họ đã lãnh phép rửa. Tinh-thần bài Do-thái nơi Ki-tô giáo đã phần nào đóng vai-trò dọn đường ; đó là điểm ta không thể phủ-nhận. Phong-trào bài Do-thái đã từng xẩy ra ở Pháp, Áo, Phổ, ở khắp nơi; đấy có thể là gốc-rễ của vấn-đề. Đây là một lí-do buộc ta không ngừng tự-vấn lương-tâm.
Hỏi: Phải chăng người Do-thái trước sau vẫn là một vấn-đề then-chốt cho tương-lai thế-giới, như được chép trong Kinh-thánh?
Tôi không rõ ông nói đến đoạn nào trong Kinh-thánh. Dù sao, với tư-cách là những người đầu-tiên mang lời hứa – giai-đoạn lịch-sử lớn và nền-tảng của Kinh thánh đã xẩy ra nơi dân-tộc này – họ chiếm vị-trí trung-tâm trong lịch-sử thế-giới. Người ta có thể nói, một dân-tộc nhỏ-bé như vậy làm sao có thể có tầm quan-trọng đến thế được. Nhưng tôi nghĩ, trong mọi thời-đại, đặc-biệt ngày nay, ta thấy có cái gì đặc-biệt nơi dân-tộc này và những quyết-định lớn của lịch-sử thế-giới đều cách này hay cách khác có liên-quan tới họ.
MỘT CÔNG ĐỒNG CHUNG MỚI?
Hỏi: Một công-đồng chung mới xem ra đã từ lâu diễn-ra bên ngoài Vatican. Người ta vứt bỏ những thông-điệp cứu-độ và khắp nơi người ta đã định-nghĩa lại những định-đề của đức tin. Giáo-hội có cần một công-đồng Vatican III để giải-tỏa tất-cả và vạch ra hướng đi không?
Tôi thiết-tưởng chuyện đó không xẩy ra trong tương-lai gần. Tôi kể cho ông một câu chuyện. Có lần vị hồng-y Hồi-quốc Cordeiro thuật cho tôi câu chuyện sau đây: Một hôm ngồi gần nhau trong một công-nghị, có mặt hồng-y Döpfner[8], có người lên tiếng: “Chà, thế nào cũng phải có công-đồng Vatican III”. Hồng-y Döpfner hốt-hoảng giơ cả hai tay lên : “Không thể xẩy ra bao lâu tôi còn sống”.Như vậy, với hồng-y Döpfner, thì một công-đồng cũng đã đủ rồi. Rõ-ràng ngài xác-tín Công-đồng là những kinh-nghiệm chỉ thu-thập được sau khoảng thời-gian dài.
Thực-tế chứng-tỏ công-đồng là một biến-cố gây đảo-lộn lớn trong Giáo-hội, cần rất nhiều thời-gian mới giải-quyết xong các xáo-trộn này. Còn lâu chúng ta mới thực-hiện được hết những điều của công-đồng Vatican II, một công-đồng Vatican III cũng không phải là giải-pháp tốt để đạt đích này.
Cái diễn ra đều-đặn là những thượng hội-đồng giám-mục. Tôi nghĩ, đây là phương-tiện thích-hợp và thực-tế hơn. Mỗi lần như thế, với trên dưới 200 giám mục đại-diện năm châu, các ngài phải và có thể cùng nhau giải-quyết tình-hình hiện-tại. Một công-đồng chung, xét nguyên mặt tổ-chức không thôi, đã là một chuyện khó giải-quyết rồi. Có tới ba, bốn ngàn giám-mục tham-dự. Đó là một lượng khổng-lồ; với số-lượng này khó có được sự trao-đổi đúng nghĩa và đối-thoại đích-thực. Để soạn-thảo được những hiến-chế bổ-ích, cần được chuẩn-bị từ nội-bộ. Công-đồng không phải là cái máy đột-ngột sản-xuất các quyết-nghị đúng-đắn, rồi mọi chuyện sau đó cứ thế mà tiến. Trái lại công-đồng chỉ có thể thu-góp những gì đangsống–độngvà sắp-đặt lại thành nghị-quyết. Như vậy cần nhẫn-nại chờ-đợi sự-việc phát-triển, nhẫn-nại chờ thời-gian để những cái sống-động được dần-dà hình thành, trước khi làm nên những nghị-quyết và văn bản dưới hình-thức pháp-lí.
Vì thế đừng coi công-đồng như bất cứ một loại thần dược nào. Trái lại công-đồng thường tạo nên những khủng-hoảng; những khủng-hoảng này dĩ-nhiên phải trở thành những liều thuốc bổ-ích. Hiện thời chúng ta đang bận lo giải-quyết công-đồng Vatican II.
______________________
[1] Faust là tên một nhân-vật trong vở kịch cũng có tên là Faust của Wolfgang Goethe, văn-hào Đức (1749-1832).
[2] Pasolini , nhà văn và đạo-diễn phim người Ý
[3] Su-nít là thành-phần Hồi giáo đa-số chiếm hơn 90% tín-hữu trung-thành với những lời dạy chính-thống của giáo-tổ Mô-ha-mét được ghi trong sách Sunna. Si-ít là phái thiểu-số, là “Đảng của Ali”, con rể của Mô-ha-mét.
[4] Quốc-xã Đức coi Arier là nguồn giống dân Đức, một giống vượt trội trên các giống dân khác.
[5] Đêm thuỷ-tinh (Reichskristallnacht): đêm mồng 9 rạng mồng 10 tháng 11.1933 những cơ-sở thương-mại và thờ-tự, nghĩa-trang và cả tư-gia của người Do-thái bị Đức quốc-xã phá đổ, phóng hoả và cướp bóc, khởi đầu cuộc tiêu-diệt Do-thái ; từ thuỷ-tinh ám-chỉ mảnh kính thuỷ-tinh đổ vương-vãi nơi các nhà bị tàn-phá.
[6] Stürmer (Quân tiền-phong), tên một tuần báo phát-hành năm 1923, bị đình bản năm 1945, chủ-trương bài Do-thái, dùng ngôn-ngữ đơn-sơ và mị-dân lôi kéo thành-phần thợ-thuyền và nông-dân ủng-hộ việc tiêu-diệt Do-thái.
[7] Schutzstaffel (SS): tổ-chức công-an mật-vụ thời Quốc-xã
[8] Döpfner (1913-1976), hồng-y người Đức, là một trong bốn điều-hợp viên công-đồng Vatican II