Đức Phanxicô: “Tôi xin mở lòng ra để thảo luận về Ngai tòa Phêrô”
vaticaninsider.lastampa.it, Giacomo Galeazzi, Jerusalem, 26-5
Đức Phanxicô hội kiến với Đại Thượng phụ Bartholomeo tại Ngôi Mộ Trống và mong ước tất cả các phái Kitô giáo “hãy cùng chung bước đến sự hiệp nhất viên mãn.”
Giáo hoàng Bergoglio vừa bày tỏ mong muốn thảo luận về Ngai tòa Phêrô “Sự phân ly vẫn còn tồn tại giữa các giáo hội, cho dù đã có những bước đi hợp nhất đầu tiên, các Kitô hữu vẫn còn tiếp tục bị ngược đãi, và đó là tinh thần đại kết trong đau khổ. Cũng như phiến đá chắn mồ, chúng ta phải đẩy sang một bên những chướng ngại đang ngăn giữa các Kitô hữu.” Phanxicô và Bartholomeo đã ôm nhau tại cùng chỗ mà giáo hoàng Phaolô VI và thượng phụ Athenagoras I đã ôm nhau cách đây 50 năm. Sau khi dùng bữa trưa với những người nghèo tại nhà hành hương “Casanova”, giáo hoàng Phanxicô đã có buổi hội kiến với Đại Thượng phụ Constantinople.
Quốc vụ khanh Pietro Parolin và trưởng Ban thăng tiến Hiệp nhất Kitô giáo, hồng y Kurt Koch cùng tham dự buổi hội kiến trọng đại này. Sau khi tặng quà và có đôi phút nói chuyện riêng với nhau, giáo hoàng và đại thượng phụ cùng ký một Tuyên bố chung. Theo lời của cả hai, thì hành vi này “là một bước tiến mới mẻ và cần thiết trên con đường hướng đi đến hiệp nhất.” Và “cái ôm mà giáo hoàng Phaolô VI và thượng phụ Athenagoras đã trao nhau sau hàng thế kỷ lặng thinh đã lập nền tảng cho một động thái hết sức tốt đẹp, bước ra khỏi những chuyện cũ về vạ tuyệt thông ban ra năm 1054, thì ở chính nơi đây, một cái ôm mới là cần thiết để tái khẳng định sự tận tâm tiếp tục chung bước đến sự hiệp nhất.”
Cả giáo hoàng và thượng phụ cùng tuyên bố, “Chúng ta mong mỏi ngày dó, ngày cuối cùng chúng ta được cử hành Phép Thánh Thể chung với nhau.” “Đó là mục tiêu chung chúng ta cùng phấn đấu, và sẽ thể hiện cho thế giới thấy được tình yêu Thiên Chúa, như thế chúng ta sẽ là những môn đệ thực của Chúa Giêsu Kitô.”
Đầu buổi lễ, khi vào Mồ Thánh, cả hai lãnh đạo tôn giáo đã cùng ôm nhau một lần nữa. Phanxicô nhường bước cho Bartholomeo vào Mồ Thánh trước. Rất thân ái, họ giữ tay nhau (giáo hoàng nói với thượng phụ bằng tiếng Ý “cẩn thận kẻo trượt chân”) rồi cùng đi vào vương cung thánh đường. Rồi cả hai cùng sánh bước với nhau, đến tôn kính Phiến đá Xức dầu, cúi xuống hôn kính với đầu trần (cả hai bỏ mũ cương vị của mình). Giáo hoàng phát biểu, “Tại đây, tôi xin lặp lại niềm hy vọng của các bậc tiền nhiệm là được tiếp tục đối thoại với tất cả anh chị em trong Chúa Kitô, hướng đến tìm ra những khí cụ thực hiện vai trò mục vụ đặc biệt của Giám mục thành Roma mà, với lòng trung tín trong sứ vụ của mình, có thể mở ra một tình thế mới và, trong bối cảnh hiện tại, có thể phục vụ cho yêu thương và hiệp nhất được mọi người nhìn nhận.
Chúng ta cần tin tưởng rằng, cũng như viên đá chắn mồ được đẩy sang một bên, thì tất cả mọi chướng ngại ngăn trở sự hiệp nhất của chúng ta cũng sẽ bị đẩy lùi. Đây sẽ là ơn phục sinh mà chúng ta có thể nếm trước ngay hôm nay. Khi các Kitô hữu thuộc nhiều tín lý khác nhau, cùng nhau chịu đau khổ, vai kề vai, và giúp đỡ nhau bằng tình thân ái, thì sẽ có một tinh thần đại kết trong đau khổ, một tinh thần đại kết trong máu, và đó sẽ là minh chứng đặc biệt hùng hồn không chỉ cho những người đang ở trong ở hoàn cảnh đó, mà nhờ ơn hiệp thông của các thánh, còn cho toàn thể Giáo hội nữa.” Và ngài nói thêm vài lời ứng khẩu nữa: “Những ai giết hại các Kitô hữu vì thù ghét đức tin, thì đừng tự hỏi xem liệu người bị giết là Công giáo hay Chính thống. Họ đang giết và đổ máu các Kitô hữu, thế thôi.”
Hướng đến thượng phụ Bartholomeo, giáo hoàng lên tiếng cổ vũ: “Cha khả kính, người anh em thân mến, cũng như tất cả các anh chị em đây, hãy gạt sang một bên những nghi ngại từ quá khứ và mở rộng lòng mình cho Thánh Thần, Thần Khí tình yêu và sự thật để cùng nhau gấp rút hướng đến ngày ân phúc khi chúng ta lại được hiệp nhất trọn vẹn.” Thật vậy, “chúng ta không thể chối bỏ những chia rẽ vốn đang tiếp tục tồn tại giữa chúng ta, những môn đệ Chúa Giêsu: nơi thánh này càng làm cho chúng ta nhận thức đau đớn hơn về tính bi kịch của những phân ly cũ.” Đức Phanxicô nói tiếp, “còn nhiều khoảng cách phải được vượt qua trước khi chúng ta đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn, được thể hiện qua việc cùng chia sẻ bàn Tiệc thánh mà chúng ta hằng ao ước.” “Nhưng những bất đồng,” giáo hoàng thôi thúc, “không được làm chúng ta e ngại hay chận lại tiến trình. Chúng ta cần tin tưởng rằng, cũng như viên đá chắn mồ được đẩy sang một bên, thì tất cả mọi chướng ngại ngăn trở sự hiệp nhất của chúng ta cũng sẽ bị đẩy lùi. Đây sẽ là ơn phục sinh mà chúng ta có thể nếm trước ngay hôm nay. Mỗi khi chúng ta xin tha thứ cho nhau vì những tội lỗi đã gây ra với các Kitô hữu khác, và mỗi khi chúng ta có được can đảm để trao và nhận sự tha thứ đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự phục sinh! Mỗi khi chúng ta để lại đằng sau những thành kiến cũ và tìm ra can đảm để xây dựng tình huynh đệ mới, chúng ta đang làm chứng rằng Chúa Kitô thực sự phục sinh! Mỗi khi chúng ta nghĩ về tương lai của Giáo hội dưới cái nhìn hiệp nhất, bình minh Phục Sinh sẽ ló dạng!”
J.B. Thái Hòa dịch