Bài Giáo lý III của ĐTC Beneđictô XVI về Thánh Phaolô
huấn từ của ĐTC trong buổi Triều yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 15-11-2006
Anh chị em thân mến,
Hôm nay cũng như 2 bài Giáo lý trước, chúng ta trở lại với Thánh Phaolô và những tư tưởng của ngài. Chúng ta có ở trước mặt mình một người phi thường, không chỉ vì những việc tông đồ ngài thực sự đã làm mà còn vì những giáo huấn thần học sâu sắc và cảm khích phi thường của ngài.
Sau khi chúng ta đã suy niệm lần trước về những điều Thánh Phaolô đã viết về vị trí trọng tâm mà Đức Chúa Giêsu Kitô trong đời sống Đức tin của chúng ta, hôm nay, chúng ta hãy nhìn đến những gì thánh nhân đã nói về Chúa Thánh Thần và về sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, bởi vì ở đây, Thánh Tông Đồ cũng có những điều rất quan trọng để dạy chúng ta.
Chúng ta biết về những gì Thánh Luca nói cho chúng ta về Chúa Thánh Thần trong bài diễn tả về biến cố Ngũ Tuần trong sách Công vụ Tông đồ. Chúa Thánh Thần của Lễ Ngũ Tuần mang theo với Ngài một sự thúc đẩy mạnh mẽ về quyết tâm truyền giáo để làm chứng cho Tin Mừng trên khắp các nẻo đường thế gian.
Thật vậy, sách Công vụ Tông đồ kể lại hàng loạt những cuộc truyền giáo mà các Tông đồ đã thực hiện:
- đầu tiên ở Samaria,
- rồi ở vùng ven biển Palestine,
- sau đó đến Syria.
Trên hết là việc kể lại 3 cuộc hành trình truyền giáo vĩ đại của Thánh Phaolô mà tôi đã nhắc đến trong những lần gặp gỡ vào các thứ tư trước.
Tuy nhiên, trong các thư của ngài, Thánh Phaolô cũng nói cho chúng ta về Chúa Thánh Thần từ một khía cạnh khác. Thánh nhân không kết thúc bằng cách chỉ diễn tả động lực và bình diện tích cực của Ngôi Ba Thiên Chúa, nhưng cũng phân tích sự hiện diện của Ngài trong đời sống của các Kitô hữu, là điều đánh dấu căn tính của họ.
Nói cách khác, trong suy tư của Thánh Phaolô về Chúa Thánh Thần, Thánh nhân không những giải thích ảnh hưởng của Ngài trên hành động của các Kitô hữu, mà còn trên con người của họ. Thật vậy, chính Thánh nhân là người đã nói rằng Thần Khí Thiên Chúa ngự trong chúng ta (x. Rm 8,9; 1 Cr 3,16) và
rằng “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài vào lòng chúng ta” (Gl 4,6).
Cho nên, theo ý kiến của Thánh Phaolô thì Chúa Thánh Thần tác động tận đáy lòng chúng ta. Đây là môt số lời của ngài về đề tài này là đề tài có một ý nghĩa quan trọng:
“Vì luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết…
Anh em đã không nhận được Thần Khí nô lệ làm cho anh em lại phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên:
Abba! Cha ơi!’, chính Chúa Thánh Thần” (Rm 8,2.15)
là Đấng nói trong chúng ta, bởi vì, như là con cái, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Cha”.
Như thế, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, ngay trước khi làm việc gì, người Kitô hữu đã có một nội tâm phong phú và hữu hiệu được Thiên Chúa ban cho qua Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, một nội tâm đưa người ấy vào một liên hệ nghĩa tử khách quan và độc đáo với Thiên Chúa.
Đó là giá trị cao quý nhất của chúng ta:
không những chỉ là hình ảnh mà còn là con cái của Thiên Chúa. Và đó cũng là một lời mời gọi chúng ta sống xứng đáng là con cái, càng ngày càng ý thức rằng mình là nghĩa tử trong gia đình vĩ đại của Thiên Chúa. Đó là một lời mời gọi chúng ta biến đổi ân huệ khách quan này thành một thực thể chủ quan và quyết định cho cách chúng ta suy nghĩ, hành động và sống.
Thiên Chúa coi chúng ta là con cái Ngài, đã nâng chúng ta lên giống Chính Chúa Giêsu, là Con thật của Thiên Chúa, nếu không phải là đồng phẩm giá với Người. Địa vị làm con và sự tự do đáng tin cậy của chúng ta trong tương quan với Chúa Cha được ban tặng hay phục hồi nơi Người.
Như thế, chúng ta khám phá ra rằng đối với các Kitô hữu, Chúa Thánh Thần không còn chỉ là “Thần Khí của Thiên Chúa”, như được diễn tả trong Cựu Ước và như người ta vẫn còn nhắc lại trong ngôn ngữ Kitô giáo (x. St 41,38; Xh 31,3; 1 Cr 2,11, 12; Pl 3,3;…). Ngài cũng không còn là “Thánh Khí” mà người ta thường hiểu trong Cựu Ước (x. Is 63,10.11; Tv 50[51],13), và trong các bản văn của chính Do Thái giáo (Qumran, rabbinism).
Thực thế, việc tuyên xưng một sự chia sẻ Thánh Thần nguyên thuỷ này bởi Chúa Phục Sinh, chính là Đấng trở nên một “Thần Khí ban sự sống” (1 Cr 15,45), là một phần của nét đặc trưng của Đức tin Kitô giáo.
Chính vì lý do đó mà Thánh Phaolô đã nói thẳng về
“Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8,9), về
“Thần Khí của Con Ngài” (x. Gl 4,6) hay là
“Thần Khí của Đức Giêsu Kitô” (Pl 1,19).
Có vẻ Thánh nhân muốn nói rằng không phải chỉ Thiên Chúa Cha được thấy nơi Chúa Con (x. Ga 14,9),
nhưng Thần Khí của Thiên Chúa cũng tự tỏ mình ra trong cuộc đời và hành động của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh!
Thánh Phaolô dạy chúng ta một điều quan trọng khác:
ngài nói rằng không có cầu nguyện thật nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện trong chúng ta. Thánh nhân viết:
“Thần Khí cũng giúp đỡ chúng ta là những người yếu đuối; vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu nguyện thay cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Ðấng thấu suốt tâm can biết Thần Khí muốn gì, vì Ngài cầu bầu cho dân thánh theo ý của Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
Nói như thế cũng giống như nói rằng Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, từ nay trở đi thành linh hồn của linh hồn chúng ta, là nơi kín đáo nhất của con người chúng ta, mà từ đó phát sinh một sức thúc đẩy chúng ta cầu nguyện không ngừng với Thiên Chúa, mà ngay cả Lời Ngài chúng ta cũng không thể bắt đầu diễn giải được.
Thực ra, Chúa Thánh Thần luôn tỉnh thức trong chúng ta, hoàn bị hoá những gì còn thiếu sót nơi chúng ta và dâng lên Đức Chúa Cha việc tôn thờ và những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta.
Đương nhiên điều này đòi hỏi một mức độ hiệp thông cao cả và sống còn với Chúa Thánh Thần. Đó là một lời mời gọi trở nên nhạy cảm hơn với, và chú ý hơn đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, để biến đổi sự hiện diện này thành cầu nguyện, để cảm thấy sự hiện diện này, và nhờ đó học cách cầu nguyện, thưa chuyện với Chúa Cha như con cái trong Chúa Thánh Thần.
Còn một diện đặc thù khác về Chúa Thánh Thần mà Thánh Phaolô dạy chúng ta: đó là sự liên hệ của Ngài với tình yêu.
Như Thánh Tông Đồ đã viết:
“Hy vọng không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rom 5,5).
Trong Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu của tôi, tôi đã dẫn chứng một đoạn văn hùng hồn nhất của Thánh Augustinô:
“Nếu bạn thấy bác ái, bạn thấy Chúa Ba Ngôi (số 19),
và tôi đã giải thích tiếp:
“Thực ra, Chúa Thánh Thần là sức mạnh nội tâm làm cho trái tim các tín hữu hoà hợp với Thánh Tâm Đức Kitô và đưa họ đến yêu thương người anh em như Đức Kitô đã yêu thương họ” (ibid). Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta chìm ngập trong nhịp điệu của Đời sống Thiên Chúa, đó là một Đời sống yêu thương, cho chúng ta được chia sẻ cách riêng mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Việc Thánh Phaolô đặt bác ái lên hàng đầu của những yếu tố làm thành hoa quả của Thần Khí không phải là không có ý nghĩa:
“Hoa quả của Thần Khí là bác ái, vui mừng, bình an… (Gl 5,22).
Và theo định nghĩa thì tình yêu liên kết trước hết với Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng tạo nên sự hiệp thông trong cộng đoàn Kitô hữu, như chúng ta mượn lời của Thánh Phaolô mà nói khi mở đầu Thánh lễ:
“Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, và tình yêu của Thiên Chúa Cha, cùng sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em” (2 Cr 13,14).
Tuy nhiên, hơn nữa, cũng đúng là Chúa Thánh Thánh khuyến khích chúng ta đan những mối liên hệ bác ái với tất cả mọi người. Cho nên, khi yêu thương, chúng ta dành chỗ cho Chúa Thánh Thần và cho Ngài thời giờ để bày tỏ Mình ra cách đầy đủ trong chúng ta.
Như vậy, chúng ta hiểu tại sao Thánh Phaolô đặt cạnh nhau 2 lời khuyên trong cùng một đoạn ở thư gửi tín hữu Rôma:
“Hãy nhiệt thành với Thần Khí” và “đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,11.17).
Sau cùng, theo Thánh Phaolô thì Chúa Thánh Thần là một số tiền đặt cọc quảng đại mà Chính Thiên Chúa trao ban cho chúng ta như là bảo chứng và đồng thời như một bảo đảm cho việc chúng ta được thừa tự trong tương lai (x. 2 Cr 1,22; 5,5; Ep 1,13-14).
1:22 Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng. (2 Cr 1,22)
5:5 Đấng đã tạo thành chúng ta vì mục đích ấy chính là Thiên Chúa, Người đã ban Thần Khí cho chúng ta làm bảo chứng.( 2 Cr 5,5)
1:13 Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa.
1:14 Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. (Êph 1:13-14 )
Cho nên, chúng ta học được từ Thánh Phaolô rằng các hành động của Chúa Thánh Thần hướng đời sống chúng ta đến các giá trị cao quý của
bác ái,
vui mừng,
hiệp thông và
hy vọng.
Công việc của chúng ta là cảm nghiệm điều này mỗi ngày, bằng cách:
tuân theo những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong lòng mình, và
giúp đỡ nhận thức của mình qua sự hướng dẫn rõ ràng của Thánh Phaolô Tông Đồ.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ