Sách Dân Số cũng kể lại một số các biến cố xảy ra trong sa mạc Sinai, nhưng bao gồm một vài chi tiết nêu bật nỗi khổ tâm của ông Môshê trong việc chu toàn sứ mệnh dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập và băng ngang sa mạc Sinai để vào Đất Hứa.
Chương 11 kể rằng dân Israel kêu ca vì những khổ cực họ phải chịu khiến Giavê nổi cơn thịnh nộ và lửa đốt cháy nơi họ ở và thiêu hủy đầu trại. Dân liền kêu cứu ông Môshê và ông chuyển cầu cho họ.
Nhưng họ bắt đầu thèm ăn, toàn dân kêu khóc và nói: ”Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai Cập, mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi, mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy manna thôi”. Nghe thấy dân tụm năm tụm bảy theo thị tộc mà kêu khóc tại cửa lều của mình, còn Giavê thì bừng bừng nổi giận, ông Môshê khổ tâm thưa với Giavê: ”Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng qúa sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn - ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ.”
Nghe lệnh Giavê ông Môshê bảo đảm với dân là Giavê sẽ cho họ thịt ăn: ”Anh em sẽ ăn, không phải một ngày, hai ngày, năm mười ngày hay hai mươi ngày mà thôi, nhưng suốt cả tháng, cho đến khi thịt lòi ra lỗ mũi làm anh em phải ngấy vì anh em đã khinh thường Giavê, Đấng ngự giữa anh em, và đã kêu khóc trước nhan Người rằng: chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì?”
Tuy nhiên, ngoài nỗi khổ vì thái độ vô ơn lẩm bẩm, kêu ca, nổi loạn của dân đối với Thiên Chúa, ông Môshê còn đau khổ vì sự chống đối của chính chị và anh mình là bà Miriam và ông Aharon. Họ phản đối ông vì ghen tức với ông nhưng nại lý do ông lấy một người đàn bà xứ Cút. Họ nói: ”Giavê chỉ phán với một mình Môshê sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?” Thiên Chúa truyền cho cả ba người đi ra Lều Hội Ngộ và phán: ”Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Giavê Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Môshê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Giavê nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói động đến Môshê tôi tớ Ta?”.
Giavê nổi cơn thịnh nộ với họ mà bỏ đi. Bà Miriam bị phong cùi, mốc thếch như tuyết. Tuy ông Môshê xin Thiên Chúa chữa cho bà, nhưng bà phải ở ngoài trại bẩy ngày, như kể trong chương 12 sách Dân Số.
Chương 14 kể lại vụ dân Israel nổi loạn sau vụ ông Môshê sai người vào thám thính đất Canaan từ sa mạc Paran. Sau bốn mươi ngày đoàn thám thính trở về đem theo các hoa trái lấy được từ miền đất phì nhiêu tràn trề sữa và mật. Nhưng dân cư mạnh, thành thị lại kiên cố và rông lớn. Nghe thế dân Israel sợ hãi phản đối ông Môshê. Những người thuộc đoàn thám thính bắt đầu chê bai miền đất họ đã do thám và còn nói: đó là miền đất nuốt những người ở đó và họ là những người cao lớn. Họ là những người khổng lồ và coi mình chỉ là châu chấu. Toàn thể cộng đồng lớn tiếng kêu la, dân chúng khóc lóc cả đêm ấy. Tất cả con cái Israel đều kêu trách ông Môshê và ông Aharon.
Toàn thể cộng đồng nói với các ông: ”Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai Cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong! Sao Giavê lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt? Chúng tôi trở về Ai Cập có tốt hơn không?” Họ bảo nhau: ”Chúng ta hãy đặt lên một người cầm đầu và trở về Ai Cập.”
Ông Giôsuê và ông Caleb xé áo mình ra và can ngăn họ đừng nổi loạn chống Giavê, nhưng cứ tiến chiếm vùng đất phì nhiêu này vì có Giavê ở với họ. Nhưng cả cộng đoàn bàn chuyện ném đá các ông. Thiên Chúa xuất hiện trong Lều Hội Ngộ và cho ông Môshê biết Ngài sẽ đánh phạt không cho dân này hưởng gia nghiệp, và sẽ làm cho ông một dân tộc lớn và mạnh hơn chúng. Nhưng ông Môshê đã xin Chúa ”tha thứ lỗi lầm của dân theo lượng cả ân nghĩa của Ngài, như Ngài đã từng chịu đựng dân này từ Ai Cập cho đến đây”.
Nể lời ông Môshê xin, Thiên Chúa tha thứ cho họ, nhưng Ngài phán: ”Không một ai trong những người đã thấy vinh quang của Ta và những dấu lạ Ta đã làm bên Ai Cập và trong sa mạc, nhưng đã thách thức Ta cả mười lần và đã không chịu nghe tiếng Ta, không một ai trong những người ấy sẽ được thấy đất ấy, trừ ông Giosuê và ông Caleb”.
Và thế là dân Israel phải lang thang trong sa mạc bốn mươi năm, vì đã liên tục lẩm bẩm kêu trách chống lại Thiên Chúa.
Sau này khi nhớ lại các điềm thiêng dấu lạ Giavê Thiên Chúa đã làm bên Ai Cập cho cha ông họ, dân Israel đã sáng tác các Thánh Vịnh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Chẳng hạn Thánh Vịnh 106 ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với dân Israel luôn bất trung và nhắc lại các tội lỗi phản loạn của họ như sau:
”Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương... Cùng các bậc tổ tiên chúng con đã phạm tội, đã ở bất công làm điều gian ác. Xưa bên Ai Cập tổ tiên chúng con đã không hiểu những kỳ công của Chúa, đã chẳng nhớ ân huệ vô vàn, và phản loạn ở nơi Biển Đỏ. Nhưng vì Thánh Danh, Người thương cứu họ, để biểu dương uy vũ của Người... Nước dìm quân đối nghịch không một kẻ thoát thân... Nhưng rồi họ chóng quên công việc của Chúa, chẳng đợi lệnh Người ban. Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng, chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời. Chúa liền ban điều họ đã xin, cho dư đầy đến độ chán ngấy... Trong doanh trại họ ghen với Môshê và Aharon người được Chúa thánh hiến. Đất bỗng rẽ ra nuốt sống Đathan và chôn vùi bọn Aviram cả lũ. Lửa hồng bừng lên đốt cháy trọn bầy, ngoạn hỏa hào thiêu rụi phường gian ác. Tại Khôrép họ đúc một con bê, rồi phủ phục tôn thờ tượng đó. Họ đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ. Họ quên Thiên Chúa là vị cứu tinh, từng làm việc lớn lao bên miền Ai Cập, việc diệu kỳ trong cõi đất Kham, việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ. Chúa tính chuyện sẽ tiêu diệt họ, nếu người Chúa chọn là Môshê, chẳng đem thân cản lối, ở ngay trước mặt Người, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ dân. Họ khinh thường miền đất xanh tươi mầu mỡ, chẳng tin tưởng chi vào lời Chúa phán, trong lều trạm lẩm bẩm kêu ca, chắng thèm nghe tiếng Chúa. Người giơ tay trên họ mà thề sẽ làm họ gục ngã trong miền sa mạc, bắt giống nòi tản mác giữa chư dân, phân tán họ đi nhiều miền khác.... ” Phần còn lại của Thánh Vịnh 106 kể ra các tội của dân Israel, trong đó có tội tôn thờ các thần giả và sống buông thả tội lỗi như các dân ngoại.
Thánh Vịnh 114 cũng nhắc lại biến cố vượt Biển Đỏ bên Ai Cập: ”Halleluia, thuở Israel ra khỏi Ai Cập, thuở nhà Giacóp rời bỏ ngoại bang thì Giuđa trở thành nơi Chúa ngự, Israel nên lãnh địa của Người... ”
Còn Thánh Vịnh 136 là lời tạ ơn Thiên Chúa vì mọi việc Người làm từ công trình sáng tạo cho tới cuộc giải phóng dân Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và đưa họ vào miền Đất Hứa. Thánh Vịnh có cấu trúc đối đáp: một ca viên hay ca đoàn xướng và toàn cộng đoàn đáp lại bằng điệp khúc chúc tụng tình thương muôn ngàn đời của Chúa.
Lời cầu chúc tụng và tạ ơn mở đầu như sau: ”Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Sau khi chúc tụng Giavê là Thần các thần, Chúa các chúa, thánh vịnh ca ngợi chỉ có Chúa làm nên những kỳ công vĩ đại, tạo dựng trời cao tài tình, trải mặt đất trên làn nước bao la. Người lại còn là làm ra những đèn trời to lớn, cho thái dương điều khiển ban ngày, đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm. Người là Đấng đã sát hại các con đầu lòng Ai Cập, dang cánh tay uy quyền mạnh mẽ, dẫn Israel ra khỏi xứ này. Nước Biển Đỏ Chúa phân làm hai khối, dẫn Israel lối giữa băng qua, xô xuống biển Pharaô cùng binh tướng. Ngài dẫn đưa dân qua sa mạc, sát hại bao lãnh chúa hùng cường, tiêu diệt những quân vương hiển hách... Người chiếm đất của các dân tộc khác để ban cho họ làm gia sản. Người đã nhớ tới họ giữa cảnh nhục nhằn và gỡ họ thoát khỏi tay thù địch.
Cứ sau mỗi hành động của Chúa thì cộng đoàn lập lại điệp khúc: ”Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tinh thương”.
Các thánh vịnh này là các lời cầu chúc tụng lấy hứng từ mọi kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân Israel trong lịch sử của họ. Chúng diễn tả tương quan của họ với Giavê Thiên Chúa là Chúa duy nhất của họ là dân riêng của Ngài.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1197)
Linh Tiến Khải