Giáo Lý Kinh Thánh

Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo


Phần I:  Tuyên Xưng Ðức Tin

Ðoạn Thứ Hai: Tuyên Xưng Ðức Tin Kitô Giáo

Kinh Tin Kính

 ... và những cơn cám dỗ của Israel trong sa mạc. Satan cám dỗ Chúa Giêsu về sự vâng phục sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Ðức Kitô, Ađam mới, đã chống lại cơn cám dỗ, và chiến thắng của Người báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người. Trong thời gian Phụng vụ Mùa Chay, Hội thánh kết hợp với Mầu nhiệm này cách đặc biệt.

 

107. Ai được mời gọi tham dự vào Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo và thực hiện?

541-546

567

Chúa Giêsu mời gọi mọi người tham dự vào Nước Thiên Chúa. Cả kẻ xấu xa nhất trong các tội nhân cũng được mời gọi sám hối và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha. Ngay trên mặt đất này, Nước Thiên Chúa đã thuộc về những ai đón nhận với tâm hồn khiêm tốn. Những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được mạc khải cho những người này.

 

108. Tại sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ?

547-550

567

Chúa Giêsu làm các dấu chỉ và phép lạ kèm theo lời của Người, để chứng tỏ rằng Nước Trời đang hiện diện nơi Người, là Ðấng Mêsia. Mặc dù đã chữa lành một số bệnh nhân, Người không đến để loại trừ mọi cái xấu ra khỏi trái đất, nhưng trước hết là để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Cuộc chiến đấu chống lại ma quỉ báo trước rằng thập giá của Người sẽ chiến thắng "thủ lãnh thế gian" (Ga 12,31).

 

109. Trong Nước Trời, Chúa Giêsu đã trao quyền hành nào cho các Tông đồ của Người?

551-553

567

Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai, những chứng nhân tương lai cho cuộc phục sinh của Người. Người cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền hành của Người để dạy dỗ, tha thứ tội lỗi, xây dựng và điều khiển Hội thánh. Trong Nhóm này, thánh Phêrô lãnh nhận "chìa khóa Nước Trời" (Mt 16,19) và chiếm địa vị thứ nhất, có sứ mạng gìn giữ đức tin được toàn vẹn và củng cố các anh em mình.

 

110. Việc Hiển Dung có ý nghĩa gì?

554-556

568

Trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong cuộc Hiển Dung: "Chúa Cha trong lời nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói" (thánh Tôma Aquinô). Khi gợi lên cho ông Môsê và ông Êlia về cuộc "ra đi của mình" (Lc 9,31), Chúa Giêsu cho thấy rằng vinh quang của Người phải kinh qua thập giá; và Người sống trước cuộc phục sinh và cuộc trở lại trong vinh quang của Người, lúc Người "sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,21).

"Chúa đã hiển dung trên núi và các môn đệ chiêm ngắm vinh quang Người tùy khả năng, để mai sau khi thấy Người chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Người đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho muôn dân biết Người chính là vinh quang Chúa Cha chiếu tỏa" (Phụng Vụ Byzantin).

 

111. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia như thế nào?

557-560

569-570

Vào thời gian đã định, Chúa Giêsu quyết lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại từ cõi chết. Với tư cách là Ðức Vua-Mêsia, Ðấng loan báo Vương quốc của Thiên Chúa đến, Người đi vào thành của Người, cỡi trên một con lừa. Những kẻ bé mọn đón rước Người bằng lời tung hô mà về sau được đưa vào kinh "Thánh! Thánh! Thánh!" trong Thánh Lễ: "Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa" (Mt 21,9). Phụng vụ Hội thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố này.

 

"Ðức Giêsu Kitô Ðã Chịu Nạn

Ðời Quan Phongxiô Philatô,

Chịu Ðóng Ðinh Trên Cây Thánh Giá,

Chết Và Táng Xác"

 

112. Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu có tầm quan trọng nào?

571-573

Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người, là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Vì ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất một lần thay cho tất cả nhờ cái chết cứu độ của Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô.

 

113. Chúa Giêsu bị kết án vì những lời buộc tội nào?

574-576

Một số thủ lãnh Israel đã kết án Chúa Giêsu chống lại Lề Luật, chống lại Ðền thờ Giêrusalem và đặc biệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Người tự tuyên bố mình là Con của Thiên Chúa. Chính vì thế họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử hình.

 

114. Ðâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề luật Israel?

577-582

592

Chúa Giêsu không hủy bỏ Lề luật do Thiên Chúa trao ban cho ông Môsê trên núi Sinai, nhưng Người đã làm cho Lề luật nên trọn bằng cách đem lại cho Lề luật lời giải thích tối hậu. Người là Ðấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, Ðấng chu toàn Lề luật cách viên mãn. Ngoài ra, qua cái chết đền tội trong vai trò Người Tôi Trung, Người hiến dâng hy tế duy nhất có khả năng cứu chuộc tất cả "tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước đầu tiên" (Dt 9,15).

 

115. Ðâu là thái độ của Chúa Giêsu đối với Ðền thờ Giêrusalem?

583-586

593

Chúa Giêsu bị kết án là có thái độ thù nghịch với Ðền thờ. Thực ra, Người đã tôn trọng Ðền thờ như là "nhà của Cha mình" (Ga 2,16). Chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người. Nhưng Người cũng báo trước Ðền thờ sẽ bị tàn phá, trong liên hệ với cái chết của Người. Người tự giới thiệu mình là nơi cư ngụ vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người.

 

116. Chúa Giêsu có chống lại niềm tin của Israel vào Thiên Chúa duy nhất và là Ðấng cứu độ hay không?

587-591

594

Chúa Giêsu không bao giờ chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, cả khi Người hoàn tất công trình của Thiên Chúa cách trọn hảo, chu toàn các lời hứa về Ðấng Mêsia và đồng thời mạc khải Người ngang hàng với Thiên Chúa: đó là việc tha thứ các tội lỗi. Người mời gọi chúng ta phải tin vào Người và phải sám hối, giúp chúng ta nhận ra sự hiểu lầm bi thảm của Công nghị đã kết án Người đáng phải chết vì lý do phạm thượng.

 

117. Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?

595-598

Không thể qui trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Ðấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, đặc biệt nhất là các người Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và vui thoả trong những điều xấu xa.

 

118. Tại sao cái chết của Chúa Giêsu lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?

599-605

619

Ðể tất cả chúng ta, là những kẻ đáng chết, được giao hòa trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch tràn đầy tình yêu là sai Con mình đến phó mình chịu chết vì những kẻ tội lỗi. Cái chết của Ðức Kitô đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người Tôi Tớ chịu đau khổ, và đã xảy ra "theo như lời Thánh Kinh."

 

119. Ðức Kitô đã dâng hiến mình cho Chúa Cha như thế nào?

606-609

620

Ðức Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ. Người đã trao ban sự sống "làm giá chuộc cho nhiều người" (Mc 10,45). Nhờ đó, Người giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Sự đau khổ và cái chết của Người cho thấy nhân tính của Người là dụng cụ tự do và hoàn hảo để Thiên Chúa, Ðấng muốn cứu độ mọi người, thể hiện tình yêu của Ngài.

 

120. Việc dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả như thế nào trong Bữa Tiệc Ly?

610-611

621

Trong Bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào buổi tối trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu đã tham dự trước, nghĩa là Người ám chỉ và thực hiện trước, việc tự nguyện dâng hiến chính mình: "Ðây là Mình Thầy bị nộp vì anh em" (Lc 22,19); "Ðây là Máu Thầy, máu đổ ra..." (Mt 26,28). Như thế, Người vừa thiết lập Bí tích Thánh Thể như việc "tưởng nhớ" (1 Cr 11,25) đến hy tế của Người, vừa thiết lập các Tông đồ của Người thành những tư tế của Giao ước mới.

 

121. Ðiều gì đã xảy ra trong cơn hấp hối nơi vườn Giếtsêmani?

612

Mặc dầu nhân tính rất thánh của Ðấng là "Tác giả sự sống" (Cv 3,15) đã khiếp sợ sự chết, nhưng ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa vẫn tùng phục thánh ý Chúa Cha: để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu chấp nhận gánh lấy tội lỗi chúng ta trong thân xác mình, Người "vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết" (Pl 2,8).

 

122. Hiệu quả hy tế của Ðức Kitô trên thập giá là gì?

613-617

622-623

Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội, nghĩa là Người sửa lại tội lỗi chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người vì tình yêu cho đến chết. Tình "Yêu thương đến cùng" (Ga 13,1) của Con Thiên Chúa đã giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Như vậy, Hy lễ Vượt qua của Ðức Kitô cứu chuộc mọi người cách độc nhất vô nhị, hoàn hảo và tối hậu, và mở lối cho họ vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

 

123. Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ?

618

Khi kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp vào hy tế ấy.

 

124. Thân xác của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ?

624-630

Ðức Kitô đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân xác Người khỏi bị hư nát.

 

"Ðức Giêsu Kitô Xuống Ngục Tổ Tông,

Ngày Thứ Ba Bởi Trong Kẻ Chết Mà Sống Lại"

 

125. "Ngục tổ tông" mà Chúa Giêsu đi xuống là gì?

632-637

"Ngục tổ tông" - khác với hỏa ngục của án phạt - là tình trạng của những người chết trước thời của Chúa Giêsu, dù họ lành thánh hay xấu xa. Với linh hồn được kết hợp với Ngôi vị thần linh, Chúa Giêsu xuống với những kẻ công chính trong ngục tổ tông, là những người đang mong chờ Ðấng Cứu Chuộc họ, để cuối cùng họ có thể đạt được sự hưởng kiến Thiên Chúa. Sau khi nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả sự chết lẫn ma quỉ là "lãnh chúa của sự chết" (Dt 2,14), Người giải thoát những người công chính đang mong chờ Ðấng Cứu Chuộc, và Người mở cửa trời cho họ.

 

126. Cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?

631, 638

Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Ðức Kitô. Với thập giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.

 

127. Những "dấu chỉ" nào làm chứng cho cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu?

639-644

656-657

Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ; họ là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã "hiện ra với Kêpha" (tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra cùng một lúc với hơn năm trăm anh em (1 Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì Phục sinh đối với họ là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của họ.

 

128. Tại sao Phục sinh cũng là một biến cố siêu việt?

647

656-657

Tuy là một sự kiện mang tính lịch sử, có thể xác định và chứng thực qua các dấu chỉ và chứng cớ, nhưng vì là việc nhân tính của Ðức Kitô bước vào vinh quang của Thiên Chúa, nên Phục sinh cũng siêu việt và vượt quá lịch sử, thực sự là Mầu nhiệm đức tin. Chính vì thế, Ðức Kitô Phục sinh không tỏ mình ra cho thế gian, nhưng chỉ cho các môn đệ Người, làm cho họ trở thành những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.

 

129. Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào?

645-646

Sự Phục sinh của Ðức Kitô không phải là một cuộc trở lại đời sống trần thế. Thân xác phục sinh của Người, cũng chính là thân xác đã chịu đóng đinh, và vẫn mang vết tích của cuộc khổ nạn, nhưng từ lúc Phục sinh, thân xác này được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc điểm của một thân xác vinh hiển. Vì thế, Ðức Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do khi hiện ra với các môn đệ Người, theo cách thức và nơi chốn như Người muốn, dưới nhiều hình dạng khác nhau.

 

130. Sự Phục sinh là công trình của Ba Ngôi Cực Thánh theo cách nào?

648-650

Sự Phục sinh của Ðức Kitô là một hành động siêu việt của Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi: Chúa Cha bày tỏ quyền năng của mình; Chúa Con "lấy lại" sự sống mà Người đã tự do dâng hiến (Ga 10,17) bằng cách kết hợp linh hồn và thân xác mình, mà Chúa Thánh Thần làm cho sống động và tôn vinh.

 

131. Ðâu là ý nghĩa và ảnh hưởng của cuộc Phục sinh đối với ơn cứu độ?

651-655

658

Phục sinh là chóp đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể, xác nhận thần tính của Ðức Kitô cũng như tất cả những gì Người đã làm và đã giảng dạy. Cuộc Phục sinh thực hiện tất cả các lời hứa của Thiên Chúa vì lợi ích của chúng ta. Hơn nữa, Ðấng Phục sinh, Ðấng chiến thắng tội lỗi và cái chết, là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự phục sinh của chúng ta. Ngay từ bây giờ, Phục sinh mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử Thiên Chúa, khiến chúng ta được thực sự tham dự vào sự sống của Con duy nhất, Ðấng sẽ làm cho thân xác chúng ta được sống lại vào ngày tận thế.

 

"Chúa Giêsu Lên Trời

Ngự Bên Hữu Ðức Chúa Cha

Phép Tắc Vô Cùng"

 

132. Việc Ðức Kitô lên trời có ý nghĩa gì?

659-667

Trong vòng bốn mươi ngày, Ðức Kitô hiện ra với các tông đồ dưới hình dạng con người bình thường, che giấu vinh quang của Ðấng Phục sinh, sau đó Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Người là Chúa, từ nay với nhân tính của Người, Người cai trị trong vinh quang vĩnh cửu của Con Thiên Chúa và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta nơi Thiên Chúa Cha. Người cử Thánh Thần của Người đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng một ngày kia sẽ được theo Người, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta.

 

"Ngày Sau Bởi Trời

Lại Xuống Phán Xét Kẻ Sống Và Kẻ Chết"

 

133. Hiện tại, Chúa Giêsu thống trị như thế nào?

668-674

680

Là Ðức Chúa của vũ trụ và lịch sử, là Thủ lãnh Hội thánh của Người, Ðức Kitô vinh hiển vẫn hiện diện một cách mầu nhiệm trên trần gian, nơi Vương quốc của Người đã hiện diện như hạt giống và đã khởi đầu trong Hội thánh. Một ngày kia, Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng chúng ta không biết được ngày nào giờ nào. Vì thế, chúng ta sống tỉnh thức trong cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin hãy đến" (Kh 22,20).

 

134. Việc Chúa ngự đến trong vinh quang sẽ diễn ra như thế nào?

675-677

680

Sau cơn rung chuyển cuối cùng trong vũ trụ của thế giới sẽ qua đi này, Ðức Kitô sẽ ngự đến vinh quang với chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa trong cuộc quang lâm và với cuộc phán xét cuối cùng. Như thế Nước Thiên Chúa sẽ được hoàn thành.

 

135. Ðức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào?

678-679

681-682

Ðức Kitô sẽ phán xét với quyền năng mà Người đã thu nhận được như Ðấng Cứu Chuộc trần gian, đã đến để cứu độ loài người. Những điều kín nhiệm trong tâm hồn cũng như thái độ của mỗi người đối với Thiên Chúa và tha nhân sẽ được tỏ ra. Mỗi người sẽ đón nhận sự sống hay bị kết án đời đời tùy theo các công việc họ đã làm. Như thế "sự viên mãn của Ðức Kitô" (Ep 4,13) được thành tựu, trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15,28).

 

Chương Ba

"Tôi Tin Kính Ðức Chúa Thánh Thần"

 

136. Hội thánh muốn nói gì khi tuyên xưng "Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần"?

683-686

Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng rằng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và Ngài "được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con". Chúa Thánh Thần được "sai đến... trong lòng chúng ta" (Gl 4,6) để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống mới như những người con của Thiên Chúa.

 

137. Tại sao sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần không thể tách rời nhau?

687-690

742-743

Trong Ba Ngôi không thể phân chia, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời nhau. Thực vậy, từ khởi đầu cho đến cùng tận thời gian, khi Chúa Cha sai Con Ngài, thì cũng sai Thánh Thần của mình, Ðấng kết hợp chúng ta với Ðức Kitô trong đức tin, để với tư cách là dưỡng tử, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Cha" (Rm 8,15). Chúa Thánh Thần vô hình, nhưng chúng ta nhận ra Ngài qua tác động của Ngài, khi Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và khi Ngài hoạt động trong Hội thánh.

 

138. Những tên gọi khác của Chúa Thánh Thần là gì?

691-693

"Chúa Thánh Thần" là Danh xưng của Ngôi Ba. Ðức Kitô cũng gọi Chúa Thánh Thần là Ðấng An Ủi (Parakletos - Trạng sư) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Ðức Kitô, của Ðức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của Lời hứa.

 

139. Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần là gì?

694-701

Có rất nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần: nước hằng sống tuôn trào từ trái tim bị đâm thâu của Ðức Kitô và giải cơn khát cho những người đã được Rửa tội; việc xức dầu, đó là dấu chỉ của Bí tích Thêm sức; lửa biến đổi tất cả những gì lửa bén tới; áng mây, mờ tối hay rạng ngời, trong đó vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện; việc đặt tay thông ban Chúa Thánh Thần; chim bồ câu đã ngự xuống và ở lại trên Ðức Kitô lúc Người chịu phép rửa.

 

140. "Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy" nghĩa là gì?

687-688

702-706

743

Từ "Các tiên tri" ở đây được dùng để chỉ những người được Chúa Thánh Thần linh ứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đã làm cho các lời tiên tri trong Cựu Ước được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Ðức Kitô; cũng chính Chúa Thánh Thần mạc khải mầu nhiệm Ðức Kitô trong Tân Ước.

 

141. Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi thánh Gioan Tẩy Giả như thế nào?

717-720

Chúa Thánh Thần đổ tràn trên thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước. Dưới tác động của Thánh Thần, ông được sai đi để "chuẩn bị một dân cho Chúa" (Lc 1,17) và để loan báo việc Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, ngự đến ; đó là Ðấng mà ông đã thấy Thánh Thần ngự xuống và ở lại trên Người, Ðấng "sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần" (Ga 1,33).

 

142. Ðâu là công trình của Chúa Thánh Thần nơi Ðức Maria?

721-726

744

Mọi mong chờ việc Ðức Kitô đến và sự chuẩn bị cho Người trong Cựu Ước được Chúa Thánh Thần hoàn thành tất cả nơi Ðức Maria. Một cách độc nhất vô nhị, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Ðức Maria và làm cho đức trinh khiết của Mẹ nên phong phú, để Mẹ sinh hạ Người Con của Thiên Chúa trong thân xác. Chúa Thánh Thần đã làm cho Ðức Maria trở thành Mẹ của "Ðức Kitô toàn thể," nghĩa là của Ðức Kitô là Ðầu và của Hội thánh là thân thể Người. Ðức Maria hiện diện giữa nhóm Mười Hai ngày lễ Hiện Xuống, khi Thánh Thần khai mở "thời đại cuối cùng" với việc xuất hiện của Hội thánh.

 

143. Trong sứ vụ trần thế, Ðức Giêsu Kitô có liên hệ gì với Chúa Thánh Thần?

727-730

745-746

Từ khi nhập thể, Con Thiên Chúa được thánh hiến trở thành Ðức Kitô trong nhân tính của Người nhờ việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần. Ðức Kitô mạc khải Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn thành lời hứa đã được ban cho các tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội thánh vừa khai sinh khi thổi hơi trên các Tông đồ sau khi Người Phục sinh.

 

144. Ðiều gì dã xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần?

731-732

738

Năm mươi ngày sau cuộc Phục sinh, vào lễ Ngũ tuần, Ðức Giêsu Kitô vinh hiển đã đổ tràn Thánh Thần và mạc khải Ngài là một Ngôi Vị Thiên Chúa, qua đó Ba Ngôi cực thánh được mạc khải trọn vẹn. Sứ vụ của Ðức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội thánh, được sai đi công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi.

"Chúng con đã thấy ánh sáng thật, chúng con đã lãnh nhận Thánh Thần Thiên Chúa, chúng con đã tìm được đức tin chân chính: chúng con tôn thờ Ba Ngôi bất khả phân ly, vì chính Ba Ngôi đã cứu độ chúng con" (Phụng vụ Byzantin, Ðiệp ca lễ Hiện Xuống).

 

145. Chúa Thánh Thần làm gì trong Hội thánh?

733-741

747

Chúa Thánh Thần xây dựng, linh hoạt và thánh hóa Hội thánh: Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi; Ngài giúp họ sống trong Ðức Kitô bằng chính Sự sống của Ba Ngôi cực thánh. Người sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Ðức Kitô và cắt đặt họ vào trong các phận vụ hỗ tương, để mọi người đem lại "hoa trái của Thánh Thần" (Ga 5,22).

 

146. Ðức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu?

738-741

Nhờ các Bí tích, Ðức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong thân thể Người. Ân sủng này mang lại hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần. Cuối cùng, Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.

 

"Tôi Tin Có Hội Thánh Công Giáo"

 

Hội thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa

 

147. Hai tiếng Hội thánh có nghĩa là gì?

751-752

777, 804

Hội thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và qui tụ từ khắp nơi trên thế giới, gồm những người, nhờ đức tin và Bí tích Rửa tội, trở thành con cái Thiên Chúa, chi thể của Ðức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần.

 

148. Trong Thánh Kinh, có những danh hiệu và hình ảnh nào khác để chỉ Hội thánh không?

753-757

Trong Thánh Kinh chúng ta tìm thấy nhiều hình ảnh làm nổi bật những phương diện khác nhau của mầu nhiệm Hội thánh. Cựu Ước dành ưu tiên cho những hình ảnh liên kết với dân Thiên Chúa; Tân Ước bằng những hình ảnh gắn liền với Ðức Kitô như là đầu và dân là chi thể của Người; cũng có những hình ảnh khác rút từ đời sống thôn quê (chuồng chiên, đàn chiên, con chiên), đời sống đồng áng (ruộng vườn, cây Ôliu, vườn nho), từ nhà cửa (nhà ở, viên đá, đền thờ) và từ cuộc sống gia đình (người vợ, người mẹ, gia đình).

 

149. Ðâu là khởi đầu và hoàn thành của Hội thánh?

758-766

778

Cả khởi đầu và sự hoàn thành của Hội thánh đều nằm trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hội thánh đã được chuẩn bị trong Giao ước cũ qua việc tuyển chọn Israel, dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm tất cả các dân tộc. Hội thánh được đặt nền tảng trên lời nói và việc làm của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt được hiện thực nhờ cái chết và cuộc phục sinh cứu độ của Người. Rồi Hội thánh được tỏ hiện như mầu nhiệm cứu độ bằng việc tuôn đổ Thánh Thần trong ngày lễ Hiện xuống. Hội thánh sẽ hoàn thành vào ngày tận thế như cuộc tập họp thiên quốc của tất cả những người được cứu chuộc.

 

150. Sứ mạng của Hội thánh là gì?

767-769

Sứ mạng của Hội thánh là rao truyền Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu Kitô đã khởi đầu và thiết lập Nước ấy giữa mọi dân tộc. Hội thánh thiết lập trên trái đất mầm giống và khởi điểm của Vương quốc cứu độ này.

 

151. Hội thánh là mầu nhiệm theo nghĩa nào?

770-773

779

Hội thánh là mầu nhiệm bởi vì, trong thực tại hữu hình của mình, Hội thánh diễn tả và thực hiện một thực tại thiêng liêng, thần linh, chỉ có thể nhận ra bằng con mắt đức tin.

 

152. "Hội thánh là bí tích phổ quát của ơn cứu độ" có nghĩa là gì?

774-776

780

Câu này muốn nói Hội thánh là dấu chỉ và khí cụ cho việc giao hòa và hiệp thông toàn thể nhân loại với Thiên Chúa cũng như cho sự hợp nhất nhân loại.

 

Hội Thánh: Dân Thiên Chúa,

Thân thể Ðức Kitô,

Ðền thờ Chúa Thánh Thần

 

153. Tại sao Hội thánh là Dân Thiên Chúa?

781

802-804

Hội thánh là Dân Thiên Chúa, bởi vì Ngài muốn thánh hóa và cứu độ mọi người không phải cách riêng rẽ, nhưng thiết lập họ thành một Dân duy nhất, được qui tụ trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 

154. Ðâu là những đặc tính của Dân Thiên Chúa?

782

Dân Thiên Chúa mà chúng ta là thành phần nhờ đức tin vào Ðức Kitô và nhờ Bí tích Rửa tội, có cội nguồn là Thiên Chúa Cha, có Thủ lãnh là Ðức Giêsu Kitô, có địa vị là phẩm giá và sự tự do của con cái Thiên Chúa, có Lề luật là giới răn mới của tình yêu, có sứ vụ là trở thành muối và ánh sáng của thế giới, có cùng đích là Nước Thiên Chúa, đã được khởi đầu trên trần thế.

 

155. Dân Thiên Chúa thông dự như thế nào vào ba phận vụ của Ðức Kitô là Tư tế, là Tiên tri và là Vương đế?

783-786

Dân Thiên Chúa được dự phần vào phận vụ Tư tế của Ðức Kitô, vì các người Kitô hữu được Chúa Thánh Thần thánh hiến để dâng các hy lễ thiêng liêng. Họ được tham dự vào phận vụ Tiên tri vì, nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, họ gắn bó cách dứt khoát với đức tin, đào sâu để hiểu biết đức tin và trở thành chứng nhân cho đức tin. Họ được tham dự vào phận vụ là Vương đế qua việc phục vụ, noi gương Ðức Kitô Giêsu, Vua vũ trụ, Ðấng tự trở thành tôi tớ cho mọi người, nhất là cho những người nghèo túng và đau khổ.

 

156. Hội thánh là Thân thể của Ðức Kitô theo cách nào?

787-791

805-806

Nhờ Chúa Thánh Thần, Ðức Kitô, đã chết và đã phục sinh, kết hợp các tín hữu với chính Người một cách mật thiết. Như thế những ai tin vào Ðức Kitô, vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Hội thánh, hợp nhất với nhau trong sự đa dạng của các chi thể và các phận vụ.

 

157. Ai là đầu của thân thể này?

792-795

807

Ðức Kitô là "Ðầu của thân thể, nghĩa là của Hội thánh" (Cl 1,18). Hội thánh sống nhờ Người, trong Người và cho Người. Ðức Kitô và Hội thánh tạo thành "Ðức Kitô toàn thể" (thánh Augustinô). "Có thể nói được là, Ðầu và các chi thể làm nên cùng một con người huyền nhiệm" (Thánh Tôma Aquinô).

 

158. Tại sao Hội thánh được gọi là Hôn thê của Ðức Kitô?

796

808

Hội thánh được gọi là Hôn thê của Ðức Kitô bởi vì chính Chúa đã tự xưng là "Hôn phu" (Mc 2,19), Ðấng đã yêu thương Hội thánh, đã kết ước với Hội thánh bằng một Giao ước vĩnh cửu. Người đã phó nộp mình vì Hội thánh, để thanh tẩy Hội thánh bằng Máu của Người, để làm cho Hội thánh "trở nên thánh thiện" (Ep 5,26) và làm cho Hội thánh thành mẹ của tất cả các con cái của Thiên Chúa. Nếu hai chữ "Thân thể" cho thấy sự hợp nhất giữa "Ðầu" và các chi thể, thì hai chữ "Hôn thê" làm nổi bật sự phân biệt giữa đôi bên trong một quan hệ liên vị.

 

159. Tại sao Hội thánh được gọi là Ðền thờ Chúa Thánh Thần?

797-798

809-810

Bởi vì Chúa Thánh Thần ngự trong thân thể là Hội thánh, trong "Ðầu" và trong "các chi thể" của Hội thánh; hơn nữa, Ngài xây dựng Hội thánh trong đức mến, nhờ Lời Chúa, các Bí tích, các nhân đức và các đặc sủng.

"Linh hồn tương quan với chi thể thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Ðức Kitô và thân thể Người là Hội thánh." (Thánh Augustinô).

 

160. Ðặc sủng là gì?

799-801

Ðặc sủng là những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần được ban tặng cho một số người vì lợi ích của con người, vì những nhu cầu của thế giới và đặc biệt là để xây dựng Hội thánh. Chỉ có Huấn quyền của Hội thánh mới có thẩm quyền nhận định các đặc sủng.

 

Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện,

Công giáo và Tông truyền

 

161. Tại sao Hội thánh có đặc tính duy nhất?

813-815

866

Hội thánh có đặc tính là duy nhất, vì Hội thánh có nguồn gốc và khuôn mẫu là sự duy nhất của một Thiên Chúa trong Ba Ngôi; có Ðấng sáng lập và làm Ðầu là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng qui tụ mọi dân tộc trong sự duy nhất của một thân thể; có Chúa Thánh Thần như linh hồn, Ðấng hợp nhất tất cả các tín hữu vào sự hiệp thông trong Ðức Kitô. Hội thánh có cùng một đức tin, một đời sống Bí tích, một chuỗi kế nhiệm tông truyền duy nhất, cùng một niềm hy vọng chung và cùng một đức mến.

 

162. Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô tồn tại ở đâu?

816

870

Với tính cách là một cộng đoàn được thiết lập và tổ chức ở trần gian, Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô tồn tại (subsistit in) trong Hội thánh Công giáo, được điều hành do vị kế nhiệm thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với ngài. Chỉ nhờ Hội thánh này người ta mới có thể đạt được cách đầy đủ các phương tiện cứu độ, vì Chúa đã trao phó tất cả những gì thiện hảo của Giao ước Mới cho tập thể tông đồ duy nhất, có thánh Phêrô đứng đầu.

 

163. Phải nhìn các người Kitô hữu không thuộc công giáo như thế nào?

817-819

Trong các Giáo hội và các Cộng đoàn giáo hội , đã tách rời khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh Công giáo, chúng ta cũng gặp được nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Tất cả các yếu tố này xuất phát từ Ðức Kitô và đều hướng đến sự hợp nhất công giáo. Các thành viên của các Giáo hội và các cộng đoàn này được hội nhập vào Ðức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội; vì vậy chúng ta nhìn nhận họ như anh em.

 

164. Làm thế nào để dấn thân cho sự hợp nhất?

820-822

866

Lòng khao khát muốn tái lập sự hợp nhất giữa tất cả các người Kitô hữu là một hồng ân của Ðức Kitô và là một lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần. Khao khát này liên quan đến toàn thể Hội thánh và được thực hiện bằng việc sám hối tận đáy lòng, cầu nguyện, nhìn nhận lẫn nhau là anh em và đối thoại thần học.

 

165. Hội thánh có đặc tính là thánh thiện theo nghĩa nào?

823-829

867

Hội thánh có đặc tính thánh thiện, vì Thiên Chúa chí thánh là tác giả của Hội thánh. Ðức Kitô đã tự nộp mình vì Hội thánh, để thánh hóa Hội thánh và làm cho Hội thánh có khả năng thánh hóa. Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Hội thánh bằng tình yêu. Trong Hội thánh có tất cả các phương tiện cứu độ. Sự thánh thiện là ơn gọi của từng người trong Hội thánh và là mục đích của mọi hoạt động của Hội thánh. Trong Hội thánh có Ðức Trinh Nữ Maria và rất nhiều vị thánh là gương mẫu và là những đấng chuyển cầu cho Hội thánh. Sự thánh thiện của Hội thánh là suối nguồn cho sự thánh hóa các con cái mình, những người đang sống trên trần gian, tất cả đều tự nhận mình là kẻ tội lỗi và luôn cần sám hối và thanh tẩy.

 

166. Tại sao Hội thánh được gọi là công giáo?

830-831

868

Hội thánh có đặc tính là công giáo, nghĩa là phổ quát, vì Ðức Kitô hiện diện trong Hội thánh. "Ở đâu có Ðức Kitô Giêsu, ở đó có Hội thánh Công giáo" (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Hội thánh loan báo sự toàn diện và toàn vẹn của đức tin. Hội thánh gìn giữ và quản lý tất cả các phương tiện cứu độ. Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa của họ.

 

167. Giáo hội địa phương có phải công giáo không?

832-835

Mỗi Giáo hội địa phương (nghĩa là một giáo phận hoặc giáo khu) đều là công giáo, được hình thành bởi cộng đoàn các người Kitô hữu, cùng hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích với Giám mục của họ, là người được tấn phong trong chuổi kế nhiệm tông truyền, và với Giáo hội Rôma là giáo hội "đứng đầu về mặt đức ái" (thánh Ignatio Antiôkia).

 

168. Ai thuộc về Hội thánh Công giáo?

836-838

Tất cả mọi người, dưới nhiều hình thức khác nhau, đều thuộc về hay hướng đến sự hợp nhất công giáo của dân Thiên Chúa. Người hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo là người, nhận được Thánh Thần của Ðức Kitô, kết hợp với Hội thánh bằng các dây liên kết là việc tuyên xưng đức tin, các Bí tích, sự hướng dẫn của giáo phẩm và sự hiệp thông. Những người đã được Rửa tội nhưng không thực hiện đầy đủ sự hợp nhất công giáo thì cũng hiệp thông một cách nào đó, tuy là hiệp thông không trọn vẹn, với Hội thánh Công giáo.

 

169. Hội thánh Công giáo liên hệ với dân Do Thái như thế nào?

839-840

Hội Thánh Công giáo công nhận liên hệ của mình với dân Do Thái vì Thiên Chúa đã tuyển chọn dân này, trước tất cả mọi dân khác, để đón nhận Lời Ngài. Chính dân Do Thái "được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các Giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ, và chính Ðức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ" (Rm 9,4-5). Khác với các tôn giáo khác không thuộc Kitô giáo, đức tin Do Thái đã là lời đáp trả cho Mạc khải của Thiên Chúa trong Giao Ứơc Cũ.

 

170. Liên hệ giữa Hội thánh Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo như thế nào?

841-845

Trước hết, đó là mối liên hệ về nguồn gốc và cứu cánh chung của toàn thể nhân loại. Hội thánh Công giáo nhìn nhận những gì tốt lành và chân thật trong các tôn giáo khác đều xuất phát từ Thiên Chúa. Ðó là một tia phản chiếu chân lý của Ngài. Ðiều này có thể chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng và thúc đẩy đến sự hợp nhất nhân loại trong Hội thánh của Ðức Kitô.

 

171. Câu khẳng định "Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ" có nghĩa gì?

846-848

Câu này muốn nói rằng ơn cứu độ xuất phát từ Ðức Kitô-là-Ðầu thông qua trung gian là Hội thánh, thân thể Người. Những ai biết rằng Hội thánh được Ðức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ mà không muốn bước vào hay không muốn gắn bó với Hội thánh, thì sẽ không được cứu độ. Ngoài ra, nhờ Ðức Kitô và Hội thánh Người, những người, không vì lỗi mình mà không biết Tin Mừng của Ðức Kitô và Hội thánh Người, nhưng chân thành đi tìm Thiên Chúa và dưới ảnh hưởng của ân sủng, cố gắng thực hiện ý Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của lương tâm, vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.

 

172. Tại sao Hội thánh phải loan truyền Tin Mừng cho toàn thế giới?

849-851

Bởi vì Ðức Kitô đã truyền cho Hội thánh: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19). Mệnh lệnh này của Chúa có cội nguồn là tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, Ðấng đã sai phái Con và Thánh Thần Ngài, vì Ngài "muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1 Tm 2,4).

 

173. Thế nào là Hội thánh truyền giáo?

852-856

Ðược Chúa Thánh Thần hướng dẫn, suốt dòng lịch sử, Hội thánh tiếp tục sứ vụ của chính Ðức Kitô. Vì vậy, các người Kitô hữu phải loan báo cho mọi người Tin Mừng đã được Ðức Kitô mang đến, khi bước theo cùng một con đường như Người, tức là sẵn sàng hy sinh, thậm chí đến chỗ tử đạo.

 

174. Tại sao Hội thánh có đặc tính tông truyền?

857

869

Hội thánh có đặc tính tông truyền căn cứ vào nguồn gốc của mình, vì Hội thánh được "xây dựng trên nền tảng các Tông đồ" (Ep 2,20); căn cứ vào giáo lý là giáo huấn của các thánh Tông đồ; và căn cứ vào cơ cấu của mình, vì Hội thánh được xây dựng, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa lại đến, bởi các thánh Tông đồ, nhờ những vị kế nhiệm các ngài là các Giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô.

 

175. Sứ vụ của các thánh Tông đồ hệ tại ở đâu?

858-861

Tông đồ có nghĩa là người được sai đi. Chúa Giêsu, Ðấng được Chúa Cha sai đến, đã kêu gọi và tuyển chọn mười hai người trong số các môn đệ và đặt họ làm Tông đồ của Người, khi làm cho họ thành những chứng nhân cho cuộc Phục sinh của Người và làm nền tảng cho Hội thánh của Người. Người truyền cho họ phải tiếp tục sứ vụ của Người, khi Người nói với họ: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21), và Người hứa ở với họ cho đến ngày tận thế.

 

176. Kế nhiệm tông truyền là gì?

861-865

Kế nhiệm tông truyền là chuyển giao sứ vụ và quyền hạn của các Tông đồ cho những người kế vị các ngài, là các Giám mục, qua Bí tích Truyền chức thánh. Chính nhờ việc chuyển giao này mà Hội thánh vẫn duy trì được sự hiệp thông trong đức tin và đời sống với nguồn gốc của mình, trải qua bao thế kỷ, Hội thánh thực hành việc tông đồ của mình là làm lan toả Vương quốc của Ðức Kitô trên trần gian.

 

Các người Kitô hữu: phẩm trật,

giáo dân, đời sống thánh hiến

 

177. Các tín hữu là ai?

871-872

Các tín hữu là những người được tháp nhập vào Ðức Kitô nhờ Bí tích Rửa tội, được trở nên thành phần của dân Thiên Chúa. Trở thành những người được dự phần vào các phận vụ Tư tế, Tiên tri và Vương đế của Ðức Kitô, tùy theo điều kiện riêng của mình, họ được mời gọi thực thi sứ vụ được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh. Giữa họ, có một sự bình đẳng thực sự do phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa.

 

178. Dân Thiên Chúa được hình thành như thế nào?

873

934

Theo sự xếp đặt của Thiên Chúa, trong Hội thánh có những thừa tác viên được hiến thánh, đã được lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh và tạo thành phẩm trật của Hội thánh. Những người khác được gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần này, có những tín hữu được thánh hiến một cách đặc biệt cho Thiên Chúa qua việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh trong đời sống độc thân, khó nghèo và vâng phục.

 

179. Tại sao Ðức Kitô lại thiết lập phẩm trật trong Hội thánh?

874-876

935

Ðức Kitô đã thiết lập phẩm trật trong Hội thánh để chăn dắt dân Thiên Chúa nhân danh Người; và vì thế Người đã trao ban quyền hành cho họ. Phẩm trật bao gồm các thừa tác viên đã được thánh hiến: các giám mục, linh mục, phó tế. Nhờ Bí tích Truyền chức thánh, các Giám mục và linh mục, khi thực thi thừa tác vụ của mình, hoạt động nhân danh và trong cương vị của Ðức Kitô-là-Ðầu. Các Phó tế phục vụ dân Chúa trong việc phục vụ (diakonia) lời Chúa, Phụng vụ và việc bác ái.

 

180. Chiều kích tập thể của thừa tác vụ trong Hội thánh được thực hiện như thế nào?

877

Theo gương nhóm mười hai Tông đồ, được Ðức Kitô tuyển chọn và sai đi chung với nhau, sự kết hợp của các thành phần phẩm trật trong Hội thánh là để phục vụ sự hiệp thông của tất cả các tín hữu. Mỗi Giám mục thực thi thừa tác vụ của mình như thành viên của Giám mục đoàn, trong sự hiệp thông với Ðức Giáo hoàng, dự phần với ngài vào việc chăm lo cho Hội thánh phổ quát. Các linh mục thực thi thừa tác vụ của mình trong linh mục đoàn của Hội thánh địa phương trong sự hiệp thông với Giám mục và dưới sự hướng dẫn của ngài.

 

181. Tại sao thừa tác vụ trong Hội thánh cũng có đặc tính cá nhân?

878-879

Thừa tác vụ trong Hội thánh cũng có đặc tính cá nhân, bởi vì, nhờ hiệu năng của Bí tích Truyền chức thánh, mỗi người đều chịu trách nhiệm trước Ðức Kitô, Ðấng đã kêu gọi họ một cách cá nhân khi trao phó cho họ một sứ vụ.

 

182. Sứ vụ của Ðức Giáo hoàng là gì?

881-882

936-937

Ðức Giáo hoàng, vừa là Giám mục Rôma vừa là vị kế nhiệm Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng trường tồn và hữu hình cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài là vị đại diện Ðức Kitô, đứng đầu Giám mục đoàn và là mục tử của toàn thể Hội thánh. Vì do Chúa thiết lập, ngài có quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp và phổ quát trên Hội thánh.

 

183. Nhiệm vụ của Giám mục đoàn là gì?

883-885

Giám mục đoàn, hiệp thông với Ðức Giáo hoàng và luôn phải có ngài, cũng thực thi trên Hội thánh một quyền tối cao và trọn vẹn.

 

184. Các Giám mục thực thi sứ vụ giảng dạy của mình như thế nào?

888-890

939

Trong sự hiệp thông với Ðức Giáo hoàng, các Giám mục có bổn phận loan báo Tin Mừng cho mọi người cách trung thành và có thẩm quyền. Với thẩm quyền của Ðức Kitô, các ngài là chứng nhân đích thực của đức tin tông truyền. Nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, Dân Thiên Chúa, được Huấn quyền sống động của Hội thánh hướng dẫn, gắn bó cách kiên vững với đức tin.

 

185. Sự bất khả ngộ của Huấn quyền thể hiện lúc nào?

891

Sự bất khả ngộ thể hiện khi Ðức Giáo hoàng, căn cứ vào thẩm quyền là Mục tử tối cao của Hội thánh, hay Giám mục đoàn trong sự hiệp thông với Ðức Giáo hoàng, nhất là khi các ngài họp Công đồng chung, công bố một giáo lý có liên quan đến đức tin hay luân lý bằng một hành động dứt khoát, hoặc khi Ðức Giáo hoàng và các Giám mục, trong Huấn quyền thông thường của các ngài, đồng thanh tuyên bố một tín điều dứt khoát. Tất cả các tín hữu đều phải gắn bó với giáo huấn này trong sự vâng phục đức tin.

 

186. Các Giám mục thực thi sứ vụ thánh hóa như thế nào?

893

Các Giám mục thánh hóa Hội thánh khi trao ban ân sủng của Ðức Kitô bằng việc rao giảng và cử hành các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Các ngài cũng thánh hóa Hội thánh bằng lời cầu nguyện, gương mẫu và việc làm của mình.

 

187. Các Giám mục thực thi sứ vụ cai quản như thế nào?

894-896

Mỗi Giám mục, với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn, phải quan tâm cách tập thể đối với mọi Giáo hội địa phương và Hội thánh toàn cầu, trong sự hợp nhất với các Giám mục khác kết hợp với Ðức Giáo hoàng. Giám mục, được ủy thác một Giáo hội địa phương, sẽ điều khiển Giáo hội ấy với thẩm quyền do chức thánh, riêng biệt, thông thường và trực tiếp, nhân danh Ðức Kitô, vị Mục tử Nhân lành, trong sự hiệp thông với toàn thể Hội thánh và dưới sự dẫn dắt của Ðấng kế nhiệm thánh Phêrô.

 

188. Ơn gọi của người tín hữu giáo dân là gì?

897-900

940

Người tín hữu giáo dân có ơn gọi riêng để tìm kiếm Nước Thiên Chúa, bằng việc soi sáng và sắp xếp các thực tại trần gian theo ý muốn của Thiên Chúa. Làm như vậy là họ thực hiện ơn gọi nên thánh và hoạt động tông đồ, một ơn gọi được trao ban cho mọi người đã lãnh Bí tích Rửa tội.

 

189. Người tín hữu giáo dân tham gia vào sứ vụ tư tế của Ðức Kitô như thế nào?

901-903

Họ tham gia vào sứ vụ tư tế này, khi dâng hiến - như hy lễ thiêng liêng "dâng lên Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô" (1 Pr 2,5), nhất là trong Thánh lễ - cuộc sống riêng của họ, cùng với tất cả các hoạt động, lời cầu nguyện và dấn thân truyền giáo, cuộc sống gia đình và lao động hằng ngày, những khó khăn trong cuộc sống mà họ chịu đựng cách kiên nhẫn và những lúc thư giãn thân xác và tinh thần. Bằng cách đó, người giáo dân, dấn thân cho Ðức Kitô và được Chúa Thánh Thần thánh hiến, sẽ dâng lên Thiên Chúa cả thế giới.

 

190. Họ tham dự vào sứ vụ tiên tri của Ðức Kitô như thế nào?

904-907

942

Họ tham dự vào sứ vụ tiên tri này của Ðức Kitô khi luôn đón nhận trong đức tin Lời của Ðức Kitô và loan báo Lời đó cho thế giới bằng chứng từ đời sống của họ, cũng như qua lời nói, hoạt động rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý. Việc rao giảng Tin Mừng như vậy đạt được hiệu quả đặc biệt vì việc này được thực hiện trong các hoàn cảnh thông thường nơi trần thế.

 

191. Họ tham dự vào sứ vụ Vương đế của Ðức Kitô như thế nào?

908-913

943

Người giáo dân tham dự vào sứ vụ Vương đế của Ðức Kitô khi đón nhận từ nơi Người quyền năng chiến thắng tội lỗi, nơi chính họ và trong thế giới, qua việc từ bỏ bản thân và sống đời sống thánh thiện. Họ thực hành nhiều tác vụ khác nhau để phục vụ cộng đoàn và ghi dấu ấn trên các hoạt động trần thế của con người và các cơ chế xã hội bằng giá trị luân lý.

 

192. Ðời sống thánh hiến là gì?

914-916

944

Là một bậc sống được Hội thánh công nhận. Ðó là lời tự nguyện đáp trả tiếng gọi đặc biệt của Ðức Kitô, qua đó những người được thánh hiến hoàn toàn tự hiến cho Thiên Chúa và hướng tới sự hoàn hảo của đức ái dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ðặc tính của sự thánh hiến là việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm.

 

193. Ðời sống thánh hiến đóng góp gì cho sứ vụ của Hội thánh?

931-933

945

Ðời sống thánh hiến dự phần vào sứ vụ của Hội thánh, bằng việc tự hiến trọn vẹn cho Ðức Kitô và các anh em của Người, khi làm chứng cho niềm hy vọng về Nước Trời.

 

Tôi Tin Các Thánh Thông Công

 

194. "Các thánh thông công" có ý nghĩa gì?

946-953

960

Câu nói "các thánh thông công" trước hết nói lên sự tham dự chung của tất cả các thành phần Hội thánh vào những thực tại thánh (sancta): đức tin, các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, các đặc sủng và những ân huệ thiêng liêng khác. Cội nguồn của sự hiệp thông là đức ái "không tìm tư lợi" (1 Cr 13,5), nhưng thúc đẩy các tín hữu đặt "mọi sự là của chung" (Cv 4,32), kể cả của cải vật chất của họ, nhằm phục vụ những người nghèo khổ hơn.

 

195. Câu nói "các thánh thông công" còn mang ý nghĩa nào khác nữa?

954-959

961-962

Câu này còn nói lên sự hiệp thông giữa những người thánh (sancti), nghĩa là những ai, nhờ ân sủng, được kết hợp với Ðức Kitô chịu chết và sống lại. Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta; sau hết, một số khác nữa, đã được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Ðức Kitô, là Hội thánh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.

 

Ðức Maria:

Mẹ Ðức Kitô, Mẹ Hội thánh

 

196. Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc là Mẹ Hội thánh theo nghĩa nào?

963-966

973

Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc là Mẹ Hội thánh trong trật tự ân sủng bởi vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Ðầu của Thân Thể Người là Hội thánh. Khi sắp chết trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Ðức Maria làm mẹ của môn đệ Người bằng những lời này : "Ðây là mẹ của anh" (Ga 19,27).

 

197. Ðức Maria trợ giúp Hội thánh như thế nào?

967-970

Sau khi Con mình về trời, Ðức Maria đã giúp đỡ Hội thánh lúc khởi đầu bằng lời cầu nguyện, và cả sau khi đã được lên trời, Mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu cho con cái mình, vẫn là mẫu gương cho mọi người về đức tin và đức ái, tạo ảnh hưởng cứu độ trên họ, ảnh hưởng này xuất phát từ sự dư đầy các công nghiệp của Ðức Kitô. Các tín hữu nhìn Mẹ như nguyên ảnh và sự tham dự trước vào cuộc phục sinh đang chờ đón họ; họ kêu cầu Mẹ dưới các tước hiệu là Trạng sư, Ðấng phù trợ, Ðấng bảo trợ và Ðấng trung gian.

 

198. Ðức Trinh Nữ rất thánh được tôn kính như thế nào?

971

Mẹ được sùng kính cách đặc biệt, nhưng khác hẳn với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho Ba Ngôi cực thánh. Việc sùng kính đặc biệt này được diễn tả một cách độc đáo trong các ngày lễ phụng vụ dành kính Mẹ Thiên Chúa cũng như trong các kinh nguyện tôn kính Ðức Mẹ, như kinh Mân Côi, được xem là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng.

 

199. Ðức Trinh nữ Maria diễm phúc là hình ảnh cánh chung của Hội thánh như thế nào?

972

974-975

Khi nhìn lên Ðức Maria, hoàn toàn thánh thiện và đã được tôn vinh cả hồn lẫn xác, Hội thánh chiêm ngắm nơi Mẹ điều Hội thánh được kêu gọi để sống trên trần gian và điều Hội thánh sẽ trở thành trên quê hương thiên quốc.

 

"Tôi Tin Phép Tha Tội"

 

200. Tội lỗi được tha thứ như thế nào?

976-980

984-985

Bí tích đầu tiên và căn bản để tha tội là Bí tích Rửa tội. Ðối với những tội phạm sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Ðức Kitô đã thiết lập Bí tích Hòa giải hay Thống hối, nhờ đó người đã được Rửa tội được giao hòa với Thiên Chúa và với Hội thánh.

 

201. Tại sao Hội thánh có quyền tha tội?

981-983

986-987

Hội thánh có sứ vụ và quyền năng để tha các tội lỗi, bởi vì chính Ðức Kitô đã trao ban cho Hội thánh quyền ấy: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23).

 

"Tôi Tin

Xác Loài Người Ngày Sau Sống Lại"

 

202. Hai chữ "thân xác" có ý nghĩa gì ? Ðâu là sự quan trọng của nó?

990

1015

Hai chữ "thân xác" chỉ con người trong tình trạng yếu đuối và phải chết. "Thân xác là then chốt của ơn cứu độ" (Tertullien). Thật vậy, chúng ta tin Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng nên thân xác; chúng ta tin Ngôi Lời mặc lấy thân xác để cứu chuộc thân xác; chúng ta tin vào sự sống lại của thân xác, đó là hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc thân xác.

 

203. "Xác sống lại" có nghĩa là gì?

990

Ðiều này muốn nói đến tình trạng vĩnh viễn của con người không phải chỉ là linh hồn thiêng liêng tách biệt khỏi thân xác, nhưng thân xác phải chết của chúng ta cũng được gọi để một ngày kia sẽ sống lại.

 

204. Ðâu là mối liên hệ giữa cuộc Phục sinh của Ðức Kitô với việc sống lại của chúng ta?

998

1002-1003

Cũng như Ðức Kitô đã thực sự sống lại từ cõi chết và sống mãi, cũng vậy, Người sẽ làm cho tất cả chúng ta sống lại trong ngày sau hết, với một thân xác không còn hư nát, "Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5,29).

 

205. Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra cho linh hồn và thân xác chúng ta?

992-1004

1016-1018

Khi chết, linh hồn và thân xác sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ bị huỷ hoại, trong khi linh hồn, vì là bất tử, sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa và chờ đợi ngày được kết hợp lại với thân xác khi thân xác được biến đổi vào ngày Chúa trở lại. Việc tìm hiểu sự sống lại diễn ra như thế nào vượt quá khả năng của trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta.

 

206. "Chết trong Ðức Kitô Giêsu" có nghĩa là gì?

1005-1014

1019

Ðiều này có nghĩa là chết trong ân sủng của Chúa, lúc không có tội trọng. Ai tin vào Ðức Kitô và theo gương Người, sẽ có thể biến đổi cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha. "Ðây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2,11).

 

"Tôi Tin Hằng Sống Vậy"

 

207. Ðời sống vĩnh cửu là gì?

1020

1051

Ðời sống vĩnh cửu là đời sống bắt đầu ngay sau khi chết. Ðời sống này không có kết thúc. Mỗi người, khi bắt đầu bước vào đời sống vĩnh cửu, sẽ phải nhận một cuộc phán xét riêng do chính Ðức Kitô, vị Thẩm Phán của kẻ sống và kẻ chết; đời sống này sẽ được đóng ấn trong cuộc phán xét chung.

 

208. Phán xét riêng là gì?

1021-1022

1051

Là cuộc phán xét thưởng phạt tức khắc mà mỗi người, ngay sau khi chết, phải lãnh nhận từ Thiên Chúa trong linh hồn bất tử của mình, liên quan đến đức tin và các việc làm của mình. Sự phân định thưởng phạt này gồm có việc được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng, tức khắc hoặc sau một cuộc thanh luyện thích hợp, hay là phải chịu phạt muôn đời trong hỏa ngục.

 

209. "Thiên đàng" là gì?

1023-1026

1053

"Thiên đàng" là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Ðức Maria, các thiên thần và các thánh. Như vậy các ngài tạo thành Hội thánh thiên quốc, nơi các ngài được chiêm ngắm Thiên Chúa "mặt giáp mặt" (1 Cr 13,12); các ngài sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta.

"Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng nhân hậu của Ngài, cả chúng ta nữa, chúng ta đã lãnh nhận lời hứa không thể mai một là được sống đời đời" (thánh Cyrillô thành Giêrusalem).

 

210. Luyện ngục là gì?

1030-1031

1054

Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng.

 

211. Bằng cách nào chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn đang được thanh luyện nơi luyện ngục?

1032

Nhờ sự "các thánh thông công" các tín hữu còn lữ hành trên trần gian, có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ.

 

212. Hoả ngục hệ tại điều gì?

1033-1035

1056-1057

Hoả ngục hệ tại án phạt đời đời dành cho những ai, do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài con người mới có sự sống và hạnh phúc; con người được tạo dựng là để hưởng những điều ấy và họ luôn khao khát những điều ấy. Ðức Kitô diễn tả thực tại hoả ngục bằng những lời này: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời" (Mt 25,41).

 

213. Thiên Chúa là Ðấng nhân hậu vô biên, làm sao Ngài lại để có hỏa ngục?

1036-1037

Thiên Chúa muốn "cho mọi người ăn năn hối cải" (2 Pr 3,9), nhưng vì Ngài đã tạo dựng con người có tự do và có trách nhiệm, nên Ngài tôn trọng các quyết định của họ. Vì thế, nếu cho đến lúc chết, con người vẫn còn nằm trong tội trọng, từ chối tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, thì chính họ, với sự tự lập hoàn toàn, tự ý loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.

 

214. Phán xét cuối cùng hệ tại điều gì?

1038-1041

1058-1059

Sự phán xét cuối cùng (phán xét chung) hệ tại sự phán quyết về cuộc sống hạnh phúc hay án phạt đời đời, mà Chúa Giêsu, khi Người trở lại như vị Thẩm phán của kẻ sống và kẻ chết, sẽ tuyên bố cho "những người công chính cũng như kẻ có tội" (Cv 24,15), qui tụ tất cả trước mặt Người. Sau cuộc phát xét cuối cùng, thân xác sống lại sẽ tham dự vào sự thưởng phạt mà linh hồn đã lãnh nhận trong cuộc phán xét riêng.

 

215. Khi nào cuộc phán xét này sẽ xảy ra?

1040

Cuộc phán xét này sẽ xảy ra vào ngày tận thế mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết được ngày nào giờ nào.

 

216. "Hy vọng trời mới đất mới" nghĩa là gì?

1042-1050

1060

Sau cuộc phán xét cuối cùng, chính vũ tru,... được giải thoát khỏi nô lệ sự hư nát, sẽ được dự phần vào vinh quang của Ðức Kitô với việc khai mạc "trời mới đất mới" (2 Pr 3,13). Như thế sự viên mãn của Nước Thiên Chúa sẽ đạt đến đích điểm, nghĩa là ý định cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành vĩnh viễn: "Qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô" (Ep 1,10). Khi ấy Thiên Chúa sẽ "có toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15,28), trong cuộc sống đời đời.

 

"Amen"

 

217. Tiếng Amen, kết thúc Kinh Tin Kính, có nghĩa là gì?

1061-1065

Tiếng Do Thái Amen - cũng được dùng để kết thúc quyển sách cuối cùng của Thánh Kinh, cũng như một số lời cầu nguyện của Tân Ước và các lời cầu nguyện phụng vụ của Hội thánh - diễn tả lời 'Thưa vâng" đầy tin tưởng và trọn vẹn của chúng ta đối với những gì chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, chúng ta hoàn toàn phó mình cho Ðấng là Amen tối hậu (Kh 3,14), tức là Ðức Kitô.