Học và Sống Năm Thánh Kinh
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vừa qua, theo Catholic News Services ngày 15/10/2008, thì một trong những câu hỏi được đặt ra cho các Nghị Phụ là “Phải làm gì để giúp dân chúng hiểu rằng trong khi đọc và giải thích Thánh Kinh, họ phải kể đến nghĩa văn tự của bản văn, nghĩa thiêng liêng của bản văn và giáo huấn theo truyền thống của Hội Thánh?” 
 

Tài liệu Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh cũng khuyến khích “các nhà chú giải Thánh Kinh phải tận dụng những lợi điểm của các tiến bộ đạt được qua việc nghiên cứu về ngữ học và văn chương, để sử dụng càng nhiều càng tốt những phương pháp phân tích văn tự mới, đặc biệt là phân tích tu từ, phân tích kể chuyện và phân tích theo cấu trúc.” (GTTKTHT, IB). Như thế, muốn hiểu Thánh Kinh, chúng ta cần đến Phương Pháp Phân Tích Bản Văn hay Phân Tích Văn Chương.

I. Phương Pháp Phân Tích Bản Văn là gì?

Trong khi các nhà phân tích lịch sử nhìn bản văn Thánh Kinh như một cổ vật trong lịch sử, thì các nhà phân tích bản văn nhìn bản văn Thánh Kinh như một tác phẩm văn chương cần phải được phân tích theo các phương pháp văn chương. Phương pháp này chỉ chú trọng đến những sự việc hay biến cố được diễn tả trong Thánh Kinh và tìm hiểu xem những sự việc hay biến cố ấy có ý nghĩa gì mà không chú trọng đến hoàn cảnh lịch sử của thời đại tác giả. Các nhà chú giải Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Bản Văn cho rằng mỗi tác phẩm văn chương tạo nên một thế giới riêng. Thế giới ấy chính là câu truyện được bản văn diễn tả. Ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới mà tác phẩm tạo ra, chứ không phải qua các biến cố trong đời sống của tác giả. 

Các phương pháp phân tích mạch văn, phân tích tu từ, phản ứng của độc giả, và phân tích cấu trúc bản văn đều nằm trong phạm vi của phương pháp Phân Tích Bản Văn.

Phương pháp phân tích mạch văn đặt trọng tâm vào cách kể chuyện trong Thánh Kinh, phân tích các tình tiết, các khung cảnh và thời gian của các biến cố, phân loại và dùng các kỹ thuật văn chương như châm biếm, tình ca, lịch sử, …, và lập lại như phương thức khai triển câu truyện và những đề tài quan trọng của nó. 

Phân tích tu từ dùng những thuyết tu từ cổ điển để phân tích những phương pháp lý luận trong bản văn Thánh Kinh. Phương pháp này chú trọng đến cách hành văn, cách dùng từ ngữ, tình cảm, và lý luận của tác giả để thuyết phục độc giả. 

Những người theo phái cấu trúc (Structuralism) đọc các bản văn Thánh Kinh dưới lăng kính của một cấu trúc văn chương phổ quát. Họ giải thích các nhân vật, các đề tài, và các biến cố trong Thánh Kinh qua vai trò và nhiệm vụ của các nhân vật hay biến cố này trong một cấu trúc chắc chắn hay văn phạm phổ quát. 

Khoa phân tích phản ứng độc giả phân tích bản văn Thánh Kinh dựa theo kinh nghiệm của độc giả, giải thích lời trong Thánh Kinh dựa theo các thắc mắc, ước vọng, hay ngạc nhiên mà độc giả cảm nghiệm được khi đọc bản văn. Phương pháp này nhấn mạnh đến vai trò tích cực của độc giả trong việc xét định ý nghĩa của bản văn. 

II. Biện minh cho phương pháp Phân Tích Bản Văn 

Phương pháp Phân Tích Bản Văn đã đem lại một điều chỉnh cho phương pháp Phân Tích Lịch Sử đang thịnh hành trong giới học giả Thánh Kinh hiện đại. Phương pháp Phân Tích Lịch Sử đã phạm phải một lầm lỗi là đã quá chú ý đến việc viết lại lịch sử sau bản văn, cho nên đã bỏ mất nhiều ý nghĩa đa dạng hàm chứa trong bản văn. Các nhà Phân Tích Bản Văn đã quan tâm đến văn thể của các bản văn Thánh Kinh. Họ cho rằng thể văn kể chuyện không phải là thể văn lịch sử, nhất là lịch sử theo nghĩa hiện đại. 

Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo xác quyết tầm quan trọng của văn thể trong Thánh Kinh. Mặc Khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh được diễn tả bằng nhiều thể văn khác nhau. Để giải thích thỏa đáng, cần phải chú ý đến các thể văn của từng câu Thánh Kinh và dùng phương pháp giải thích phù hợp với thể văn đó. Trong Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, Công Đồng Vaticanô II viết:

“Để tìm ra chủ ý của các thánh sử, giữa những phương pháp khác cũng cần phải xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, tiên tri, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác” (Dei Verbum 12). 

Việc nhìn nhận tầm quan trọng của văn thể trong mặc khải của Thánh Kinh này cho phép chúng ta biện minh cho việc sử dụng phương pháp nghiên cứu bản văn để giải thích Thánh Kinh. 

Trong số các thể văn dùng trong Thánh Kinh, thể văn kể chuyện hay tường thuật rất quan trọng đối với Đức Tin Kitô giáo, từ việc tường thuật lịch sử dân Israel đến các câu truyện trong Tin Mừng. Hình thức kể chuyện vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong hạnh các Thánh. Ngay chính trong Kinh Tin Kính cũng có những cấu trúc kể chuyện được bắt đầu bằng công cuộc tạo dựng, đoạn giữa kể lại vắn tắt việc Đức Kitô xuống thế giữa giòng lịch sử và đưa đến kết luận là nói về thế giới sắp đến. Các thần học gia chuyên về kể chuyện nhấn mạnh đến việc học thuộc lòng và cử hành các "câu truyện" Kitô giáo đã hình thành cộng đoàn Kitô hữu ra sao. Các nhà giải thích Thánh Kinh theo phương pháp lịch sử thường đơn giản hóa các câu truyện phong phú trong Thánh Kinh thành nguồn cho họ tái lập lịch sử. Phương pháp Phân Tích Bản Văn không những cung cấp cho chúng ta những tiếp cận thích hợp với thể văn của Thánh Kinh, mà còn cho chúng ta một phương thế để hiểu vai trò của việc kể chuyện trong đời sống của cộng đoàn tín hữu. 

III. Giới hạn của phương Pháp Phân tích Bản Văn

Có hai điều quan trọng mà các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo phải để tâm đến khi dùng phương pháp Phân Tích Bản Văn. 

Trước hết là việc loại bỏ sự thiên lệch về lịch sử trong một số những bài Phân Tích Bản Văn. Các học giả chú trọng đến thế giới nằm trong bản văn nhiều khi không còn đếm xỉa gì đến những biến cố lịch sử mà bản văn làm chứng. Đức Tin Nhập Thể của Công Giáo xác quyết sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa trên thế gian, chứ không phải chỉ thế giới nằm trong bản văn Thánh Kinh. Các câu truyện được kể trong Thánh Kinh, như trong các sách Tin Mừng, không những chỉ diễn tả các biến cố tưởng tượng, mà cả các biến cố xảy ra trong lịch sử nhân loại được các chứng nhân kể lại. 

Thứ đến, người ta phải thận trọng về những giải thích văn thể có tính cách chủ quan. Phương pháp Phân Tích Bản Văn cho người giải thích nhiều tự do để sáng tạo. Sự sáng tạo này có thể giúp ta dễ hiểu Thánh Kinh, nhưng cũng đưa đến những giải thích sai lầm, độc đoán, đặc biệt là khi người giải thích hoàn toàn bất kể đến chủ ý và bối cảnh lịch sử của tác giả. 

IV. Kết Luận

Thánh Kinh được viết như một tuyển tập của nhiều sách với nhiều văn thể khác nhau như kể chuyện, thi phú, anh hùng ca, lịch sử, cầu nguyện, tiên tri, khải huyền, tiểu thuyết. Chính vì không phân biệt được những thể văn khác nhau trong Thánh Kinh mà nhiều người đã kết án Thánh Kinh là thiếu căn bản lịch sử, hoặc giải thích Thánh Kinh cách từ chương. Tất cả những văn thể này là những phương tiện truyền thông Thiên Chúa dùng để dạy chúng ta những chân lý và lịch sử cứu độ. Muốn hiểu Thánh Kinh một cách đúng đắn, chúng ta không những phải chú ý đến phạm vi lịch sử của một đoạn mà còn đến những thể văn khác nhau cũng như cách hành văn và ý định của từng tác giả nhân loại khi viết bản văn này. Tuy nhiên, “việc nghiên cứu các bản văn thánh theo khoa học là điều cần thiết, nhưng tự nó chưa đủ vì chỉ ở trong bình diện nhân loại. Để đạt được sự mạch lạc của Đức Tin của Hội Thánh nhà chú giải Thánh Kinh phải quan tâm đến việc nhìn đến Lời Chúa trong những bản văn này theo cùng một cái nhìn của Đức Tin của Hội Thánh” (Huấn từ của ĐTC Bênêđictô XI dành cho các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh ngày 23/4/2009).

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic news