I. Lời Chúa trong Đời Sống Hội Thánh:
1. Việc Thờ Phượng Chung
Lời Chúa, hiện diện trong Thánh Kinh, là trung tâm của đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Đó là lý do tại sao chúng ta công bố Lời Chúa mỗi lần tụ họp để dâng Thánh Lễ, mỗi cuộc cử hành bí tích, và trong giờ Kinh Phụng Vụ (Nhật Tụng). Chúng ta công bố những đoạn từ Cựu Ước, là những điều báo trước việc Chúa Giêsu đến, và từ Tân Ước, là sách dạy chúng ta việc chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn thành như thế nào nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta tin rằng Ngôi Lời, Đấng đã làm người và ngự giữa chúng ta đang hiện trong Lời mà chúng ta công bố. Chúng ta tin rằng Hội Thánh nuôi “các tín hữu bằng Bánh Hằng Sống, được lấy từ bàn tiệc Lời Chúa và Từ Mình Đức Kitô” (Sách GLCG, số 103). Nhờ cả Thánh Thể lẫn Thánh Kinh, mà chúng ta có một liên hệ mật thiết với Đức Kitô Phục Sinh đang ngự giữa chúng ta.
2. Giáo Huấn
Truyền lại và giải thích Lời Chúa cho mọi thế hệ một cách trung thực là nhiệm vụ của Hội Thánh. Một cách mà trong đó Hội Thánh là tông truyền là dạy những gì mà các Thánh Tông Đồ đã dạy về Đức Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, bởi vì mỗi thế hệ đón nhận Lời Chúa trong một môi trường xã hội khác so với các thế hệ trước, cho nên Hội Thánh phải nhờ sự linh hứng của Chúa Thánh Thần mà giải thích và áp dụng Lời Chúa vào mỗi môi trường.
Một trong những món quà quý hóa mà Hội Thánh đã tặng cho chúng ta trong thế kỷ thứ 20 là Hiến Chương về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II. Trong tài liệu này Hội Thánh dạy chúng ta phải hiểu Lời Chúa mà chúng ta đã đón nhận như thế nào.
Chúng ta được dạy trở thành những người hiểu theo văn cảnh trong việc giải thích Thánh Kinh của mình:
Biết rằng trong Thánh Kinh, Thiên Chúa phán qua con người bằng cách thức của loài người, cho nên người chú giải Thánh Kinh, nếu muốn biết chắc chắn điều gì Thiên Chúa muốn truyền thông cho chúng ta, phải cẩn thận tìm tòi ý nghĩa mà các thánh sử thực sự có ý trình bày.. . . Như thế, các nhà chú giải phải tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, thánh sử đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ, qua các lối văn được dùng thời đó.(Dei Verbum, số 12).
Hội Thánh, qua nhiều kỷ nguyên, hướng dẫn các tín hữu bằng các giáo huấn của mình, được bắt nguồn từ Thánh Kinh. Truyền Thống này của Hội Thánh, là Truyền Thống đã cho chúng ta Thánh Kinh lúc ban đầu, và bây giờ giải thích Thánh Kinh trong mọi môi trường văn hóa và lịch sử, cũng là một cách diễn tả Lời Chúa.
3. Cầu Nguyện Riêng
Thêm vào việc mặc khải các chân lý phổ quát và vĩnh cửu, Thánh Kinh cũng là Lời Hằng Sống, là ánh sáng soi đường chúng ta, là cách cho chúng ta đàm đạo riêng với Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh đã xác nhận: “Quả thật, Lời Thiên Chúa sống động, linh nghiệm và sắc bén hơn gươm hai lưỡi, xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt các toan tính và suy tư của lòng người” (Dt 4:12). Vì lý do đó mà Lời Chúa trong Thánh Kinh là nòng cốt của đời sống cầu nguyện riêng của chúng ta. Qua Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa đến và nói với chúng ta cách cá nhân và riêng tư.
II. Lời Chúa trong Sứ Vụ của Hội Thánh
Hội Thánh không những chỉ đón nhận, cử hành và sống Lời Chúa, Hội Thánh còn được sai đi với sứ vụ rao giảng Lời cho muôn dân. Chúng ta là một dân tộc truyền giáo. Lời Chúa là nguồn mạch, là đề tài, và là phương tiện mà nhờ đó chúng ta công bố Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô.
Mẫu gương làm nhà truyền giáo và nhà giáo của chúng ta là Đức Mẹ Maria, mà trong Ngài Lời đã nhập thể. Chúng ta được mời gọi để được hình thành bởi Lời Chúa, như Đức Mẹ khi Ngài thưa, “Xin thực hiện nơi tôi như lời ngài” (Lc 1:38b). Chúng ta được mời gọi để trở thành những người cưu mang Đức Kitô, như Đức Mẹ đã cưu mang. Chúng ta phải mang Đức Kitô đến cho tất cả những người chúng ta gặp gỡ.
Là Kitô hữu, chúng ta đặc biệt nhớ đến nhiệm vụ và vinh dự, mà nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, được làm nhân chứng cho Lời Chúa trong mọi bình diện của đời sống chúng ta: ở nhà, ở sở làm, trong việc chúng ta dùng thì giờ nhàn rỗi thế nào, trong việc chúng ta sử dụng các tài nguyên của mình ra sao. Chúng ta phải là những Giáo Lý viên – là những người vang vọng Lời Chúa qua thời gian và không gian - đến mọi thế hệ.
Nguyện xin cho chúng ta làm những chứng nhân trung tín của Lời Chúa, là Đấng đã dựng nên chúng ta, đã cứu chuộc chúng ta, kêu gọi chúng ta, yêu thương chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, và hướng dẫn chúng ta trên mọi bước đường trong cuộc hành trình của cuộc đời chúng ta. Amen
Phaolô Phạm Xuân Khôi
soạn theo tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2008 của HĐGMHK