100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

  
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 63
CÁC BÍ TÍCH

Trích sách Xuất hành, ch.14

Dân Israen làm nô lệ bên Ai cập quá khổ : phải đào đất, nung gạch để xây cất những đền đài, những kim tự tháp dưới làn roi da ác nghiệt luôn luôn quất lên mình. Đàng khác, ông vua Pha-ra-ông sợ dân Israen tăng số mau sẽ đông hơn dân Ai cập, thành mối nguy cho dân nước ông, nên ông đã ra lệnh hễ đàn bà Israen sinh con trai thì phải bóp mũi chết ngay... Còn biết bao tàn ác, hung bạo khác không kể xiết đổ trên đầu đoàn dân khốn khổ, làm họ chỉ còn biết ngày đêm than van, kêu xin Thiên Chúa đừng bỏ họ, hãy mau mau ra tay cứu nguy.

Thiên Chúa đã nhận lời kêu xin và sai ông Môsê đến, dùng đủ mọi phép lạ phạt vua và dân Ai cập, để họ đành phải cho dân ra đi. Nhưng dân vừa ra đi được vài hôm, Pha-ra-ông lại hối tiếc, ông liền truyền lệnh cho một đại đội kỵ mã và xe chiến theo ông chạy đuổi bắt dân Israen trở lại. Và họ đã đuổi kịp bên bờ Biển Đỏ. Nhìn lại đằng sau, thấy đoàn hùng binh rầm rập đuổi tới nơi, đằng trước mặt, Biển Đỏ chắn ngang, dân Do thái run sợ, rồi kêu ca, trách móc Môsê và Thiên Chúa. Họ gào khóc lên :

-           Bên Ai cập hết mồ chôn rồi hay sao, mà đưa chúng tôi đến đây để chôn chúng tôi ?

Môsê đáp lại :

-           Đừng sợ ! Một hãy trông chờ Thiên Chúa sẽ cứu các ngươi bằng quyền phép vạn năng của Người !

Lúc ấy, Thiên Chúa truyền Môsê giăng tay trên sóng biển, biển liền rẽ ra hai bên như hai bức tường, để lộ ở giữa lòng biển một con đường khô ráo. Môsê bảo dân hãy bước vào lòng biển. Vâng lời và tin vào Thiên Chúa, dân Do thái bước vào lòng biển ráo chân mà tiến sang bờ bên kia. Thấy thế, đoàn quân Ai cập cũng nhào xuống theo sau. Nhưng Thiên Chúa đã gieo hỗn loạn vào đoàn quân : ngựa lồng lên không chịu chạy, các xe chiến sa lầy hoặc lật nhào, thấy thế, họ hãi hùng thét lên :

-           Hãy chạy trốn mau ! Thiên Chúa của Israen đang chiến đấu cho họ chống lại ta !

Nhưng không kịp nữa, theo lệnh Thiên Chúa truyền, Môsê đã lại giăng tay trên biển, tức thì nước dựng đứng hai bên, nay ập lại, nuốt chửng cả Pha-ra-ông lẫn đạo binh chiến xa và kỵ mã tinh nhuệ nhất.

Dân Do thái đã lên bờ bên kia, ngoái cổ lại nhìn, họ thấy xác quân Ai cập nổi lềnh bềnh, trôi giạt đầy bờ, Lúc ấy, họ nhận ra Thiên Chúa đã ra tay quyền phép cứu họ một cách lạ lùng. Đầy lòng biết ơn, nước mắt tràn trụa, họ đồng thanh ca vang lời ngợi khen Thiên Chúa :

“Vang lên muôn lời ca !

  Ta ca ngợi Chúa !

  Vì uy danh Người cao cả.

  Chiến mã với kỵ binh,

  Người đã quăng chìm đáy biển !”

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Thấy dân gặp nguy kêu khấn, Thiên Chúa đã ra tay cứu họ cách kỳ diệu : bắt nước biển rẽ đôi cho dân đi ở giữa lòng biển ráo chân. Xét kỹ thì thấy, dân có lý mà sợ : nước biển dựng đứng hai bên có thể bất thần ập xuống chôn vùi họ, nhưng họ đã tin vào Chúa, nghe theo lệnh Môsê, nhắm mắt bước vào lòng biển, như bước vào cái chết. Nhờ sự vâng phục bước vào lòng biển ấy mà họ đã đi đến được bờ bên kia, tìm được cái sống qua cái chết : họ đã đến bến bờ tự do, hoàn toàn được giải phóng.

Câu chuyện Kinh Thánh ấy là hình ảnh báo trước về việc Thiên Chúa cứu chúng ta, bằng các Bí tích, khi chấp nhận tin Ngài, ta bước vào trong các Bí tích để tìm được sự sống Thiên Chúa trong đó. Vậy Bí tích là gì ?

1/         Thường thường, tín hữu VN tin rằng : 7 Bí Tích là nguồn ban ơn thánh, ví như  7 mạch suối phun nước. Rồi họ hăm hở đến lãnh các Bí tích , lòng đinh ninh là được ơn thánh.

Điều đó đúng ! Song chưa đủ ! Vì nếu có ai hỏi họ được ơn gì, đa số họ rất lúng túng, không biết được ơn gì. Họ giống như người ham hố, cứ nghe thấy có nơi nào phát quà, phát chẩn thì chạy tới lãnh đem về, chẳng cần biết cái đó là cái gì, để làm gì, mình có cần hay không, và dù mình không cần thì để cho con, cho cháu, hoặc để dành đó phòng khi cần...

Thái độ ấy vấp phải một sai lầm tai hại : họ nghĩ ơn Bí Tích cũng giống như các sự vật đời này, cứ chìa tay ra là lãnh được. Không phải thế ! Không phải cứ chịu Bí Tích là được ơn, nhưng phải chịu cho nên mới được. Bây giờ mới vỡ lẽ ra là từ bấy lâu nay, biết bao tín hữu đi chịu các Bí Tích mà chẳng được gì, hoặc được rất ít, nhưng vì đây là chuyện thiêng liêng, không đo, không đếm được, cho nên họ không thấy mình trống rỗng... Tuy vậy, cũng có cách thấy được. Thấy ở đâu ? Ở hậu quả của nó. Như cây tốt, thì sinh quả sum xuê, ngon ngọt ; cây cằn cỗi, thì sinh ít quả, và quả nó héo hắt, chua lòm. Ở đây cũng vậy, những người chịu Bí Tích mà không được ơn ích gì, thì thấy lộ kết quả xấu ở đời sống họ liền. Còn nếu chịu cho nên và được ơn thật, thì có khi chỉ chịu một vài lần là cuộc đời họ đã biến đổi nên tốt lành, thánh thiện..., chứ không lề mề, khô khan, có đạo mà đời sống chẳng khác gì kẻ vô đạo.

2/         Bây giờ ta tìm hiểu : Chịu Bí tích cho nên là thế nào ? Thưa : là lãnh Bí tích với lòng tin, với lòng khát khao, và với ý ngay lành.

Chính Đức Giêsu đã vạch ra cho thấy. Một hôm kia, trong Đại Lễ Lều, các tư tế Do thái đang cùng đoàn kiệu xếp hàng đi xuống giếng để múc nước vào chiếc Bình Vàng, kiệu về, để biểu lộ Chúa sẽ ban cho họ mưa hòa gió thuận để được mùa, thì Chúa Giêsu có mặt đó hô lớn tiếng rằng :

“Ai khát thì hãy đến với Ta,

  Và kẻ tin vào Ta, hãy uống đi !”

Vì như lời Kinh Thánh báo trước : “Họ đến uống nước mạch sự sống từ lòng Đấng Thiên Sai tuôn chảy ra” (Ga 7.37-38).

a/         Chúa nói đến khát : ai khát, tức là giống như kẻ đi trong sa mạc khô cháy, thấy khát và ước vọng một ngụm nước mát uống vào cho khỏi chết. Họ ao ước, khát khao ngụm nước ấy mãnh liệt dường nào ! Hoặc giống như kẻ đang lênh đênh giữa biển trên con thuyền ọp ẹp, mong thấy có chiếc tàu thủy lớn đi ngang qua, họ sẽ la hò, sẽ cầm áo quần, phất lên để kêu gọi tàu đến vớt họ...

Lên lãnh Bí tích, ta có lòng khao khát như thế chưa, hay theo thói quen, người ta đi, mình cũng đi, người ta chịu Bí Tích, ta cũng chịu ?

b/         Còn về lòng tin, Chúa đã nói : “Ai tin thì hãy uống !”. Thế mà có nhiều người cứ lên lãnh Bí Tích đại mà chẳng biết tin điều gì, để được gì. Họ chẳng khác gì, trong những dịp Đại Lễ, có những người ngoại đạo thấy vui, nhộn nhịp, cũng vào nhà thờ dự lễ, rồi khi thấy bổn đạo lên rước lễ, họ cũng lên : vì họ không tin việc rước lễ, nên nghĩ chỉ như lên ăn một miếng bánh tráng, chẳng hơn chẳng kém! Ấy là chưa kể, như Thánh Phaolô nói : Ăn uống Mình Thánh bất xứng là ăn uống án phạt vào mình !

Mà có lòng tin chung chung cũng không đủ. Phải có lòng tin sáng suốt, biết mình làm gì, Bí Tích mình chịu là cái gì ? để được gì ? cái đó đòi buộc điều chi ?

Muốn được có đức tin như vậy, điều trước tiên là phải học hỏi cho biết. Sau khi đã biết, thì mỗi lần đi chịu Bí Tích, còn phải nhớ lại và giục lòng tin cho nó sống động lại ngay lúc đó. Tại sao ? Vì thói quen dễ làm cho đức tin ra chai lì. Thêm nữa, tuy chúng ta đã là người có đạo, nhưng bởi lòng đạo của ta không được sốt sắng, hoặc bởi chung quanh ta, bao nhiêu thói quen phù phép, pháp thuật, mê tín, bùa ngãi của người ngoại đạo gây ảnh hưởng trên ta, ta dễ đi chịu Bí Tích với tâm trạng đi lãnh một thứ bùa phép gì đó thiêng liêng, tuy không do ma quỉ ban, nhưng do Chúa ban, song cũng có tính cách ma thuật, bùa phép. 

Mà tâm trạng bùa phép, ma thuật là như thế nào ? Bùa phép, ma thuật có đặc tính hễ có ai nhờ một thày bùa, thày pháp làm, thì dù ta có muốn hay không, ta ngủ hay thức, cái bùa phép ấy do sức ma quỉ cứ sẽ phát sinh hiệu lực. Tỉ dụ : Bà X. nhờ thày pháp “thư” hoặc “ếm” bùa một người tình địch, thì dù có người này muốn hay không, biết hay không biết, cái bùa cái ngải đã được nhét dưới gối, hay pha vào nước cho họ uống, thế là họ bị. Nên có nhiều người bị thư, bị ếm mà không biết do đâu. Bí Tích thì khác ! Không phải linh mục cứ làm các phép trên mình ta, là nó sinh ơn, dù muốn hay không muốn, dù ta chia trí lo ra, bơ thờ, nguội lạnh, khô khan.

Ai hiểu Bí Tích như thế là coi Bí Tích là ma thuật, phù phép. Ai chịu Bí Tích cách ấy là chịu Bí Tích với tâm trạng ma thuật, phù phép, thành thử chịu Bí Tích không nên, không ích lợi thiêng liêng, chưa kể nếu có ý xấu thì còn phạm thánh nữa.

Không ! Bí Tích không phải bùa phép, ma thuật. Nó chỉ sinh ơn trong người nào, khi người ấy muốn cách tự do, người đó ước ao, khao khát và tin tưởng mà chịu. Anh chị em có thấy sự khác nhau chưa ?

Lý do đơn giản là : Trong Bí Tích, chính Chúa Giêsu hiện diện và hoạt động. Mà Chúa tôn trọng sự tự do của ta, Ngài chỉ hoạt động và ban ơn cứu độ cho ai kết hợp với Ngài bằng lòng tin, lòng mến, lòng khao khát. Ngài không như ma quỉ áp đặt bùa phép, bất chấp ta muốn hay không, để làm hại ta. Đó là ngón chuyên môn của ma quỉ. Còn Chúa chỉ ban ơn cho ai thật lòng muốn, muốn cách tự do, muốn cách ý thức và tin tưởng vào Ngài. Vì Ngài yêu thương, nên Ngài tôn trọng ta, tôn trọng là dấu yêu thương cao độ. Thử hỏi, có thật là tình yêu nữa không, khi bắt ép người ta lấy mình, cho dù người ta không muốn, không yêu mình ? Câu chuyện vô tuyến truyền hình “I-sau-ra” đã cho thấy rõ : Lê-ông-chi-ép ép nàng I-sau-ra phải lấy ông ta..., ông ta tưởng là ông yêu nàng. Ngay cả ông đã từ chối bán nàng 15 triệu rây, ông cho là bằng chứng to lớn của tình yêu. Nhưng Isaura đáp : Đó không phải là tình yêu, đó chỉ là ham muốn chiếm đoạt, đó chỉ là đam mê... Vì tình yêu là một tình cảm trong sáng và sinh ra điều thiện. Vì tình yêu là tôn trọng người kia...

 Nói tóm, Chúa Giêsu hiện diện trong các Bí Tích, và Ngài hoạt động qua các Bí Tích. Vì Chúa hiện diện trong đó, cho nên ta phải lấy lòng tin, lòng mến, lòng khao khát, sốt sắng mà kết hợp với Ngài, thì Ngài mới thông truyền ơn sang cho ta. Các dấu Bí Tích chỉ là phương tiện bề ngoài, tự nó không là chủ các ơn, nên tự nó không ban ơn. Ơn thì chỉ mình Chúa Giêsu ban được mà thôi. Nhưng Chúa dùng các lời và các vật, các dấu tích bên ngoài ấy để mà ban ơn. Tỉ như khi ta chặt cây bằng dao. Tuy là lưỡi dao chặt, song lại nhờ sức ở tay ta chuyền qua nó. Tay có tài khéo, thì chặt ngay ngắn, tay vụng về thì chặt nhem nhúa. Ơn là sức của Chúa truyền qua ; các lời, các vật, các dấu tích bên ngoài (nước rửa tội, rượu, bánh thánh, dầu...) là con dao Chúa sử dụng. Cho nên, đi chịu một Bí Tích là đi gặp Chúa đang hiện diện ở đó, và kết hợp với Ngài bằng tin, mến, khát khao..., để Chúa chuyển ơn qua đó cho ta (trích phỏng theo tài liệu : “Tin lành cứu rỗi” của Cha Trần Hữu Thanh, DCCT, bài 24, Đà Lạt, 1962).

Tích truyện

Thời cổ ở nước La mã, có vài ông Hoàng Đế, khi lên ngôi thì ngày đăng quang có tục lệ tung tiền cho dân đang tụ họp ở đó nhặt. Một lần kia, có một Hoàng Đế tung ra một số những tấm giấy, chứ không tung tiền như mọi khi. Có rất nhiều người dân không biết giá trị của các tấm phiếu ấy, thấy những tấm giấy ấy, họ nghĩ là vô giá trị, không thèm nhặt. Chỉ có vài người khôn, biết giá trị thì hết sức chịu khó nhặt. Hóa ra đó là những tấm ngân phiếu, cầm đem vào ngân khố đổi ra thành tiền. Những người khôn ấy đã chẳng mấy chốc trở nên triệu phú.