100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 6
ĐIỀU RĂN THỨ HAI : CHỚ KÊU TÊN CHÚA VÔ CỚ
Hôm nay, ta nghe Chúa dạy về điều răn thứ hai : “Chớ kêu tên Chúa vô cớ”. Đúng ra, phải dịch thế này : chớ nêu danh Chúa cách hư từ (Xh 20.7), nghĩa là nêu danh, hoặc lấy tên Chúa mà dùng trong những chuyện hư từ, thề thốt bừa bãi, chứ không phải chỉ kêu tên Chúa vô ý vô tứ mà thôi đâu, như khi động một tí là ta kêu : Giêsu ! Maria ! Điều răn này gồm cả những điều cấm khác như : chớ thề gian, làm chứng gian, hứa bừa bãi, nói lộng ngôn, sử dụng danh Chúa làm phù phép, vv...
Trong Thánh vịnh 15 có câu như sau :
“Lỡ thề, nếu có thiệt thòi,
Thì ta cũng quyết chẳng hề đổi thay”.
Đó là đầu đề của bài sách thánh hôm nay.
Trích sách Yô-sua, 9.3tt
Thành Yê-ri-kô đã bị hạ, dân cư bị quân Israen giết sạch. Một thị trấn bên cạnh là Ga-ba-ô sợ quá, biết không thể địch nổi dân riêng của Chúa, họ bèn dùng mưu. Họ gửi một phái đoàn, dùng lừa chở lương thực trong những bị cũ rích, những bì rượu lủng vá chằng chịt, chân mang dép cũ mòn, mình mặc áo xống rách tả tơi, bánh ăn đi đường đã cứng khô rời thành vụn. Phái đoàn đến gặp ông Yô-sua, đại tướng, và các tướng lãnh của ông tại Gin-gan mà nói :
- Chúng tôi từ phương rất xa đến để xin cầu hòa với các ông, vì chúng tôi đã được nghe đồn về các việc oai hùng Thiên Chúa các ông đã làm ở Ai Cập, và tiêu diệt bao vua chúa ở các nước quanh đây. Hàng kỳ mục chúng tôi đã sai chúng tôi đến xin các ông kết ước giao hảo với chúng tôi. Xin các ông miễn chấp cách ăn mặc không đàng hoàng của chúng tôi, khi ra mắt các ông. Số là khi bỏ nhà ra đi, bánh chúng tôi rỡ còn nóng hổi, bây giờ đã khô queo, vỡ thành vụn. Này bì rượu khi chúng tôi đổ đầy rượu vào thì còn mới, mà nay chúng đã lủng cả. Này áo xống và giày dép chúng tôi đã ra cũ rách,vì đường xa dặm thẳm. Đủ biết chúng tôi từ rất xa mà đến.
Kỳ thực, họ từ Ga-ba-ô đến, một thị trấn ngay bên cạnh. Thiên Chúa có ra lệnh cho dân Israen phải đánh lấy các thành gần chung quanh mình, và triệt hạ hết, để lấy làm đất định cư cho họ, đất không còn có dân ngoại nào sống chung trà trộn, sợ họ sẽ lôi kéo, cám dỗ dân riêng Chúa, mà thờ các tà thần của họ. Yô-sua và các tướng lãnh liền tin lời phái đoàn nọ, lại quên không thỉnh vấn Thiên Chúa, đã vội làm hòa và kết ước với họ bằng một lời thề long trọng, là sẽ bảo đảm sinh mạng của họ.
Sung sướng vì thấy mưu cơ thành công, phái đoàn nọ đã trở về xứ, mang theo lời thề của Yô-sua. Ba ngày sau, khi quân Israen tràn đến Ga-ba-ô, họ hết sức kinh ngạc gặp lại những ngươi trong phái đoàn hôm trước ở đó. Té ra, họ bị gạt mà tưởng rằng chúng là dân ở một thành rất xa. Tức giận, quân Israen muốn tuốt gươm tàn sát hết cả dân Ga-ba-ô ấy, nhưng Yô-sua và các tướng lãnh ngăn cản :
- Chúng tôi đã lấy danh Yavê Thiên Chúa của Israen mà thề với chúng, và bây giờ, chúng tôi không thể đụng đến mạng sống chúng được. Chúng tôi sẽ xử với chúng thế này : tha cho chúng sống, ngõ hầu thịnh nộ Thiên Chúa không giáng xuống trên ta vì đã bội thề ; nhưng từ nay, bắt chúng làm phu chẻ củi, gánh nước cho công hội và cho việc tế tự ở Đền Thờ Thiên Chúa.
Nghe vậy, dân Israen vẫn còn hậm hực, và họ trách các ông nhiều lắm, nhưng đã lỡ thề, biết làm sao...
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Thật họ đã làm đúng câu Thánh vịnh trên kia đã nói : “Lỡ thề, nếu có thiệt thòi ; thì ta cũng quyết chẳng hề đổi thay”. Họ nghĩ : đã lấy Danh Chúa mà thề, thì lỗi thề là xúc phạm đến Chúa ; vì lấy Danh Chúa làm chứng cho một sự dối gian, như vậy sẽ kéo cơn thịnh nộ Chúa giáng trên họ. Thế là tốt, song tại sao lại vội thề làm chi ? Kinh Thánh cho biết lý do : sở dĩ các ông thề vội, thề khi không biết sự thật, là vì các ông không thỉnh vấn ý Thiên Chúa trước. Nói cách khác, các ông không cầu nguyện để biết Thánh ý Chúa.
Vậy, ta rút bài học này : trước khi thề hứa hay khấn điều gì, cách riêng điều quan trọng, hãy cầu nguyện cho biết ý Chúa trước, hãy tìm đến các người đại diện Chúa, ít ra các bậc khôn ngoan, hiểu biết đường lối Chúa chỉ vẽ cho...
Rồi, khi đã thề, đã hứa với ai, nhất là với Chúa, thì chớ bội thề (x. Dân số 30.3; Thứ Luật 23-22-24; vv...). Có người khấn hứa với Chúa, với Đức Mẹ : nếu Chúa và Mẹ thương ban cho họ được điều này, điều nọ, thì họ sẽ làm việc này, việc kia để tỏ lòng biết ơn. Thế rồi, làm được vài lần, họ bỏ lơ..., quên dần... Thế là có lỗi nặng với Chúa. Đành rằng, có lúc ta thấy không làm nổi lời đã hứa với Chúa. Lúc ấy, hãy đến trình bày với linh mục đại diện Chúa tại tòa hòa giải, xin ngài cứu xét và thay đổi việc khác vừa sức cho ta hơn.
Trong cuộc sống hàng ngày, biết bao lần ta hứa với người khác rồi lỗi lời. Lấy ví dụ một việc hay thấy xảy ra : Ta hứa bán hoặc nhường lại món hàng cho người kia với giá bao nhiêu đó. Về nhà, nghĩ lui nghĩ tới, hoặc nghe ai nói, ta cho là đã hớ ; tiếc của, ta tìm cách tháo lui không bán nữa, lấy cớ thếnày, thế nọ... Thế là lỗi lời ! Ta có lỗi trước mặt Chúa và trước mặt người đồng loại.
Ngay cả khi trót hứa với con cái, hoặc người trong nhà, cho nó cái nọ, cái kia, ta hãy thực hiện lời đã hứa. Vì lời ta nói là trọng. Nếu ta không tự trọng mình bằng cách giữ lời đã hứa, làm sao bắt người khác tôn trọng ta được ? Đừng nghĩ nó là con nít, hứa đại rồi bỏ lơ cũng không hề gì...
* Một lời thề hứa trọng đại mà phần đông chúng ta ai cũng thề và sẽ thề, đó là thề hứa trong lễ cưới giữa vợ chồng, trước mặt Chúa, ta sẽ yêu thương nhau suốt đời, khi vui lúc buồn, khi thịnh lúc suy, khi khỏe mạnh cũng như lúc già yếu, xấu xí... Chúng ta có giữ lời thề hứa long trọng mà ta đã cam kết trước mặt Chúa, trước mặt Hội Thánh, trước mặt các chứng nhân và họ hàng hai bên đó không ?
Đến đây, chúng ta thấy Đức Chúa Giêsu có một lời dạy đi xa hơn lời thề hứa. Ngài nói : “Các ngươi đã nghe bảo người xưa : chớ bội thề, hãy trọn lời thề với Chúa. Còn Ta, Ta bảo các ngươi : Đừng thế thốt chi cả ! Nhưng lời của các ngươi phải là : có (thì nói) có, không (thì nói) không, kỳ dư là tự Ác tà (ma quỉ) mà ra cả” (Mt 5.33-37).
Chúa dạy : không chỉ giữ lời thề, mà còn “đừng thế thốt chi cả”, tức là bỏ đừng dùng lời thề nào nữa. Tại sao ? Vì thề cốt để người ta khỏi nghi ngờ lòng thành thực của mình, lời quả quyết của mình. Mà chúng ta, từ khi chịu phép Rửa tội, được vào sống trong Nước Thiên Chúa, giữa anh chị em trong Hội Thánh, cùng là con cái Thiên Chúa với nhau, tất nhiên tất cả chúng ta đều đã chấp nhật Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối chân thật và thủy chung, làm Cha của mình, và chấp nhận sống kính cẩn, tôn trọng và yêu thương anh chị em mình, thì
- con giống cha là nhà có phúc
- ta phải làm sao để mọi sự đều là thành thực với nhau, đến nỗi chẳng cần lời thề nào nữa để bảo đảm.
Có thì nói có, không thì nói không, không thêm bớt, không trí trá, không lươn lẹo. Vì Chúa bảo : mọi cái thêm bớt, lươn lẹo, cong queo, gian trá đều do tà ma xui khiến, nghĩa là do ảnh hưởng của ma quỉ, nó là cha của sự gian dối, láo khoét, như Chúa nói trong Tin Mừng Gioan (8.44), hoặc do ảnh hưởng của sự dữ đang cai trị cả thế gian này. Nó xui khiến người này dối trá, lừa bịp người kia, làm liểng xiểng sự tín nhiệm giữa con người. Chính vì cái nạn đó mà người ta phải bày ra đủ thứ luật pháp, phải cần đến lời thề..., mà nếu thề đã là quá rồi, lại còn nuốt lời thề nữa, thì hết nước nói.
Đã đành, nói như trên, không phải Chúa cấm các tín hữu tuyệt đối không được sử dụng lời thề. Trong vài trường hợp đặc biệt có thể dùng (tỉ dụ T. Phaolô cũng dùng vài lần : Rm 1.9; 2Cr 1.13; Ph 1.8; vv...), nhưng đó là vì xã hội mà tín hữu đang sống đòi buộc - nhất là xã hội ngoại giáo - là nơi loài người không tin nhau, không chấp nhận Thiên Chúa chân thật là Cha mình, họ đầy gian dối, lừa gạt, do ảnh hưởng sự dữ, và ma quỉ đang ngự trị cả thế gian tội lỗi ; do đó, họ không tin ta có thể thành thật, nếu không có lời thề bảo đảm.
Vậy hôm nay, gia đình ta xin đền tạ Chúa, xin Chúa tha thứ bao lần ta đã thế thốt hư từ, đã khấn hứa mà chẳng giữ lời. Rồi từ nay dốc lòng quyết chí không làm như thế nữa. Cách riêng, xin lưu ý tránh những lời thề bừa bãi như : “Tôi nói điêu tôi chết”, “Nếu tôi nói sai xe cán chết”, hoặc “chết bỏ chồng bỏ con”... ; nhất là các cô các cậu thanh niên và các em nhỏ, tránh bắt chước người lương chửi thề những câu như “đù má”... Tất cả các lời ấy nay là thói quen khó chữa thật, song cũng là lời bất xứng, có lỗi trước mặt Chúa, như lời Kinh Thánh dạy : “Đừng có lời hư từ nào lọt khỏi miệng anh em, nhưng lời lẽ phải lương thiện, có tính cách xây dựng, hầu sinh ích cho người nghe” (Ep 4.29). “Và những điều thô tục, chuyện nhảm nhí hay trò cợt nhả, đều là những điều chẳng xứng” (5.4).
Tích truyện
Thầy Tử Lộ, là học trò Đức Khổng Tử, một hôm, ông từ ngoài ngõ về nhà, thấy vợ ẵm con khóc, dỗ mãi không nín. Bà vợ mới trỏ con heo đang ăn ngoài sân mà nói :
- Thôi con nín đi ! Chốc nữa bố về, mẹ bảo bố giết heo cho con ăn nhé !
Đứa bé nghe bùi tai, thôi khóc. Thấy lừa được con hết khóc, bà coi như xong chuyện, không còn nghĩ gì đến lời hứa. Đến trưa, thày Tử Lộ thấy vậy, gọi vợ đến trách rằng :
- Con nó còn nhỏ, nó tin vào lời cha mẹ là nói thật, tại sao bà hứa giết heo cho con ăn, mà không giữ lời. Như thế, lớn lên nó sẽ không tin vào cha mẹ nữa. Đàng khác, bà đã làm nó bắt chước nói dối, hứa mà không giữ lời.
Trách vợ xong, ông ra ngoài sân, bắt heo, làm thịt cho con ăn.
-----oOo-----