Tài Liệu Khác

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Trong cuốn Nhật Ký về Lòng Thương Xót của Thánh Nữ Faustina Kowalska, Chúa Giêsu nói với Thánh Nữ về nhân đức khiêm nhường:  “Con hãy đem đến Ta các tâm hồn hiền hòa, khiêm tốn và những tâm hồn trẻ thơ.  Hãy nhận chìm họ vào đại dương Thương Xót của Ta.  Những tâm, hồn này giống Trái Tim hơn hết.  Họ tăng nghị lực cho Ta để Ta bước vào cơn hấp hối đau thương.  Ta thấy họ như những Thiên Thần trần thế, chầu chực quanh các bàn thờ của Ta.  Ta đổ tràn trên họ những giòng thác lũ ân sủng.  Duy chỉ những tâm hồn khiêm nhường mới có khả năng đón nhận ân huệ của Ta.  Ta đặc biệt tín nhiệm nơi những tâm hồn đó.” 
 
Thánh Augustino đề cập đến nhân đức thiết   yếu để được kết hợp chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, và được tràn đầy quyền năng   của Ngài, để được đốt lên ngọn lửa và tình yêu của Ngài.  Nhân đức đó là:  Khiêm nhường. 
 
Nhân đức khiêm nhường là một nhân đức đặc biệt cao quí nhưng thường bị hiểu lầm. 
 
Trong Thánh Kinh có ba nhân vật được gọi là khiêm nhường: 
 
1.                Môisen:  là một người rất khiêm nhường, Người khiêm nhường hơn bất cứ một người nào trên trái đất theo sự diễn tả trong Ds 12,3.  Bởi vậy Chúa đã dùng Người để dẫn dắt dân của Ngài. 
 
2.               Đức Trinh Nữ Maria:  “Người tôi tớ khiêm nhường thẳm sâu của Chúa’ bởi vì Mẹ khiêm nhường tột đỉnh nên Thiên Chúa đã làm những sự trọng đại nơi Mẹ, và nhờ đó hết mọi thế hệ đều khen Mẹ là Người có phước. (Lc 1,48-49). 
 
3.                Chúa Giêsu:  “Người hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên thập tự.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.  Như trong Phúc Âm Pl 2, 2-8 ca ngợi:  “ Như vậy khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quì”. 
 
Vậy Khiêm Nhường là gì? 
 
‘Khiêm Nhường’ là sống trong sự thật, đơn sơ, nhìn nhận mình tầm thường, thấp kém, hư vô, dễ phục, dễ bảo. 
 
1.  Sự thật hiển nhiên:  Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tôi, bởi vậy, tôi là một thụ tạo của Chúa thì phải luôn luôn mang ơn Ngài là thờ phượng Ngài, cám ơn Ngài với niềm vui về tất cả mọi thứ Ngài ban và trong mọi tình huống, đó là bí mật của hạnh phúc như Thánh Phaolồ nhắc nhở trong 1Tx 5,16-18.  Đối với người Công Giáo hành động tạ ơn cao cả nhất là Thánh lễ mà tôi tham dự mỗi ngày với sự thành kính và biết ơn. 
 
Nhân đức khiêm nhường là một nhân đức cao cả nhất chống lại với ‘sự kiêu ngạo’.  Kiêu ngạo là tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, đây là một hành động cản trở chúng ta đến với Chúa Thánh Thần. 
 
2.  Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ, và nếu như tôi so sánh với Thiên Chúa, tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả, như vậy tôi phải chúc tụng Chúa vì sự cao sang của Ngài, trong khi tôi chẳng là gì.  Bởi đó, tôi hân hoan trong mọi qui luật và điều răn của Ngài.  Chỉ như vậy tôi mới có được một cuộc sống an lành:  Những điều răn của Ngài giống như những luật lệ đi đường, nếu tôi không tuân theo luật lệ, vượt đèn đỏ, tôi sẽ tự gây phiền phức cho mình hay cho người khác.  Lái xe trên đoạn đường dành riêng cho người đi bộ hay ngoài con đường chỉ định là tự đâm đầu vào vách đá. 
 
Tánh tự đắc trái ngược với nhân đức khiêm nhường, như vậy là tôi đã cướp đi sự vinh quang của Chúa vì Thiên Chúa đầy sự vinh quang, huy hoàng, vinh dự…Nếu tôi vinh danh Ngài, chúc tụng Ngài, tôi lãnh nhận được sự huy hoàng, vinh quang của Ngài, bởi vì tất cả những gì tôi có đều bởi Thiên Chúa ban cho. 
 
3.  Tất cả mọi thứ, tất cả mọi người xung quanh tôi đều là những tạo vật đáng yêu của Thiên Chúa, như vậy tôi phải kính trọng và yêu thương, và vui mừng với tất cả những gì Thiên Chúa ban cho như:  Thân quyến, láng giềng, tha nhân cũng như loài vật, cây cối thiên nhiên, sông ngòi, núi non, biển cả..v..v. Đây là một thế giới đẹp vô song khi tôi sống trong sự thật và khiêm nhường.  Thiên Chúa ban cho tôi rất nhiều thứ qua các tạo vật.  Tự bản thân tôi không thể làm nổi một chiếc ghế, một cái nhà, một cái đồng hồ, ngay cả một ly càfé.  Có những người khác làm những chuyện đó:  người thì làm cái ly, người thì làm cái muỗm, kẻ thì sản xuất đường.v..v.. Trong sự thật, và trong công bằng tôi phải làm lại những gì tốt cho anh em tôi.…Tôi phải cám ơn họ đã làm ra những chuyện đó cho tôi được hưởng.  Một trái tim khiêm nhường không thể có tánh tham lam, hận thù, tức giận. 
 
4.  Riêng bản thân tôi chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa, Ngài đã tạo nên tôi thật hoàn hảo để tôi làm những điều tôi phải làm.  Nếu bạn có thể tạo được một bản thể một đứa con nít, bạn có thể lựa cho nó một cặp mắt thật đẹp, một trái tim, đôi bàn tay tuyệt đẹp.  Thiên Chúa là cha của bạn, Người là đấng tạo dựng nên bạn, và giống như môt người cha tốt lành, Ngài sẽ cho bạn những gì là tốt nhất, hoàn hảo nhất.  Như vậy thì trong trái tim tôi không có chỗ cho ghen tỵ, tham lam, bởi vì trong mọi sự tôi đều lệ thuộc nơi Ngài. 
 
Thiên  Chúa ban cho tôi quá nhiều ơn sủng, tôi phải biết dùng nó cho sự vinh danh Ngài và phục vụ những thụ tạo của Ngài:  Nếu tôi hát hay, điều đó không được khiêm nhường khi tôi nói mình hát dở.  Khiêm  nhường là dùng giọng hát đó với niềm vui để phục vụ kẻ khác, không phải cho sự ích kỷ của tôi, nhưng để cảm tạ Chúa vì tất cả những ơn huệ Ngài ban cho tôi.  Có một loại khiêm nhường giả tạo lầm lẫn, nghĩa là nhắm vào mình, gầy dựng vinh quang cho mình thay vì cho Chúa.  Trong một trái tim khiêm nhường không có sự ích kỷ. 
 
Nhân đức cao quí nhất mà Chúa Giêsu muốn tôi bắt chước  là sự khiêm nhường của Ngài:  “Hãy học nơi Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường.” (Mt 11,29.  Tôi học hỏi những gì?  Muốn làm những phép lạ ư?  Chữa lành người bịnh ư? Trừ quỉ ư?…Không phải vậy, Ngài làm cho nhân đức khiêm nhường có tính cách đặc thù để tôi bắt chước.  Đây cũng là nền tảng linh thiêng của Ngài và đặc tính của trái tim con người.  Nhân đức khiêm nhường là biểu tượng và dấu ấn của Ngài vì Ngài luôn luôn làm theo Thánh Ý Chúa Cha, Ngài lệ thuộc tất cả vào Cha Ngài. Ngài chịu sỉ nhục để hạ mình xuống làm người.  Là một con người, Ngài khiêm nhường thẳm sâu chịu chết trên thánh Giá, luôn luôn thực thi Thánh Ý Chúa Cha, đó là điều khiêm nhường hoàn hảo nhất.  Ngài khiêm nhường tuyệt đối trong mọi sự. 
 
Chúng ta phải khiêm nhường như Chúa Giêsu thật sự khiêm nhường, nhưng vì chúng ta là những con người tội lỗi không hoàn hảo, tất cả mọi việc chúng ta làm đều dính trong tội lỗi, đây là nguyên do làm cho chúng ta không thể tự hào.  Nhưng một trái tim khiêm nhường luôn luôn lệ thuộc vào Thiên Chúa và Lòng Thương Xót của Ngài. 
 
Khiêm nhường là lệ thuộc vào Thiên Chúa, vào ơn sủng của Ngài, sống theo sự dẫn dắt của Ngài, giống như Chúa Giêsu, mà không dựa vào bản thân chúng ta nhưng kết hợp với quyền năng và Lòng Thương Xót của ngài. 
 
5.  Bản tánh tự nhiên của con người ngang ngạnh, ít muốn lệ thuộc ai, đó là đệ tử của Lucife:  Hắn tin tưởng rằng mình có khả năng làm mọi chuyện, hắn tự vẽ chương trình cho riêng hắn, tự làm theo ý hắn trước khi hỏi và đi theo sự hướng dẫn của Chúa.  Hắn tin chắc hắn có đủ bản lãnh thay vì lệ thuộc vào Chúa.  Đây là điều sai lầm.  Sự thật là chúng ta được hiện hữu, như vậy những hành động của chúng ta phải ảnh hưởng của những ơn sủng Chúa ban cho, ngay cả Lucifer cũng vậy.  Đừng bao giờ có tư tưởng chúng ta có thể tiến bộ được cho đến khi nhìn lại con người thật của chúng ta bởi vì bất cứ tội lỗi nào cũng làm cho chúng ta giống như Luxifer, phải luôn nhìn nhận chúng ta đều là những con người tội lỗi yếu hèn. 
 
1.                Kiêu ngạo là ở trong tư thế bất hạnh, giống như Lucifer, nó làm cho chúng ta tồi tệ, xấu xa, và như vậy ơn Chúa Thánh Thần không thể tới.  Nhưng Chúa Thánh Thần nâng cao tâm hồn khiêm nhượng qua ơn sủng.  Khiêm nhường là suối nước sự sống mà con đường của nó là suối quyền năng chảy vô cuộc sống vĩnh hằng, ‘Những ai kiêu ngạo sẽ bị hạ xuống, và những ai khiêm nhường sẽ được nhấc lên. (Lc 14,11). 
 
2.                 Trong chương Lc 18, mọi người ai cũng đều phản đối bọn Pharisiêu và nâng cao đức tánh khiêm nhường của người thu thuế trong dụ ngôn đó.  Chúng ta nên giống như người con hoang đàng trong Lc 15, anh ta tự mình tiến đến với người Cha, tự hạ mình, phàn nàn chính bản thân mình vì những hành vi xấu.  Chính qua sự khiêm nhường đó đã đánh động được người Cha ôm lấy anh ta và làm một bữa tiệc thật linh đình thiết đãi đứa con.  Hãy nhìn qua Môisen:  Người đã sống 40 năm nhẫn nhục với con của Pharaon. Nhưng rồi 40 năm nữa Người đã học hỏi được sự khiêm nhường là chăn nuôi đàn cừu cho người cha vợ.  Và sau khi đã đủ khiêm nhường Chúa lại dùng Người cho 40 năm nữa để dẫn dắt dân của Ngài, bởi vì Môisen là người khiêm nhường nhất trong thiên hạ (Ds 12,3). 
 
3.                Cuối cùng, hãy nhìn lên Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, ‘Người tôi tớ khiêm nhường của Chúa’ Lc 1,48:  Bởi vì Mẹ vô cùng khiêm nhường nên Chúa đã chọn Mẹ để làm Mẹ Chúa Giêsu qua quyền năng Chúa Thánh Thần.  Bởi vì khiêm nhường nên Mẹ đã làm Mẹ Thiên Chúa và làm bạn trung thành của Chúa Thánh Thần.  Trong Thánh Kinh diễn tả về Mẹ:  “Tất cả mọi thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc.’ (Ps 45,18; Lc 1,49)  Lời Tiên Tri trong Thánh Kinh đã làm cho sự vui mừng tràn đầy về Mẹ trong 2000 năm nay:  Đức Mẹ là người đã có bao thơ vịnh, tranh ảnh, vương cung thánh đường dâng hiến cho Mẹ, Mẹ được chúc tụng qua những đường nét nghệ thuật thi phú.   Trong từng giây từng phút suốt 2000 năm nay khắp nơi trên thế giới ở đâu cũng có những lời ca tụng Mẹ với câu:  ‘Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà, gồm phúc lạ’ (Lc 1,42). 
 
Chúng ta nên suy niệm những lời khiêm nhường của Mẹ trong bài Ngợi khen Chúa:  ‘Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.  Chúa hạ bệ những ai quyền thế.  Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.’ 
 
Hãy cầu nguyện với Mẹ: 
 
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi ý muốn: được quí trọng, được thương yêu, được ca ngợi, được tán dương, được vinh quang, được chúc tụng, được yêu chuộng, được chú ý, được chấp nhận.  Và nếu con có bao giờ được vinh quang, được ca ngợi, được yêu thương thì xin dâng tất cả những thứ đó cho Chúa và Mẹ, bởi vì những thứ đó hoàn toàn thuộc về Chúa. 
 

QUYỀN LỰC CỦA CHÚA THÁNH THẦN   (Cv 1,8)

 
‘Quyền lực’ Chúa Thánh Thần thường được đề cập trong Thánh Kinh.  Nhưng khác biệt với quyền lực của thế gian.  Quyền lực của thế gian thì thích nổi tiếng, thích khoe khoang, thích giầu có, thích uy quyền, thích vinh dự.  Nhưng quyền lực Chúa Thánh Thần thì  sống khiêm nhu, tự hạ, không tham lam, không ganh tỵ, không giận dữ, không xa hoa…Hãy sửa soạn linh hồn để làm tràn đầy trong chúng ta tình yêu, hoan lạc và bình an của Chúa Giêsu. 
 
Trong cuốn Bạn Thân Chí Thánh của linh mục Jos. Schrijvers, CSsR. cũng nói về nhân đức khiêm nhường thế này: 
 
1.           Khiêm nhường là một nhân đức rất đáng mến, đến nỗi khi thấy linh hồn nào khao khát khiêm nhường, Chúa Giêsu liền đem tất cả các ân sủng của Người mà vội vã đến với linh hồn ấy.  Vậy bạn hãy cố gắng khơi dậy mãnh liệt trong tâm hồn bạn niềm khao khát khiêm nhượng. 
 
Muốn khiêm nhường, linh hồn phải thực hiện ba điều kiện này: 
 
Trước hết phải nhờ trí năng và phán đoán mà thẩm định đúng giá trị mình.  Nếu được thế, tức là đã có khiêm nhường trong trí năng.  Theo nghĩa này, Thánh Nữ Têrêsa nói:  “Khiêm nhường là sự thật.” 
 
Trước mặt Thiên Chúa, mình thế nào thì biết như vậy với tất cả sự hư vô của mình, với toàn bộ tính xấu của ý chí và tất cả những mầm giống xấu mà tự nhiên ta giấu đi, đồng thời nhận ra hết mọi ơn lành Thiên Chúa đặt vào ta, tất cả những ân sủng Người ban cho ta, tất cả những đức tính tự nhiên Người tặng cho ta, mà không coi là của riêng mình, đó là yếu tố đầu tiên của khiêm nhường.
 
Tiếp đến ý chí ưng thuận, thừa nhận và yêu thích phán đoán đó.  Linh hồn dễ dàng nhìn thấy mình bé nhỏ và khốn nạn vô cùng trước mặt Chúa.  Nó sẽ hân hoan vì Chúa nhân từ vô cùng có cơ hội lấp đầy một vực sâu như thế.  Đó là khiêm nhường trong ý chí. 
 
Sau cùng, linh hồn ước ao cư xử với mình và được người khác cư xử theo như điều nó biết về bản thân. 
 
Vì tự nó, linh hồn không là gì và không có gì, nên nó tin mình chẳng đáng được quí trọng chút nào, nó không đòi người khác kính nể nó, không dám nhận được tôn kính này hay vinh dự.  Nó luôn luôn nghĩ mình được xử đãi tốt đẹp hơn nó đáng. 
 
Vì thế, nó tự nhận trách nhiệm làm tất cả những gì cam go khó nhọc.  Chỉ là hư vô và tự mình không có gì, nên nó nghĩ không thể có một người nào lại ít công trạng hơn nó. 
 
Khi có ai tỏ dấu quí trọng hay yêu thích nó, nó đơn sơ nhận lãnh, không nhận lãnh cho mình nhưng cho Chúa Giêsu mà người ta yêu mến hay quí trọng nó.  Đó là khiêm nhường trong hành động.
 
2.                       Nếu bạn muốn làm đẹp lòng Chúa Giêsu, chiếm được lòng Người mãi mãi, và bắt buộc Người  phải làm trong bạn những việc lạ lùng thì bạn hãy nên bé nhỏ, không tự phụ, không cậy dựa vào mình. 
 
“Khi một linh hồn được gọi đến sống thân mật với Chúa, nó phải mặc sự khiêm nhường như Thiên Chúa đã mặc vinh quang.” 
  
Lời nói đó, chính Chúa Giêsu đã nói với chị Beninha Consolata, nữ tu dòng Mẹ Thăm viếng, mà Người gọi là Benjamin, là nữ tu bí thư tý hon của tình người Yêu Thương. 
 
Làm sao Người có thể chiếm đoạt được trí năng và dùng nó theo mục đích của Người, khi trí năng đó bị sai lạc vì có ý tưởng phóng đại là mình quan trọng. 
 
Làm sao Người có thể ngự trị ý chí, trở nên trung tâm của mọi điều ý chí khát vọng, nếu nó tự đặt mình làm trung tâm cả cuộc đời nó? 
 
3.  Ồ! Không, Chúa Giêsu không ở với kẻ kiêu căng.  Người chỉ thích cư ngụ với những ai khiêm nhượng. 
 
Người từng thưa với Cha Người:  “Con tạ ơn Cha vì Cha đã giấu những điều này trước mặt những kẻ khôn ngoan thông thái, mà lại tỏ ra cho những người bé mọn.”  (Mt 11,25).  “Ai nghèo thiếu khôn ngoan hãy đến với Thày.”  (Cn 9,4).  “Nếu các con không nên tương tự như những trẻ nhỏ, các con không vào được nước trời”.  (Mt 18,3)  “Hãy học nơi Thày, vì Thầy có tâm hồn nhu mì khiêm nhượng.”  (Mt 11,29) 
 
Không ai vui lòng khi sống với kẻ kiêu căng.  Trước mặt người kiêu ngạo, ta cảm thấy khó thở.  Người ta không thể tỏ ra với kẻ kiêu căng lòng thân ái từng làm xã hội duyên dáng. 
 
Thế mà Trái Tim Chúa Giêsu cũng đã được tạo nên như trái tim ta. 
 
4.  Tư cách của kẻ kiêu ngạo có một cái gì quái quắt.  Thiên Chúa và thụ tạo nào cũng chiến đấu chống lại nó; trật tự chung bị nó làm đảo lộn sẽ phản kháng sự tự phụ điên rồ của nó, còn nó thì xấc xược coi thường sự đối kháng này. 
 
Kẻ kiêu ngạo tỏ ra một nét tương tự với Satan.  Nó in trên trán kẻ kiêu căng dấu hiệu của quỉ dữ:  “Tôi rùng mình khi gặp một linh hồn tự phụ, cho mình là khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn, nhân đức hơn người; tôi ngờ mình đứng trước một con quỉ nhập thể.”  Vị thánh khiêm nhường Anphon Ligori đã nói câu đó. 
 
5.  Điều vừa rất lạ lùng lại vừa thấy ghê sợ là chẳng một kẻ kiêu căng nào nghĩ mình kiêu căng cả. 
 
Thật hiếm tìm được một linh hồn đánh giá đúng giá trị mình, còn hiếm hơn nữa việc gặp được một linh hồn biết điều chỉnh tâm tình và cuộc sống mình theo sự đánh giá ấy. 
 
Phải có một ánh sáng chói lọi bề trong mới nhận ra được mình đúng theo thực tế:  Chỉ có các thánh mới không có ảo tưởng về giá trị của mình. 
 
Ai chẳng xót xa khi không được kính trọng?  Ai không thích được ca tụng, được thừa nhận, được đánh giá cao, được cầu cạnh tìm kiếm?  Ai chẳng sợ lời quở trách, bị bỏ quên hoặc bị cười nhạo? 
 
Linh hồn con người, dầu hết sức thành thực, cũng tự cảm nghiệm thấy mình thường xuyên đối kháng với nhiêm nhượng, luôn luôn có một mâu thuẫn giữa quan tốt về chính mình và phán đoán mà Đấng Chân Lý đời đời xét về nó. 
 
Những người mà ta ngờ là tốt nhất, khi tự xét mình cũng thấy rõ, trong hầu hết các hành vi tự do của họ, vẫn có một vài sự tìm mình một cách vô lối.  Tới một mức độ nào đó, họ đã tự coi mình là trung tâm mọi khát vọng, mọi tư tưởng và tất cả cuộc đời họ. 
 
Ai chịu khó suy tư mà không hoảng sợ khi thấy tật kiêu ngạo căng sản ra một phóng túng căn bản thường xuyên quá đến thế? 
 
6.  Chính các thánh, khi nhìn thấy sự khốn nạn của mình, cũng có những mối lo lắng lạ lung.  Thánh Vinh Sơn Phaolồ ngạc nhiên vì Thiên Chúa không tiêu diệt các thành phố Ngài đi qua.  Thánh Anphong tin mình là duyên cớ để dòng Ngài bị bắt bớ tàn đãi.  Thánh Luy Becmăng lại tự nhận mình là một tội nhân ghê gớm nhất mà trái đất đã sản ra. 
 
Chúng ta nói để bào chữa cho các ngài:  Các thánh kia mà!  Vậy thì các thánh phóng đãi ư?  Các ngài không đáng thương sao?  Hay đúng ra chúng ta mù tối? 
 
7.  Nếu ta không đem tật kiêu căng bưng lấy mắt, ta sẽ thấy rằng loài người thì ai cũng khốn nạn tội lỗi.  Thực tế, ta sẽ hiểu rằng phàm thụ tạo nào cũng phải lệ thuộc Thiên Chúa dưới mọi tương quan, cả về yếu tính, về hiện hữu, về thời gian, về hết mọi điều kiện phát triển.  Ta sẽ nhớ lại hằng hà sa số tội lỗi, bội tăng vì bạc tình luôn ló mặt.  Ta sẽ thấy những điều xấu xa ta đang có:  nào là lòng dính bén này, tính hèn nhát nọ, nào là sự thay lòng đổi dạ, nào là luôn nghĩ về mình, giăng mắc đầy áy náy hay hờn giận. 
 
Ôi Giêsu!  Chúng con xấu xa biết bao mà chúng con không ngờ.  Ôi Thầy nhân lành, xin thương xót con, con sợ hãi tật kiêu ngạo.  Con muốn vào những số người có lòng bé nhỏ khiêm nhượng, xin biến tim con nên tương tự Trái Tim Chúa.” 
 
Nhưng Thầy nhân từ đã biết rõ chúng ta được nhào nặn bằng thứ bùn đất nào rồi (Tv 112;14), và bản tính chúng ta được làm bằng những sở vọng điên cuồng nào rồi.  Người hài lòng và yêu thương ta, khi thấy ta lúc nào cũng xấu hổ vì nhìn thấy mình khốn cùng, lúc nào cũng tin tưởng vào ong nhân từ Người, và lúc nào cũng quyết định chinh phục lại đức khiêm nhường. 
 
8.  Muốn đạt tới đó, trước hết phải tin tưởng cần bằng chúng rằng ta kiêu ngạo, kiêu ngạo đã tàn phá tư tưởng, ước muốn và những hành vi nhỏ nhặt của ta, kiêu ngạo đã mọc rễ vào tận những thớ sợi tóc tơ, những lằn nếp xó xỉnh ngóc ngách nhất của hữu thể con người.  Ai nghĩ rằng nói thế là quá đáng thì sẽ không lành bệnh được. 
 
Trước mặt Chúa, phải luôn luôn phủ nhận hằng nghìn tự tin tự phụ vô lý ta cưu mang, có ý thức hay không, trong những uẩn khúc của tâm hồn, xin Người tha thứ vì đã sống quá xấu xa trước mặt Người, cảm tạ Người vì đã không bỏ rơi ta trong vực sâu kiêu ngạo. 
 
Sau cùng, phải luôn luôn xin ơn soi sáng để mình thế nào thì thấy như vậy, xin ơn sức mạnh để yêu sự nhỏ hèn, và ơn can đảm để chịu xử đãi như mình đáng chịu. 
 
Thấy một con giun bò lên chân, Louis Veuillot đã nói:  “Ôi Chúa, con cảm tạ Chúa vì đã không dày nát con dưới chân, vì con đây có khác chi con giun này.” 
 
Càng nhận biết mình, linh hồn càng tự khinh và tự hạ, và nó càng tư hạ thì Thiên Chúa càng nâng nó lên tới với Người. 
 
9.  Người khiêm nhượng không bao giờ tới gần Thiên Chúa mà không cảm thấy mình tuyệt đối khốn cùng; phàm ý tưởng nào tự coi trọng mình, họ cũng ghê sợ như ghê sợ rắn độc cắn. 
 
Người khiêm nhường không coi ý tưởng của họ là gì, họ sẵn sàng nhường theo ý kiến người khác; họ khoan dung, tha thứ và tránh giọng nói cứng cỏi lên cung truyền lệnh. 
 
Người khiêm nhượng trong lòng, có một gương mặt lúc nào cũng điềm nhiên bình thản, lúc nào cũng dễ dàng tiếp xúc, nhất là với những ai ngôi thường phận nhỏ. 
 
Người khiêm nhường không dây mình vào các việc của người khác; Họ không xét đoán, không phản đối khi không cần thiết.  Luôn luôn phục vụ, nhất là khi bị thiệt thòi, họ chỉ hăm hở làm tôi tớ và ngồi chỗ rốt bét. (Lc.14,19) 
 
10.  Ôi linh hồn khiêm nhượng tiến lên trên đường nhân đức mau chóng biết bao.  Họ bước theo con đường thơ ấu thiêng liêng.  Những ân tứ hảo hạng từ Trái Tim Chúa Giêsu dào dạt chảy ào ạt xuống trên họ, như những thác nước tứ núi cao ào ào tuôn xuống thũng lũng thẳm sâu. 
 
Không có một sự điên dại yêu đương nào mà Chúa Giêsu không sẵn ang thi thố cho một linh hồn không còn cậy dựa chút nào vào chính mình. 
 
11.  Ôi Chúa Giêsu!  Con muốn sống trong khiêm nhượng.  Con chỉ là hư vô, con chẳng có gì, con chẳng thể làm được gì:  Con chỉ có tội lỗi thôi. 
 
Con là kẻ phong cùi khốn khổ, mình đầy những chốc lếch kiêu căng.  Chúa mới có thể chữa lành con. 
 
Nhưng, dầu hoàn toàn khốn nạn nghèo cực, con cũng cảm thấy trong con có những khát vọng bao la vươn lên tới Chúa.  Mặc dầu con khốn nạn cùng cực, con cũng cảm thấy con có một tín tưởng không bờ bến. 
 
Con muốn là một con trẻ thơ dại mà Chúa yêu đương, Chúa ẵm lên trong vòng tay Chúa, Chúa để con yên nghỉ trên Trái Tim Chí Thánh Chúa. 
 
Con muốn là con bồ câu khiêm nhượng nhu mì nương trên đôi cánh quyền năng của Chúa.


Ôi, Phượng Hoàng chí Thánh!  Xin mang con lên rõ cao trong những miền Tình Yêu bát ngát của Chúa. 
 
Quỳnh Hương  (Dịch theo bài Humility/Sưu tầm) 
  
 

KINH CẦU CÙNG THÁNH TÂM CHÚA

XIN ƠN KHIÊM NHƯỜNG

 
LM. Micae Nguyễn trường Luân 
 
Lạy Chúa Giêsu rất hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin lắng nghe lời con cầu khấn. 
-  Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con: 
 
Khỏi ước muốn được người kính nể.  
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được người mến thương.  
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được người ca tụng.  
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được người tôn vinh.  
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được người khen ngợi. 
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được ưa chuộng hơn người khác.  
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được người tìm cố vấn.  
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi ước muốn được người chấp nhận.   
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu 
 
Khỏi lo sợ bị người nhục mạ.    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người ghen ghét   
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người la mắng    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người chê bai      
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người chửi bới    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người chỉ trích   
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người bôi nhọ      
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người nói xấu      
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người dèm pha    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người khinh khi    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người quên lãng    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người ruồng rẫy    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người bỏ rơi      
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người nhạo cười   
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người xúc phạm    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Khỏi lo sợ bị người nghi oan    
-  Lạy Chúa Giêsu xin cứu con 
 
Lạy Chúa Giêsu, rất hiền lành và khiêm nhường trong lòng: 
-    Xin cho con ơn can đảm để ước ao những điều ấy. 
 
Xin cho những người khác được yêu thương hơn con:  
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Xin cho những người khác được kính trọng hơn con: 
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Xin cho những người khác được tôn vinh, còn con bị sỉ nhục: 
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Xin cho những người khác được trọng dụng, còn con bị phế thải: 
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Xin cho những người khác được ca tụng, còn con bị quên lãng: 
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Xin cho những người khác được ưa chuộng trong tất cả mọi sự, còn con bị gạt bỏ: 
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Xin cho những người khác được thánh thiện hơn con, còn con được nên thánh tùy theo ý Chúa an bài:  
-               Cho con được khiêm nhường 
 
Chúng con nguyện xin vì Rất Thánh Trái Tim Hiền Lành và Khiêm Nhường của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen. 
 
Quỳnh Hương sưu tầm và dịch theo nguồn tài liệu ‘HUMILITY”