Tài Liệu Khác

SỰ DỮ MÀ TÔI KHÔNG MUỐN: KITÔ GIÁO VÀ CON NGƯỜI LẦM LẠC  

"Với sự thiện mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng với sự dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm" Thư T. Phaolô gửi tín hữu Rôma 7:19 
 
Bây giờ tôi muốn khảo sát đặc tính thứ hai của nền văn minh Tây Phương mà nó xuất phát từ Kitô Giáo. Đây là điều mà triết gia Charles Taylor gọi là "sự khẳng định của đời sống hàng ngày." Đó là ý tưởng đơn giản cho rằng một người bình thường thì có thể sai lầm, và tuy vậy con người lại quan trọng. Theo quan điểm này, xã hội phải được tổ chức như thế nào để đáp ứng với nhu cầu hàng ngày của họ, mà nó được nâng lên một loại khuôn khổ tinh thần. Đơn vị gia đình, ý tưởng của một chính phủ hạn chế, ý niệm về luật lệ của Tây Phương, và sự nhấn mạnh đến việc vơi bớt đau khổ, tất cả đều xuất phát từ sự hiểu biết căn bản của Kitô Giáo về phẩm giá của một con người có thể sai lầm. 
 
Chúng ta hãy khảo sát điều này bằng cách để ý đến hai chủ đề có liên hệ mà chúng phát xuất từ cùng một nguồn Kitô Giáo. Đầu tiên là câu nói của Thánh Phaolô ở trên. Ở đây, trong một câu nói, T. Phaolô đã bác bỏ toàn bộ triết lý truyền thống kinh điển dựa trên Plato. Với Plato, vấn đề sự dữ là một vấn đề của sự hiểu biết. Người ta làm sai vì họ không biết điều gì là phải. Nếu họ biết điều phải, hiển nhiên, họ sẽ thi hành. Nhưng T. Phaolô chối bỏ điều đó. Thánh nhân cho rằng ngay cả khi biết đó là điều sai, người ta vẫn thi hành. Tại sao? Bởi vì ý muốn của con người thì suy đồi. Vấn đề sự dữ không phải là một vấn đề của sự hiểu biết nhưng là một vấn đề của ý chí. 
 
Tôi cũng muốn chú ý đến việc Kitô Giáo tán dương con người thấp kém, người bình thường, người bị thua thiệt. Nhóm người này không được ưa thích trong thế giới cổ của Hy La. Homer bỏ quên họ trong các thiên sử thi của ông, chỉ hoàn toàn chú trọng đến đời sống của giới cai trị. Những người thấp kém nếu có xuất hiện thì chỉ như tôi tớ. Aristotle cũng có một công việc cho người thấp kém: nô lệ. Aristotle lý luận rằng khi những người thấp kém làm việc phục dịch, người cấp trên sẽ có thời giờ nhàn rỗi để suy nghĩ và tham dự trong việc quản trị cộng đồng. Aristotle qúy mến "người cao trọng" là người kiêu hãnh, đáng kính trọng, giới qúy tộc, giầu sang, và (nếu điều này chưa đủ), luôn có giọng nói trầm hùng và đắn đo. 
 
Nhưng Đức Giêsu không phải là một người như thế. Người sinh trong một chuồng súc vật và hầu hết cuộc đời Người sống với nghề thợ mộc. Người thường di chuyển bằng đôi chân và thỉnh thoảng đi lừa. Như nhà văn học Erich Auerbach viết, "Đức Kitô không đến như một anh hùng hay ông vua nhưng như một con người của giai cấp thấp kém nhất xã hội. Các môn đệ đầu tiên của Người là ngư phủ và thợ thuyền. Hàng ngày Người đi lại giữa đám dân thấp kém. Người nói chuyện với công chúng và phụ nữ sa đọa, người nghèo, người bệnh tật và trẻ em." Có thể nói thêm rằng Đức Kitô kết thúc thảm hại trên thập giá, bị chết treo như một tội nhân giữa hai tội phạm thực sự. 
 
Tuy vậy Auerbach nhận xét rằng bất kể nguồn gốc vô danh tiểu tốt, cuộc đời bình thường, và cái chết nhục nhã của Đức Kitô, mọi sự Người làm đều thấm đẫm phẩm giá cao quý nhất và sâu đậm nhất. Với người đánh cá, người Hy Lạp sẽ coi họ như các nhân vật thấp kém trong khi ở Kitô Giáo, họ dính dáng đến các biến cố vô cùng quan trọng cho sự cứu chuộc nhân loại. Sự siêu phàm của Đức Kitô và các môn đệ đã hoàn toàn đảo ngược toàn thể lý tưởng cổ điển. Bỗng dưng sự kiêu hãnh của giới quý tộc bị coi như một điều gì đó diêm dúa và nực cười. Đức Kitô tạo ra sự biến đổi giá trị, trong đó người chót hết trở nên người trên hết, và các giá trị từng bị khinh miệt giờ đây trở nên tiêu biểu cho các lý tưởng cao qúy của con người. 
 
Charles Taylor nhận xét rằng, như một kết quả của Kitô Giáo, các giá trị mới bắt đầu đi vào thế giới. Lần đầu tiên người ta bắt đầu nhìn xã hội không từ quan điểm của giới quý tộc cao ngạo nhưng từ một người bình thường. Điều này có nghĩa các thể chế không nên chú ý đến các phương tiện mới để giúp giới giầu sang đốt thời giờ nhàn rỗi; đúng hơn, họ phải chú trọng đến phương cách nhằm đem lại cho người bình thường một cuộc đời sung túc và đầy ý nghĩa. Hơn thế nữa, các thể chế kinh tế và chính trị phải được tổ chức theo một phương cách nào đó để các động lực--điều mà Kant gọi là khúc gỗ cong queo của nhân loại—tuy tội lỗi nhưng có thể được hoán chuyển thành các lợi ích cho con người và xã hội. 
 
Một lãnh vực mà chúng ta thấy có sự thay đổi này là sự quan trọng có tính cách xã hội được ban cho hôn nhân và gia đình. Ngày nay chúng ta đương nhiên cho rằng gia đình là một tổ chức được giao phó cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Nhưng trong xã hội Hy Lạp xưa, thật không thể tin được rằng gia đình không được coi là quan trọng. Thật vậy, Plato đề nghị hủy bỏ hôn nhân và gia đình, ông hình dung ra một quốc gia mà trong đó toàn thể công việc sanh đẻ và chăm sóc giới trẻ được giao cho nhà nước. 
 
Aristotle thì khôn ngoan hơn Plato khi nhận ra nhu cầu của gia đình. Đồng thời ông diễn tả gia đình như một lợi ích của hạ tầng cơ sở. Dĩ nhiên, gia đình thì cần thiết cho một đời sống tốt lành, chỉ như sự cần thiết ăn uống và ngủ nghỉ hàng ngày, nhưng với Aristotle một đời sống hoàn toàn dành cho gia đình thì không phức tạp và cũng không cao qúy. Người Hy Lạp coi gia đình hầu như chỉ là phương tiện sinh sản. Hầu hết hôn nhân đều được xếp đặt, và vợ chồng không ai kỳ vọng là sẽ trở nên hai người bạn. Thật vậy, Aristotle nghĩ rằng phần lớn phụ nữ không có khả năng làm bạn, và chắc chắn ông không kỳ vọng các bà vợ tương quan với các ông chồng trên một phương diện bình đẳng. Tính cách không quan trọng của tình yêu trong xã hội Hy Lạp xưa có thể được minh chứng bằng sự kiện là trong hàng chục vở bi kịch Hy Lạp, không một vở kịch nào có chủ đề là tình yêu. 
 
"Eros" là một động lực mạnh mẽ trong Hy Lạp xưa, nhưng nó được bày tỏ trong sự đồng tính luyến ái. Sinh hoạt này rất phổ thông ở Athens, đặc biệt người Spartan rất lừng danh về việc này, họ cổ vũ nó trong các thao đường và dùng sự gắn bó đồng tính luyến ái để xây dựng sự liên đới giữa các chiến sĩ trong thời chiến. Sử gia Michael Grant viết rằng những liên hệ tình dục giữa đàn ông và con trai thì "được ưa thích nhiều hơn sự liên hệ đồng tính giữa hai người cùng tuổi." Người La Mã và Hy Lạp cổ xưa cũng xây dựng triết lý giáo dục dựa trên thói đồng dâm nam (pederasty). Như sử gia K.J. Dover diễn tả, người đàn ông luôn luôn đóng vai trò chủ động và con trai thụ động. Toàn thể vấn đề được chấp nhận trong ý nghĩa trao đổi; con trai đồng ý quan hệ dục tình với một người lớn hơn và đổi lại hắn được kiến thức và được giám hộ. 
 
Chúng ta có thể lo sợ rằng các em trai có thể bị lạm dụng trong sự tương giao như vậy, nhưng người xưa không nghĩ như chúng ta. Nhiều người xưa cảm thấy như Pausanius trong cuốn Symposium của Plato, là người bực dọc vì những quan hệ đồng dâm nam thường không công bằng cho người đàn ông lớn tuổi bởi vì các thanh niên, một khi nhận được sự giám hộ, họ thường tìm đến các phần tử khác cùng tuổi với họ. Chúng ta có thể thán phục những thành quả vĩ đại về triết lý kinh viện, nghệ thuật sân khấu, và thuật quản lý nhà nước của họ, nhưng khi chúng ta phô trương sự "vẻ vang của người Hy Lạp và sự vĩ đại của người La Mã," chúng ta phải nhớ rằng ngày nay, các sinh hoạt tình dục của các nền văn minh này chỉ còn sống động trong các nhà tù và trong ý thức hệ của vài nhóm tỉ như "North American Man/Boy Love Association". 
 
Trong thời đại Kitô Giáo, thói đồng dâm nam và đồng tính luyến ái được coi là tội lỗi. Kitô Giáo đề cao tình yêu khác giới tính mà nó sẽ làm căn bản cho một sự tương giao độc đáo và lâu dài giữa vợ chồng, có chiều hướng nuôi nấng con cái. Chúng ta coi gia đình là điều quá hiển nhiên—nó vẫn là một lý tưởng mạnh mẽ trong xã hội chúng ta, ngay cả khi đời sống gia đình thực sự không đạt mục đích--đến độ chúng ta quên cả các hoàn cảnh chính yếu mà nó được dựa vào. Các hoàn cảnh này được Kitô Giáo đưa vào xã hội mà nó hoàn toàn xa lạ. 
 
Trước hết, Kitô Giáo làm cho đời sống gia đình trở nên quan trọng theo một phương cách chưa từng có. Đời sống gia đình không còn lệ thuộc đời sống của thành phố, như Plato và Aristotle nghĩ rằng phải như thế. Thật vậy, lần đầu tiên gia đình được coi như nơi chính yếu để đạt được sự thoả mãn chính yếu của đời sống. Sự thay đổi này bắt đầu bằng việc nâng hôn nhân lên hàng bí tích Công Giáo, đem cho nó uy thế tôn giáo vượt lên trên sự cần thiết của xã hội. Một biến chuyển tương tự được hoàn thành bởi Cải Cách Tin Lành. Người Công Giáo kính trọng linh mục độc thân, theo gương độc thân của Đức Kitô, nhưng Martin Luther chống lại sự giải thích này, ông nhấn mạnh rằng một Kitô Hữu bình thường lấy vợ và có con cũng hoàn tất "ơn gọi" của mình. 
 
Thứ hai, quốc gia theo Kitô Giáo phát triển một nhận thức mới về tình yêu lãng mạn, mà ngày nay nó là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của nền văn minh chúng ta. Trong khi hôn nhân tiếp tục được xếp đặt ở Tây Phương, nhất là trong tầng lớp có thế lực, một lý tưởng mới và khác biệt xuất hiện trong thời Trung Cổ. Đây là ý tưởng về tình yêu làm căn bản cho việc kết hôn và cũng để duy trì hạnh phúc gia đình. Tôi không nói rằng trước thời trung cổ người ta không yêu nhau. Nhưng trước đây, "yêu nhau" được coi là một hình thức điên dại nhẹ nhàng, là một điều không thể và không nên làm căn bản cho hôn nhân lâu dài. Kitô Hữu thời trung cổ bắt đầu hiểu hôn nhân giữa người nam và nữ tương tự như sự tương giao giữa Đức Kitô và giáo hội. Kinh Thánh trình bầy sự tương giao này là say đắm và mật thiết, chắc chắn không giống như loại giao kèo vụ lợi. Do đó Kitô Hữu bắt đầu coi hôn nhân như một tình bạn mật thiết được phấn chấn bởi những đam mê lãng mạn. 
 
Ngày nay, tình yêu lãng mạn được coi chỉ hơn có cảm giác một chút, nhưng đó chỉ là cái bóng mờ so với ý nghĩa nguyên thủy. Nó được coi là tột điểm của một sự theo đuổi, để đại diện cho các lý tưởng cao cả của sự hy sinh cá nhân và phục vụ người khác. Ý niệm này lúc đầu được giới hạn cho giới qúy tộc, nhưng không lâu nó lan tràn khắp xã hội. Dấu vết đầu tiên của sự lãng mạn—được coi như một giá trị xã hội quan trọng—xuất hiện trong các bài thơ tình phong nhã mà nó nối liền tình ái với tình yêu tinh thần và tập trung vào người phụ nữ xinh đẹp, thường là không có. Loại văn chương khát khao này khơi dậy giấc mơ lãng mạn trong tâm tưởng của Tây Phương. 
 
Thứ ba, Kitô Giáo đưa vào hôn nhân sự ưng thuận của người nam và người nữ như một điều kiện của hôn nhân. Một lần nữa, ngày nay chúng ta lại coi đó là điều đương nhiên, nhưng bạn chỉ cần đến Á Châu, Phi Châu, hay Trung Đông để thấy người ta thường bị ép buộc phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Tôi lớn lên ở Ấn Độ, là nơi hôn nhân ngay cả ngày nay thường được xếp đặt bởi cha mẹ. Tuy nhiên, ở Tây Phương, kể từ thời tiên khởi Kitô Giáo, đã có hôn nhân bởi sự lựa chọn và đồng ý hỗ tương. Điều này không phát sinh bởi sự "bình đẳng giữa các giới tính." Đúng hơn, nó được phát sinh vì ý tưởng của Kitô Giáo cho rằng mỗi một người đều có người bạn đời mà Thiên Chúa đã dựng nên cho chúng ta. Cảm giác lãng mạn được coi như một hoạt động của linh hồn nhằm dẫn dắt chúng ta đi tìm người bạn đời này. Là con người thì có thể sai lầm, chúng ta có thể sai lầm rất nhiều điều, nhưng chúng ta không thể sai khi cảm nhận về người khác. Đồng thời, Kitô Giáo nhấn mạnh rằng sự tự do lựa chọn cũng phải là sự lựa chọn có tính cách bó buộc. Khi chúng ta đồng ý kết hôn mà không bị ép buộc, chúng ta phải sống lời thề hứa đó và gìn giữ hôn nhân như một cam kết suốt đời. 
 
Việc nới rộng sự tôn trọng đến người bình thường của Kitô Giáo—trong khi vẫn để ý đến những sai lầm và thiếu sót của con người—có thể thấy được xuất hiện trong các thể chế chính trị mới ở Tây Phương. Các thể chế chính trị này không xuất hiện ở đâu khác trên thế giới, ngay cả trong thế giới cổ của Hy La. Điều thay đổi gì đó trong Tây Phương đã làm phát sinh chúng. Điều gì đó là Kitô Giáo. Hãy để ý đến quan niệm hiện đại về "quy luật". Trong cuốn "Law and Revolution",  Harold Berman lý luận rằng hệ thống luật lệ Tây Phương là "phần còn sót lại của các quan điểm và sự thừa nhận tôn giáo mà đầu tiên trên phương diện lịch sử được tìm thấy trong phụng vụ và nghi thức và học thuyết của giáo hội, và sau đó trong các tổ chức và quan niệm và giá trị của luật pháp." Điều này thật đúng, nhưng còn hơn thế nữa. 
 
Plato nói rằng hình thức luật pháp cao nhất là sự phân định độc đáo. Điều này thật lạ đối với chúng ta, nhưng rất đúng. Hình thức công bằng tốt nhất là ban cho mỗi một người tùy theo giá trị thích hợp với họ. Thí dụ, trong gia đình, bạn không đối xử với con cái giống như nhau bằng cách đặt ra "luật lệ" cho chúng. Bạn thích ứng sự dậy dỗ và điều kiện theo đặc tính cá nhân và hoàn cảnh của chúng. Theo Plato, trong chính trị cũng như vậy. Hình thức cai trị tốt nhất là một chế độ quân chủ nhân từ hay chế độ qúy tộc cai trị bằng sự phân định và ban bố công lý tùy theo trường hợp cá nhân. 
 
Nhưng bạn không thi hành điều này ở Tây Phương. Hãy để ý đến trường hợp đơn giản của việc lái xe trên xa lộ. Chúng ta đặt ra luật lệ cố định--tỉ như tốc độ giới hạn là bảy mươi dặm một giờ--và rồi bắt phải tuân hành. Tuy nhiên, dường như đó không phải là hệ thống tốt nhất. Một số người lái xe an toàn ở tám mươi dặm một giờ. Một số khác thì lại nguy hiểm cho chính họ và người khác khi lái xe ở vận tốc năm mươi dặm một giờ. Vậy tại sao chúng ta không để nhà cầm quyền quyết định tùy theo từng trường hợp? Câu trả lời đơn giản là chúng ta không tin người cảnh sát thi hành điều này. Chúng ta coi họ là một con người có thể sai lầm, có thể bị ảnh hưởng bởi thành kiến. Thay vào đó, tốt hơn chúng ta cùng sống dưới một luật lệ đồng nhất, được áp dụng cho mọi người. 
 
Ý tưởng cho rằng quyền hành phải được thận trọng giao phó cho con người lầm lỗi đã trở nên căn bản cho quan niệm tự do hiện nay về luật pháp. Dân chúng chọn chính phủ, nhưng hệ thống Hoa Kỳ áp đặt "sự tách biệt quyền hành" và "cân bằng ngân sách" như một cơ chế nội bộ để giữ cho chính phủ thành thật và có trách nhiệm. Các nhà sáng lập Hoa Kỳ nghĩ ra một cơ cấu cốt để nuôi dưỡng sự ganh đua kinh tế và chính trị nhằm ngăn chặn sự tập trung quyền lực thiếu lành mạnh. 
 
Kitô Giáo cổ vũ ý thức trách nhiệm chính trị và xã hội bằng cách đưa ra một mô thức mới: sự lãnh đạo phục vụ. Trong thời cổ Hy La, không ai dám mơ tưởng rằng nhà lãnh đạo chính trị là tôi tớ mọi người. Công việc của người lãnh đạo là dẫn đầu. Nhưng Đức Kitô phát minh ra ý niệm rằng phương cách dẫn đầu là phục vụ nhu cầu của người khác, nhất là những người cần được giúp đỡ. Trong Máccô 10:43 trích lời Đức Kitô: "Ai muốn là người lớn trong anh em thì phải là tôi tớ anh em… vì ngay cả Con Người cũng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ." Và trong Luca 22:27 chúng ta nghe Đức Giêsu nói, "Ai là người lớn hơn, người ngồi bàn hay là người phục vụ? Chẳng phải là người ngồi bàn hay sao? Nhưng Thầy ở giữa anh em như người phục vụ." Trong khung cảnh mới của Kitô Giáo, các nhà lãnh đạo được phê phán qua phương cách họ đáp ứng thế nào với nhu cầu và sự thịnh vượng của người dân. Sau một thời gian, những người trước đây được gọi là "người hầu" hay "người dân" trở thành "khách hàng" và "cử tri". Như một kết quả của lý tưởng mới này, công việc của nhà lãnh đạo chính trị, nhà buôn, và hàng tư tế trở thành sự phục vụ dân chúng qua sự đáp ứng với nhu cầu chính trị, vật chất, và tinh thần của họ. 
 
Hệ thống tư bản hiện đại phát sinh ở Tây Phương. Với một số người, họ ngạc nhiên khi thấy chủ nghĩa tư bản phát triển quá dễ dàng cùng với đạo đức Kitô Giáo. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã đáp ứng đòi hỏi của Kitô Giáo về một thể chế mà nó chuyển đổi sự ích kỷ của con người sang sự cải tiến xã hội. Một số phê bình gia chỉ trích chủ nghĩa tư bản vì là một hệ thống ích kỷ, nhưng sự ích kỷ thì không nằm trong chủ nghĩa tư bản--nó là bản tính con người. Như Adam Smith đã viết trong cuốn "The Wealth of Nations", ước muốn cải tiến tình trạng của chúng ta "đến từ trong lòng mẹ, và không bao giờ từ bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta đi vào nấm mộ." Sự ích kỷ, cũng như dục tính, là một phần của tình trạng con người. Thật tuyệt vọng khi muốn nhổ tận gốc, tuy một số nhà không tưởng đầy nhiệt huyết đã từng cố gắng. Qua nhiều thế kỷ, Kitô Giáo đưa ra một giải pháp tốt đẹp hơn nhiều. Người ta thường trích dẫn Kinh Thánh để cho rằng tiền bạc là nguồn gốc mọi sự dữ, nhưng đoạn Kinh Thánh có liên quan thực sự nói rằng "sự yêu qúy tiền bạc là nguồn gốc mọi sự dữ." Đây là sự lên án thái độ con người đối với của cải, chứ không lên án của cải hay thương mại. 
 
Ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản là lèo lái sự ích kỷ của con người đến độ, qua bàn tay vô hình của sự cạnh tranh, những năng lực của các nhà tư bản đã tạo thành sự giầu sang mà từ đó toàn thể xã hội được hưởng nhờ. Hơn thế nữa, chủ nghĩa tư bản khích lệ các nhà buôn hãy để ý đến người khác ngay cả khi động lực căn bản của họ là có lợi cho chính mình. Bởi thế, trong khi lợi tức vẫn là mục tiêu tối hậu, các nhà buôn dành thời giờ để suy tính xem cách nào tốt hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Họ đang hoạt động một cách vị tha, nếu không cố tình. Người ta có thể nói rằng chủ nghĩa tư bản giáo hóa sự tham lam theo cùng một phương cách như hôn nhân giáo hóa dục tính. Cả hai cơ chế này tìm cách thuần hóa các động lực bướng bỉnh hoặc lụn bại của con người theo những phương cách có lợi cho xã hội. 
 
Và đối với chủ nghĩa tư bản, văn minh Kitô Giáo đã tạo ra các quy tắc căn bản của nền kinh tế hiện đại. Trong thời Trung Cổ, Rodney Stark cho thấy, lần đầu tiên người ta nhìn nhận giá cả phải được quyết định qua hệ thống cung cầu. Trong quá khứ, giá cả được đặt định bởi luật lệ hay tục lệ. Nhưng Albertus Magnus, một tu sĩ dòng Đa Minh thuộc thế kỷ mười ba, giải thích rằng giá cả phản ảnh "giá trị thực của nó theo sự ước lượng của thị trường vào lúc bán."9 Và điều này dĩ nhiên là điều chúng ta tin tưởng ngày nay. 
 
Trong tác phẩm cổ điển "The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism",  Max Weber tìm thấy chủ nghĩa tư bản phát sinh từ một tinh thần mời gọi hay tuyển chọn được thuyết Calvin mở đầu. Nhưng như trong trường hợp giá thị trường, các yếu tố căn bản của chủ nghĩa tư bản tất cả đều xuất hiện từ trước thời Cải Cách. Một số học giả tìm thấy các yếu tố này trong các đan viện của thời Kitô Giáo tiên khởi, trong đó các nhóm đan sĩ cho thấy quy cách làm việc, thói quen chuyên biệt hóa và phân chia sức lao động, vay mượn tiền, và tham dự trong việc trao đổi hàng hóa với nhiều loại thực phẩm và các tiện nghi khác được mang đến từ xa. Stark lý luận rằng "tất cả những yếu tố căn bản của chủ nghĩa tư bản… được tìm thấy từ thế kỷ mười hai trở đi, trong các thành phố chế độ cộng hòa của Ý, tỉ như Venice, Genoa, hay Florence."10 
 
Mục đích của tôi ở đây không phải là ổn thỏa vấn đề cho rằng Kitô Hữu là người đầu tiên. Chủ nghĩa tư bản phát triển theo nhiều giai đoạn, mỗi một giai đoạn chịu ảnh hưởng một khía cạnh khác biệt của Kitô Giáo. Khi Francis Bacon và Descartes kêu gọi một hệ thống kỹ thuật mà trong đó con người trở nên chủ nhân và sở hữu chủ thiên nhiên, hai ông đã trình bầy trường hợp của mình theo ý nghĩa khôi phục lại sự phồn thịnh của Vườn Địa Đàng. Khi Locke bảo vệ các quyền tư hữu và mở mang thiên nhiên qua khả năng hiểu biết thực tiễn, ông nhìn thấy con người như một tạo vật thân thiết của Thiên Chúa và vì vậy hành động "theo hình ảnh của Người." Ngay cả ngày nay, chúng ta nghĩ về công việc dưới dạng một "ơn gọi" hay "thiên hướng". Theo sự hiểu biết của Kitô Giáo, chúng ta nhận được khả năng từ Thiên Chúa và dùng khả năng ấy để có ích cho chúng ta, gia đình, và xã hội phù hợp với ý định của Thiên Chúa. 
 
Từ chủ nghĩa tư bản và sự thịnh vượng phát sinh một số điều mới: ý tưởng về sự tiến bộ. Đây là nhận thức cho rằng sự vật đang trở nên tốt thì sẽ tiếp tục tốt hơn trong tương lai. Lịch sử được coi như đang di chuyển trên một đường thẳng, tiến lên về phía trước. Trong thế kỷ vừa qua, ý tưởng tiến bộ được thấy thể hiện dưới một số hình thức kỳ lạ và xấu xa, tỉ như "sự tồn tại của điều thích hợp nhất" và "cuộc cách mạng của giới vô sản".  Dù có khuyết điểm như hiện nay, lý tưởng tiến bộ vẫn tồn tại, và trong một vài hình thức, giờ đây, nó là một phần của tâm trí hiện đại. Thí dụ, hầu hết chúng ta đều mong mỏi con cái có đời sống tốt đẹp hơn chúng ta. Chúng ta cũng có khuynh hướng tin tưởng vào sự tiến bộ về luân lý. Tỉ như, việc hủy bỏ chế độ nô lệ dường như là một thành công luân lý không thể đảo ngược. Chúng ta hy vọng rằng các thế hệ tương lai sẽ sáng suốt về luân lý hơn chúng ta, chăm sóc địa cầu tốt hơn, và không còn giết các thai nhi. 
 
Tuy nhiên, đây không phải là kiểu cách mà người Hy La—hay người Trung Hoa và Ấn Độ--nhìn thấy. Hầu hết các nền văn hóa tin rằng lịch sử đi theo đường tròn. Có lúc đi lên thì sẽ có lúc đi xuống. Một cái nhìn khác cho rằng nếu sự việc từng tốt hơn trong quá khứ thì càng đi về quá khứ bao nhiêu, sự việc sẽ càng tốt hơn bấy nhiêu. Nhưng J.B. Bury cho thấy trong cuốn The Idea of Progress, người Tây Phương nghĩ về sự tiến bộ không dưới dạng vòng tròn nhưng mũi tên. Các ý tưởng hiện đại của chúng ta về "phát triển" và "tiến bộ" là một hình thức thế tục của ý tưởng quan phòng của Kitô Giáo.11 Bài tường thuật của Kitô Giáo về lịch sử được Thiên Chúa dẫn dắt từ khi bắt đầu cho đến chấm dứt—câu chuyện sáng thế, nhập thể, và phán xét sau cùng--được hoán chuyển thành câu chuyện tiến bộ của con người. Do đó, qua nỗ lực của con người chúng ta có thể chu toàn một loại đòi hỏi tinh thần là tiếp tục làm cho sự việc tốt đẹp hơn. 
 
Khía cạnh sau cùng của di sản Kitô Giáo về con người lầm lỗi và sự toại nguyện bình thường cũng phải được nhấn mạnh. Đây là sự chú trọng đặc biệt của văn hóa chúng ta đến lòng trắc ẩn, đến sự giúp đỡ người có nhu cầu, và vơi bớt đau khổ dù ở những nơi xa xôi. Nếu có nạn đói khủng khiếp hay tin tức về sự diệt chủng ở Phi Châu, hầu hết những người ở các văn hóa khác đều dửng dưng. Như ngạn ngữ Trung Hoa có câu, "Nước mắt người lạ chỉ là nước lã." Nhưng ở Tây Phương đây, chúng ta vội vã giúp đỡ. Các chương trình cứu tế lớn lao được thành hình. Ca sĩ Bono phát động chiến dịch gây quỹ. Nhiều khi có cả sự can thiệp quân sự để chấm dứt việc sát hại. Một phần của lý do tại sao chúng ta làm như vậy là vì những thừa nhận của Kitô Giáo. Những người đó cũng là con người như chúng ta. Họ cũng đáng được hạnh phúc. Nếu chúng ta may mắn hơn họ, chúng ta phải thi hành bất cứ gì có thể để cải tiến số phận của họ. 
 
Người Hy La xưa không tin vào điều này. Họ chủ trương một quan điểm mà nó rất phổ thông trong các nền văn hóa khác ngày nay: đúng vậy, đó là một vấn đề, nhưng không phải vấn đề của chúng ta. Aristotle có quan điểm rất gần với Kitô Giáo, ông viết rằng người cao trọng thực sự giúp đỡ người có nhu cầu. Nhưng trong quan điểm của Aristotle, họ làm như vậy là vì tính hào phóng, để chứng tỏ sự hào hiệp của mình và ngay cả sự ưu việt đối với những người dưới. Giới quý tộc xưa bỏ tiền xây nhà tắm, tượng, và công viên để có tên của mình và chứng tỏ sự qúy phái của dòng họ và sự vĩ đại cá nhân. Đây không phải là quan điểm của Kitô Giáo, vì nó đòi hỏi chúng ta hành động vì lòng trắc ẩn, mà nó có nghĩa "cùng đau khổ với người khác." Chúng ta giúp trẻ em chết đói ở Haiti và Rwanda không vì chúng ta tốt hơn họ nhưng vì tất cả chúng ta đều cùng chung một con tầu. Sự khiêm tốn Kitô Giáo thì rất trái ngược với sự hào hiệp cổ điển. 
 
Chính tinh thần yêu thương hỗ tương và bác ái chung của Kitô Giáo khiến người ngoại đạo và Rôma phải sửng sốt. Trong thế kỷ thứ tư, hoàng đế Julian, người tìm cách làm sống lại chế độ ngoại giáo, cũng phải công khai thán phục phương cách mà Kitô Hữu chăm sóc người nghèo, người góa bụa và các cô nhi, cũng như người đau yếu và hấp hối. Tuy có vẻ rất mâu thuẫn, những người rất tin vào thế giới đời sau thì lại thi hành nhiều điều để cải tiến tình trạng của những người đang sống trong thế giới bây giờ. 
 
Ở Tây Phương, Kitô Hữu xây các bệnh viện đầu tiên. Lúc đầu chỉ dành cho Kitô Hữu, nhưng dần dà họ mở cửa cho bất cứ ai, kể cả người Hồi Giáo mà đi vào đất Kitô Giáo chỉ với mục đích xâm chiếm. Ngày nay nhiều bệnh viện mang tên Kitô Giáo—Bệnh Viện Thánh Gioan, Bệnh Xá Thánh Luca, Nhà Thương Methodist, Bệnh Viện Lutheran, và vân vân—và các tổ chức cứu tế tỉ như Salvation Army và Red Cross chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, đôi khi rất ít, mà đã giúp thành hình. Tương tư như thế là các tổ chức như Rotary Club, Kiwanis Club, và YMCA, tất cả đều can dự đến các sinh hoạt dân sự và bác ái. 
 
Kitô Giáo cũng tạo thành nhiều nhân vật vĩ đại, từ "Vincent de Paul" đến Mẹ Têrêsa, người đã dành cả cuộc đời để phục vụ người nghèo và bệnh tật. Không ở bất cứ đâu—trong các tôn giáo khác hay trong xã hội trần thế--chúng ta tìm thấy những điều như vậy. Người ta không phải là một Kitô Hữu hay ngay cả một tín đồ để nhận thực rằng chính niềm tin ở Tây Phương này đã hoàn thành những điều không thể ngờ nhằm thăng tiến đời sống con người và giảm bớt đau khổ cho nhân loại. 
 
Dinesh D'Souza  
(trích trong cuốn What's So Great About Christianity – Pt Giuse TV Nhật chuyển dịch)