Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (3)
(tiếp theo)
Lạc vào Rừng Nấm
Cha Thomas Rosica là tùy viên báo chí nói tiếng Anh của Vatican cạnh THĐ. Ngài vốn là một học giả Thánh Kinh và là một giảng viên đại học, tổng giám đốc Cơ Sở Truyền Thông Muối Đất và Ánh Sáng và Hệ Thống Truyền Hình Công Giáo của Gia Nã Đại, và là thành viên của Tổng Công Hội Dòng Thánh Basiliô (CSB). Ngài cho biết ít điều về Trung Tâm Đầu Não của THĐ trên bản tin Zenit ngày 5 tháng Mười như sau:
Tháng Sáu vừa qua, lúc nghe tin được phái qua Vatican phục vụ tại THĐ giám mục thế giới họp bàn về “Lời Chúa Trong Đời Sống và Sứ Vụ Giáo Hội”, trí khôn tôi cứ quanh quẩn với thật nhiều câu hỏi suốt từ mùa hè qua cho tới lúc cuộc phiêu lưu của Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ 12 của THĐ Giám Mục Thế Giới, là THĐ, bắt đầu vào hôm nay.
Các THĐ thực ra thực hiện và đạt được điều gì? Có gì rút ra được từ hàng bộ các tham luận, bá cáo, sứ điệp gửi dân Chúa, đề nghị và tông huấn của các THĐ trước đây không? Làm thế nào các cuộc họp của Giáo Hội hoàn vũ này tiếp diễn được tính hiệp đoàn đầy sính động của Công Đồng Vatican II? Các THĐ này gây được tác động gì đối với đời sống các tín hữu bình dân sống thật xa Rôma? Vai trò của một tùy viên báo chí phụ trách vấn đề ngôn ngữ cho một cuộc họp đáng sợ như thế này là thế nào?
Theo điều 5 Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Tử của Giám Mục, mục đích tổng quát của THĐ đã được trình bầy rõ ràng trong Giáo Luật (khoản 342). Điều này nói rằng THĐ bao gồm các giám mục thuộc nhiều vùng khác nhau trên thế giới họp nhau để giúp ý kiến cho Đức Giáo Hoàng và để xem sét những vấn đề liên quan đến hoạt động của Giáo Hội trong thế giới.
Chủ đề của THĐ năm nay làm tôi chú ý rất nhiều, vì tôi vốn là một sinh viên và là một giáo sư đầy cảm kích về môn Thánh Kinh từ năm 1990. 18 năm nghiên cứu và dạy dỗ, thuyết trình và giảng giải Thánh Kinh tại Giêrusalem, Giođăng, Gia Nã Đại, Ý và Mỹ nhắc tôi nhớ món nợ tôi vốn mắc với các vị giáo sĩ vĩ đại tại Regis College thuộc Trường Thần Học Toronto (từ 1982-1985), Viện Thánh Kinh Giáo Hoàng ở Rôma (1987-1990) và Trường Thánh Kinh và Khảo Cổ Pháp tại Giêrusalem (1990-1994), nơi tôi học được lòng mộ mến Sách Thánh.
Trước khi đi vào chi tiết, tình tiết lâm ly, những chiếc bù loong con ốc của THĐ năm nay, xin cho phép tôi được chia sẻ một số cảm nghĩ và niềm hy vọng riêng của mình đối với kinh nghiệm này.
Trong nhiều năm dạy Sách Thánh vừa qua, nhất là tại Phân Khoa Thần Học của Đại Học Thánh Michael tại Toronto, tôi thường nghe các ứng viên đang chuẩn bị đi vào thừa tác vụ của Giáo Hội nói với nhau: “Các khóa Thánh Kinh cũng giống như việc mổ xẻ tử thi trong nhà xác…Không ai dạy bọn mình cách ghép cơ thể lại với nhau sau khi mổ xẻ tứ tung”. Hay: “Trái tim và linh hồn của Thánh Kinh không xuất hiện sau khi đã phân tách bản văn”.
Các vấn nạn
Tôi hy vọng THĐ năm nay về Lời Chúa sẽ đặt ra những câu hỏi thực sự và đưa ra những gợi ý tích cực làm thế nào để biến Lời Chúa thành sống động trong Giáo Hội và trên thế giới. Như một cộng đồng Giáo Hội, ta phải tự hỏi: trái tim ta có rực lửa yêu thương Lời Thiên Chúa không? Lời của Người có thách thức chúng ta và sai chúng ta vào trần gian để tạo ra sự khác biệt không? Liệu việc ta đọc và giảng Lời Chúa có dẫn ta tới Chúa Giêsu không? Các học giả, giáo sư và sinh viên Thánh Kinh Công Giáo có được chuẩn bị đích đáng để rút tỉa được gì từ các kiến thức chú giải cũng như đời sống đức tin và cầu nguyện của mình giúp làm cho các đồng đạo Công Giáo của mình biết khám phá ra ý nghĩa Lời Chúa đối với ngày nay không?
Ta phải xử sự thế nào với các vấn đề nghiêm trọng do chủ nghĩa cực đoan về thánh kinh (và cả về thần học nữa) đặt ra, mà thực tế chỉ là những vấn đề bẻ cong Chúa Giêsu và Thiên Chúa cho phù hợp với sự an toàn tôn giáo? Chủ nghĩa cực đoan bảo rằng: “Thực sự bạn không cần phải suy nghĩ chi hết, tài liệu hay bản tuyên bố cổ kính này là câu giải đáp cho bạn, tất cả đều đã được soạn sẵn cả rồi”. Trong trường hợp chủ nghĩa cực đoan thánh kinh, Lời Thiên Chúa được nhấn mạnh đến nỗi người ta quên khuấy chính người phàm đã viết ra nó và cũng chính người phàm đã tiếp nhận nó. Khi các nhà cực đoan là những người duy nhất cung cấp kiến thức về Thánh Kinh cho người ta, tất nhiên ai cũng phải chạy tới với họ. Thành ra, ta cần một phương thức tiếp cận Thánh Kinh vững chắc, có tính bác học nhưng đồng thời lại đầy tính chất cầu nguyện, phương thức này sẽ vừa nuôi dưỡng phần hồn vừa làm trí khôn ta thoả mãn.
Nhìn lại các thay đổi to lớn trong đời sống Giáo Hội tiếp sau Công Đồng Vatican II, ta không bao giờ có thể đánh giá thấp mối liên hệ quan yếu giữa phụng vụ và việc giải thích Thánh Kinh. Trong phụng vụ, Lời Thánh Kinh hết sức sinh động và chứa đầy huyền nhiệm Chúa Kitô.
Ta có thể nói chính xác rằng Thánh Kinh cung cấp cho ta cả một từ vựng (lexicon) cho ngôn từ Kitô giáo còn phụng vụ chính là văn phạm để ta biết cách dùng từ vựng kia. Điều ấy phải luôn là nguyên tắc hướng dẫn trong các cố gắng của ta nhằm làm cho Lời Chúa nên sống động đối với Giáo Hội ngày nay. Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng phương thức tiếp cận Thánh Kinh hoàn toàn dựa vào sử học chỉ có thể cung cấp cho ta một mớ hỗn độn các tài liệu thuộc nhiều thời kỳ và nơi chốn khác nhau của thế giới cổ thời. Nó không thể mang lại cho ta cuốn sách của Giáo Hội, tức Thánh Kinh, như đã được các Kitô hữu lắng nghe trong nhiều thế kỷ qua, các thánh vịnh từng in dấu trong linh hồn Giáo Hội, các lời và hình ảnh vốn làm chứng cho Chúa Ba Ngôi.
THĐ này sẽ xem sét các hoa trái tích cực của Phong Trào Canh Tân Thánh Kinh, một phong trào đã mọc cánh và bay lên cao thời Công Đồng Vatican II. Các nghị phụ của THĐ năm nay, gồm các hồng y, giám mục và chuyên viên đến từ khắp thế giới, sẽ đề cập tới nhiều dấu chỉ và kho tàng hy vọng trong Giáo Hội ngày nay, từng nghiêm chỉnh tiếp nhận và giữ cho phong trào canh tân Thánh kinh của thời hậu Công Đồng sống còn.
Nhưng các vị cũng sẽ nêu lên nhiều câu hỏi và ưu tư liên quan đến những lãnh vực còn cần được nghiên cứu, theo đuổi và thách thức liên quan đến việc hiểu, nhìn nhận và tiếp nhận Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội và trong đời sống các tín hữu khắp thế giới.
”Ngũ nhân bang”
Đến đây, xin chấm dứt các suy nghĩ về thần học và thánh kinh của tôi. Bây giờ xin đề cập đến một số các tình tiết ly kỳ của THĐ mà ít người được biết
Hôm thứ Sáu, các tùy viên báo chí của Vatican, đại diện cho năm ngôn ngữ, và được các giới ở Vatican gọi là “ngũ nhân bang”, được giới thiệu để biết qua các màu nhiệm và lối làm việc bên trong THĐ. Ngũ nhân bang này gồm Đức Ông Giorgio Constantino (tiếng Ý), Đức Ông Joseph Bato’ora Ballong Wen Mewuda (tiếng Pháp), gọi tắt là Đức Ông Joseph, Jésus Colina (tiếng Tây Ban Nha), Cha Dòng Salêgiêng Markus Graulich (tiếng Đức) và cá nhân tôi (tiếng Anh).
Sau cuộc gặp gỡ có chất lượng nhưng khá thân mật với đức tổng giám mục người Croatia là Nikola Eterovic, tổng thư ký THĐ, và Cha Dòng Tên đầy duyên dáng và khôn ngoan là Cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Vatican, chúng tôi chính thức nhận được thừa ủy nhiệm của Vatican vừa phục vụ THĐ vừa phục vụ ngành truyền thông. Sau đó được cấp danh hiệu chính thức bằng tiếng Latinh, không phải chỉ là tùy viên báo chí mà đúng hơn là "Deputati Notitiis Vulgandis." (Đại Biểu Phổ Biến Tin Tức) và cá nhân tôi được chỉ định phổ biến bằng “Lingua Anglica” (tiếng Anh). Trong Tập chỉ dẫn của THĐ, tôi được liệt kê là “Director Exsecutivus Retis Televisifici Catholici "Salt and Light" (Canada) (Tổng giám đốc Hệ Thống Truyền Hình Công Giáo “Muối và Ánh Sáng”. Một số bạn hữu của tôi chỉ hiểu được bốn chữ cuối cùng. Ở Canada, họ gọi tôi là CEO (chief executive officer).
Chúng tôi được chỉ thị đi trình diện ở “Fungo” (Nấm). Tôi quen thuộc hơn với hình thức số nhiều của “fungo” tức “funghi” trong món tagliatelle ai funghi porcini (món pasta nổi tiếng) hay món pizza margherita con funghi. Nhưng đây là Nấm của Vatican ạ! Người ta bảo “Nấm” đặt tại phía sau phòng yết kiến bên trong Thành Vatican. Mà Thành Vatican thì ngoại trừ Đức Ông Giorgio, một tay lão luyện với các THĐ, chẳng ma nào trong chúng tôi biết mô tê ra sao cả.
Leo hết cầu thang phía sau đại sảnh đường Phaolô VI, chúng tôi băng qua khá nhiều các cửa “hạn chế” rồi mới tới một khu khá dã chiến nhưng đang sinh hoạt rầm rộ như một tổ ong. Tôi hết sức ngạc nhiên với khung cảnh bên trong “chiếc nấm” vĩ đại này, đang được đôn đốc bởi một vị người Hòa Lan tên là Vik Van Brategem, phụ tá Phòng Báo Chí của Vatican, khá ‘nổi tiếng’ trong việc lùa như lùa vịt đoàn báo chí của Vatican trong các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng. Hơn 40 người trưởng thành, thuộc nhiều quốc gia khác nhau, đang làm việc chăm chỉ, trong các nhóm ngôn ngữ, trên các màn hình vi tính, theo dõi các bản dịch của tất cả các thông cáo báo chí cũng như mọi tài liệu của THĐ.
Tôi hết sức thán phục sự trật tự, tính bình thản, nghiêm túc và chuyên nghiệp của toàn bộ khu vực này và được cho hay: nhóm quốc tế này luôn dành giờ nhiều lần trong ngày để cầu nguyện. Với tôi, thật là ấm lòng, thật là phấn khích và linh hứng được chứng kiến tận mắt biết bao con người tươi trẻ đang làm việc chăm chỉ tại trung tâm đầu não của THĐ giám mục thế giới, tạo xương thịt, ý nghĩa và sự nhất quán cho thật nhiều ngôn từ sẽ được nói lên và chứng tỏ cho mọi người thấy cả các THĐ nữa cũng thân thiết với những người trưởng thành tươi trẻ!
Tiện thể, xin cũng nói sở dĩ gọi là “nấm” vì cái cấu trúc tân thời bằng xi măng, xây dựng tại khu đậu xe, nhằm che cho Đức Giáo Hoàng và các vị khách đặc biệt khỏi khí hậu bất thường khi các vị bước vào đại sảnh đường dự các buổi gặp mặt đông đảo. Cấu trúc này trông y hệt một chiếc nấm vĩ đại, rất hiện đại và rất mới, xem ra chẳng ăn khớp chút nào với những di tích và tồn dư lịch sử của Thành Vatican.
Xin hãy tiếp tục theo dõi các lời từ THĐ giám mục thế giới về “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh Giáo Hội”, chủ đề của chương kết thúc trong Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa “Dei Verbum” và là tiếp hậu tự nhiên của THĐ năm 2005 về “Phép Thánh Thể: Nguồn Gốc Và Đỉnh Cao của Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”.
Khủng hoảng tài chánh và Lời Chúa
Mở đầu buổi suy niệm với 244 nghị phụ của THĐ vào ngày 6 tháng Mười, Đức Bênêđíctô XVI cho rằng khủng hoảng tài chánh hiện nay cho thấy tầm quan trọng của Lời Chúa. Tiền bạc cũng như mọi điều “thiếu một thực tại chân thực để tùy thuộc vào” đều sẽ tan biến đi, đều là không, đều là những yếu tố thuộc hàng thứ yếu. Lời Chúa mới thực sự là căn bản cho mọi sự, nó mới là thực tại chân thực. Muốn là những người duy thực, ta phải dựa vào thực tại này.
Đức Giáo Hoàng cũng nhắn nhủ mọi người phải thay đổi ý niệm cho rằng chỉ có vật chất, những sự việc cứng chắc, rờ mó được mới là những thực tại vững chắc, an toàn nhất. Ta nên nhớ lại Chúa Giêsu từng nói đến hai kiểu xây nhà: một kiểu xây trên cát và một kiểu xây trên đá. Đức GH nói rằng những người xây dựng trên các sự vật hữu hình, rờ mó được như thành công, nghề nghiệp, tiền bạc là đang xây dựng trên cát. Bề ngoài xem ra là những thực tại chân thực, nhưng một ngày kia sẽ tan biến đi. Lời Chúa mới là nền tảng vững chắc, là đá tảng cho mọi xây dựng của ta, là chính thực tại để ta dựa vào.
Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã hội, sau đó nói với báo chí rằng Đức Giáo Hoàng muốn mời gọi thính giả của Ngài coi kinh tế tài chánh như một “thứ đi trước thực tại” (penultimate reality), nghĩa là một cái gì đó dọn đường cho thực tại. Đức Tổng Giám mục giải thích rằng so sánh với Lời Chúa, mọi thực tại khác đều có giới hạn, chúng quả tình dọn đường cho chân lý, chứ không phải là chân lý sau cùng. Trọng tâm chủ đề được Đức Giáo Hoàng nói tới không phải là tình hình kinh tế hiện nay, mà là tầm quan trọng của Lời Chúa trong lối sống của con người. So với vầng sáng này, mọi chiều kích khác đều chỉ như những đám mây mau tan biến.
Dấu hiệu hy vọng và yêu thương
Sau khi tham dự phiên họp buổi chiều của ngày đầu tiên tại THĐ, Shear Yashuv Cohen, trưởng giáo sĩ Do Thái của Haifa, vị giáo sĩ Do Thái đầu tiên tham dự và phát biểu trước THD giám mục thế giới, cho hay việc ông tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Giáo Hội là một dấu chỉ đầy hy vọng và yêu thương.
Cohen nhận định rằng “Có cả một lịch sử lâu dài, khó khăn và đau đớn trong mối liên hệ giữa dân tộc chúng tôi, niềm tin của chúng tôi, và các nhà lãnh đạo cũng như tín hữu của Giáo Hội Công Giáo, một lịch sử đầy máu và nước mắt. Tôi sâu sắc cảm nhận rằng việc tôi hiện diện tại đây hôm nay trước mặt qúy vị hết sức có ý nghĩa. Nó mang theo nó một dấu chỉ hy vọng và một sứ điệp yêu thương, đồng hiện hữu, và hòa bình cho thế hệ chúng ta và cho các thế hệ sắp đến”.
Nói đến vai trò Thánh Kinh trong niềm tin Do Thái, vị giáo sĩ này phát biểu rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng cách dùng chính Lời của Người, như đã được thuật lại trong Thánh Kinh. Cũng thế, chúng tôi ca ngợi Người, cũng bằng cách dùng chính Lời của Người trong Thánh Kinh. Chúng tôi xin Người xót thương, bằng cách nhắc đến những điều Người đã hứa với tổ tiên chúng tôi và với chính chúng tôi.Toàn bộ việc phụng sự của chúng tôi đặt căn bản trên luật lệ cổ xưa, như đã được các giáo sĩ và thầy dạy kể lại cho chúng tôi: ‘Hãy trao lại cho Người điều vốn thuộc về Người, vì các ngươi và mọi sự các ngươi có đều là của Người’”.
Ông cũng cho hay giáo sĩ Do Thái Giáo sử dụng Thánh Kinh để đề cập tới các vấn đề làm họ ưu tư như sự sống, chủ nghĩa thế tục, tình yêu và hòa bình. “Khởi điểm của chúng tôi bắt nguồn từ kho tàng truyền thống tôn giáo, dù chúng tôi cố gắng nói thứ ngôn ngữ cận đại và hiện đại và đề cập tới các vấn đề hiện nay”. Theo ông, thật là kỳ diệu khi thấy Thánh Kinh không bao giờ mất đi sinh lực của nó cũng như tính liên quan của nó với các vấn đề hiện nay của thời ta. “Đó quả là một phép lạ”.
Một thông điệp về Thánh Kinh
Chỉ ít phút sau khi THĐ về Lời Chúa nhóm họp, người ta thấy đã xuất hiện một đề nghị xin Đức Bênêđíctô XVI ban hành một thông điệp về việc giải thích Thánh Kinh.
Đề nghị này được Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng giám mục Quebec, trình bầy trong phiên khoáng đại đầu tiên của THĐ. Đức Hồng Y cho hay: các phân khoa thần học và các nhà chú giải đôi khi không nhất trí với cái nhìn của huấn quyền về Thánh Kinh. Trong bối cảnh ấy, ta thấy có quá nhiều dị biệt về giải thích đến nỗi mối liên kết nội tại giữa khoa chú giải và đức tin không còn nhất trí nữa và do đó sự căng thẳng mỗi ngày mỗi gia tăng hơn giữa các nhà chú giải, các chủ chăn và thần học gia.
Đức Hồng Y Ouellet nói thêm: “Chắc chắn khoa chú giải theo phương thức phê bình sử học (historical-critical) ngày càng được xem sét cùng với các phương pháp khác, mà một số khá nhất trí với thánh truyền và lịch sử chú giải. Nhưng xét chung, sau nhiều thập niên quá chú trọng tới việc can thiệp của con người vào Thánh Kinh, ta há chẳng nên tái khám phá ra sự sâu sắc của Chúa trong bản văn linh hứng mà không bỏ qua các sở đắc qúy giá có được nhờ các phương pháp tân tiến kia chăng?”.
Theo ĐHY, khi giải thích Thánh Kinh, ta không nên coi việc giải thích ấy như một công việc chỉ có tính khoa bảng, vì Lời Chúa thẩm thấu mọi chiều kích của con người. Hơn nữa, như lời ĐHY Ouellet nói với báo chí sau đó, cần phải tạo ra mối tương quan giữa các nhà chú giải và thần học gia với các giám mục, một tương quan phải vượt trên kình chống mà đạt tới hiệp thông, bằng cách đôi bên phải rõ ràng tôn trọng phần đóng góp của nhau. Ngài lấy các cố gắng của phong trào giáo dân Focolare làm điển hình cho mối tương quan này.
Đây là cơ hội tốt để THĐ xem sét khả thể có được một thông điệp bàn đến việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, dù hiện nay đã có một tài liệu về vấn đề này do Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh ban hành. Vì một văn kiện Giáo hoàng vẫn ‘nặng ký’ hơn.
Vũ Văn An