Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (4)
Uống cà phê với các nhà lãnh đạo Giáo Hội
Cha Thomas Rosica, CSB, một trong “ngũ nhân bang” tùy viên báo chí của THĐ, tường trình một vài chi tiết về sinh hoạt của THĐ trên bản tin Zenit ngày 7 tháng Mười.
Dù phòng họp của THĐ không rộng lớn như lòng Nhà Thờ Thánh Phêrô của Công Đồng Vatican II, nhưng cấu trúc và tổ chức chính thức vẫn có đó. Thí dụ, Đức Bênêđíctô XVI, có ba vị chủ tịch đại biểu, vị tổng thư ký, vị thuyết trình tổng quát và vị thư ký riêng ngồi chung quanh, giữ vai chủ toạ các buổi họp của THĐ, tại một chiếc bàn dài đặt phía trước một giảng đường hiện đại. Các hồng y, thượng phụ, tổng giám mục, giám mục, chuyên viên, đại biểu anh em, các dự thính viên và các tùy viên báo chí chính thức đều có ghế ngồi dành riêng. Tuy nhiên, trong phòng, người ta thấy một bầu khí hết sức tự nhiên thoải mái và thân thiện.
Hôm qua và hôm nay, các nghị phụ cố gắng sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử mới được thiết lập, nhưng gặp khá nhiều trục trặc cần phải điều chỉnh. Điều ấy là đầu đề cho nhiều vui đùa bỡn cợt ngay trong phòng họp, như “qúy ngài ở bên trái (sinistra, cũng có nghĩa là tai họa) bỏ phiếu không đúng cách” hay “các thượng phụ không chịu đăng ký”. Cả Đức Giáo Hoàng cũng tỏ ra biết thưởng thức những giây phút thư giãn ấy khi chứng kiến các giám mục anh em của mình đến từ khắp nơi trên thế giới đang loay hoay sử dụng “kỹ thuật mới” nhưng không chịu làm việc này!
Đúng giờ
Điều hết sức thán phục và có tính xây dựng là trong hai ngày đầu tiên, các nghị phụ tới họp đúng giờ như boong và tỏ ra hết sức kính trọng 5 phút tham luận của mỗi vị. Trong phiên họp sáng nay, có 23 giám mục lên tiếng trước ĐH, nhưng chỉ một vài vị đi quá số phút đã ấn định chừng vài giây mà thôi. Khi máy vi âm bị tắt đi sau thời hạn 5 phút kia, không thấy có phản ứng gì lớn trong phòng họp cả, chỉ thấy những nụ cười trên khuôn mặt các tham dự viên!
Giống như trong các buổi nghỉ uống cà phê của Vatican II, người ta cũng thấy những giây phút thật thân ái, đầy khám phá và trao đổi ý tưởng cũng như danh thiếp trong những lúc nghỉ giải lao của THĐ. Nếu có thì giờ nào dành cho việc kết nối giao tế trong Giáo Hội, thì đó chính là những lúc nghỉ uống cà phê của THĐ tại lầu nhất của Sảnh Đường Phaolô VI trong Thành Vatican.
Các vị đứng nối đuôi chờ cà phê và một mẩu bánh ngọt của Ý, chung quanh là cha bề trên tổng quyền Dòng Tên, bề trên Cộng Đồng Taizé bên Pháp, hồng y quốc vụ khanh, hiệp sĩ tối cao của Hội Hiệp Sĩ Columbus, các nữ tu Châu Phi từng dạy Thánh Kinh lâu năm trong các chủng viện, các phụ nữ chuyên viên được Đức Giáo Hoàng mời tới THĐ, và hầu hết các vị đứng đầu các bộ và văn phòng của Giáo Triều Vatican.
Người ta thấy rõ sự bình đẳng tại chỗ này của phần đất Vatican. Và trong khi các nghị phụ tiếp tục họp sau nửa giờ nghỉ uống cà phê, thì Đức Giáo Hoàng nghỉ giải lao tại căn phòng bên cạnh, nơi hàng ngày Ngài tiếp nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại THĐ, nhờ thế mà chia sẻ thì giờ qúy báu với các nhóm đại biểu của thế giới nhân biến cố lớn lao xẩy ra trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội này.
Một số sự việc đáng lưu ý
Các tham luận tại THĐ cứ liên tục, hết tham luận này tới tham luận khác, đôi khi thật khó sắp xếp theo loại, nhất là trong các phúc trình hàng ngày phải cung cấp cho báo chí tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh. Được cái nhờ các ghi chép và bản văn của chính các nghị phụ nên các phúc trình kia dễ xuôi chẩy, có thứ tự.
Hôm nay, tham luận của Đức Cha Michael Putney, giám mục Townsville của Úc, rất đáng lưu ý khi ngài cho hay đất nước của ngài là một quốc gia thế tục bậc nhất trên thế giới. Ngài nói: “Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhiều người Úc và Tân Tây Lan có cảm tưởng rằng hứa hẹn phúc âm hóa cuối cùng có thể xẩy ra bất kể cái tính khư khư không chịu thẩm thấu trong nền văn hóa thế tục”.
Ngắm Giáo Trưởng Shear Yashuv Cohen của Haifa, Israel, ngỏ lời với THĐ trong ngày khai mạc hôm Thứ Hai khiến người ta nhớ đến giây phút lịch sử đang diễn ra tại Phiên Họp Thường Lệ lần thứ 12 của THĐ giám mục tại Vatican. Vị giáo trưởng này phát biểu: “Tôi sâu sắc cảm nhận được rằng việc tôi đứng trước mặt qúy vị đây hết sức có ý nghĩa. Nó mang theo nó một dấu hiệu hy vọng và một sứ điệp yêu thương, đồng hiện hữu và hòa bình cho thế hệ của chúng ta và cho các thế hệ sắp tới”.
Nhân dịp này, ông nhắc tới Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II và cho rằng việc ông được mời tới THĐ là một tiếp nối chính sách và học lý của hai vị GH trên, một chính sách và học lý từng gọi người Do Thái là “các người anh lớn của chúng tôi” là “Dân Chúa Chọn” trong một giao ước vĩnh viễn. Ông đánh giá cao những tuyên bố như thế.
Ông cũng cho hay các lãnh tụ và thành viên của cộng đồng Công Giáo Saint Edigio đã dẫn khởi ông vào tinh thần Đại Kết mới này. Ông thường tham dự các buổi gặp gỡ quốc tế do phong trào này tổ chức, theo gợi hứng từ buổi cầu nguyện thời danh tại Assisi.
Trong phần trình bầy về vai trò của Thánh Kinh trong đời sống người Do Thái và cả trong sinh hoạt của quốc gia Do Thái, ông nhắc đến sự kiện: trong suốt 50 năm qua, một trong các biến cố chính được tổ chức nhân Ngày Độc Lập của quốc gia Israel là Cuộc Thi Thánh Kinh Toàn Quốc, với sự tham dự không những của học sinh các trường tôn giáo của chính phủ mà còn của cả các học sinh các trường thế tục nữa. Các em đại diện cho mọi thành phần trong xã hội và mọi nơi trên thế giới. Giai đoạn cuối cùng được tổ chức tại Giêrusalem trước sự hiện diện của Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng Giáo Dục, Thị Trưởng Giêrusalem, cũng như nhiều vị vọng khác và được báo chí phổ biến rộng rãi.
Thánh Kinh, Thánh Truyền, Huấn Quyền
Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cho hay Thánh Kinh và Thánh Truyền kếp hợp với nhau cách không thể tách biệt được vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn duy nhất. Đức Hồng Y William Levada, một trong các chủ tịch đại biểu của THĐ, trong khi lên tiếng vào ngày Thứ Hai, nói rằng: “Chỉ có truyền thống sống động của Giáo Hội mới giúp người ta hiểu Thánh Kinh như lời chân chính của Chúa, Lời hướng dẫn, ra luật lệ cho đời sống của Giáo hội, giúp tín hữu lớn mạnh về phương diện thiêng liêng. Điều ấy bao hàm việc bác bỏ bất cứ lối giải thích nào chỉ có tính chủ quan hay thuần túy thực nghiệm hay là kết quả phân tích một chiều, không có khả năng nắm được ý nghĩa toàn bộ vốn hướng dẫn Truyền Thống của toàn thể Dân Chúa suốt trong các thế kỷ qua”. Chính trong bối cảnh ấy đã phát sinh ra “sự cần thiết và trách nhiệm của huấn quyền”
Nhắc lại lời hy vọng của Đức Bênêđíctô muốn thấy THĐ “giúp tái khám phá ra tầm quan trọng của Lời Chúa”, ĐHY Levada cho hay các nghị phụ rất nghiêm chỉnh trước niềm hy vọng ấy vì “cùng đích của mạc khải Thiên Chúa là sống hiệp thông với Chúa”. Nên ta hãy hướng lòng lên Chúa Kitô, ánh sáng thế gian và là thầy dạy duy nhất của ta.
Lời Chúa không phải chỉ là Thánh Kinh
Tiếp theo, ĐHY Marc Ouelett, tổng giám mục Québec, đăng đàn cho hay Lời Chúa không phải chỉ là Thánh Kinh. Theo ngài, Kitô giáo không phải là tôn giáo của Sách. Ngài nói: “Lời Chúa trước nhất có nghĩa là chính Thiên Chúa nói, chính Thiên Chúa tự trong mình phát biểu ra Lời Thần Thánh vốn thuộc mầu nhiệm thân thiết của chính Người”.
Trong bài trình bầy bằng tiếng La Tinh, ĐHY cho hay: Lời Chúa nói một cách hết sức đặc thù và đầy cảm kích trong lịch sử con người, nhất là trong việc tuyển chọn một dân riêng, trong lề luật Môsê và trong các tiên tri. Bài trình bầy này được kèm theo nhiều hình ảnh mỹ thuật chiếu trên một màn ảnh lớn. Ngài kết luận rằng sau khi đã nói nhiều cách, Lời Chúa đã “tóm lược và hoàn tất mọi điều một cách độc đáo, hoàn hảo và dứt điểm trong Chúa Giêsu Kitô”.
Dân Do Thái và Thánh Kinh
Đến lượt mình, Đức Hồng Y Vanhoye, cựu viện trưởng Viện Thánh Kinh Giáo Hoàng, lên trình bầy về đề tài “Dân Do Thái và Sách Thánh của họ trong Thánh Kinh Kitô Giáo”, vốn là chủ đề của tài liệu do Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, mà ĐHY là thư ký, soạn thảo và công bố năm 2001. Ngài phân tích cặn kẽ nội dung cũng như phương thức làm việc của tài liệu qúy giá này để rồi nhấn mạnh: Tân Ước làm chứng rằng Chúa Giêsu không chống đối Sách Thánh Do Thái, trái lại đã hoàn tất chúng trong Con Người, trong sứ mệnh và nhất là trong mầu nhiệm vượt qua của Người… Thực vậy, không một chủ đề quan yếu nào trong Cựu Ước lại không được ánh sáng Kitô học chiếu sáng một cách mới mẻ.
Một cách đặc thù, Tân Ước đương nhiên coi việc tuyển chọn Israel, tức dân của Giao Ước, là một việc không thể thu hồi được: Tân Ước bảo toàn các đặc quyền của Dân này (Rm 9:4) và địa vị ưu tiên của họ trong lịch sử, trong đề nghị cứu rỗi (Cv 13:23) và trong Lời Chúa (Cv 13:46). Có điều Thiên Chúa cũng đề nghị với Israel một “giao ước mới”(Giêrêmia 31:31) là giao ước nay đã được thiết lập bằng máu Chúa Giêsu. Giáo hội được lập thành bởi những người Do Thái biết chấp nhận giao ước mới này và các tín hữu khác cùng tham gia với họ. Trong tư cách dân của giao ước mới, Giáo Hội ý thức rằng mình chỉ hiện hữu nhờ thuộc về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Israel, và vì mối liên kết với các tông đồ, thẩy đều là người Do Thái. Thay vì thay thế Israel, Giáo Hội liên đới với dân tộc này. Thánh Phaolô cho hay các Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được tháp nhập vào cây ôliu tươi tốt là chính Israel (Rm 11:16, 17).
Xem như thế, Tân Ước quả trung thành với Sách Thánh của dân Do Thái, nhưng là trung thành một cách sáng tạo, một cách phù hợp với những lời sấm ngôn tiên tri từng dùng để công bố “giao ước mới” (Giêrêmia 31:31) và với ơn phúc của một “trái tim mới” và một “thần trí mới” (Êdêkien 36:26).
Tuy nhiên, tài liệu mà Đức HY Vanhoye trình bầy với THĐ, quả quyết rằng Tân Ước bất đồng một cách nghiêm trọng với phần lớn dân Do Thái vì đây chủ yếu là lời công bố về sự hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Lời công bố này không được phần lớn dân Do Thái chấp nhận. Nhưng bất đồng không có nghĩa là thù nghịch. Như thánh Phaolô trong thư Rôma 9:11 từng nói: thái độ tôn trọng, qúy mến và yêu thương đối với dân Do Thái phải là thái độ duy nhất có tính Kitô Giáo chân thực.
ĐHY Vanhoye cũng trích lại lời của Tài Liệu trên cho hay: “Đối thoại là điều có thể có được, vì người Do Thái và Kitô hữu đều chia sẻ một gia sản chung hết sức phong phú vốn kết hợp họ lại với nhau. Rất ước mong được thấy thiên kiến và hiểu lầm dần dần được hai bên loại bỏ, để cùng nhau hiểu biết tốt hơn cái gia sản mà họ cùng có chung và để tăng cường các giây vốn nối kết họ lại với nhau”. Việc hoàn toàn vâng phục Lời Chúa thúc đẩy Giáo Hội tiến bước theo chiều hướng trên.
Lăng kính phổ quát
Các phúc trình của các nghị phụ tại THĐ giám mục đang nhóm họp tại Vatican, ngay ngày đầu tiên, đã cho thấy một cái nhìn Thánh Kinh dưới lăng kính phổ quát. Thực vậy, hầu hết các đại diện Năm Châu đều đã phát biểu.
Châu Phi
Đại biểu Châu Phi là tổng giám mục John Onaiyekan của Abuja, Nigeria, cho rằng Phi Châu có thể tự hào là lãnh thổ Thánh Kinh mà nhiều quốc gia Kitô giáo khác không thể nào tự hào được như vậy. Ngài trưng các bậc tử đạo và hiển tu thời danh xuất thân từ các trung tâm Châu Phi như Alexandria, Carthage và Hippo. Nhưng ngài than phiền: ngày nay, kiếm được một cuốn Thánh Kinh ở Châu Phi không phải là chuyện dễ. Ngài nói: “Chi phí một cuốn Thánh Kinh ở nhiều nơi trên thế giới có thể hết sức nhỏ nhoi. Nhưng tại Châu Phi, nó có thể bằng giá một tháng lương ở nhiều vùng. Hậu quả là nhiều người không đủ tiền để sở hữu một cuốn Thánh Kinh”. Ngài cũng ghi nhận sự khó khăn trong việc dịch Thánh Kinh qua các ngôn ngữ Châu Phi “Nhiều ngôn ngữ chưa có bản dịch Thánh Kinh đích đáng… Mà cả sau khi đã nghe Lời Chúa bằng ngôn ngữ của mình rồi, vẫn còn nhiệm vụ phải giải thích lời ấy nữa mới có thể thấm nhiễm ý nghĩa thực sự của sứ điệp mà Chúa Thánh Thần muốn nhắn gửi những người nghe lời ấy. Đó chính là nhiệm vụ của giải thích, chú giải cả trên bình diện khao học lẫn trên bình diện bình dân”.
Ngài tỏ lòng hy vọng “từ THĐ này, niềm hứng khởi đối với Lời Chúa mà chúng tôi đang cảm nghiệm trên lục địa của chúng tôi sẽ được tăng cường và duy trì. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sau khi đã trình bầy câu truyện của chúng tôi về các thách đố chúng tôi đang gặp và các hạn chế trong tài nguyên của mình, chúng tôi mong nhận được nhiều trợ giúp hơn từ những người hiện đang giúp đỡ chúng tôi trong các phạm vi vừa kể”.
Á Châu
Đức tổng giám mục Tomas Menamparampil của Guwahati, India, ca tụng một khía cạnh mà ngài cho là đặc tính của Lời Chúa tại Á Châu, đó là chứng tá đi theo rao giảng
Ngài nói: “Mẹ Têrêxa là một điển hình gần đây. Các nhà truyền giáo luôn sáng tạo và đi vào nhiều lãnh vực mới. Việc phục vụ của họ trong ngành giáo dục và y tế rất được tán thưởng… Họ năng nổ trong cuộc đấu tranh vì công lý cho các nhóm bị áp bức; trong lãnh vực thay đổi xã hội, cổ động văn hóa, bảo vệ môi sinh, bảo vệ sự sống và gia đình; trong lãnh vực bênh đỡ người yếu thế, người bị chà đạp và bị đẩy ra ngoài lề, đem tiếng nói cho người không có tiếng nói…Ngay ở nơi Phúc Âm bị chống đối nhất, các nhân chứng phúc âm trong các công cuộc liên quan tới xã hội vẫn được chào đón”.
Ngài ghi nhận rằng Giáo Hội đang lớn mạnh tại Á Châu, nơi nhiều nhóm truyền giáo đã tìm ra điều ngài gọi là “các cộng đoàn biết đáp ứng” (responsive communities). Các nhóm ấy đang lớn mạnh tại Trung Hoa, Nam Dương, Miến Điện, Thái Lan và cả Ấn Độ nữa.
Sinh hoạt tôn giáo cũng được hiểu nhiều tại Á Châu. “Các giá trị tôn giáo như bỏ mình, khắc khổ, im lặng, cầu nguyện, chiêm niệm và sống độc thân rất được coi trọng…Các người tôn giáo ở Á Châu được coi như những vị bảo tồn sự khôn ngoan cả tôn giáo lẫn nhân bản. Được đào tạo đầy đủ, các tu sĩ trẻ có thể phát triển thành những người thông báo đầy hiệu quả sứ điệp Kitô giáo”.
Tuy nhiên, ngài cũng ghi nhận rằng Kitô hữu Á Châu cần được củng cố niềm tin vì họ dễ bị bách hại vì niềm tin ấy. “Tại nhiều quốc gia Á Châu, Kitô hữu đang sống dưới áp lực nặng nề. Tự do bị hạn chế, tân tòng bị xách nhiễu, cả một cộng đoàn tín hữu bị bách hại như đã xẩy ra tại Orissa, Ấn Độ, mới đây. Nhưng sự kiên tâm của cộng đoàn, sự tự chế, sự vừa phải trong đáp ứng, tinh thần tha thứ, tất cả đều là những sức mạnh phúc âm hóa”.
Âu Châu
Đại biểu Âu Châu có nhiều điều khác để trình bầy. Thực vậy, Đức HY Josip Bozanic của Zagreb, Croatia, quả quyết rằng có cả một “mối liên kết không thể tiêu hủy được giữa Thánh Kinh và Âu Châu…Tất cả những điều làm cho nền văn hóa và nền văn minh Âu Châu ra vĩ đại … đều có gốc gác trong Thánh Kinh”. Ngài cũng cho rằng ngày nay “đang có nhiều dấu hiệu cho thấy người ta quan tâm trở lại với Thánh Kinh. Tuy nhiên, một Âu Châu mà không có Thiên Chúa “liều mình trở thành môi trường nuôi dưỡng lo âu và sẽ tạo nên một nền văn minh sợ sệt… Cũng thế, Âu Châu sẽ lâm vào khủng hoảng lớn nếu nó không chấp nhận sức mạnh giải thích Lời Chúa, một giải thích đặt nền tảng trên đức tin và linh hứng. Đây là nhiệm vụ khó khăn cho mọi ngành khoa học, nhất là thần học”
Đại Dương Châu
Đại biểu của Đại Dương Châu, Đức Cha Michael Putney của Townsville, Úc, kéo mọi người chú ý tới sự va chạm văn hóa giữa người dân của châu lục này và Lời Chúa, tuy ngài cho hay các nhà truyền giáo đã đạt được khá nhiều thành quả tại đây. Ngài nói rằng các thành quả này không thiếu các hàm hồ của chúng vì các nhà truyền giáo đã đưa vào khá nhiều yếu tố hết sức xa lạ về văn hóa đối với người dân bản xứ.
Đức Cha Putney nói thêm “điều cũng thật là đôi khi các yếu tố trong nền văn hóa bản địa vốn không nhất quán với Lời Chúa nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới đời sống người dân. Đối diện với các thách đố đó, luôn có nhu cầu cần phải có các nhân viên có khả năng trong các chủng viện và viện cao đẳng tại nhiều quốc gia Đại Dương Châu”.
Theo ngài, các Giáo Hội vùng Thái Bình Dương đang gặp thách đố thay đổi văn hóa từ cộng đồng làng xã qua lối sống đô thị, do đó cuộc sống gia đình đang lâm vào nhiều căng thẳng và cấu trúc xa hội đang bị rạn nứt ở nhiều nơi. Họ cũng đang phải vật lộn đương đầu với diễn trình chính trị của Phương Tây, một diễn trình họ thừa hưởng được từ những nhà thuộc địa Âu Châu. Ngoài ra còn các đe dọa môi sinh do việc thay đổi khí hậu mang lại.
Giống như đối tác Châu Phi của Ngài, Đức Cha Putney cho hay Đại Dương Châu cũng phải đương đầu với việc có quá nhiều ngôn ngữ cần được sử dụng cho Lời Chúa. “Nói chung, tại Đại Dương Châu, hiện có khoảng 1,200 ngôn ngữ khác nhau. Mặt khác, ngài còn cho biết “Úc là một trong những nước thế tục bậc nhất trên thế giới. Tân Tây Lan có nhiều người thuộc các đảo ở Thái Bình Dương hơn, họ là những người có khuynh hướng thiên về tôn giáo, tuy nhiên nền văn hóa Âu Châu đang thịnh hành ở đấy cũng thế tục chẳng kém gì nước Úc. Ta cần phải tìm ra các cách thức mới mẻ để ơn phúc Lời Chúa được lắng nghe ở Úc và Đại Dương Châu nói chung.
Rất tiếc, bản văn của đại diện Mỹ Châu hiện chưa tới tay công chúng.
Vũ Văn An