Người ta kể về viện phụ Pô-ê-men, mỗi lần chuẩn bị đi họp, ngài thường ngồi định tâm một mình, xem lại tư tưởng trong khoảng một giờ, sau đó mới đi.
Viện phụ Pô-ê-men nói: “Ai dạy người khác mà không thực hành lời mình dạy thì người đó giống như vòi nước, cho người khác uống và tắm rửa mà mình thì không sạch.
Viện phụ Pô-ê-men nói: “Người ta nói về sự hoàn thiện nhưng lại ít thực hành để được hoàn thiện.”
Viện phụ Pô-ê-men nói: “Hãy dạy cho môi miệng con nói theo những gì chất chứa trong quả tim.”
Các thầy ở gần viện phụ Gio-an khi ngài hấp hối, ngài vui và mong mau chóng về với Chúa. Họ xin ngài một lời khuyên ngắn gọn để làm kim chỉ nam giúp họ sống trọn lành trong Đức Kitô. Tuy nhiên, ngài sầu khổ trả lời: “Chưa bao giờ cha làm theo ý riêng cũng như dạy người nào điều mà mình chưa làm được.”
Viện mẫu Xanh-lê-ti nói: “Nguy hiểm cho ai giảng dạy người khác mà không tôi luyện trong đời sống khổ hạnh. Bởi vì nếu ai có một căn nhà hư mà vnn mời khách vr nhà thì sẽ gây thiệt hại cho khách; chúng ta cũng vậy, nếu trước hết, chúng ta không xây căn nhà nội tâm, chúng ta sẽ gây thiệt hại cho ai đến gặp mình. Quả vậy, bằng lời nói chúng ta đưa họ đến cứu rỗi, nhưng lại gây thiệt hại cho họ vì thái độ xấu của mình.”
Nếu ai bước lên bục giảng mà nhớ những lời này thì chắc sẽ không giảng được lời nào. Mỗi lần thấy cha nào giảng vừa dài, vừa dỡ thì tôi ngồi run, thôi rồi, nói một đường làm một nẽo mới đi lạc xa như vậy... Bởi vì nói và làm đi đôi với nhau thì con đường ngắn gọn lắm, tu đức của mình nói lên tất cả, lời giảng chỉ là phụ.
Tôi nhớ cha Robert giảng trong một đám cưới ở Montréal: “Hôm nay cha không biết nói gì với các con, cha chỉ biết nhắc cho các con nhớ Chúa là tình yêu!” Bài giảng chấm dứt ngang đó. Sau thánh lễ, cha cười cười hỏi cô dâu chú rễ: “Cha giảng hay không con?” Và có lẽ đó là bài giảng mọi người nhớ lâu nhất và cũng vì cha là người sống với tình yêu này, cha là con ngựa thồ trong các trại cấm Hong Kong, giúp người tị nạn Việt Nam liên lạc với bên ngoài.