Mẹ Maria là thụ tạo xinh đẹp nhất của Thiên Chúa, là tác phẩm kỳ diệu hơn cả của Chúa Thánh Thần. Mẹ Maria không chỉ xinh đẹp về thể lý, mà xinh đẹp về mọi mặt, vì nơi Mẹ tất cả đều là ân sủng (gratia: ân sủng, duyên dáng). Mọi sự nơi Mẹ đều do Thiên Chúa ban, nên Mẹ là hiện thân của ân sủng. Mẹ là Mẹ đầy ân phúc. Nơi Mẹ, tất cả đều do ngón tay của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Thần Trí tác tạo. Chính vì thế mà Mẹ là Mẹ tuyệt mỹ.
Khi trình bày về Đức Mẹ, khoa thánh mẫu học cổ điển có khuynh hướng đề cao các nhân đức của Mẹ. Thánh mẫu học ngày nay nhấn mạnh nhiều hơn đến ân sủng, làm cho Mẹ Maria trở nên gần gũi với chúng ta hơn. Mẹ đầy ân sủng, và mỗi người chúng ta đều được Chúa ban đầy ân sủng qua phép rửa, nhưng vì không biết đón nhận, hoặc vì đón nhận không trọn vẹn mà chúng ta không được xinh đẹp như Đức Mẹ.
Theo khoa tu đức của Giáo hội Đông phương, nói tới ân sủng là nói tới Chúa Thánh Thần, Đấng vừa là một ngôi vị thần linh vừa là hồng ân của Thiên Chúa. Ngài cũng là Tình yêu của Thiên Chúa tác động trên mọi người chúng ta. Từ đó chúng ta có thể kết luận Đức Maria là người được Chúa Thánh Thần không ngừng tác động, và Mẹ cũng là người không ngừng tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mẹ là người có đời sống thuộc linh cao nhất.
Chúa Thánh Thần tác động nơi Mẹ Maria dưới khía cạnh Mẹ là trinh nữ hoàn toàn khiết tịnh: Chúa Thánh Thần không những gìn giữ cho Mẹ luôn khiết tịnh, mà còn làm cho Mẹ càng ngày càng khiết tịnh hơn, cả tâm hồn lẫn thể xác, cả tư tưởng lẫn tình cảm. Trái tim Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Trong lòng Mẹ Maria chỉ có một hình ảnh duy nhất là Thiên Chúa. Và khi Mẹ sinh Con, thì Chúa Giêsu, Con của Mẹ là hình ảnh tuyệt đối thứ hai trong trái tim Mẹ, nhưng không chia cắt tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa, mà càng làm cho tình yêu ấy nên hoàn hảo, phong phú và sâu xa hơn nữa. Tình yêu làm cho Mẹ rất thanh cao, vì Mẹ chỉ yêu một mình Thiên Chúa, và mọi thứ tình yêu khác đều nằm trong Tình yêu Thiên Chúa.
Theo Luther, Mẹ Maria là người nữ duy nhất ở trần gian không gợi ra tư tưởng vẩn đục nơi bất cứ một người đàn ông nào. Mẹ thanh khiết đến như thế, vì tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa trọn vẹn, mãnh liệt, thuần khiết.
Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Mẹ dưới khía cạnh sự thanh bần của Phúc âm: Chúa Thánh Thần lôi cuốn Mẹ Maria đến với Thiên Chúa, làm cho Mẹ hạnh phúc đến mức độ Mẹ không còn tha thiết, không còn ham muốn, không còn chờ đợi điều gì khác ngoài Thiên Chúa. Đó là mối phúc thật thứ nhất, có thể bao gồm các mối phúc thật khác trong đó: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5, 3).
Mẹ không lo lắng băn khoăn, không bận tâm bảo vệ danh dự của mình, nhưng chính Thiên Chúa bảo vệ thanh danh cho Mẹ. Đối với Mẹ, điều bận tâm lớn nhất, chính là Thiên Chúa, là Nước Trời. Mẹ là người đã chọn Nước Trời trước đã và trên hết.
Chúa Thánh Thần làm cho Đức Mẹ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu: trong biến cố Nhập Thể, ngay từ đầu Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Mẹ trở nên giống Người Con đang ngự trong lòng Mẹ. Điểm giống nhau hơn cả giữa hai Mẹ Con là “sống bằng Thánh ý của Chúa Cha” (Dt 10, 5-7 ; Ga 4, 34).
Khi chịu đóng đinh và chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã cho Mẹ Maria thông phần trọn vẹn hy tế của Người, vì biết rằng chỉ có Mẹ mới có thể cảm thông trọn vẹn với Người. Chỉ có Mẹ Maria mới có hành động, tâm tình và tư tưởng hoàn toàn giống như Chúa Giêsu. Chính Mẹ hiến dâng Chúa Giêsu, Con của Mẹ lên cho Thiên Chúa Cha. Và Mẹ thực hiện điều đó trong Chúa Thánh Thần, giống như Chúa Giêsu, Con của Mẹ, Đấng đã nhờ Thần Khí hằng hữu mà hiến mình làm lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (Dt 9, 14).
Vì đã thông phần trọn vẹn hy tế của Chúa Giêsu, nên Mẹ cũng được thông phần trọn vẹn sự Phục Sinh của Chúa, không giống như chúng ta phải chờ tới ngày quang lâm của Chúa. Mẹ được hồn xác lên trời, chính là được thông phần trọn vẹn vinh quang Phục sinh. Mẹ đã đạt được mục đích cuối cùng của cuộc đời. Mẹ trở thành Ngôi sao sáng, chiếu soi cho niềm hy vọng của chúng ta.
+Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc