Năm 1978, nhà nước cộng sản Việt Nam ra lệnh tổng động viên các thanh niên để đưa sang phục vụ nơi các chiến trường Căm-Bốt. Năm ấy, Thạnh 24 tuổi và là quí tử duy nhất trong gia đình. Như bao thanh niên khác tại Sài-Gòn, Thạnh cũng nhận lệnh nhập ngũ đúng vào lúc anh vừa ghi danh gia nhập Tập-Viện Dòng Tên. Anh đành gác lý tưởng tu dòng qua một bên để thi hành nghĩa vụ quân sự bên Căm-Bốt. Một năm sau, anh ngã gục nơi chiến trường, không phải vì cầm súng bắn quân thù nhưng vì nghĩa cử cao thượng của một thanh niên Công Giáo dâng hiến mạng sống để phục vụ anh em đồng đội. Sau đây là chứng từ về cuộc đời Thạnh do chính một bạn thân kể lại.
Ngày đó, cả hai chúng tôi cùng lên đường trình diện nhập ngũ. Thạnh buồn bã nói với tôi:
- Mình không muốn giết chết bất cứ ai. Thôi thì chúng mình ghi tên vào nhóm thiện nguyện đi khiêng các binh sĩ bị thương và chăm sóc họ.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Đơn xin của chúng tôi tức khắc chấp nhận, bởi vì, đây là công tác tràn đầy nguy hiểm. Chúng tôi phải xông pha giữa trận chiến, nơi bãi chiến, nhưng trên mình lại không mang bất cứ khí giới nào. Thạnh thường nói với tôi:
- Khí giới duy nhất chúng mình dùng là các băng-ca và tình yêu dành cho anh em.
Trong thời gian ngắn, Thạnh chiếm cảm tình của mọi người trong đội rồi cả tiểu đoàn. Các anh em binh lính khác, không biết Thạnh là ai, chỉ ghi nhận điểm son duy nhất:
- Lúc nào anh cũng tươi vui niềm nở.
Thạnh ít nói nhưng chú ý lắng nghe người khác rất nhiều. Ban tối, các bạn thường trông thấy anh lánh ra một nơi và ngồi im lặng một lúc thật lâu. Khi ấy, họ thầm nghĩ:
- Có lẽ Thạnh nhớ nhà, nhớ gia đình, nên muốn sống trong yên tĩnh riêng tư chăng!
Thật ra đó là giây phút Thạnh dành để suy gẫm và để cầu nguyện cho từng bạn đồng ngũ của mình.
Mọi người đều để ý thấy Thạnh đến bên giường các binh lính bị thương, giúp đỡ và canh thức lâu giờ trong đêm khuya vắng. Anh an ủi và khóc thương cho nỗi đau đớn của họ. Thạnh không bao giờ tỏ ra cau có khó chịu, như đôi khi thấy nơi các nhân viên y tế khác. Các binh lính bị thương cảm thấy nâng đỡ khi có Thạnh bên cạnh. Họ thổ lộ tâm tình với anh và được anh khuyến khích, cảm thông. Thạnh không bao giờ đề cập đến chính trị, cũng không nói gì đến chủ nghĩa cộng sản vô thần. Anh chỉ sống trọn tâm tình bác ái yêu thương của giáo huấn Kitô Giáo.
Tiếng đồn tốt đẹp về Thạnh bay tới tai cấp chỉ huy. Họ gọi anh đến và chỉ định anh làm trưởng ban nhóm khiêng băng-ca. Trong khi các bạn đồng ngũ - vì quá cảm phục lòng tận tụy vô bờ của anh - đổi tên anh từ Thạnh sang Lành. Từ đó anh mang tên Lành. Với anh em bị thương, Lành nói với anh em về Trời Cao để khuyến khích họ. Lành nói:
- Tôi tin rằng Trời thương tôi như người Cha yêu thương con mình!
Một ngày, đang lúc thi hành phận vụ khiêng các binh sĩ bị thương, Lành bị thương nhẹ nơi chân. Sau khi đánh trận trở về, từng người trong tiểu đoàn lần lượt đến thăm anh. Riêng Lành, anh lại lo lắng đến số phận của các anh em khác bị thương nặng hơn.
Ngày hôm sau, cả hai chúng tôi được lệnh đi khiêng và chăm sóc các binh sĩ bị thương, vì đang có trận đánh lớn. Mặc dầu phải đi cà nhắc vì vết thương nơi chân, Lành vẫn vui vẻ ra đi thi hành bổn phận. Anh xung phong tiến vào nơi nguy hiểm nhất. Bỗng chốc, một tiếng nổ long trời. Lành ngã quỵ trên xác binh sĩ bị thương mà anh đang khiêng. Chúng tôi vội chạy đến bên Lành. Không ai cầm được nước mắt. Đột nhiên, toàn thân anh rung động, Lành từ từ mở mắt ra và nói:
- Anh em hãy tha thứ ...
Lành chỉ nói được có bấy nhiêu rồi anh tắt thở.
Tin Lành qua đời lan nhanh trong toàn tiểu đoàn. Mọi người đều xúc động. Trước lời đồng thanh yêu cầu, vị chỉ huy trưởng quyết định tổ chức lễ an táng Lành thật trọng thể. Ông còn đề nghị an táng Lành theo nghi thức dành cho một đảng viên cộng sản, bởi vì, Lành đã dâng hiến mạng sống cho đồng bạn. Và để tiến hành mọi thủ tục, vị chỉ huy trưởng lấy xách đựng dụng cụ cá nhân của Lành. Ông tìm trong giấy tờ của Lành những chi tiết giúp ông có đủ bằng chứng tuyên dương công trạng. Chiếc xách của Lành chứa rất ít đồ đạc, trong đó có tờ giấy ghi địa chỉ Chuẩn-Viện dòng Tên và một tờ giấy khác ghi câu Phúc Âm:
- Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ dâng hiến mạng sống cho người mình yêu.
Sau khi đọc câu Phúc Âm trên đây, vị chỉ huy trưởng kinh ngạc, ông giận dữ nói lớn:
- A! Thạnh là một tín hữu Công Giáo!
Toàn tiểu đoàn nín thở chờ đợi. Ngừng một chút, ông lớn tiếng tuyên bố:
- Không thể được, đồng chí Thạnh là một tín hữu Công Giáo, do đó tôi không có quyền quyết định, trước khi nhận lệnh cấp trên.
Rất nhiều người trong tiểu đoàn cũng lộ vẽ ngạc nhiên. Họ hỏi nhau:
- Tín hữu Công Giáo??? Danh xưng này có nghĩa là gì???
Thấy mọi người xôn xao bàn tán, và để tỏ dấu uy quyền cũng như hiểu biết, ông chỉ huy bèn lấy tờ giấy có ghi câu Phúc Âm và lớn tiếng đọc cho tất cả đều nghe rõ:
- Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ dâng hiến mạng sống cho người mình yêu.
Lễ an táng của Thạnh đã diễn ra thật trọng thể, kể cả sự kiện mọi người được nghe đọc Phúc Âm!
Hỡi Thạnh yêu dấu. Bạn hãy an nghỉ ngàn thu.
... ”Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh THIÊN CHÚA. Anh chị em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do-thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của THIÊN CHÚA; cũng như tôi đây, trong mọi hoàn cảnh, tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm ích lợi riêng cho tôi, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ. Anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (1Cr 10,31-33/11,1).
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt