Thánh Thần

Thần Khí Chúa Ngự Xuống Trên Tôi Vì Tôi Thực  Thi Thánh Ý Ngài

Ga 14, 23-29

 
Thưa quý vị, 
 
Theo thói thường, rời bỏ nơi chốn mình quen sống với người thân, bạn bè, làng giềng là khó, tưởng chừng như cắt đứt một quãng đời, cắt đi một khúc ruột, trừ phi chúng ta ra đi vì hận thù, vì khó khăn kinh tế, chính trị. Sự kiện này khiến chúng ta thông cảm với những người di cư, lỡ bước. Những bài hát “tha hương” lúc nào cũng buồn da diết. Một bà lão gần đây nói với tôi: “Con ghét cay ghét đắng nói câu “tạm biệt”. Con thấy khó nói lắm.” Giọng của bà xem ra độc nhất, gần như chỉ mình bà cảm được điều ấy. Thực tế thì hàng triệu người trên hành tinh này hàng ngày phải chịu cảnh ly hương. Dầu vậy, tâm lý bình thường thì chẳng ai yêu thích nói tạm biệt. Người ta thường nhìn trước vào những giây phút đó với lo sợ và buồn rầu, trừ phi vì tan vỡ gia đình, mất việc, hận thù. Chúng ta biết rằng mình đang bỏ lại đằng sau một thế giới quen thuộc, một quãng đường êm đềm để bước vào tương lai bất định. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều tiền bạc, tình cảm, taì năng vào nơi chốn cũ, làm sao dứt áo ra đi? Vì thế thật đau xót khi phải vĩnh biệt! 
 
Để bù lại mất mát to lớn và tự yên ủi mình, chúng ta thường nói” see you again”. Tôi sẽ thăm ông bà, các bạn khi có thể, tôi sẽ điện cho anh, cho em, cho bố mẹ… và hàng trăm biểu hiện hứa hẹn khác, mặc dù biết đó là những lời hứa khó thực hiện. Những linh hồn yếu mềm, đa cảm thường để cho nước mắt tự do rơi, khóc cho vơi nhẹ nỗi lòng. 
 
Chúng ta hiểu được tâm trạng của Chúa Giêsu và các môn đệ trong bữa tối vĩnh biệt hôm nay. Chúng ta đang ở quãng giữa của diễn từ cuối cùng (từ chương 13-17). Những chi Chúa nói với họ thật đau xót và đầy tâm huyết. Nếu người ta có chút lương tâm chẳng thể không thông cảm với hoàn cảnh. Thực tế tính nặng nề và nghiêm trọng bao trùm toàn thể căn phòng trên lầu, nơi họ ăn bữa vượt qua cũng là bữa vĩnh biệt để chia tay. Chúa Giêsu phải hết sức bình tĩnh để an ủi các môn đệ, những người mà Ngài thương yêu đến cùng: “Thày bảo thật anh em, Thày ra đi và lại đến cùng anh em” hoặc “Thày không bỏ anh em mồ côi, Thày sẽ trở lại cùng anh em.” Hoặc “Thày ra đi để dọn chỗ cho anh em, trong nhà Cha thầy có nhiều chỗ ở”… và còn nhiều lời tương tự giống như tâm lý tôi vừa miêu tả ở trên, và còn hơn thế nữa vì giây phút này là giây phút quyết liệt. Đúng như khi chia tay, chúng ta thường cố gắng an ủi người ở lại, hứa hẹn với họ đủ điều tốt đẹp, nghĩa là vẫn luôn luôn tiếp xúc, luôn luôn hiện diện. Chúng ta làm hết sức mình để không mất đi những người yêu mến. 
 
Trong suốt 5 chương sách, thánh Gioan đã mô tả tình cảnh biệt ly của Chúa Giêsu. Chúa cố gắng hết sức để an ủi các ông, hò hẹn với các ông rằng luôn tiếp xúc với các ông (stay in touch) bằng cách sai Chúa Thánh Thần ngự xuống: “Đấng bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại những điều Thầy đã nói với anh em.” Chúa có quyền năng để làm trọn lời hứa, nhưng các ông không thể tưởng tượng nổi. Liệu ngày nay chúng ta hiểu nổi và tin tưởng vào Lời Chúa? Vì Ngài cũng nói với chúng ta như vậy trước khi về trời? Thiết nghĩ khó lắm, vì nếu chúng ta thông minh hơn các tông đồ, hẳn đã sống khác, chứ không ươn lười, tầm thường như hiện trạng: nhung lụa, tiện nghi, danh vọng, tiền bạc, miệng lưỡi. Bằng những lời hứa này, Chúa Giêsu không muốn chúng ta chỉ dựa vào ký ức về Ngài, về những lời dạy dỗ của Ngài. Vì Ngài biết các tông đồ chỉ là phàm nhân, và chúng ta cũng vậy, nên trí nhớ sẽ phải nhạt đi, có khi quên bẵng qua dòng chảy thời gian, nhất là lúc gặp khó khăn thử thách, cho nên Ngài gửi Thánh Thần xuống, để đảm bảo mọi sự cho chính xác. Không hiểu ngày nay, người ta sáng kiến nhiều cách hiểu Kinh Thánh, nhiều cách sống Phúc Âm bất chấp lời dạy dỗ của Giáo Hội, thì có phải là do Thánh Thần? Vì Thánh Thần chủ yếu ngự nơi Hội Thánh, nhất là nơi các Công Đồng! Thí dụ thần học giải phóng, thần học phi châu, á châu, giai cấp…Ngày nay người ta đòi quyền làm thần học theo ý mình. Lời hứa của Chúa Giêsu còn mang ý nghĩa nào không? 
 
Lời từ giã của Chúa Giêsu mang ý nghĩa đặc biệt: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thày ban cho anh em bình an của Thày. Thày ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi.” Ngài không nói: vui lên, mọi sự không đến nỗi tệ lắm đâu, mà nói Thày để lại bình an cho anh em. Thực tế, tình hình sẽ trở nên cay đắng cho Ngài và cho các môn đệ. Ngài sẽ bị bắt và bị giết, các môn đệ sẽ tan tác, trốn tránh. Nhưng Ngài ban cho họ bình an giữa những hỗn loạn đó và chúng ta ngày nay giữa chiến tranh, hận thù, tranh chấp kinh tế, chính trị, ý thức hệ, tôn giáo, luân lý. Liệu chúng ta có giữ được bình an, hay xao xuyến, sợ hãi vì thời cuộc? Bình an Chúa ban không phải bình an của thế gian. Nó là bình an trong tâm hồn. Bình an của một linh hồn thanh sạch, thánh thiện chứ không phải bình an vật chất hay trí tuệ. Bình an vật chất hệ tại cơm no, áo ấm, giàu sang, phú quý, an toàn kinh tế, xã hội, những thứ mà thế gian tìm kiếm, nhưng mau qua và chóng đổ vỡ. Bình an trí tuệ hệ tại thoả mãn óc tò mò, hiểu biết khoa học, chân lý. Bình an này cũng không bền vững và có giới hạn. Bình an Chúa ban không có giới hạn và bền vững mãi mãi, dầu thế giới có đổi thay và xáo trộn. Nó hệ tại một tâm hồn trong trắng sạch tội, sống bạn hữu với Thiên Chúa. Bình an làm thoả mãn hoàn toàn vì bền vững vĩnh viễn. Đó là thứ bình an của Chúa Thánh Linh trong Đức Giêsu Kitô. Bình an thế gian ban đổ vỡ khi tình hình trở nên tồi tệ, rã rời và thế giới không thể nâng đỡ lòng trí tín hữu. Sợ hãi vây bọc, tai hoạ vẫn đe doạ. Bình an của Chúa Giêsu khác hẳn. Ngài sẽ trở lại với họ, Thánh Thần sẽ kiện cường họ để đối mặt với bất cứ đe doạ nào của thế gian, ma quỷ và xác thịt, làm họ kiên vững trong lòng yêu mến, ngay cả khi đối diện với những cái chết đau đớn. Điều này đã được chứng minh suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội với biết bao vị anh hùng tử đạo. Thật là một thứ bình an chân chính và đáng khát khao. 
 
Vậy chúng ta biết rõ ngày nay, thế giới đang cần thứ bình an nào! Chúng ta không mua được thứ bình an này như mua sắm vũ khí, bom đạn, hoả tiễn tầm xa-tầm gần, xe tăng, chiến thuyền hay trên các bàn hội nghị quốc gia, quốc tế. Chỉ Thần Khí Chúa Kitô mới ban tặng được. Cho nên chúng ta cần những nhà lãnh đạo tài ba biết kính sợ Thiên Chúa. Những người hướng dẫn thiên liêng đạo đức như Giaon XXIII, Gioan Phaolô II, Têrêsa thành Calcutta. Chúng ta cần những Gandhi Mahatma, những Edmond Tutu, Luther King Jr, những Rosa Park bất chấp chiến tranh hàng ngày ở Dafur, Afgahnistan, Iraq. 
 
Chúng ta cần thần khí chữa lành để hàn gắn các rạn nứt trong Giáo Hội, Thần khí dạy chúng ta biết yêu thương như Chúa Giêsu yêu, chứ không phải như mỗi người tưởng tượng, biện minh. Chúng ta cần Thần khí ban hoà bình hoà giải trong các giáo xứ, các khu xóm đang tan nát vì tranh tụng, ghen tương, kiêu ngạo, khiêm nhường giả vờ. Chúng ta cần Thần khí đổi mới niềm tin của chúng ta vào Chúa Cứu Thế như hoàng tử hoà bình và cái nhìn về những kẻ kiến tạo bình an trên thế giới, những kẻ từ chối bạo lực để giải quyêt các xung đột quốc tế, quốc gia. Những kẻ thường bị chế giễu là nhu nhược, không tưởng trong hệ thống chính trị hiện nay. 
 
Đúng vậy, bài đọc sách Khải Huyền xem ra đầy mơ mộng khi mô tả Giêrusalem mới. Người Lamã đã phá huỷ Gierusalem cũ khoảng năm 70 Cn. Gierusalem mới không giống như vậy nữa, giả hình, độc ác, lầm lạc, đóng đinh cả Thượng Đế. Mà là một Gierusalem hoàn toàn thánh thiện, có Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài, đến nỗi ở đâu hai, ba người tụ họp nhân danh Chúa thì Ngài ở đó. Trong diễn từ hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố tương tự: “Thày và Cha Thày sẽ ngự giữa họ.” Dĩ nhiên Gierusalem mới này sẽ được nhận biết bằng tình yêu giữa các cộng đoàn dân cư và là dấu chỉ Chúa đang hiện diện với họ. Mỗi tín hữu, người yêu của Thiên Chúa là ngôi đền của Người: “Những ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày. Cha thày sẽ yêu mến kẻ ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy.” 
 
Khi nào thì Chúa Giêsu trở lại? Các tín hữu đang chịu bách hại thường hỏi như vậy. Họ mòn mỏi trông đợi Ngài trở lại để giải phóng họ khỏi tình trạng đen tối hiện tại. Cũng vậy nhiều linh hồn đau khổ từng đặt câu hỏi tương tự. Nhưng chẳng ai biết câu trả lời. Tuy nhiên lời giã từ của Chúa bảo đảm rằng Ngài sẽ trở lại và đã thực hiện đúng như vậy, khi sai Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ và Giáo Hội tiên khởi. Thần Khí này, mà Chúa gọi là Đấng Bảo Trợ, Ủi an, chính là sự hiện diện của Chúa giữa các tín hữu, để giúp chúng ta thấu hiểu lời Ngài, và đòi hỏi chúng ta phải hành xử ra sao! Phiền là chúng ta thường không nghe theo sự thúc đẩy của Thần Khí, mà thích làm theo ý muốn, rao giảng gian dối, lừa đảo thiên hạ, đến nỗi thánh Phaolô phải thốt lên: “Không hiểu thần khí nào đã thúc giục anh em!” Chúa Giêsu hứa Thiên Chúa Cha sẽ gửi Thần Khí xuống. Và như Ngài đối với các tông đồ thế nào, thì Thần Khí sẽ đối với Hội Thánh như vậy. Cho nên người ta lắng nghe Hội Thánh là lắng nghe Chúa Giêsu, vâng lời Hội Thánh là vâng lời Chúa Kitô. Chúa Giêsu chỉ dẫn phải yêu mến nhau thế nào, thì Thần Khí sẽ làm đúng như vậy, ban khả năng để yêu mến nhau. Những lời Chúa dạy dỗ có nguy cơ bị hiểu sai hoặc lãng quên, thì Thần khí sẽ mở lòng cho họ nhớ lại, cứ như vậy cho đến tận cùng thời gian, qua các thế hệ tín hữu. Cho nên giáo lý của Hội Thánh là tinh tuyền, tông truyền và phổ thông. 
 
Do đó, mặc dù chúng ta chẳng còn được trông thấy Chúa thể lý kiểu như các tông đồ quanh bàn tiệc ly, chứng kiến Ngài rửa chân cho các ông, lắng nghe bài diễn từ cuối cùng và lời hứa bảo đảm. Nhưng giã từ của Ngài là thực sự. Tuy Ngài không còn hiện diện nữa, nhưng chúng ta phải tin Ngài vẫn ở với Hội Thánh bằng hình thức khác, lúc ấy các ông không nghĩ ra được và ngày nay chúng ta vẫn còn nghi ngờ. Ngài ở với nhân loại qua Chúa Thánh Thần, tặng phẩm của Thiên Chúa Cha, đúng như lời Chúa phán. Nếu chúng ta đặt tin tưởng vào sự hiện diện của Thần Khí, thì sẽ được Ngài hướng dẫn, dạy bảo. Linh hồn sẽ được bình an bất chấp những hỗn loạn của thế gian. Giáo Hội sẽ vững chắc trên con đường thánh thiện. Nói dễ hơn làm. Bình an này chúng ta không tạo nên được do tài năng riêng của mình mà hoàn toàn cậy nhờ vào Thiên Chúa. Người ta có thể gọi đó là tặng phẩm mà cũng có thể đặt tên là gia sản của Đức Kitô, Đấng chẳng bao giờ muốn rời bỏ nhân loại. Liệu lúc này chúng ta có sẵn sàng mở rộng lòng mình đón nhận Thần Khí Chúa? Nói thì dễ nhưng làm khó lắm! Bao nhiêu linh hồn nói rồi đấy, nhưng chẳng mấy ai làm! Nếu thực sự làm thì người ta chẳng còn tầm thường như hiện trạng. Chúng ta cầu xin Thánh Thể uốn nắn tâm trí mình trong thánh lễ này, ngõ hầu giúp chúng ta thực sự sống đức tin cho đến lễ Năm Mươi. 
 
Chúa phục sinh thực sự hiện diện với chúng ta hôm nay trên bàn thờ, giống như Ngài hiện diện xưa trong bữa tiệc ly, chỉ có khác ở thể thức. Bữa ăn chúng ta chia sẻ chính là Mình Máu Ngài. Mình Máu ấy cũng giữ chúng ta ở lại trong lời hứa. Thánh Thần sẽ ban cho mỗi người ký ức sống động về Chúa Giêsu, về lời hứa của Ngài. Không phải ký ức đã qua từ lâu lắm, nhưng là Chúa Giêsu hiên diện, hướng dẫn, ủi an mọi người cho kiếp sống muôn thủa. Amen. Alleluia. 
 
Lm. Jude Siciliano, OP.